Nhớ sông Gianh...

Cập nhật lúc 09:30, Thứ Bảy, 14/09/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Những ngày cuối tháng 8-2013, niềm vui như vỡ òa trong lòng người dân đôi bờ sông Gianh khi cầu Văn Hóa với nguồn vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng được khánh thành. Còn bạn tôi, một cư dân sông Gianh, giữa những phút giây ngập tràn niềm vui ấy, chợt len vào khoảnh khắc trầm tư. Bạn bảo, mừng cho người dân đôi bờ sông Gianh khi "Bây chừ sang sông không phải đợi đò...", nhưng sao lòng bỗng đầy thương nhớ...

Cái cảm giác "bỗng đầy thương nhớ" của bạn, tôi đã từng trải qua gần 15 năm trước, khi cầu Gianh, cũng là cây cầu hiện đại và vững chãi đầu tiên bắc qua dòng sông lịch sử này được khánh thành. Sau rất nhiều năm gắn bó với những chuyến phà, với từng khoảnh khắc đợi chờ trong ngày mùa đông gió bấc, ngày hạ oi nồng và mùa thu, mùa xuân ngập ngừng mưa bụi, lần đầu tiên qua sông Gianh bằng cây cầu, bao cảm giác lạ lùng ùa vào tim tôi.

Hân hoan vui mừng, dĩ nhiên, bởi từ đây, đường về quê sẽ gần hơn, không còn những phập phồng âu lo và đằng đẵng đợi chờ như trước. Rồi xe qua cầu, ngoảnh nhìn về phía biển, chợt nhói lòng khi gặp hình ảnh bến phà tấp nập hôm nào giờ lặng lẽ, trầm tư trong bóng chiều chạng vạng...

Tôi tự nhận mình là một cư dân  sông Gianh, tự hào với dòng sông quê dài 160 km, bắt nguồn từ núi Cô pi cao trên 2.000m thuộc dãy Trường Sơn hùng vĩ, uốn lượn qua Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch rồi hòa vào nước biển Đông ở cửa Gianh. Sông chảy trọn trên đất Quảng Bình, nhỏ bé thế nhưng sông từng gánh trên mình bao sứ mệnh lịch sử.

Cầu Văn Hoá được khánh thành vào cuối tháng 8-2013. Ảnh: V.P
Cầu Văn Hoá được khánh thành vào cuối tháng 8-2013. Ảnh: V.P

Là ranh giới đau thương của hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn với cuộc chiến huynh đệ tương tàn suốt gần 200 năm, để bây giờ, mỗi bận qua sông như vẫn mơ hồ nghe tiếng gươm khua. Là dòng sông ngút ngàn khói lửa những tháng năm đánh Mỹ, nơi bao thế hệ, trong đó có mẹ cha tôi, từng qua sông ngược bắc xuôi nam đi học, đi chi viện cho chiến trường miền Nam. Sông Gianh, sau bao cuộc chiến chinh đau thương và đẫm máu, đã trở thành một cái tên đi vào lịch sử, mà có lẽ mỗi một người dân Việt Nam đều biết đến...

Sông Gianh khói lửa, đau thương và là dòng sông chứng nhân lịch sử, hẳn nhiên. Và có một sông Gianh dịu dàng, ngọt mát nhờ nước từ nguồn Son, nguồn Nậy, nguồn Nan, như cách gọi thân thương của cư dân nơi đây. Sông Gianh mang lại bao sản vật, tưới mát cho những làng quê đôi bờ. Nào chắt chắt Phù Hóa, dâu tằm Kinh Châu, ngô lạc xanh ngút mắt nơi vùng biền bãi...với những niềm tự hào rất riêng. Là làng Lệ Sơn nổi tiếng với huyền thoại 99 con phượng hoàng, dù không trở thành kinh đô nước Việt, nhưng là miền "đất học" nổi tiếng với bao người tài danh. Xuôi về phía hạ lưu, sông Gianh tấp nập tàu thuyền, rộn ràng bến chợ. Suốt chiều dài 160 km của dòng sông lịch sử này là những nét chấm phá tuyệt đẹp từ thượng nguồn hùng vĩ, dịu dàng uốn lượn qua những xóm làng bình yên rồi mạnh mẽ và hào sảng đổ mình ra biển nơi cửa Gianh trù phú...

Và đi cùng chiều dài của dòng sông là nỗi nhớ muôn đời của người sông Gianh. Bạn ở thượng nguồn, ký ức của bạn về dòng sông là những buổi đợi đò. Ngày mưa, ngày nắng, ngồi bên quán nhỏ cạnh bờ sông, bạn tán gẫu chuyện trường, chuyện lớp. Và cả những rung động đầu đời trong trẻo nơi bến sông quê, mà trải qua bao năm tháng, qua bao dâu bể đời người, ký ức dường như vẫn vẹn nguyên. Để trong ngày đôi bờ sông quê được nối liền bởi cây cầu vững chãi, giữa niềm vui như đang vỡ òa, bạn chợt mơ hồ nghe tiếng ai đó gọi đò từ những ngày xưa cũ. Để rồi miên man nhớ thương ký ức, thương người lái đò hiền lành, chất phác với hàng nghìn chuyến đò qua lại bến sông, giờ đò neo nơi bến vắng, ngậm ngùi nhớ giọng cười của học trò mỗi bận sang sông...

Đò xuôi sông Gianh. Ảnh: Tiến Hành
Đò xuôi sông Gianh. Ảnh: Tiến Hành

Và xuôi về hạ nguồn sông Gianh, là bộn bề nỗi nhớ bến phà Gianh. Dù những ký ức ấy gắn liền với bao vất vả, cực nhọc những lúc đợi phà, nhưng người sông Gianh dễ gì quên được. Nếu qua sông Gianh bây giờ bằng vận tốc của những chiếc xe hơi hiện đại chỉ chưa đầy một phút, thì ngày ấy, để qua sông có khi mất cả ngày trời. Tôi nhớ phà Gianh những năm 90 của thế kỷ trước, nhớ những ngày giáp Tết ngồi đợi phà trong cái lạnh căm căm dưới ánh đèn vàng với từng đoàn xe dài dằng dặc kiên nhẫn xếp hàng.

Thời gian dằng dặc đợi chờ đủ để nhận ra đồng hương giữa những bạn đồng hành, để những người xa lạ hóa thành thân quen. Cũng có người nên duyên nhờ những chuyến phà và có cả những chia ly, hờn giận từ đây... Và với người sông Gianh, có lẽ dòng sông còn là ranh giới của quê hương. Bạn tôi vẫn thường kể về thời sinh viên, rằng ngày đi học, qua đến bờ nam sông Gianh là thấy quê nhà đã xa ngái sau lưng, chỉ chực òa khóc khi ngoái nhìn bến phà đang xa dần. Còn mỗi bận về quê, chỉ mới đặt chân lên bờ bắc dòng sông là đã thấy niềm vui rộn ràng bởi quê nhà như đã hiện ra trước mắt...

Trong số rất nhiều những bài hát về Quảng Bình, về sông Gianh, chẳng phải ngẫu nhiên mà "Tâm tình với sông Gianh" lại được nhiều người yêu thích đến thế, đặc biệt là với người sông Gianh. Bởi giản đơn đó là tiếng lòng, là sự đồng vọng của những người từng gắn bó với dòng sông này. "Sao tôi thương dòng sông thuở ấy/Đã bao đời bến cách sông ngăn...", chỉ những dòng phác họa ngắn ngủi thôi, nhưng cũng đủ để hình dung về sông Gianh với bao sứ mệnh lịch sử, với nỗi đau chia cắt qua nhiều thế kỷ... Còn bây giờ, sông Gianh đã được nối liền bởi những cây cầu hiện đại và vững chãi. Để người sông Gianh "Bây chừ qua sông không phải đợi đò/Bắc cầu sông quê cho đôi lứa hẹn hò...".

Đến thời điểm này, sông Gianh đã có 6 cây cầu vững chãi nối đôi bờ. Văn Hóa là cây cầu mới nhất và là cây cầu thứ ba phía thượng nguồn sông Gianh. Niềm vui mỗi ngày một lớn hơn, và nỗi nhớ cùng bao hoài niệm cũng đầy hơn. Có thể có ai đấy sẽ cắc cớ hỏi rằng, cầu mới đã xây xong, đường đến tương lai đang thênh thang rộng mở, sao cứ mải nhớ về quá khứ, nhớ những tháng ngày cực nhọc và vất vả nơi bến sông và đằng đẵng đợi đò? Vâng, điều thắc mắc ấy cũng là dễ hiểu, khi những cây cầu hiện đại đã và đang đưa cuộc sống của cư dân những dòng sông ngày một sung túc hơn cả về tinh thần và vật chất, nhưng nếu là cư dân của sông Gianh hay bất cứ một dòng sông nào khác, tôi tin rằng bạn sẽ không hỏi câu ấy, bởi nỗi nhớ, sự hoài niệm và tri ân quá khứ chính là nền tảng vững chắc để chúng ta tự tin đi đến tương lai...

Và tương lai có thể sẽ có thêm những cây cầu mới bắc qua dòng sông lịch sử này. Sẽ lại có những cuộc chia tay đầy lưu luyến với quá khứ và những hoài niệm đẹp của người sông Gianh...

Ngọc Mai



 

,
.
.
.