Lăng Tứ Kiệt: Trên đường 30/4, cách Ủy ban nhân dân huyện Cai Lậy vài chục mét là nơi thờ bốn vị anh hùng dân tộc: Long, Thận, Rộng, Đước. Ngay cổng lăng mộ là hai câu đối thể hiện tầm vóc và khí phách anh hùng của bốn ông: "Tứ vị anh hùng vị quốc hy sinh vĩnh niệm. Kiệt nhân nghĩa cử tinh thần bất khuất lưu tồn". Hàng năm, vào ngày 25 tháng Chạp, nhân dân Cai Lậy tụ họp đông đúc để làm lễ giỗ rất trang trọng, thành kính tưởng nhớ các ông đã vì nước quên mình, vì dân giết giặc, nêu cao tấm gương sáng ngời cho hậu thế noi theo.
Lăng Trương Định: Trương Định người Quảng Ngãi sinh năm 1820, lấy vợ quê ở Tiền Giang rồi sống luôn tại quê vợ, là người đi đầu trong việc khai hoang lập ấp ở huyện Tân Hòa (nay là thị xã Gò Công), từng được triều đình bổ chức Quản Cơ. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông đã lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa, làm cho giặc bao phen khiếp vía. Nhưng do sự phản bội của Huỳnh Công Tấn, Trương Định tử tiết ngày 20/8/1864, nhân dân chôn cất ông tại thị xã Gò Công. Hiện nay khu di tích Trương Định gồm lăng và đền thờ tọa lạc ở thị xã Gò Công. Mộ ông được xây bằng đá ong với hồ ô dước (hợp chất : vôi, cát, mật, giấy dó và than hoạt tính) trên diện tích 67m2, mặt bia có khắc chữ "Đại Nam Thần Đông Đại Tướng Quân, Truy Tặng Ngũ Quân, Quận Công, Trương Công Định Chi Mộ". Lăng Trương Định không chỉ là di tích lịch sử mà còn là dạng kiến trúc mộ táng tiêu biểu của người Việt ở Nam Bộ.
Lăng Hoàng Gia: Tọa lạc tại Gò Sơn Quy, thị xã Gò Công, được xây dựng trên diện tích 2.987m2 vào năm 1826. Lăng gồm một dòng họ Phạm (họ ngoại vua Tự Đức) và Phạm Đăng Hưng - người nổi tiếng lỗi lạc, hiền đức; cùng nhà thờ với các cột cao to sơn son thiếp vàng. Đây là khu di tích phản ánh nghệ thuật kiến trúc nhà Nguyễn và nghệ thuật chạm khắc truyền thống Gò Công. Nơi đây còn nhiều bia đá ghi lại một thời lịch sử xa xưa của vùng miền Tây Nam Bộ.