Theo ghi nhận một ngày cuối tuần giáp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, chợ Đông Kinh vẫn đông kín người, nhưng nhu cầu mua sắm đã giảm hẳn, chủ yếu là đi chơi, đi xem hàng hoá.
Ngược từ Đền Mẫu về TP Lạng Sơn, vừa đến đầu đường rẽ vào chợ Đông Kinh, chúng tôi bắt gặp rất nhiều xe ôtô của các tỉnh như Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hoá… đỗ ngổn ngang đợi khách vào chợ.
|
Chợ Đông Kinh đã thưa người mua sắm. Ảnh minh họa. |
Ngay ngoài cổng, la liệt các hàng quần áo "đại hạ giá" đổ đống bên vệ đường với những biển hiệu "Com lê 50.000đ" tuy nhiên, người tiêu dùng không mặn mà lắm với hàng hạ giá. Chị Tân Minh, công tác tại Hà Nội cho biết: "Giá có rẻ thật, nhưng áo com lê này lỗi mốt quá nên không mua". Rất nhiều quần áo hạ giá nhưng đa số là đồ lỗi mốt, hàng tồn từ những năm trước được bày bán ngay ngoài chợ, nhưng người tiêu dùng rất thờ ơ.
Sang quầy hàng điện tử, khách vào xem rất đông, nhưng cũng vẫn hỏi giá là chính. Trước đây, điện tử là mặt hàng bán chạy nhất ở chợ Đông Kinh cũng như Tân Thanh của Lạng Sơn.
Những chiếc tivi của Trung Quốc sản xuất giá năm nay rẻ hơn năm trước từ 500 nghìn đến hơn 1 triệu đồng/chiếc (tuỳ loại, tuỳ màn hình). Tuy nhiên, điều đó cũng không khiến sức tiêu thụ mạnh như trước đây. Đầu DVD, máy nghe nhạc, loa, âm li… có xuất xứ từ Trung Quốc giá thành đều hạ nhưng cũng vắng bóng người mua.
Khu vực bán quần áo được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất. Quần áo đủ loại, từ áo phao, áo da, áo gió, quần bò… với màu sắc khá bắt mắt nhưng chủ hàng phát giá rất "trên trời".
|
Mặc cả thật khéo nếu không sẽ bị "hớ". Ảnh minh họa |
Một chiếc áo phao nữ, kiểu cách đơn giản mà chủ hàng hét giá 500 nghìn đồng, mặc cả xuống còn 150 nghìn tưởng sẽ bị "đuổi khéo", nào ngờ chủ hàng bán luôn. Tưởng mình mua hớ, bớt thêm 10 nghìn, sau một hồi nài nỉ, chủ hàng gật đầu. Áo da nam có loại chủ hàng phát giá 2 triệu đồng, nhưng khách mặc cả 800 nghìn đồng cũng bán.
Sang khu vực bán đồ điện gia dụng cũng vậy. Một chiếc nồi lẩu điện của hãng Media ở Hà Nội có giá 280.000đ, nhưng ở chợ Đông Kinh hét giá 350 nghìn đồng. Sau một hồi mặc cả, người kinh doanh đã bán với giá 250 nghìn đồng.
Một chiếc máy xay sinh tố ghi nhãn hiệu Philip,… nhưng chỉ có giá 300 nghìn đồng. Xem qua chiếc máy này thì đây rõ ràng là hàng nhái, nhưng giá vẫn đắt. Chị Thuỳ Dương, một khách hàng từ Hà Nội lên cảnh báo: "Tôi đã từng mua chiếc máy này vài năm trước, nhưng tuổi thọ của nó rất ngắn". Theo chị Dương thì năm nào cơ quan chị cũng tổ chức cho cán bộ, nhân viên đi Lạng Sơn và ai cũng mua sắm hàng triệu tiền hàng. Nhưng có những vật dụng mua về đến nay chưa bao giờ động đến, hoặc hỏng hóc không đổi được rất lãng phí.
Hàng hoá nhiều, khách chen chúc nhưng sức mua sụt giảm, không còn là "thiên đường mua sắm" như trước nữa… là những gì ghi nhận được ở chợ Đông Kinh vào những ngày giáp Tết Kỷ Sửu.
Theo Công an nhân dân