Di chỉ núi Nấp chứng minh một làng chạ xa xưa ở đây tồn lại lâu đời từ cuối đồng thau sang sắt sớm, theo phân kỳ khảo cổ học tức là cuối Hùng Vương qua An Dương Vương sang đầu công nguyên. Một khu mộ táng, khảo cổ phát hiện được 18 bộ xương. Người bấy giờ tầm vóc cao lớn, vòm mắt sâu, gieo trồng lúa nước, vũ khí phong phú bằng đồng, lẫn đồ sắt, công cụ khác, có nhiều đồ đá. Di chỉ núi Nấp ở gần các di chỉ núi Voi, cồn Cấu, đồng Ngầm... cư trú dày đặc bên bờ nam sông Mã và tất cả đều có quan hệ thân thiết bà con, xóm giềng với nhau.
Chắc chắn cư dân núi Nấp (228 năm sau Công nguyên) có mặt trong cuộc khởi nghĩa năm 40 của Hai Bà Trưng và có thể khi bộ tướng Mã Viện truy sát tận Cửu Chân họ không tránh khỏi bị mất mát ít nhiều. Những cư dân còn sống sót tiếp tục tồn tại vùng núi non bấy giờ rất hiểm trở này, rồi không thể qua khởi nghĩa Bà Triệu, họ thành làng chạ khác, với địa danh Hán hóa An Hoạch sơn. Thời phong kiến chống Bắc thuộc, làng chạ An Hoạch phát triển trong chừng mực nhất định, chính quyền cai trị hạn chế đồ sắt, nền văn hóa đồ đá phát huy truyền thống Núi Đọ ba, bốn mươi vạn năm trước càng phong phú, rực rỡ hơn. Thế kỷ III – IV đồ đá núi An Hoạch, trong đó loại hình khánh đá nổi tiếng kêu vang tận Trung Quốc, khiến Vạn Ninh thái thú Châu Dự thời nhà Tấn phải sai thợ đục núi chọn loại đá đẹp nhất tốt nhất làm khánh để chở về nước dùng mặc dù đường sá cách trở xa xôi muôn nghìn dặm.
Thời Đinh – Lê, An Hoạch thuộc giáp Bối Lý do Lê Lương cai quản. Ông xây 3 ngôi chùa: Minh Nghiêm, Trinh Nghiêm, Hương Nghiêm, Minh Nghiêm, Trinh Nghiêm đã mất từ lâu. Hương Nghiêm hiện còn, đời Trần nhân dân Phủ Lý Trung phụ thờ nhà sử học lớn Lê Văn Hưu, dân gian thường gọi “Chùa ông Hưu”.
Thái úy Lý Thường Kiệt gốc người Thanh Hóa, tên chính Ngô Tuấn, cha là Ngô Mân ra ở bãi Phúc Xá, sông Hồng. Đời Lý Nhân tông phong một ấp ở Thanh Hóa để thưởng công lao to lớn chống giặc nhà Tống cho Lý Thường Kiệt. Ông mến cảnh An Hoạch sơn chọn đất tốt, ngắm địa hình, dựng chùa dưới chân núi, đặt tên Báo Ân tự để báo đền ơn vua, hoàn thành năm Canh Thìn (1.100). Bài văn bia chùa Báo Ân do nhà sư Chu Văn Thường viết có đoạn mô tả cảnh thiền gia: “Mái trường rực rỡ là một sớm nét đan thanh điểm xuyết, trăm năm khí tượng, mãi mãi thơm tho. Phía trước hướng về phương Nam, giáp huyện Cổ Chiến (Tĩnh Gia), đồng ruộng san sát, xanh tốt san sát như mây. Phía sau liền gò Tường Phượng, bên cạnh gò Bạch Long, dòng sông trong chảy ngang (sông Nấp) hình thành một giải. Bên tả thông tới cõi Ngung Di (giáp biển) trong khoảng giới hạn cách ngăn, xa vén cõi phù tang (ngoài biển Đông) tiếp đón ánh sáng mai mặt trời mới mọc. Bên hữu suốt tới đò Muội Cốc (phía tây), trấn áp ngọn núi cao, tiễn ánh tà dương thoáng lướt qua khe cửa. Gò đá cửa ngoài, hai bóng vút cao chóp núi. Hoa thơm bên suối, xa xa phảng phất hương nồng...” (thơ văn Lý Trần tập I, NXB Khoa học xã hội).
Thời Lê An Hoạch là xã An Hoạch gồm nhiều thôn địa phận xã Đông Hưng và Đông Tân ngày nay. Thời Nguyễn xã An Hoạch có các làng: Thôn Thượng (Nhồi Thượng) thôn Nhuệ, thôn Quảng Nạp (Nấp), thôn Đống (có núi Đống), thôn Thọ Vực (có núi Vức) (Theo Đồng Khánh Địa dư chí). Thanh Hóa Kỷ Thắng của Vương Duy Trinh (Bản dịch của Hoàng Tuấn Công) viết:
“Núi An Hoạch tại tổng Quảng Chiếu, xã An Hoạch, đá núi cực đẹp. Sách Quảng dư chí nói rằng: Đời Tấn quan Thái Thú Dự Châu là Phạm Ninh thường lấy đá núi ở đây làm khánh.
“Núi có hai ngọn: một tên là Khiết ở thôn Nhuệ. Núi có động rộng ước đến nhiều trượng. Nhân động mà làm chùa bên trong thờ Quan Thánh đế quân. Phía tả bày hai tướng của Quan công, phía hữu bày tượng của Mãn quận Công, đều tạc vào đá cả. Bên trên có 4 chữ: “Thiên cổ vĩ nhân”. Phía trước chùa trên vách đá có khắc một chữ “Thần” rất lớn, treo một chiếc chuông đồng cổ, cao 30 thước. Lại có hồ bán nguyệt trồng hoa sen hồng. Chùa ở bên hữu. Lên đến khoảng hơn 100 bước có một cái động nhỏ gọi là Lưu Ly điện. Phía trái chùa khoảng 450 bước có núi tên là Hinh Sơn cổ tự.
Bên tả núi ấy, đá núi đã bị lấy mất gần hết, chỉ còn lại một trụ đá cao 100 thước làm cột mốc. Đó là Thạch Trụ (trụ đá). Xa hơn, khoảng chừng 50 – 60 bước có một hang đá sâu hơn 100 trượng. Người xưa nói:
“Cân phủ nhược phi nhân tích đáo, lư đồng thùy biện hóa công huyền” (Không có vết tích búa rìu của con người để lại, ai có thể phân biệt được cái lò đồng kỳ diệu của hóa công). Thành Thái năm thứ 7, Đốc quận Hà Đình Nguyễn Thuật đề trên trụ đá rằng: “Kiệt nhiên trung trĩ” (Vòi vọi giữa đất trời). Mãn quận công là người thôn Nhuệ, đời Lê Cảnh Hưng vào làm cung giám. Khi coi sóc việc quân ở bên ngoài, bình hải tặc (cướp biển) lập công lớn, được phong Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Đại tư đồ, tước quận công. Ông được về lĩnh nhiệm bản trấn quê nhà nên thường lên núi dạo chơi, xây dựng chùa ở đó, lại dựng sinh từ cho mình. Thuần Trung hầu Diên Hà Lê Quý Đôn có làm văn bia rằng: (Chỉ giới thiệu phần dịch nghĩa)
“Nửa vách chắn ngang trời, một động đục thông lối tắt. Đứng xa trông lại, chuông chùa, trống viện, so cao cùng núi lớn. Đến gần nhìn ngắm, mặt sắt mình vàng sánh với trời mây. Có lúc xe hoa vành đỏ, nỗi niềm dạo bước quanh co dưới phố, là lúc tướng công để mắt tìm thấy cảnh đẹp nơi ấy. Gà thôn, lúa làng la liệt như chiếu trải trước mặt, chính là chốn tướng công ẩn mình thuở trước. Có tướng công hình hài huyết mạch núi này hợp thành một thể. Có núi này mà đức nghiệp huân danh của tướng công lưu truyền vạn đại.” (Bản dịch Hoàng Tuấn Công theo bản khắc chữ Nho năm 1905, chưa xuất bản).
An Hoạch sơn (Nhồi) trên đỉnh nhô lên ba hòn đá, một hòn cao, hai hòn thấp, khoảng cách biệt đáng kể, không ai thấy ý nghĩa gì, người ta theo trí tưởng tượng của mình gọi là núi Ba Cọc (Thô thiển), núi Ba Cô (vô nghĩa). Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán đời Tự Đức chép: “Núi An Hoạch có tên là núi Khế, lại có tên nữa là Khế Sơn (...) sắc đá trắng mịn, tiếng đá vang trong, có thể dùng làm khí dụng như chiêng, khánh, bia kệ vv... Xét Đại Thanh nhất thống chí (Trung Quốc) chép núi An Hoạch sản xuất thứ đá tốt. Phạm Ninh là Thái thú Châu Dự nhà Tấn thường sai người lấy đá làm khánh, tức là núi này. Chân núi nổi lên ngọn nhỏ, nhọn hoắt, đứng riêng một mình, bên cạnh có đền thờ thần Cao Sơn, lại có chùa”...
Xét Thanh Hóa kỷ thắng, Vương Duy Trinh là nhà du khảo kể lại chính xác và tỷ mỉ những nơi mình đã đến tham quan khu danh lam thắng tích An Hoạch sơn. Và danh sơn An Hoạch đã được chép thống nhất trong sách vở từ xưa, còn núi Nhồi chỉ là tên dân gian. Sau kháng chiến chống Mỹ, năm 1980, người làng đưa tôi đi tham quan một số núi non, hang động nổi tiếng tỉnh nhà, trèo lên tận chỗ “Ba Cô – Ba Cọc” xem thế nào, sau này đọc Thanh Hóa kỷ thắng thấy Vương Duy Trinh hoàn toàn đúng. Đá trên đỉnh An Hoạch sơn nhiều khối đá rất đẹp, người thợ đá theo lệnh kẻ quyền thế lấy để dùng, nhưng đã có ý thức giữ lại một vài hòn đá để đánh dấu chỗ cao nhất. Tác giả viết: “Bên tả núi ấy đá đã bị lấy mất gần hết, chỉ còn một trụ đá cao 100 thước (40m) làm cột mốc... Đó là Thạch trụ”. Ông lại mượn một danh ngôn xưa để bình giải: Không có vết tích búa rìu người thợ lấy đá để lại, ai phân biệt được đó là cái lò đồng kỳ diệu của hóa công hay do con người tạo hóa. Đúng! Vì không phân biệt được, người đời tưởng tượng Ba Cô, Ba Cọc, có người bịa ra hòn đá Vọng Phu dựa theo truyện cổ dân gian!
Hòn núi rất xinh khéo, thấp nhỏ đứng riêng biệt một mình cũng bị lấy đá làm cho đền Cao Sơn đại vương có mấy pho tượng đá rất đẹp, đều hư hỏng nhiều, gần đây mới được khôi phục. Chùa Quan Thánh gần như còn nguyên vẹn, chỉ tiếc hồ bán nguyệt thả sen hồng đã bị vùi lấp từ lâu. Chiếc chuông đồng cổ treo trên mái đá lửng lơ như một kỳ công tạo hóa. Đời Tự Đức, Trương Quang Lâm làm thơ ca ngợi núi An Hoạch, có câu chữ Hán nổi tiếng: Dịch “Khánh tạc bao năm truyền chuyện cũ, chuông ngân một tiếng vọng đêm trường”. Hòn Thạnh Trụ còn gọi Thiên Trụ (cột chống trời). Nguyễn Đôn Dự vịnh thơ:
“Hỡi ông cao ngất đứng trên ngàn – Liệu có tình chi với thế gian? Sớm tối chỉ trông mây với gió – Non sông nào biết mất hay còn! Dại khôn mặc quách phường nô lệ - Sống chết thây trời lũ dã man! Đứng đó làm chi mà đứng mãi? Hay là trong bụng vẫn lo toan...” Bài thơ được truyền bá rất nhanh chóng và nhiều người làm thơ họa lại. Chính quyền Pháp phát hiện tác giả là yếu nhân của phong trào Đông du, bắt ông đày ra Côn Đảo. Nhưng tiếng vang bài thơ càng vang xa hơn, cổ động mạnh mẽ phong trào yêu nước chống Pháp.
Thanh Hóa có truyền thống chế tác đồ đá từ nhiều vạn năm trước. Làng xã An Hoạch kế tục làng chạ núi Nấp thời Hùng Vương – An Dương Vương. Các đền chùa lăng miếu nổi tiếng trong tỉnh về kiến trúc đá đều có dấu vết bàn tay nghệ thuật của thợ đá An Hoạch sơn. Nghệ thuật điêu khắc đá An Hoạch truyền vào Quảng Nam thế kỷ XV, lập lên một làng thợ đá Ngũ Hành Sơn chế tác những tác phẩm điêu khắc mỹ thuật mỹ nghệ được nhân dân trong và ngoài nước đánh giá cao.
Gửi ý kiến của bạn