Đi lễ chùa Hà cầu duyên
Vừa chân ướt chân ráo lên Hà Nội sau nửa tháng về quê ăn Tết, Hồng Hạnh, cô sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Thương Mại, đã rủ mấy cô bạn cùng lớp đi chùa Hà cầu duyên. Giống như nhiều sinh viên khác, cô rất tin rằng lễ ở chùa này thì sẽ được trời phật phù hộ cho mình lấy được một người đàn ông như ý.
Chùa Hà tên chữ là Thánh Đức tự, ở thôn Bối Hà, xã Dịch Vọng, Huyện Từ Liêm, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tương truyền, chùa được xây dựng bởi một gia đình làm nghề gốm phát tài, quê ở Bối Khê, nay còn lưu lại lăng mộ thờ phụng sau chùa. Bên phải chùa là ngôi đình Hà làm hoàn toàn bằng gỗ quý, thờ 2 vị thành hoàng là Triệu Chí Thành và Chu Lý, các tướng của Triệu Việt Vương (thế kỷ VI) có công chống giặc Lương.
Ngôi chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng, ngày càng to đẹp, hoàn toàn bằng tiền thập phương công đức, được xem là một trong những ngôi chùa lớn và nổi tiếng nhất ở Hà Nội.
Không hiểu bắt đầu từ đâu và từ khi nào, tên tuổi chùa Hà gắn liền với niềm tin rằng nơi đây rất linh nghiệm đối với những lời cầu xin về tình duyên. Khách thập phương, trong đó nhiều nhất là thanh niên nam nữ không chỉ ngày rằm, mùng một hay đầu năm mới mới đến chùa thắp hương cầu xin mà dường như quanh năm, chùa lúc nào cũng đông khách. Dọc con phố dẫn vào chùa Hà bán chỉ một loại hoa hồng, hoa của tình yêu. Những người viết sớ thuê thì luôn sẵn sàng viết những lá sớ cầu xin trời Phật gắn kết người này với người kia, xin mặn nồng, bền lâu theo ý của những người đến cầu duyên. Các hàng lưu niệm quanh chùa cũng bán rất nhiều vòng, nhẫn… mà cái nào cũng đi theo đôi, theo cặp…
|
Cầu duyên. (Ảnh Minh Đức - vnphoto.net) |
Lấy cớ ngồi chờ đến lượt viết sớ, tôi lân la hỏi chuyện mấy cô gái trẻ đang đọc từng cái tên để ông lão viết sớ phiên từ chữ quốc ngữ sang chữ Hán Nôm. Ba cô gái cùng đến chùa để mong trời phật phù hộ cho mình tìm được “người trong mộng”. Mỗi khi ông cụ hỏi đến tên “đối tượng”, cô gái bị hỏi lại ngượng ngiụ nhìn hai cô bạn, còn hai cô kia thì phá lên cười. Cuối cùng thì 3 lá sớ đã viết xong, ông cụ viết sớ còn tận tình hỏi han tuổi tác, phán vài câu "động viên" rồi mới chỉ sang quầy bán hương lễ bên cạnh.
Bích, một trong 3 cô gái, vừa sắp lễ vừa nói với vẻ hồi hộp: “Em theo chị gái em đến đây lễ đã mấy năm rồi. Chị em đã lấy chồng, còn em thì hy vọng ra trường sẽ có nơi có chốn. Em sợ ế lắm!”, nói rồi cô gái cười thành tiếng, hai má đỏ lên. Nhưng khi tôi hỏi em biết chùa Hà thờ ai không, thì cô lắc đầu: “Em không biết. Chỉ biết cứ đến chùa này là để cầu duyên thôi”.
Ở quầy bán đồ lưu niệm, một cô gái đang băn khoăn chọn mua một đôi lắc đeo tay, theo lời mách của chị chủ quán, cô sẽ để đôi lắc đó vào đĩa đồ lễ, cầu khấn Phật xong rồi đem về, tặng "đối tượng" một cái, mình giữ một cái, thế là giũa hai người đã có sợi dây gắn kết rồi, thế nào cũng thành đôi…
Ba cô gái vừa đi khỏi thì có một bác gái trung niên bước vào quán. Ông lão viết sớ rút ngay tờ sớ dành để viết cho những người chuyên cầu tài, cầu lộc ra chuẩn bị chấp bút thì bác gái xua tay: “Không ông ơi, cháu cầu duyên”. Mấy người xung quanh khúc khích cười. Bác gái cũng cười, phân bua: “Vâng, cháu nhờ ông viết sớ cầu duyên cho con trai cháu. Thằng bé đang đi du học ở nước ngoài, cùng với bạn gái. Tụi nó mấy năm trước đi chùa Hà mà quen nhau, giờ thì cùng đi học xa, năm nào cũng gọi điện về nhà nhờ mẹ đi lễ hộ, cầu xin trời phật phù hộ cho chúng nó thành đôi”.
Ông cụ à lên một tiếng, vui vẻ lấy tờ sớ khác viết. Vừa viết ông vừa kể: “Chùa Hà thiêng lắm, chả trách nhiều người theo thế. Mấy năm nay có cả Tây đến lễ cầu duyên đấy. Mấy anh Tây yêu mấy cô Việt Nam, không biết có hiểu gì không cũng chắp tay cầu khấn thành kính lắm. Viết sớ cho các đôi ấy đúng là “đông tây y kết hợp”, buồn cười lắm”.
Ông lão đã ngồi viết sớ ở cổng chùa hơn chục năm nay nhưng bản thân ông cũng không biết nguồn cơn từ đâu mà người ta lại truyền tụng nhau rằng cầu duyên ở chùa Hà rất linh. Ông chỉ biết rằng từ nhỏ, ông đã nghe ông, cha mình nói như vậy và đến đời ông thì điều đó trở thành mặc định.
|
Thành tâm cầu khấn. (Ảnh Hoàng Hà) |
Có thể nói trong số các chùa lớn nhỏ ở Hà Nội thì chùa Hà là nơi thu hút được đông người trẻ đến lễ nhất. Đến chùa Hà, nữ có phần đông hơn nam và tất cả các bạn nữ đến đây đều không hề giấu giếm ý định cầu duyên của mình. Các chàng trai thì có phần kín đáo hơn một chút. Hoàng Tú Nam, một kỹ sư xây dựng, gãi đầu cười cười khi được hỏi đến chùa cầu điều gì: “À…. Em đến cầu xin Phật phù hộ việc làm ăn thuận lợi thôi”, nhưng dường như vẻ ngượng ngiụ của anh nói lên rằng không chỉ có thế.
Vào chùa, người ta có thể bắt gặp nhiều thiếu nữ chắp tay khấn với một vẻ vô cùng thành kính, khấn rất lâu, ánh mắt đăm đăm nhìn Phật như muốn thổ lộ cả gan ruột. Có gái vừa lầm rầm khấn vừa đưa tay lên lau mắt…
Vào những ngày đầu năm mới này, chùa Hà lúc nào cũng đông nghẹt. Trên tất cả các ban là các đĩa hương nến, hoa quả… của phật tử xếp chồng lên nhau không biết bao nhiêu lớp. Chị Thảo, khách lễ chùa, lau mồ hôi trên mặt, nói: “Sắp lễ xong, tôi bưng từ sảnh vào ban mà chen toát mồ hôi. Vào đến ban mà loay hoay mãi không tìn thấy một chỗ trống nào để đặt lễ, đành chồng lên chỗ đồ lễ cao quá mặt người, suýt thì làm đổ cả đống. Người đứng lễ đông quá, chen được vào rồi thì muốn ra cũng không nổi”.
Chị vừa dứt lời thì trong chính điện có tiếng rơi loảng xoảng. Hoá ra một cô gái cúng khấn xong rồi, cố len vào chỗ đặt lễ để xin lại một bông hoa lộc đem về cất trong nhà lấy thiêng, khiến cho tất cả các đĩa xung quanh đổ ào xuống…
Với ông cụ viết sớ thuê, hơn chục năm ngồi ở cổng chùa là từng ấy năm ông được chứng kiến hàng vạn tâm tư, niềm vui, nỗi buồn, nhìn thấy vô số niềm hy vọng, đổ vỡ của nhân tình thế thái. Ông già trầm ngâm nói: “Ở đây mới biết con người ta đời nào cũng thế, ai cũng mong mỏi, khao khát hạnh phúc, nhất là hạnh phúc lứa đôi. Cũng có nhiều cô cậu đến lễ vì tò mò, để “thử xem thế nào”, nhưng mà cũng có nhiều người đến cửa chùa với những nỗi niềm bi thiết lắm”.
Trong số khách quen của ông cụ có một cô gái tháng nào cũng đôi lần đến chùa, nhờ ông viết sớ đến quen mặt, thuộc tên. Qua những lá sớ và những lời tâm sự rời rạc, ông lão biết được phần nào nỗi lòng của vị khách. Từ lúc bắt đầu yêu, cô đã đến lễ chùa Hà. Đến lúc lấy được người yêu rồi, cô vẫn đến. Rồi vợ chồng cô bỏ nhau, cô vắng mặt đến gần 2 năm. Khi những vật vã đau khổ qua đi, cô lại đến chùa cầu xin một lần hạnh phúc khác… Cô nói với ông lão viết sớ rằng dù lúc hạnh phúc hay đau khổ, cô ấy vẫn cảm thấy tình duyên ấy chưa trọn vẹn… Thế là lại hoa hồng biện lễ, cô chăm chỉ đến chùa cầu xin một tình yêu đúng như trong nguyện ước. Dường như việc cầu duyên ấy đã giúp cô sức mạnh để tiếp tục sống và hy vọng vào những điều tốt đẹp.
Khôi Nguyên