Đền Lừ còn có tên gọi là Lư Giang từ, thuộc phường Mai Động, quận Hai Bà Trưng, (từ năm 2004 thuộc quận Hoàng Mai), Hà Nội. Đền Lừ thờ Phạm Tố Thu và Phạm Ngưu Tất, 2 tuỳ tướng của Trần Khát Chân, người chiến thắng quân Chế Bồng Nga xâm phạm Thăng Long nên được phong thái ấp ở vùng Hoàng Mai, Mai Động. Ngoài ra, đền còn thờ Công chúa Thủy Tinh và Trần Hưng Đạo (Đức Thánh Trần).
Đền Lư Giang nằm bên con sông Lừ. Dân gian vẫn gọi tên đền cùng với tên sông: Đền Lừ. Lư Giang (sông Lừ) là đoạn tiếp nối của sông Kim Ngưu, hiền hoà bao quanh phía đông huyện Thanh Trì xưa, trước khi xẻ nước ra sông Hồng.
"Nhĩ Hà quanh bắc sang đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này"
Kim Ngưu, Tô Lịch bên này chảy từ phía tây xuống phía nam, cùng với Nhĩ Hà - sông Hồng uốn lượn bao quanh phía bắc và phía đông đã làm nên "tứ giác nước văn hoá" của vùng Kinh kỳ, Kẻ Chợ Thăng Long xưa.
Sơ đồ đến đền Lừ (Lư Giang từ).
Hoàng Mai là một làng cổ nằm trong địa bàn sinh tụ chính của cư dân Việt cổ thời Hùng Vương. Trước đây, Hoàng Mai cùng với Tương Mai, Mai Động và một số làng phụ cận hợp thành vùng kẻ Mơ (Cổ Mai) nổi tiếng ở kinh thành Thăng Long. Về vùng đất này sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi viết:
“Vùng ấy, đất thì đỏ chín cùng sắc xanh đen, ruộng thì vào loại thượng hạng, hơn nữa dòng sông Kim Ngưu như một dải lụa vắt ngang của xã đã là một món quà của thiên nhiên trao tặng cho vùng này, dòng sông vừa là nguồn tưới nước cho đồng ruộng lại vừa là nguồn cá phong phú cho ngư dân”. Trong điều kiện tự nhiên thuận lợi đó vùng đất Cổ Mai đã sớm được khai thác, tạo dựng và phát triển.
Trong những năm gần đây nhiều công cụ sản xuất thô sơ của thời tiền sử được phát hiện trong khu vực này. Và ngay từ những năm đầu công nguyên trai tráng Kẻ Mơ đã cùng với đô tướng Tam Trinh tham gia cuộc khởi nghĩa chống giặc Hán do Hai Bà Trưng phát động và giành nhiều thắng lợi. Cuối thế kỷ XIV, danh tướng Trần Khát Chân đã chiến thắng giặc Chiêm, tướng giặc là Chế Bồng Nga bị tiêu diệt, cuộc tấn công Thăng Long của quân Chiêm bị đập tan, ông đã được vua Trần phong đất ở vùng Cổ Mai làm thái ấp. Trần Khát Chân tổ chức việc sản xuất nông nghiệp, khai thác thủy sản đem lại ấm no cho vùng Kẻ Mơ ở khu vực ven sông Lừ. Đến năm 1399, sau vụ mưu sát Hồ Quý Ly ở Đông Sơn (Thanh Hóa) không thành, Trần Khát Chân bị sát hại, thái ấp cũng bị triệt phá.
Sang đời Lê, Hồng Mai có Trạm Lư - một dịch trạm lớn nằm trên đường thiên lý vào các tỉnh phía nam. Căn cứ theo tấm bia: “Dịch Lư kiều bi ký” (bia ghi về cầu Trạm Lư) do Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh Trạng nguyên khoa Đinh Sửu Nguyễn Khắc Nhu soạn vào ngày 5, năm Phúc Thái thứ 4 (1646) còn lưu lại đền thì ngay lúc bấy giờ cầu Dịch Lư vừa là một hạ tầng giao thông, vừa là một cảnh đẹp ở phía nam kinh thành.
Do những biến đổi, thăng trầm của lịch sử, cầu Trạm Lư bị hư hỏng, mùa xuân tháng 2 năm Phúc Thái thứ 2 (1644) dân làng Hoàng Mai đã đóng góp tiền của để làm lại cầu. Tháng 11 năm Phúc Thái thứ 3 (1645) thì hoàn thành. Năm 1646 dân làng Hoàng Mai tạc tấm bia đá lớn dựng trong đền Lư Giang bên cầu để ghi lại sự kiện trên và biểu dương công đức của những người tham gia đóng góp.
Tấm bia lớn "Dịch Lư kiều bi ký" dựng trong sân chùa
Trên bờ Lư Giang hiện còn ngôi đền Lư Giang được xây dựng từ thời Lê sơ gần đây có người nói là để thờ hai tỳ tướng của Trần Khát Chân. Đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17) thờ thêm công chúa Liễu Hạnh được coi là một trong “Tứ bất tử” của thần điện Việt Nam.
Tư liệu văn bia và truyền thuyết dân gian ở địa phương còn khẳng định sự hiện diện của nữ thần Thủy tinh công chúa trong điện thần của đền Lư Giang. Trong tâm thức truyền thống của người Việt, Thủy tinh công chúa là một trong ba vị nữ thần quan trọng nhất của tam tòa Thánh mẫu (mẫu thiên, mẫu thủy, mẫu địa). Do nhiều lần hiển linh ở cõi trần để giúp dân trừ bạo nên được nhiều nơi lập đền thờ. Để ca ngợi công đức của Thủy tinh công chúa, hai bức đại tự trong đền ghi:
“Linh sảng thức bằng” (sáng suốt, thông tuệ, làm khuôn mẫu cho đời).
“Thao thủy khôn tinh” (Công đức Mẫu sánh với nước lớn mênh mông)
Ngoài ra, trong đền còn thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo (Đức Thánh Trần), người chỉ huy các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hiển hách của dân tộc trong thế kỷ 13 được dân gian coi là Thánh...
Hàng năm, hội đền Lư Giang được mở hai lần vào tháng tám và tháng ba. Hội tháng tám là hội chính, được tổ chức trong ngày húy kỵ của Quốc công tiết chế Hưng đạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn (20/8 âm lịch). Trong những ngày hội ngoài những nghi thức tế lễ trang trọng, dân làng Hoàng Mai còn tổ chức rước thần từ đền tới đình và ngược lại. Trước đây, hội làng Hoàng Mai là một sinh hoạt văn hóa lớn trong khu vực, lễ hội đã cuốn hút một vùng dân cư rộng lớn thuộc thái ấp cũ của Trần Khát Chân tham dự. Từ mấy ngày trước hội, dân các làng trong vùng Kẻ Mơ: Hoàng Mai, Tương Mai, Thanh Mai, Mai Ðộng... đã sắm sanh lễ vật, trang trí đẹp đẽ mâm lễ của mình. Họ đi từng đoàn từ các ngả đường làng về dâng lễ tại đền. Đây là dịp để con cháu các đời sau tỏ lòng thành kính với vị anh hùng dân tộc đã có ân, đức hộ quốc an dân.
Ngày nay, người quanh vùng Hoàng Mai, Mai Ðộng và cả những nơi xa đến dự hội đền Lừ còn để gặp gỡ, làm sống lại những nét đẹp phong tục truyền thống xưa của một làng Việt, dù làng cổ nay đã thành phường. Trong ngày hội đền, những nét văn hóa làng xã lại về sống giữa phố phường đông đúc.
Đền Lư Giang ngày nay có quy mô kiến trúc khá lớn gồm nhiều nếp nhà kế tiếp nhau, xung quanh đền được bao quanh bằng một vành đai cây xanh, cạnh đó là dòng sông cổ đã từng nổi tiếng với truyền thuyết Kim Ngưu gắn liền với phủ Tây Hồ.
Cổng chính dẫn vào đền.
Bức bình phong bên ngoài đền.
(còn tiếp)
Ghi chú:
Ảnh minh họa được thực hiện bởi Hành Thiện (hatvan.vn) tháng 4/2012.
View more latest threads same category: