Hồ Đại Lải
Hồ Đại Lải | |
---|---|
Khu vực | thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc |
Tọa độ | 21°19′30″B 105°42′53″Đ / 21,325°B 105,71472°Đ |
Kiểu hồ | nước ngọt |
Nguồn cấp nước chính | nước mưa |
Quốc gia lưu vực | Việt Nam |
Diện tích bề mặt | 5,25 km² |
Khu dân cư | Phúc Yên |
Thông tin trong bài (hay đoạn) này không thể kiểm chứng được do không được chú giải từ bất kỳ nguồn tham khảo nào. Xin bạn hãy cải thiện bài viết này bằng cách bổ sung chú thích tới các nguồn uy tín. Nếu bài được dịch từ Wikipedia ngôn ngữ khác thì hãy chuyển nguồn tham khảo từ phiên bản đó cho bài này. Nếu không, những câu hay đoạn văn không có chú giải nguồn gốc có thể bị thay thế hoặc xóa đi bất cứ lúc nào. |
Hồ Đại Lải là một hồ nước nhân tạo lớn. Xưa kia, vùng hồ là một thung lũng cằn cỗi nằm giữa một bên là dải núi Thằn Lằn, một bên là các đồi trọc trải dần ra từ phía chân dãy Tam Đảo. Mùa mưa lũ, nước ở các con suối chảy dồn về như thác, đồng thời lại rút đi rất nhanh, cuốn trôi theo phù sa màu mỡ, làm cho đồng ruộng bị xói mòn, đất đai bạc màu vì khô cằn. Vì vậy, Bộ Thuỷ lợi đã cho khảo sát, thiết kế xây dựng hồ chứa nước Đại Lải với nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ tưới tiêu cho đại bộ phận ruộng đồng của huyện Kim Anh, Sóc Sơn và một phần diện tích đất nông nghiệp huyện Bình Xuyên. Công trình được khởi công vào năm 1959, đến năm 1963 cơ bản hoàn thành bằng sức lao động chân tay của bộ đội, nhân dân, cán bộ công nhân viên chức, các cơ quan, đoàn thể trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc với 2.266.100 ngày công, đào đắp được 121.900m3 đất đã tạo nên lòng hồ rộng lớn có diện tích mặt nước 525ha, chứa 26,4 triệu m3 nước. Công trình hồ Đại Lải mang lại lợi ích phát triển kinh tế, xã hội, nông lâm nghiệp, phục vụ tưới tiêu cho khoảng 2.900ha - 3.500ha đất canh tác.
Trong những năm qua, với chính sách đổi mới, mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư của tỉnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Các khu du lịch – dịch vụ dần được hình thành để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, vui chơi giải trí của nhân dân, trong đó có khu vực hồ Đại Lải. Với diện tích tự nhiên là 1.500ha, trung tâm là hồ Đại Lải, khu du lịch - thắng cảnh này đã, đang và ngày càng đẹp hơn, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch – dịch vụ, bước đầu thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước tới thăm quan, nghỉ dưỡng.
Hồ nằm giữa một màu xanh ngút ngàn. Phía Bắc hồ là dãy Tam Đảo xanh thẳm, hùng vĩ. Ba phía vòng quanh hồ, gò đồi lúp xúp và núi Thằn Lằn nối với nhau bằng những con đập kiên cố tạo nên những bờ thành giữ nước vững chắc. Vào mùa mưa, nước từ các con sông, suối phía Nam của dãy núi Tam Đảo như: sông Vực Tuyền, sông Tôn, sông Bá Hạ, suối Đồng Câu, Đồng Chão... đều dồn chảy vào lòng hồ, khiến mực nước hồ có thể lên cao tới cốt 21m. Mặt nước hồ lặng sóng xanh ngắt in bóng trời mây và núi biếc. Bơi thuyền trên hồ sẽ phát hiện được rất nhiều cảnh quan kỳ thú do các thung lũng tự nhiên, các triền đồi bát úp cùng các hẻm núi còn hoang sơ nhô ra, tạo nên các eo, các bán đảo hết sức đa dạng. Lại có những quần đảo nhỏ nằm trong lòng hồ như đảo chim, đảo Ngọc. Chiều chiều, những cánh cò trắng bay về trong hoàng hôn soi bóng mặt hồ, những tiếng chim chiu chít cùng tiếng rừng thông reo vi vút sẽ là những lời mời gọi hấp dẫn hơn cả tiếng chào mời của các tiếp viên du lịch ở bất cứ nơi đâu… Xung quanh hồ là màu xanh điệp trùng của hơn 9.000 héc ta cây rừng phòng hộ. Sắc biếc của hồ sâu, màu xanh rợp mát của rừng, vẻ đẹp thẳm xa của núi cùng với những cơn gió mát rượi tạo cho du khách cảm giác được đắm chìm trong thiên nhiên yên bình, tận hưởng sự thanh thản và dễ chịu hiếm có. Một điều kỳ thú nữa là vì có núi Tam Đảo che chắn nên ngọn gió bấc “cắt da cắt thịt” của mùa đông không đến được vùng hồ, ở đây nhiệt độ trung bình của mùa hè là 28,90C và mùa đông là 16,80C, rất thuận lợi cho việc nghỉ dưỡng cuối tuần, cho dù đang mùa nắng nắng nóng hay tiết trời đông giá.
Không chỉ giới hạn trong vùng lòng hồ và khu du lịch, từ đây cũng có thể tổ chức những chuyến lữ hành hấp dẫn tới các điểm danh thắng khác. Từ bãi tắm dưới hồ, du khách có thể đi bộ thể dục lên đỉnh núi Thằn Lằn phóng tầm mắt nhìn về Thủ đô Hà Nội và tham quan đồn Thằn Lằn, nơi ghi dấu một trong những trận đánh quyết liệt mà chiến thắng hào hùng của lực lượng vũ trang chiến khu Ngọc Thanh những năm chống Pháp. Những ai thích leo núi có thể ngược lên phía Bắc, luồn rừng qua đèo Nhe (một thời là con đường liên lạc trọng yếu giữa chiến khu Ngọc Thanh và căn cứ địa Việt Bắc) sang đất Thái Nguyên thăm hồ Suối Lạnh; tới đèo Khế thăm khe núi Đá Đen - địa điểm đặt kho bạc nhà nước thời kháng chiến; hay rẽ sang núi Mỏ Quạ mạo hiểm thử sức leo lên những vách đá dựng đứng… Từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy thấp thoáng giữa bạt ngàn rừng xanh là các mặt nước hồ Xạ Hương, hồ Làng Hà, hồ Gia Khau thanh bình lặng sóng. Du khách cũng có thể tới thăm những dấu tích thành lũy của Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương hay những địa điểm ghi đầy dấu ấn lịch sử khác của chiến khu Ngọc Thanh như: cơ sở bào chế thuốc tân dược và nơi làm việc của trạm quân y chiến khu, thung lũng Đá Bia, Đồng Dè, đại bản doanh Móc Son…
Xác định được tiềm năng của Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc và Viện Quy hoạch đô thị nông thôn đã lập quy hoạch tổng thể để đầu tư xây dựng nơi đây thành một trong những trọng điểm du lịch của địa phương. Theo quy hoạch đến năm 2010, khu du lịch sẽ có 4 cụm. Phía Tây là trại sáng tác và khu nghỉ dưỡng Trung ương, phía Nam là các hạng mục công cộng như cung văn hóa, siêu thị, quản lý hành chính. Phía Đông được giao cho 2 chủ dự án lớn: Công ty TNHH Đại Lải xây dựng một sân golf 36 lỗ; Công ty Đầu tư xây dựng và Hợp tác quốc tế Hùng Vương xây dựng Flamingo Đại Lải Resort. Hiện tại, cả 2 dự án này đã đi vào hoạt động phục vụ cho du khách thăm quan và nghỉ dưỡng. Đại Lải đã trở thành điểm vui chơi, nghỉ dưỡng cuối tuần cho không chỉ người dân khu vực xung quanh và Hà Nội mà sẽ trở thành một trong những khu nghỉ cao cấp trọng điểm của toàn miền Bắc. Khu du lịch Đại Lải sẽ kết hợp với các khu công nghiệp như Quang Minh, Nội Bài, Thăng Long, và Khu đô thị Mê Linh, Quang Minh cách đó không xa, tạo thành một chuỗi đô thị - công nghiệp - du lịch rất phát triển ở phía Bắc Thủ đô.
Khu du lịch Đại Lải nằm trong địa phận xã Ngọc Thanh và xã Cao Minh, thuộc thị xã Phúc Yên, cách nội thành Hà Nội 50 km, cách sân bay Nội Bài 15 km với hệ thống đường giao thông thuận tiện cả đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Với vị trí thuận lợi được thiên nhiên ưu đãi, được sự quan tâm của các cấp chính quyền trong tương lai không xa Đại Lải sẽ cùng với các khu du lịch Tam Đảo Tây Thiên và các khu du lịch sinh thái trong vùng tạo nên một quần thể du lịch bốn mùa và những ngày nghỉ cuối tuần của du khách thập phương trong và ngoài nước.