A- A+
Nghè Nguyệt Viên (xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa).
(THO) – “Nguyệt Viên mười tám ông nghè/ Người cưỡi ngựa tía, người che lọng vàng”, câu ca được truyền tụng qua bao đời đã trở thành niềm tự hào của người dân làng Nguyệt Viên (xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa).

Nguyệt Viên xưa không chỉ nổi tiếng với truyền thống học hành khoa bảng, mà còn là nơi gặp gỡ của tuyến giao thương Bắc - Nam bằng đường thủy... Nhờ đó, làng cổ nằm cạnh sông Mã này mang  “phong vị” đặc trưng của làng xã người Việt: Thuần hậu, yên bình và đậm đà bản sắc văn hóa. Về làng Nguyệt Viên, sẽ là thiếu sót lớn nếu không qua thăm nghè cổ Nguyệt Viên, nơi thờ vị thần có duệ hiệu “Chương Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”. Tọa lạc trên diện tích khá khiêm tốn, chỉ chừng 0,25 ha, song công trình kiến trúc được xây dựng cách đây hơn 4 thế kỷ (năm Quang Hưng thứ 16 (1593) triều Lê Thế Tông) vẫn khiến hậu thế phải kinh ngạc bởi vẻ đẹp của nó. Có người từng qua đây đã miêu tả nghè Nguyệt Viên “tựa như một búp sen từ từ mở cánh tỏa sắc, khoe hương và soi bóng vào mặt gương trong của dòng Mã giang”.

Bên cạnh vẻ đẹp kiến trúc, điều hấp dẫn của nghè Nguyệt Viên còn nằm ở câu chuyện tình yêu đơn phương cảm động và đầy bi thương của nàng công chúa đẹp người, đẹp nết dành cho vị Phụ ký lang hầu Đô tổng thống Nguyễn Công Đàn, người có công lớn phò vua cứu nước. Tuyệt vọng bởi mối lương duyên không như mong muốn, người con gái ấy đã trẫm mình xuống sông Nguyệt Thường, đoạn chảy qua làng Nguyệt Viên. Cảm mến nàng, dân làng đã lập miếu thờ và hội làng Nguyệt Viên cũng bắt đầu từ đó. Hội làng hay lễ hội nghè Nguyệt Viên được tổ chức vào mùng 10 tháng hai âm lịch. Cùng với phần nghi lễ trang nghiêm, thành kính; phần hội đặc biệt thu hút người dân trong vùng bởi các hoạt động mang tính cộng đồng cao, như đua thuyền trên sông Mã, kéo hẹ, tú huần, hát đối... Theo lý giải của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, sức hấp dẫn của lễ hội nghè Nguyệt Viên một phần nằm ở lễ nghi và các trò diễn tưng bừng, náo nhiệt; song, sâu xa hơn, sức sống của lễ hội lại nằm ở nhân vật được thờ phụng. Vượt xa ý niệm ban đầu là cảm thương cho tình yêu và cái chết của nàng công chúa, nhân vật được thờ phụng tại nghè Nguyệt Viên đã hóa thân thành Thành hoàng làng hay nữ thần sông – người che chở cuộc sống và mang mưa thuận gió hòa cho người trồng lúa, mang tôm cá cho người chài lưới, mang may mắn cho người ngược xuôi buôn bán và mang đỗ đạt, thành danh cho người học hành, thi cử.

Cùng với lễ hội nghè Nguyệt Viên, trên địa bàn TP Thanh Hóa còn nhiều lễ hội đặc sắc khác như lễ hội Thái miếu nhà Hậu Lê, lễ hội đền thờ Nguyễn Phục, lễ hội đền thờ Dương Đình Nghệ, lễ hội đền thờ Tống Duy Tân... Các lễ hội này được tổ chức quy mô lớn, gắn với các di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia và là nơi thờ các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa được hậu thế ca ngợi. Đặc biệt trong số đó phải kể đến lễ hội Thái miếu nhà Hậu Lê (phường Đông Vệ) diễn ra vào 20, 21-8 âm lịch, gắn với lễ hội Lam Kinh. Lễ hội có sự kết hợp hài hòa giữa các nghi thức cung đình, nhằm tôn vinh Anh hùng dân tộc Lê Lợi và các vua, tướng sĩ Nhà Lê; với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi, trò diễn độc đáo như tổ tôm điếm, cờ người và hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt. Có thể nói, cùng với di tích, lễ hội này đã góp phần tạo nên một không gian văn hóa – tâm linh linh thiêng của TP Thanh Hóa, thu hút khoảng 6.000 lượt khách đến tham quan, dâng hương mỗi năm. 

Là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh; đồng thời, lại được hình thành trên một vùng đất cổ của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ bậc nhất, bởi vậy, TP Thanh Hóa vốn chứa đựng trong lòng nó nhiều tầng văn hóa đặc sắc. Và, lễ hội chỉ là một lát cắt trong những tầng văn hóa còn nhiều bí ẩn và thú vị ấy. Theo thống kê, trên địa bàn TP Thanh Hóa hiện có 32 lễ hội truyền thống đang được gìn giữ và tổ chức hàng năm. Bên cạnh các lễ hội gắn với danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc là các lễ hội gắn với nghi thức tôn giáo, lao động sản xuất, tổ nghề... vẫn được người dân duy trì, bồi đắp và ngưỡng vọng suốt nhiều thế kỷ qua, để làm nên một nét chấm phá thú vị cho bức tranh văn hóa của vùng đất cổ - thành phố trẻ bên bờ sông Mã.

Gửi ý kiến của bạn

Gửi ý kiến của bạn

 
Liên kết hữu ích