Nguyễn Doãn Minh 16/07/2014
Năm 2013, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tiến hành phiên bản bằng chất liệu thạch cao 10 mảng chạm khắc tại đình làng Phong Cốc đúng dịp đình Phong Cốc trùng tu. Đây là 10 trong số nhiều bức chạm tiêu biểu, không chỉ góp phần phản ánh nghệ thuật điêu khắc đình làng, mà còn góp phần phản ánh những khía cạnh khác trong đời sống của cư dân Phong Cốc cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII.
Ngôi đình là trung tâm của làng xã. Mọi sinh hoạt văn hóa, chính trị, những quyết định quan trọng liên quan đến sự hưng thịnh của một làng đều bắt nguồn từ ngôi đình. Đình Phong Cốc không nằm ngoài đặc điểm này. Ngày nay, chợ làng Phong Cốc vẫn họp phía trước nghi môn, ngay sát con sông chảy ngang trước đình. Một vị trí giao thương thuận lợi của cư dân Phong Cốc từ xưa cho đến ngày nay.
Chạm khắc trên kẻ và ván dong đình Phong Cốc
Đình làng Phong Cốc thuộc phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ngôi đình tọa lạc trên một cuộc đất cao, trước mặt có con sông Dái Nhện chảy ngang, tạo cho ngôi đình có được thế “Nhà trên ao dưới”, theo quan niệm phong thủy là thế “cát địa” (đất tốt). Bốn chữ Hán đề “Phong Cốc công đình” cho biết đây là ngôi đình chung (công) của làng Phong Cốc. Kiến trúc mặt bằng ngôi đình có quy mô vào loại lớn nhất miền Bắc, diện tích lên tới 5.200m2, với các hạng mục: nghi môn, sân đình, tiền tế (7 gian, 2 chái); đại bái (5 gian, 2 chái); hậu cung (1 gian ngang, 2 gian dọc).
Không chỉ có quy mô kiến trúc, mặt bằng lớn, đình Phong Cốc còn lưu giữ được hệ thống bức chạm khắc đẹp, độc đáo. Chúng góp phần phản ánh trình độ chạm khắc của nghệ nhân dân gian, trình độ thẩm mỹ của chủ nhân ngôi đình, của cư dân Phong Cốc cuối thời Lê Trung Hưng.
Cũng như bao ngôi đình thuộc châu thổ Bắc Bộ Việt Nam, đề tài chạm khắc trên kiến trúc đình làng thường tập trung vào 3 chủ đề, cũng là quan niệm về vũ trụ gồm: Tam tài (Trời, Đất, Người). Chủ đề về Trời và Đất thường được diễn tả qua sự hòa hợp, đối đãi âm - dương (giữa đất mẹ và trời cha) với các đề tài tiên, rồng. Hình ảnh Tiên nữ cưỡi Rồng được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là sự hòa hợp âm dương với ước mong phồn thực, sinh sôi nảy nở. Cũng có ý kiến cho rằng hình ảnh Tiên nữ cưỡi Rồng là sự phản ánh bối cảnh xã hội phong kiến đương thời1.
Hình ảnh/ đề tài Tiên nữ cưỡi phượng, hoàng có thể là một hình ảnh tiêu biểu của đình Phong Cốc. Bức chạm dạng phù điêu trên xà nách nếp nhà tiền tế, với 2 tiên nữ cưỡi trên lưng 2 con chim. Bộ lông con bên phải được thể hiện có phần chi tiết, sặc sỡ mang đặc trưng của một con trống - con chim phượng2. Mỏ chim phượng đang ngậm một cọng lá hướng về phía con bên trái - con mái/ con chim hoàng. Qua đặc điểm, cử chỉ, động tác mỗi con như thể chúng đang tình tứ “giao duyên”.
Tiên nữ cưỡi phượng hoàng, đình Phong Cốc
Sự hòa hợp thoáng gợi lên ý niệm cộng sinh khi ta bắt gặp một đề tài khác là: nghê, chim và hoa sen. Với kỹ thuật chạm lộng nổi khối lấy nền, hai con nghê được tạo trong tư thế phủ phục, thân hướng về hai phía, đầu ngoảnh lại vắt lên lưng. Khoảng giữa mông 2 con là hình hoa sen cách điệu, đặt trên một khay gỗ. Khay được tạo giật cấp, chân quỳ. Trong lòng mỗi con nghê có những chú nghê con đang quấn quýt. Trên đầu mỗi con nghê có 1 con chim. Sự kết hợp như muốn phản ánh giữa thực và hư. Nghê là con vật linh được hình thành qua thời gian và trí tưởng tượng của con người. Nghê đang chầu bên hoa sen, phải chăng mang ý nghĩa bảo vệ và kiểm soát để cho hương sen vi diệu tỏa ngát, giáo hóa, gột rửa bớt bụi trần trong tâm hồn kẻ hành hương. Đối lập với sự tĩnh lặng của hoa sen và nghê là sự sinh động qua hình ảnh những chú nghê con đang đùa nghịch dưới chân 2 con nghê lớn phía trên. Đặc biệt là hình ảnh hai chú chim đang đậu trên đầu mỗi con nghê. Nếu con bên phải đang xòe cánh, đầu chúi xuống, mỏ đặt vào đầu mũi con nghê, thì con bên trái đang xòe cánh đầu ngẩng cao, hai chân như thể cố ghìm xuống để đứng cho vững. Hình ảnh giữa chim và nghê khiến chúng ta liên tưởng về sự “cộng sinh” của những chú chim ăn những côn trùng ký sinh trên những động vật mà những thước phim về đề tài “Thiên nhiên hoang dã” cung cấp. Hình ảnh đó lưu giữ trong ký ức tuổi thơ của nhiều người, khi quần cộc, đùi đen chăn trâu, cắt cỏ, thả diều bên triền đê, bắt gặp những con chim đậu trên lưng những con trâu, con bò. Đề tài nghê chầu hoa sen khá phổ biến, nhưng chủ yếu được thể hiện hình nghê trong tư thế ngồi chầu vào nhau như bức chạm của đình Chu Quyến, đình Liên Hiệp, đình Hoàng Xá… Với cách thể hiện đề tài nghê, chim và hoa sen trên đã góp thêm một cách thể hiện không kém phần độc đáo.
Bức chạm chuẩn bị tranh tài, đình Phong Cốc
Mảng chạm nghê, chim và hoa sen, đình Phong Cốc
Đề tài phản ánh về con người ở đây không nhiều “Chuẩn bị tranh tài (hay chuẩn bị giao đấu)” là bức chạm với khối hình chia làm 2 lớp: Lớp sau, trung tâm là hình một con hổ, chỉ gồm đầu ngực và hai chân trước, trong tư thế ngồi; Lớp phía trước, bên phải là hình người đội mũ, áo vải đeo kiếm, cưỡi ngựa, tay trái cầm cương, tay phải trong tư thế giơ lên; đăng đối qua trung tâm là hình người đội mũ vải, tay trong thế nắm quyền, cưỡi nghê. Hai nhân vật cùng các con vật đều nhìn thẳng ra phía trước. Có thể đây là khung cảnh trước khi giao đấu/ thi tài. Hai nhân vật đang làm các động tác/ thủ tục như “xe đài” trong đấu vật. Hình tượng hổ xuất hiện ở đây có sự tương đồng với hình tượng hổ trong “Đá cầu” của đình Thổ Tang, đó là sự tượng trưng cho sức mạnh, tinh thần thượng võ. Sự diễn đạt nhân vật, con vật trong mảng chạm tạo ra cảm giác yên lặng có phần nghiêm trang. Các đường nét hình khối được khắc họa mạch lạc. Đây hẳn là một cách thức chọn người tài, giỏi, có sức khỏe qua thi đấu (đấu kiếm, đấu vật…) vẫn khá phổ biến trong xã hội khi đó.
Cảnh sinh hoạt ở làng là hình ảnh hai tiên nữ ngồi trên lưng 2 con sư tử dẫn đầu, tiếp đến là hình tiên nữ với đôi cánh xòe rộng ngồi trên lưng hổ cùng các hình ảnh chọi gà, đấu vật… dẫn dắt ta vào một khung cảnh hội làng, thì hình người bắn súng, người cưỡi voi, người cưỡi ngựa, người cầm xâu tiên cùng một số nhân vật khác…, khiến ta hình dung và liên tưởng đến những sinh hoạt thường nhật của người dân Phong Cốc khi đó như đi săn, chạy chợ… Nhịp điệu của bức chạm như được tăng dần qua cách bố cục sắp xếp những khối hình, từ to - thưa đến nhỏ - dầy; từ khoáng đạt đến chi tiết…. Và sắc màu như được tạo ra khi ánh sáng của tự nhiên cùng đèn nến bắt vào những vị trí khác nhau trên những khối hình cao thấp, lồi lõm, dày mỏng của bức chạm… Chính nhịp điệu trên cùng những khối hình mạch lạc, chắc khỏe và sắc màu tối sáng đó đã lột tả và chuyển tải được sự sinh động nhộn nhịp của khung cảnh sinh hoạt của làng quê Phong Cốc xưa.
Những mảng chạm khắc trên đây, tuy chưa phải là tất cả, chưa phản ánh đủ đầy trình độ chạm khắc của những người nghệ nhân dân gian cũng như trình độ thẩm mỹ của chủ nhân ngôi đình, của cư dân Phong Cốc xưa, nhưng chắc chắn đây là những mảng chạm tiêu biểu với những đề tài độc đáo mà đình Phong Cốc riêng có.
1 Xem thêm: Biểu tượng nữ trong chạm khắc đình làng. Trang Thanh Hiền. TC.VHNT số 285 (tháng 3/2008). Tr63. Và Thử tìm hiểu ý nghĩa của Tiên nữ cưỡi rồng. Nguyễn Doãn Minh. TC.NCMT tháng 7 năm 2011. tr 20, 46
2 Bên phải hay bên trái là theo Bức chạm.
N.D.M
(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 6/2014)
Họ tên:
Email:
Capcha
(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)