Cầu Ngói chợ Thượng đón nhận di tích quốc gia: Một "chùa Cầu" của Bắc Bộ

Thứ Tư, 06/03/2013 04:46

(Thethaovanhoa.vn) - Thoạt nhìn, người ta hình dung ngay tới di tích chùa Cầu nổi tiếng ở Hội An. Nhưng nhìn kỹ hơn, người ta sẽ thấy những nét duyên dáng rất riêng của cây cầu Ngói đồng bằng Bắc bộ. “Gánh" trên mình bao trầm tích lịch sử, văn hóa, giờ đây chân cầu đang bị nước xói làm hư hại.

Và việc cầu Ngói chợ Thượng (thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, Nam Định) vừa được xếp hạng di tích quốc gia đã làm dấy lên hy vọng về việc bảo tồn nó.   

Cầu Ngói uốn mình trên sông Ngọc.

Kiến trúc đặc biệt

“Cầu Ngói chợ Thượng có kết cấu kiểu “Thượng gia, hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu), được liên kết chủ yếu gồm hai thành phần: phần cầu dưới, phần kết cấu khung gỗ và hệ mái bên trên. Bố cục mặt bằng của công trình theo kiểu “chữ nhất”. Cầu uốn mình như con rồng, nối đôi bờ sông Ngọc”- ông Vũ Thế Xuân, “pho sử” của làng Thượng Nông cho biết.

Theo tư liệu cổ, mố cầu được xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng nằm chắc chắn hai bên bờ sông Ngọc. Các tảng đá to nhỏ khác nhau, tảng lớn cỡ 1,7 m x 0,6m x 0,4m; tảng nhỏ kích thước 0,5m x 0,4m x 0,2m, được xếp khéo léo theo thứ tự lớn dưới, nhỏ trên. Các mố cách nhau 4,5m tạo khoảng trống cho dòng nước lưu thông và thuyền bè qua lại. Nhờ bệ cầu chắc chắn này, suốt hơn 300 năm ròng, với bao biến thiên lịch sử, cây cầu vẫn đứng vững.



                    Xã Bình Minh đón bằng di tích lịch sử quốc gia với di tích Cầu Ngói, Phủ Bà

Bộ khung công trình lắp dựng bằng gỗ lim chia thành 11 gian, mỗi gian có kích thước trung bình từ 1,45m đến 1,65m tạo nên một tổng thể kết cấu dài 17,35m. Trong đó, hệ thống cột gồm 10 cột đặt dọc hai bên lòng cầu, mỗi cột có chiều cao 2m, cạnh vuông 0,2m. Cấu kiện liên kết giữa các cột cái với nhau theo chiều dọc là hệ thống xà thượng và xà hạ. Mỗi gian với 4 xà được liên kết theo kiểu “mộng én” giúp các cột liên kết với nhau.

Theo PGS.TS Trần Lâm Biền, loại cầu có mái xuất hiện khá phổ biến trong thời nhà Mạc. Những cây cầu này được bắc qua ngòi hoặc sông nhỏ, dọc theo đường giao thông. Các cây cầu có mái thường gắn với chợ và đền thờ. Đặc biệt, trên cầu thường có tranh, tượng thờ Phật bà Quán Âm.

Cầu Ngói là dạng kiến trúc cầu đặc biệt nhất ở Việt Nam. Hiện nay, chỉ còn một số cây cầu như: cầu Ngói Thanh Toàn ở Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế; cầu ngói chùa Lương ở Hải Hậu, Nam Định; cầu Ngói Phát Diệm ở Kim Sơn, Ninh Bình...


Qua đợt trùng tu năm 1993, hình dáng của cầu vẫn được giữ nguyên

“Chứng nhân” lịch sử

Theo sử liệu, cầu Ngói chợ Thượng được xây dựng vào thế kỷ 18 nhờ tiền công đức của bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân- cung phi của chúa Trịnh cũng là người con gái làng Thượng Nông.

“Khi tôi sinh ra, cây cầu đã ở đấy. Lúc đó, thuyền bè đi lại qua con sông Ngọc này rất tấp nập. Thủơ nhỏ, chúng tôi đứng trên cầu nhìn các con thuyền mành chở hải sản, mật, mỡ từ khắp nơi tới. Khi ấy, nơi đây có một bến đá dài hơn 20m để tập kết hàng hóa. Thủơ đó, trên bến, dưới thuyền, chợ Thượng lúc đó đô hội lắm. Song do những thăng trầm lịch sử, bến đá xưa giờ không còn. Mặt nước cũng trở nên quạnh hiu, vắng bóng thuyền” - cụ Nguyễn Văn Khẩn, tròn 100 tuổi, thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, Nam Trực, Nam Định nói.



Hàng cột lim vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”

Cũng theo cụ Khẩn, trong kháng chiến chống Pháp, chính cụ cùng những người trai làng Thượng Nông đã đào hào sâu và rào kín hai bên cầu bằng cọc tre. “Nhịp cầu nối những bờ vui” thành pháo đài cản địch. “Nhiều lần, thực dân Pháp tìm cách phá rào vượt sông để chiếm làng chiếm đất song đều thất bại. Một người trai làng bạn tôi đã hi sinh trên chính cây cầu Ngói này trong lúc cản giặc”- cụ Khẩn nói.

Còn trong “những đêm trăng hiền từ”, các đôi trai gái thường hẹn hò trên cầu. Họ ngắm trăng, tình tự rồi nên duyên vợ chồng từ đây. Cây cầu với mái lợp ngói cũng là “quán trọ” của biết bao mảnh đời hành khất, là chốn nghỉ chân của những người nông dân khi “cày đồng đang buổi ban trưa” và là nơi buôn bán, giao thương của người dân trong vùng…

“Ngày tôi vào bộ đội, mẹ tôi, vợ tôi tiễn tôi nơi này. Rồi ngày trở về gia đình tôi cũng đoàn tụ tại đây. Và ai trong cái làng Thượng Nông này chẳng gắn những khúc quanh đời mình với cây cầu ngói” - ông Vũ Minh Tân, bộ đội nghỉ hưu chia sẻ.

Chân cầu phải vá víu bằng xi măng

Nguy cơ nước xói chân cầu

Năm 1993, do hai bên thành gỗ của cầu bị mối mọt, đã có một cuộc trùng tu lớn và hiệu quả. Hai bên hành lang thành cầu để ngồi nghỉ ngơi hóng gió trước đây bằng gỗ đã được thay thế bằng những phiến đá chắc nịch. Nhờ đó, thế của cầu khá chắc.

Tuy nhiên, các chi tiết, cấu kiện vẫn xuống cấp dần theo thời gian. Đặc biệt, hai bên mố cầu bị nước xói làm trơ chân đá. Khắc phục tình trạng trên, địa phương đã trát thêm xi măng để cây cầu “cầm cự”. Bên cạnh đó, một số hộ dân làm nhà, làm quán sát mái cầu cũng khiến cảnh quan di sản bị tác động.

Năm 2003, cầu Ngói được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Song từ đó tới nay đã chục năm, dường như những biện pháp bảo vệ vẫn… bỏ ngỏ. Hằng ngày, hằng giờ, cây cầu vẫn bị bào mòn bởi nước sông Ngọc.


Nơi có thể trú mưa nắng và ngủ những đêm trăng…



                Với những người trong vùng, cầu Ngói không chỉ để qua lại, nó còn như một mái nhà

Phạm Mỹ

Thể thao & Văn hóa

Gửi ý kiến
Chọn avatar
Họ tên*
Email*
tin tức phụ nữ và gia đình việt tin tức trong ngày