Thứ 5, 02/10/2014, 12:46 (GMT+7) Đường dây nóng : (04) 39364407(116) - 091.2011.882
Dân làng Yên Sở chống ngoại xâm
13/05/2014 15:09
Yên Sở là một làng cổ ngoại thành Hà Nội, có tên Nôm là làng Giá Lụa, hay Giá Dừa (Kẻ Giá), tên cũ là Cổ Sở. Yên Sở ngay từ thế kỷ VI đã nổi tiếng, bởi nơi đây đã sinh ra một vị tướng tài giỏi Lý Phục Man từng phò giúp vua Lý Nam Đế. Ông đã chỉ huy đội quân làng Giá và nhân dân dọc sông Đáy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa do Lý Bí khởi xướng đánh đuổi quân xâm lược của triều Lương, Trung Quốc. Trong nhiều trận chiến ác liệt, ông lập được công lớn, được Lý Bí phong làm Đại tướng trấn thủ một vùng rộng lớn từ Đường Lâm đến Đỗ Động (nay thuộc hai huyện Phúc Thọ và Ba Vì, Hà Nội).
Trang chữ Hán viết về chiến thắng quân Nguyên tại làng Cổ Sở, trong sách Đại Việt sử ký toàn thư.
Năm Quý Hợi (543), quân nước Lâm Ấp nhiều lần xâm lấn, cướp phá vùng biên phía Nam của nước ta, gồm các quận Nhật Nam, Cửu Đức (nay là Nghệ An, Hà Tĩnh). Lý Phục Man được cử đi đánh dẹp, trong thời gian ngắn ông đã ca khúc khải hoàn, báo lên nhà vua. Lý Nam Đế rất mừng vì ông đã ngăn chặn được giặc dữ, bảo vệ bình yên biên cương phía Nam. Nhà vua đã gả con gái của mình cho ông và ban cho quốc tính (họ Lê) và cho tước hiệu là Phục Man tướng quân (với nghĩa là vị tướng hàng phục được giặc Man). Năm 545, sau khi Lý Bí thành lập Nhà nước Vạn Xuân, đặt niên hiệu Thiên Đức được một năm, triều Lương tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, nhằm khôi phục lại đất Giao Châu mà chúng rêu rao là "thuộc quốc cũ". Lý Phục Man tham gia chỉ huy nhiều trận đánh lớn và đã hy sinh anh dũng. Ông được triều đình cùng dân làng đưa về an táng tại bến Hồ Mã (còn gọi là bến Ngọc Tân) bên dòng sông Cổ Sở (đoạn sông Đáy chảy qua làng Cổ Sở cũ). Nhân dân làng Yên Sở và các làng dọc sông Đáy lập đến 19 đền thờ ông. Ngôi đình Yên Sở thường gọi là Đình Giá, hay Quán Giá nơi thờ vợ chồng Lý Phục Man, tương truyền được khởi dựng từ thế kỷ XI. Hiện tại, trong đình Giá còn 5 tấm bia soạn vào thế kỷ XVII, XVIII, đầu thế kỷ XIX, viết về việc trùng tu lại đền, ca ngợi sự nghiệp của Lý Phục Man. Lễ hội rước ở Đình Giá vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm trước kia nổi tiếng khắp vùng, được dân gian ca ngợi là "Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy…" hoặc "Nhớ ngày mồng 7 tháng Ba. Trở về Hội Giá, trở ra Hội Thầy".

Vào những thế kỷ sau, dân làng Yên Sở lại tiếp tục phát huy truyền thống đánh giặc anh dũng, nổi bật nhất là trong cuộc chiến đấu chống giặc Mông - Nguyên thế kỷ XIII.

Quân Mông Cổ sau khi bình định được Vân Nam đã thực hiện ý đồ xâm lược Đại Việt lần thứ nhất năm 1258 với sự chuẩn bị rất chu đáo cả về binh lực và hậu cần. Vương triều Trần đã sớm cảnh giác, cho lập những phòng tuyến ngăn chặn địch và tiến hành các trận đánh tiêu diệt tại Lạng Sơn, Bình Lệ Nguyên (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Để tránh tổn thất lực lượng trước thế mạnh của quân địch, vua quan nhà Trần đã chủ động rút lui, thực hiện kế "thanh dã" (vườn không nhà trống). Khi vào được Thăng Long, quân Mông Cổ đã đốt phá kinh thành, đồng thời tàn sát hàng loạt dân thường. Tuy vậy, chúng không được yên ổn trong những ngày tạm chiếm tại đây. Quân dân triều Trần thường xuyên quấy rối, làm cho quân địch "ăn không ngon, ngủ không yên". Mặt khác, do khí hậu khắc nghiệt, không có hậu cần tiếp tế, nên quân Mông Cổ luôn phải lùng sục ra các làng xã lân cận, tìm kiếm lương thảo duy trì sự sống. Nhưng chúng luôn gặp phải sự chống trả quyết liệt của dân chúng các làng xung quanh kinh thành.

Làng Cổ Sở (Kẻ Giá) nhỏ bé, cách Thăng Long không đến vài chục cây số, có vị trí địa lý quân sự quan trọng trên con đường giao thông huyết mạch từ Thăng Long qua bến Giá lên Xứ Đoài (Sơn Tây). Dân làng Giá đã thể hiện truyền thống đánh giặc gan dạ, dũng cảm của quê hương, đoàn kết chiến đấu, bám đất bám làng, đánh tan các cuộc càn quét cướp bóc, khiến kẻ địch không lấy được lương thực mà phải đại bại, bỏ chạy. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã chép về trận chiến của nhân dân Cổ Sở như sau: "Khoảng niên hiệu Nguyên Phong (1251-1258) đời Trần, người Thát Đát (bộ tộc Mông Cổ, chỉ quân Mông - Nguyên) vào cướp, đi đến địa phương này (Cổ Sở), ngựa khuỵu chân không đi được, người trong thôn dẫn dân chúng ra chống đánh, chém được đầu giặc, giặc chạy tan". Dân quân Cổ Sở đã dùng những vũ khí thô sơ như chông tre, dáo mác và những cách đánh mưu trí, sáng tạo làm cho kẻ địch có sở trường về ngựa chiến phải thua trận. Giới nghiên cứu quân sự và lịch sử hiện đại cho đến nay vẫn không hiểu bằng cách nào mà dân làng Giá đã khiến ngựa của quân địch ngã khuỵu chân, không thể đi được?

Cuộc phản kích thắng lợi của quân dân triều Trần tại Đông Bộ Đầu, đã chấm dứt 9 ngày tạm chiếm Thăng Long vô cùng khốn khổ của quân địch, đồng thời cũng đánh dấu thất bại thảm hại cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ nhất của Mông - Nguyên.

Tuy đã bị thua đau, phải bỏ chạy về phương Bắc, nhưng những kẻ cầm đầu triều đình Mông - Nguyên chưa chịu từ bỏ mộng bành trướng. Vào thập niên 80 của thế kỷ XIII, sau khi đã chấn chỉnh xong nội loạn, tiêu diệt Nam Tống, thành lập triều Nguyên, các vua của Mông - Nguyên lại rắp tâm thôn tính Đại Việt. Với trên nửa triệu quân, triều Nguyên tiếp tục lần thứ hai mở cuộc chiến tranh xâm lược đại quy mô xuống phương Nam. Trong giai đoạn đầu cuộc chiến, vua quan nhà Trần cũng chủ động rút lui khỏi kinh thành, quân Nguyên lại tạm chiếm được Thăng Long - một tòa thành trống rỗng. Quân địch tiến hành cướp bóc khắp nơi, vùng Kẻ Giá gần kinh thành cũng không tránh khỏi sự nhòm nhó, xâm chiếm của chúng. Nhưng làng Giá nhỏ bé, vẫn kiên cường, quân Nguyên không thể vào được để chiếm đoạt lương thực và tàn sát dân chúng. Các sử thần đã phải kinh ngạc về hiện tượng trụ vững của dân làng Giá trước một kẻ thù hung dữ, tàn bạo: "Khoảng năm trùng Hưng (1285-1293) [Thát Đát] lại vào cướp, đến đâu cũng đốt phá, mà ấp ấy (Cổ Sở) vẫn như được che chở, không bị mảy may xâm phạm".

Trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên, với vai trò tự quản chặt chẽ, tính cố kết truyền thống, tinh thần yêu nước nồng nàn, dân làng Cổ Sở đã tập hợp được lực lượng, đoàn kết xây dựng thành một "pháo đài bất khả xâm phạm", đóng góp tích cực vào chiến thắng của quân dân triều Trần. Các nhà sử học hiện đại đã đánh giá cao vai trò của dân làng Giá ở thế kỷ XIII như sau: "Chiến công hào hùng của dân làng Giá đã góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc và chứng tỏ sức mạnh to lớn của một làng chiến đấu truyền thống Việt Nam".

TS. Nguyễn Hữu Tâm

Bình luận
Gửi bình luận của bạn:
Liên kết hữu ích