Hang Kia, Pà Cò, ngày mới không còn là “lô cốt”

Chủ Nhật, 26/06/2011, 07:47:00
 Font Size:     |        Print
 
NDĐT- Từ thị trấn Mai Châu, vượt hai quả núi cao 1.500 mét so với mặt nước biển với quãng đường ba chục cây số là tới xã Pà Cò, đi thêm sáu cây số nữa mới tới xã Hang Kia. Từ trên cao, thung lũng Hang Kia chỉ gói gọn trong lòng bàn tay với những ngôi nhà náu mình dưới tán mận già xanh mướt. Trẻ con nô đùa, những người phụ nữ dân tộc Mông cần mẫn thêu váy, áo - hình ảnh chẳng gợi lên sự liên tưởng nào về quá khứ đau buồn của một trọng điểm ma túy hôm nào.

Quá khứ ám khói nàng tiên trắng

Trưởng công an huyện Mai Châu, thượng tá Hà Công Cận cho biết: “Trước những năm 90 của thế kỷ nước, tại hai xã trồng khoảng 500 ha thuốc phiện, thu về mỗi năm hai tấn nhựa, là nguồn thu nhập chủ yếu của người dân. Khi phá bỏ cây thuốc phiện, một số đối tượng chuyển sang buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy. Với địa thế hiểm trở, núi rừng trùng điệp, giao thông độc đạo, gần biên giới, kề sát với “thung lũng ma túy” Lóng Luông (Sơn La), tạo nên thành, lũy kiên cố để Hang Kia, Pà Cò trở thành “lô cốt” về ma túy của tỉnh Hoà Bình nói riêng và trên tuyến Tây Bắc nói chung”.

Theo đánh giá của lực lượng công an, trong số 13 bản của hai xã, có đến tám bản là điểm nóng về tội phạm ma túy. Từ tháng 1-1998 đến tháng 3- 2009, lực lượng Cảnh sát điều tra TPMT bắt giữ 74 vụ với 92 đối tượng là người Mông ở Hang Kia, Pà Cò. Đã có mười đối tượng bị kết án tử hình về tội ma tuý, 24 đối tượng bị kết án tù chung thân. Lượng ma tuý bị bắt quả tang do các đường dây, đối tượng tại địa bàn hai xã tham gia mua bán, vận chuyển lên tới hàng trăm bánh heroin.

Trong cuộc chiến không khoan nhượng với tội phạm ma túy trên vùng đất ngày, máu, mồ hôi, nước mắt của các lực lượng phòng chống ma túy đã đổ. Ngày 5-2-2010, trong khi vây bắt đối tượng truy nã Vàng A Khua, sinh năm 1956, tại bản Hang Kia, đối tượng đã xả súng tiểu liên AK khiến ba chiến sĩ công an hi sinh, một số chiến sĩ khác bị thương. Có lẽ, chưa cuộc truy bắt tội phạm ma túy nào lại để lại nhiều nỗi đau như cái ngày định mệnh ấy.

Nhờ có sự dẫn đường của Trung tá Bùi Văn Tuân, Đội phó Đội Phòng chống TPMT, chúng tôi mới vững dạ vào Hang Kia, Pà Cò. Anh là người nhiều năm lăn lộn, gắn bó với mảnh đất nóng này, từng bị những trùm ma túy treo giá 100 triệu nếu tiêu diệt được, từng được mua chuộc với số tiền hàng tỷ đồng, nhưng không làm lung lay ý chí đấu tranh không khoan nhượng với bọn tội phạm.

Anh Tuân kể: “Trước đây, mỗi khi có người lạ vào đều được “chào đón” bằng những ánh mắt nghi ngờ, cảnh giác và bất hợp tác của người dân. Nhất là sau thời điểm sau 5-2-2010, hễ thấy sự xuất hiện của người lạ vào bản là người dân gõ kẻng báo động. Gặp ai, cũng chỉ nhận được câu trả lời duy nhất “Chi pâu” (Không biết), rồi quay mặt đi.

Sự bất hợp tác còn thể hiện ngay tại Ủy ban nhân dân xã. Do vậy, mỗi khi vào công tác nắm tình hình, chúng tôi thường không báo trước với lãnh đạo xã. Từ ngoài cổng, vẫn thấy thấp thoáng bóng chủ tịch, phó chủ tịch, vậy nhưng khi bước chân tới cửa phòng thì họ đã luồn cửa sau đi đâu mất.

Sở dĩ, có tình trạng như vậy là do đa số cán bộ trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã đều có người thân liên quan tới các đối tượng buôn bán ma túy”.

Trước thực trạng ấy, đầu năm 2009, đề án “Xây dựng địa bàn không có ma túy tại hai xã Hang Kia, Pà Cò, giai đoạn 2009-2015” ra đời, do công an tỉnh Hòa Bình chủ trì nhằm đẩy mạnh xây dựng phát động toàn dân bảo vệ ANTQ, phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy trên địa bàn tỉnh.

Sau hơn một năm triển khai, Thượng tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng PC 47, công an Hòa Bình đánh giá: “ Nhìn chung, tình hình an ninh trật tự tại hai xã hiện nay đã chuyển biến tích cực, ổn định hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, ẩn sâu trong những cánh rừng đại ngàn vẫn còn những tên trùm ma túy lợi dụng địa hình hiểm trở làm nơi ẩn náu và tiếp tục mua bán, vận chuyển ma túy. Bên cạnh đó, tính cộng đồng của bà con dân tộc Mông khá cao khiến việc truy bắt tội phạm gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc tuyên truyền vận động bà con, nhất là thế hệ trẻ tại hai xã không bị kẻ xấu lợi dụng, rủ rê là một trong những giải pháp được ưu tiên hàng đầu”.

Nỗi niềm của Bí thư đảng uỷ xã Hang Kia

Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, đại tá Bùi Đức Sòn cho biết: “Có thể nói, đầu tư công sức và tiền bạc cho vùng đồng bào Mông hai xã Hang Kia và Pà Cò của huyện Hòa Bình vất vả và tốn kém hơn rất nhiều những vùng đông bào Mông các nơi khác. Cho tới nay, những chính sách, dự án của Chính phủ, các bộ, ban ngành trung ương và tỉnh Hòa Bình đã lên tới hơn 100 tỷ đồng, bước đầu đã “khoác” cho các bản làng nơi đây một màu sắc mới, không còn u ám như xưa”.

Chiếc xe ô tô đưa chúng tôi vào tận cổng Ủy ban xã, vừa được đầu tư xây mới, hai tầng khang trang hơn rất nhiều những trụ sở Ủy ban khác dưới miền xuôi mới đưa vào sử dụng hơn một năm. Bí thư đảng ủy xã Khà A Lau, trẻ măng, mới 27 tuổi, là người con của xã Hang Kia được chính quyền cho đi đào tạo để quay về cống hiến cho quê hương, cho biết: “Kinh tế khó khăn, đời sống nghèo khó, dân trí thấp là nguyên nhân chính dẫn tới việc bà con tham gia vận chuyển, buôn bán heroin”.

Diện tích đất sản xuất của hai xã Hang Kia, Pà Cò rất ít, thiếu đất nên đồng bào hai xã sang cả huyện Mộc Châu (Sơn La) trồng trọt đã xảy ra việc tranh chấp đòi đất. Vừa qua, hai xã đã phải trả lại mấy chục ha đất cho tỉnh bạn nên quỹ đất sản xuất càng eo hẹp hơn. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất hiếm hoi.

Hằng năm, có tới sáu tháng toàn xã thiếu nước trầm trọng. Một xe nước ba khối chở từ huyện vào được tới Hàng Kia bán với giá 1,2 triệu đồng. Đã có mấy đoàn khảo sát tới khoan những mũi khoan độ sâu 120 mét vẫn không thấy mạch nước.

Mùa đông, nhiệt độ xuống còn 3 độ C, khiến ít có loại cây cối nào chịu được. Nuôi trâu bò phải sang xã khác mượn đất dựng chuồng. “Bà con quanh năm ngày tháng lên nương vẫn không đủ ăn. Tỷ lệ đói nghèo những năm trước đây là 90%, trong khi đó chỉ mất một ngày qua bên kia biên giới, gùi thuê một gùi heroin là có thể sống ung dung cả đời. Lợi nhuận khiến bà con mờ mắt, làm liều…”- Khà A Lau thở dài.

Để tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của hai xã, từ năm 1993 đến nay, tỉnh ủy, UNND Hòa Bình tập trung đầu tư kinh phí với số tiền gần 60 tỷ đồng, chủ yếu là chuyển đổi giống cây trồng và xây dựng kết cấu hạ tầng, đường bê tông đến các thôn bản. Nhờ đó đời sống của bà con nơi đây được cải thiện, hơn hẳn các xã vùng thấp của huyện Mai Châu.

Thu nhập bình quân đầu người của xã Pà Cò năm 2005 là 2,9 triệu đồng/người/năm; Hang Kia là 2,1 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2009 hai xã đạt 4,15 triệu đồng/người/năm. Đến nay, cơ bản đã xóa được hộ đói, giảm được hộ nghèo xuống còn 30%, trước đây là 90%.

Nâng cao dân trí, đầu tư cho phát triển giáo dục, tập trung vào tầng lớp thanh thiếu niên là một trong những biện pháp cấp bách và hiệu quả để đẩy lùi tệ nạn ma túy. Hiện nay, ở hai xã có ba trường PTCS, một trường dân tộc nội trú liên xã, hai trường tiểu học, một trường mầm non với tổng số 115 giáo viên, trong đó có nhiều giáo viên là người bản địa.

Công an huyện Mai Châu trực tiếp tiến hành ký cam kết với các hộ dân không vi phạm pháp luật, không tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý; mở lớp bồi dưỡng kiến thức an ninh-quốc phòng cho chủ hộ tiêu biểu ở hai xã.

Tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy có chiều hướng giảm. Các cấp chính quyền, đoàn thể, ban ngành địa phương đã vận động hàng chục người tự giác đi cai nghiện ma túy tại các trung tâm. Vận động 12/17 đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy ở hai xã ra đầu thú. Sáu tháng đầu năm 2011, lực lượng công an xã đã bắt được một đối tượng vận chuyển một bánh heroin. Bà con tự giác giao nộp 146 khẩu súng các loại. Duy trì hoạt động của 13 tổ ANND và các cụm an ninh giáp ranh..

Không lâu đâu!

Đại tá Bùi Đức Sòn thừa nhận : “Là hai xã thuộc diện 135 nhưng theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, hai xã có hơn 1.000 xe máy, 40 xe ô tô các loại, trong đó có nhiều xe ô tô trị giá tiền tỷ. Không thể chối bỏ thực tế, một số hộ dân giàu lên là do có người nhà tham gia vào đường dây vận chuyển trái phép các chất ma túy. Giải quyết tình trạng này, không thể chỉ mang tính cục bộ của địa phương mà phải mang tầm vĩ mô, khu vực”.

Đã có hàng loạt các dự án phát triển kinh tế- xã hội được triển khai, tuy nhiên, một số dự án chưa đạt được hiệu quả hoặc rất thấp. Nhất là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Năm 1999, cây mận hậu từng là cây xóa đói giảm nghèo ở nơi đây với hơn 300 ha, nhưng vài năm trở lại đây, khi các xã miền xuôi khác đua nhau trồng, kéo giá thành xuống thấp. Sản phẩm không có nơi tiêu thụ.

Năm ngoái, bà con nơi đây được mùa, thì giá chỉ bán được 500 đồng/kg, năm nay mất mùa, giá mận lên tới 30.000 đồng/kg, lại không có để bán. Hiện nay, nhiều gia đình chặt mận chuyển sang trồng ngô hai vụ/năm. Cả hai xã trồng được 1.130ha ngô với sản lượng 4.520 tấn tương đương 12,7 tỷ đồng.

Tìm kiếm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng là hướng đi mới. Các cây trồng như chè tuyết, dong riềng được triển khai, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Một số loại dược liệu như thảo quả, đỗ trọng, quế chi cũng đang trồng thí điểm…

Mặc dù Hang Kia, Pà Cò đã xây dựng được 12 cụm bể nước với hàng trăm bể. Tuy nhiên, do diện tích bể nhỏ, lượng chứa không được nhiều nên tình trạng hiếm nước vẫn diễn ra vào thời điểm mùa khô. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang chỉ đạo đầu tư xây dựng bốn bể nước, mỗi bể chứa 4.000m3 tại Hang Kia tổng trị giá hơn 21 tỷ đồng.

Rời Hang Kia, Pà Cò khi bóng chiều đã ngả, khói lam chiều đã tỏa ra trên những nóc nhà của bà con người Mông, bên tai chúng tôi còn văng vẳng lời của ông Vàng A Tình. Ông Vàng A Tình, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Hang Kia, già làng có uy tín trong cộng đồng và dòng họ Vàng, một trong hai dòng họ lớn tại nơi này, khẳng định như đinh đóng cột: “Bà con hai xã Hang Kia, Pà Cò hầu hết là dân tộc Mông, không tôn giáo, không tín ngưỡng. Bà con vẫn một lòng tin chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Bản chất người Mông hiền lành, ít nói, chỉ vì trình độ dân trí quá thấp, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, kích động. Do đó, việc tuyên truyền của cán bộ phải kiên trì, mưa dầm thấm lâu, bà con sẽ hiểu ra thôi.”

Tâm sự gan ruột của một người con dân tộc Mông làm tôi cảm động: “Bọn buôn bán ma túy xấu xa chỉ là một phần tử rất nhỏ trong cộng đồng. Khi bà con không còn đói nghèo, trình độ dân trí được nâng lên, tình trạng buôn bán ma túy sẽ hết thôi. Không lâu đâu!”.

“Không lâu đâu!”- ông chắc thế, quả quyết như dao chém. Đó là niềm tin, cũng là lời cam kết của một đảng viên già đã quá hiểu những buồn đau của mảnh đất này.

Ông làm tôi tin bởi tấm lòng sâu nặng về tính thiện của đồng bào ruột thịt của mình, bởi những gì mà chính quyền đã làm tất cả vì người dân nơi đây cho dù đất nước còn nhiều gian khó, và còn bởi những thay đổi trong nhận thức và hành động của chính những con người tại vùng đất, vốn đã thấu hiểu nỗi khốn khổ vì ma tuý và cái giá của sự đổi đời.

PHƯƠNG HIÊN-THANH HÀ
Theo:

Chia sẻ