Chuyện về 5 chiếc đĩa vàng, đĩa bạc đời Hậu Lê ở Vũ Xá, Kim Động

14/10/2014

Mãi gần đây tôi mới được anh Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Trưởng phòng tổng hợp UBND tỉnh Hưng Yên kể cho nghe chuyện anh tham gia lo thủ tục nhận lại bộ đĩa vàng bạc mà tỉnh Hưng Yên đã gửi những năm cuối 60. Đó là 4 chiếc đĩa vàng và 1 chiếc đĩa bạc của bà chúa Mụa - bà Trần Thị Ngọc Am, vợ chúa Trịnh Tráng ở làng Mụa hay còn gọi là làng Cộng Vũ xã Vũ Xá huyện Kim Động.

>>> Phim tài liệu: Đền Mụa

 
Phiên bản đĩa vàng trong đền bà chúa Mụa

Nguyên do  là sau ngày tái lập tỉnh Hưng Yên năm 1997, bác Mai Văn Hách quê ở Ba Đông, Phan Sào Nam, Phù Cừ, nguyên là chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hưng Yên những năm 60 của thế kỉ trước, có về chơi và gặp các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhắc chuyện đi nhận lại các đĩa vàng bạc đã gửi ở Ngân hàng Nhà nước Viêt Nam.

Thời gian gửi 4 đĩa vàng và 1 chiếc đĩa bạc có thể là vào những năm 68, 69 của thế kỉ trước (tức là cách nay đã hơn 45 năm), khi mà tỉnh Hưng Yên sát nhập với tỉnh Hải Dương vào năm 1968. Khi đó bác Mai Văn Hách là phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Hưng đã yêu cầu Ngân hàng nhà nước Hải Hưng lo các thủ tục gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ hộ 4 chiếc đĩa vàng và 1 chiếc đĩa bạc của Hưng Yên mang sang Hải Dương. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đồng ý giữ hộ. Biên bản và hồ sơ việc gửi đĩa vàng được bảo quản cẩn thận.

Đến cuối tháng 12 năm 1998, UBND tỉnh Hưng Yên có công văn gửi thống đốc Ngân hàng Nhà nước xin lại số đĩa vàng bạc gửi trên. Nhưng Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải có sự đồng ý của UBND tỉnh Hải Dương. Các vị lãnh đạo tỉnh Hưng Yên lo bàn bạc việc trao đổi với UBND tỉnh Hải Dương. Đúng lúc ấy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên ông Phạm Đình Phú nói: “Phi cử Tuấn “bạc’’ không xong’’. Khi ấy anh Tuấn  là  chuyên viên của Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh. Ngày 16 tháng 7 năm 1999, anh Tuấn lãnh trách nhiệm mang công văn của UBND tỉnh Hưng Yên gửi UBND tỉnh Hải Dương để lo thủ tục nhận lại bộ đĩa đã gửi trước đó.

Xin khoan hãy theo dõi quá trình  đi nhận lại bộ đĩa  mà xin kể đôi nét về bà chúa Mụa. Quê bà chúa Trần Thị Ngọc Am ở làng Mụa xã Vũ Xá huyện Kim Động nên trong vùng quen gọi là bà chúa Mụa. Đền bà chúa được con cháu họ Trần xây dựng lại cách đây hơn chục năm rất khang trang, tinh xảo, hệ thống cột kèo và cửa hoàn toan bằng gỗ lim.


Ngôi đền thờ bà chúa Mụa do họ Trần xây dựng

Bạn đồng nghiệp của tôi Trần Ngọc Anh và các cộng sự đã làm phim về đền bà chúa trong chuyên mục “Đất và người Hưng Yên’’ rất hay. Đền bà chúa đã được Bộ trưởng VHTT và Du lịch Cấp bằng di tích lịch sử văn hóa năm 1995. Theo các tài liệu còn lưu giữ được trong đó có hai tấm bia được khắc vào thời hậu Lê thì đền bà chúa là do vua Lê Thần Tôn chỉ dụ xây để ghi công bà đã có nhiều việc làm ích nước lợi dân.

Vua còn cho thợ đúc tượng bà và em trai bà là Quận công Trần Ngộ Phúc, một quan võ có nhiều công lao với triều đình.Theo gia phả,bà sinh năm 1580. Bà là một phụ nữ xinh đẹp tài đức vẹn toàn. Nhiều công việc chúa Trịnh Tráng đã tham khảo ý kiến của bà. Nhờ tài trí sáng suốt, bà được cả vua Lê và chúa Trịnh nể trọng. Tuy nhiên trong cuộc đời của một bà chúa vì lễ giáo phong kiến nên có những việc đã ảnh hưởng và chi phối tác động không như ý muốn ban đầu.

Số là do bà không đẻ con trai mà người con đầu là gái, công chúa Thiên Minh, nên bà không ở ngôi chính phi. Có lẽ vì thế mà bà ngoài ở cấm cung còn thường về quê và đi thăm dân hoặc đến các nơi thờ tự. Đi tới đâu bà cũng ân cần với dân chúng , cùng dân bàn cách sản xuất cấy trồng và giữ gìn thuần phong mĩ tục. Bà cũng là người hay khởi xướng việc sửa sang kiến thiết.


Giếng đá trong khuôn viên đền

Bà là người có công lớn trong trùng tu chùa Phật Tích ở tỉnh Bắc Ninh và đình chùa làng Xuân Nộn ở Đông Anh, Hà Nội. Hiện chùa Phật Tích đã xây ngôi đền 3 gian để tưởng nhớ bà. Với quê, bà đã xây chùa trăm gian cùng phủ trăm gian và tháp 9 tầng. Đáng tiếc các công trình ở quê đều không giữ được mà chỉ còn nền móng cổ xưa.

Vì quý trọng bà nên vua Lê Thần Tôn cho xây đền và cho tạc tượng  lúc bà còn sống. Đó cũng là ân huệ đặc biệt mà dường như chỉ riêng bà có được vinh dự này. Tương truyền bà đã ngồi để các thợ đá tạc tượng bà. Các nhà điêu khắc đánh giá những tượng đá còn giữ được tại đền bà chúa là những pho tượng đá đẹp nhất Việt Nam. Bà ngồi thư thái trên ghế, dáng vẻ toát lên sự cao sang quyền quý cùng sự dịu dàng đằm thắm với nét mặt thanh tú, mắt phượng mày ngài, bàn tay búp măng, đáy thắt lưng ong. Chỉ tiếc rằng tượng đá xanh nguyên bản ngày xưa nay đã bị phủ lên một lớp sơn.


Tượng bà chúa Trần Thị Ngọc Am (1580 - ?)

Trở lại chuyện đĩa vàng đĩa bạc, chúa Trịnh Tráng đã cho con gái những đĩa vàng bạc nói trên. Nhưng công chúa Thiên Minh cũng chết trẻ. Trong vai người mẹ chịu thêm nỗi buồn mất con, bà vợ chúa Trịnh Tráng đã mang những chiếc đĩa nói trên về để ở ngôi đền tại quê cha mẹ đẻ.

Không rõ những chiếc đĩa dược cất giữ như thế nào, chỉ biết rằng khi khai sông làm công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải vào năm 1960, thợ đào đất đã đào thấy các đĩa vàng bạc nói trên. Lúc bấy giờ Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Hưng Yên Mai Văn Hách ngay lập tức cũng kịp tới  và nhận lại bộ đĩa quý và giao cho công an cất giữ cho đến ngày sát nhập tỉnh Hải Hưng thì nhờ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ hộ. Việc này được lập hồ sơ biên bản rất cẩn thận.


Ông trưởng họ Trần Văn Thái với phiên bản đĩa vàng

Cho mãi tới ngày tái lập tỉnh Hưng Yên năm 1997 bác Mai Văn Hách vẫn rất minh mẫn sáng suốt nhớ ra nên có việc giao cho anh Tuấn ở Văn phòng UBND tỉnh sang Hải Dương lo thủ tục nhận đĩa. Theo anh Tuấn kể lại, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương lúc đó là ông Nguyễn Trọng Nhưng đã rất tích cực chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương  làm các giấy tờ xác nhận các đĩa vàng bạc là của tỉnh Hưng Yên.

Trong lần làm việc đầu tiên vị lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Hải Dương ngần ngừ và không đồng ý. Anh Tuấn đã rất lo lắng và tiếp tục nhờ Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương giúp đỡ. Cơm trưa xong ông Chủ tịch gọi vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hải Dương tới lần hai. Ông không ra lệnh mà thuyết phục cấp dưới làm thủ tục để Hưng Yên sớm được nhận lại bộ đĩa quý. Vị lãnh đạo ngân hàng đã làm theo ý ông chủ tịch. Ngay trưa hôm đó UBND tỉnh Hải Dương đã có công văn xác nhận bộ đĩa là của Hưng Yên và anh Tuấn đã nhanh chóng  hoàn thành nhiệm vụ. Và ít ngày sau Hưng Yên đã nhận lại bộ đĩa quý.


Hai tấm bia đá ghi công tích của bà chúa Mụa

Sau đó, gia tộc họ Trần muốn có phiên bản bộ đĩa vàng để cất giữ tại đền bà Chúa. Dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Phúc Lai, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hưng Yên thời đó đã đặt làm bộ đĩa bằng đồng có kích cỡ và hoa văn đúng như đĩa thật. Đĩa có đường kính khoảng 23 cm, lòng đĩa vũm hình hoa sen, mặt trong và mặt ngoài in hình hoa, lá cúc rất đẹp. Hiện tại bộ đĩa vàng và bạc thật đang được cơ quan chức năng bảo quản cẩn thận. Bộ đĩa đã có gần 500 tuổi, là báu bật của dòng họ Trần ở Vũ Xá, đồng thời là báu vật của Hưng Yên cũng như của Quốc gia. 

Bài và ảnh: Nguyễn Công

 

 
 
   
 
 
 
 
Các bài viết khác