Chùa Muống điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn
Chùa Muống tức Quang Khánh tự (xã Ngũ phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) đã tồn tại gần 8 thế kỷ, là di tích lịch sử-văn hoá quốc gia. Từ xưa đến nay, Chùa là trung tâm tôn giáo lớn, là điểm du lịch VH tâm linh hấp dẫn của tỉnh Hải Dương và vùng Đông Bắc.
Toàn cảnh di tích chùa Muống
Những giá trị lịch sử...
Nói đến chùa Quang Khánh, không thể không nói đến công lao to lớn của Thánh Tổ Non Đông, hiệu là Quán Viên, là người làng Muống, xã Ngũ Phúc. Ngài sinh năm 1257, xuất gia từ tuổi ấu thơ. Ngài không những là một vị Thánh tài cao đức trọng, mà còn là một nhà lương y tài giỏi, từng chữa khỏi bệnh đau mắt cho vua Trần Anh Tông. Vua đã trả ơn bằng việc cấp kinh phí xây dựng ngôi chùa tại địa phương, từ năm 1298 đến năm 1304 thì hoàn thiện, giao cho Thánh tổ trụ trì. Chùa lớn tọa lạc trên địa thế đẹp, trở thành danh lam thắng tích nổi tiếng trong nước. Vua quan quý tộc thường lui tới lễ Phật, vãng cảnh...Sau này, vua Lê Thánh Tông đã từng tới và đã để lại 2 bài thơ ngợi ca. Di tích tồn tại từ thời Trần, rồi thời Lê và thời Nguyễn...
Chùa Quang Khánh (chùa Muống) là nơi thờ Phật theo thiền phái Trúc Lâm, đồng thời là nơi gắn bó với cả cuộc đời và sự nghiệp của Quốc sư Tuệ Nhẫn-Người cùng thế hệ với Quốc sư Pháp Loa và Huyền Quang. Ngài là người siêng năng tu tập, trau dồi Phật pháp, năm 30 tuổi đã đắc đạo. Nơi đến đầu tiên là Non Đông (Mạo Khê-Quảng Ninh) gần Yên Tử. Ngài quyết định trụ trì tại đó và gia công tu tạo 72 ngôi chùa lớn nhỏ và đều thuộc về Chốn tổ Quang Khánh (nên sau này gọi Ngài là Thánh Tổ Non Đông). Trong số đó ở quê hương Kim Thành có nhiều chùa lớn, như: chùa Phí Gia (xã Đồng Gia); chùa Lành, chùa Gạo (xã Kim Tân); chùa Linh Quang (xã Kim Lương). Đến nay, trong dân gian vẫn lưu truyền những câu ca phản ánh thời kỳ hưng thịnh của các ngôi chùa vùng này: “Lên chùa Muống, xuống chùa Bùi, lui chùa Gạo, dạo Hải Ninh (nơi có chùa Lành)”; hay “Nhịp chùa Lành, canh chùa Muống” (nghĩa là nhịp chuông, mõ chùa Lành và đọc canh ở chùa Muống khó có nơi nào sánh kịp).
Vào thời Trần, chùa Muống được tu tạo nhiều lần, quy mô tới 154 gian lớn nhỏ, kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc” trong khuôn viên 15.000m2... Chùa có 34 ngôi tháp và hàng trăm pho tượng lớn nhỏ. Căn cứ vào hệ thống tháp cổ, sắc phong và Khoa cúng lịch đại chư vị Tổ sư, thì tại Chốn tổ Quang Khánh (chùa Muống) đã có rất nhiều bậc cao tăng, thạc đức nổi tiếng trụ trì, phò vua giúp nước, hoằng dương đạo pháp, lợi lạc quần sinh...
Trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Quang Khánh là nơi gây dựng cơ sở cách mạng, mà lịch sử địa phương đã ghi.
Một góc vườn Tháp cổ chùa Muống
...và giá trị văn hóa - tâm linh
Du xuân miền Đông-Bắc Tổ quốc, ai cũng không quên về thăm danh thắng chùa Muống và đắm mình vào không gian lễ hội nơi này. Lễ hội khởi nguyên từ ngày Thánh tổ Tuệ Nhẫn Từ Giác Quốc sư viên tịch (27 tháng Giêng năm Ất Sửu -1325). Nét đặc biệt của lễ hội này là việc hòa quyện hai yếu tố “Phật và Thánh”. Bởi, đối với quê hương cùng phật tử gần xa - Đại Thánh Đông Sơn Tuệ Nhẫn Từ Giác Quốc Sư là bậc Thánh có nhiều công lao với Đạo pháp-dân tộc, được nhân dân đặc biệt kính trọng, tôn thờ.
Lễ hội hằng năm diễn ra 4 ngày (24 đến 27 tháng Giêng). Phần lễ có nghi thức: Nhập tịch, lễ rước Tượng Thánh tổ, mộc dục, rước bánh dầy và tục mời trầu khá đặc biệt... Phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: đấu vật, chọi gà, đánh cờ người, bịt mắt bắt dê cùng nhiều trò chơi mới được phục dựng...
Cùng với hàng chục vạn du khách khắp mọi miền đất nước nườm nượp đổ về lễ hội là hàng hóa muôn sắc màu, với: sản phẩm nông nghiệp, tò he, đồ gia dụng, nông cụ, nón, mũ và nhiều hàng hóa thiết yếu khác…
Chùa Muống đã tồn tại gần 800 năm và ôm trong mình nhiều giá trị di sản văn hóa dân tộc độc đáo, được ghi vào lịch sử nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Bị tàn phá bởi thăng trầm của lịch sử, song hàng chục năm qua, chùa Muống cùng lễ hội truyền thống được hồi sinh và phục hưng bằng công sức của chính các nhà tu hành, của nhân dân địa phương cùng phật tử, du khách xa gần. Tâm nguyện của các thầy đương gia cùng nhân dân địa phương mong nhà nước sớm quy hoạch di tích thành điểm đến trong các gói sản phẩm du lịch Hải Dương và vùng Đông Bắc. Khu vực bến sông trước chùa cần được nâng cấp làm nơi tổ chức phần hội. Bãi xe cùng hệ thống dịch vụ cần được mở rộng để đáp ứng nhu cầu của hàng vạn du khách khi về lễ hội tham quan, nghiên cứu và thưởng ngoạn.
Bài và ảnh:Phương Thảo
Gửi bình luận