Văn hóa Việt Nam được hình thành bởi ba trụ cột, đó là gia đình - làng - nước, trong đó làng xã là nơi nuôi dưỡng mạch ngầm văn hóa, nơi sáng tạo, duy trì và chuyển giao kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng và hiện nay vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng cư dân các làng xã và của cả dân tộc. Có thể khẳng định rằng, dù trong hoàn cảnh nào, làng xã vẫn là những thực thể văn hóa đặc biệt, có đóng góp xứng đáng vào diện mạo và bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó là:
- Những cộng đồng lãnh thổ, do tất cả các thành viên góp phần khai phá, xây dựng.
- Những cộng đồng kinh tế bền vững, là đơn vị kinh tế tự cung, tự cấp trên cơ sở nền nông nghiệp lúa nước.
- Những cộng đồng văn hóa, cùng nhau sáng tạo những giá trị văn hóa đặc sắc và lại cùng nhau bảo vệ, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa truyền thống từ đời này sang đời khác.
Di sản văn hóa làng cần được xem xét như một chỉnh thể thống nhất không tách rời giữa di tích động sản và bất động sản; di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, môi trường thiên nhiên và môi trường nhân tạo. Theo quy định của Luật di sản văn hóa của nước ta, di sản văn hóa được phân chia ra hai thành tố cơ bản là: di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, với các bộ phận cấu thành như sau:
- Di sản văn hóa phi vật thể gồm: Các hình thức biểu diễn truyền khẩu; các hình thức trình diễn nghệ thuật; các phong tục tập quán; nghi thức và lễ hội; quan niệm, hiểu biết về thiên nhiên và thái độ ứng xử với thiên nhiên.
- Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm: Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia.
Từ góc độ di sản văn hóa làng, chúng ta nhận thấy rằng văn hóa vật thể được thể hiện dưới các dạng thức có tính phổ quát như: Môi trường sinh thái - nhân văn, khung cảnh thiên nhiên thuộc về địa bàn cư trú - sản xuất của cộng đồng làng xã; các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng (đình, chùa, đền, miếu…), các công trình kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống; các di vật là công cụ lao động, phương tiện vận chuyển và các sản phẩm của quá trình lao động sáng tạo - đặc biệt là các sản phẩm lao động thủ công ở các làng nghề truyền thống.
Tham gia chương trình Khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất hướng phát triển kiến trúc nông thôn khu vực Khánh Hậu - do Hội Kiến Trúc Sư Long An tổ chức, tác giả trình bày một số nhận thức ở góc độ bảo tồn và phát triển khu vực văn hóa đặc sắc này.
1. Lịch sử hình thành: Khoảng đầu và giữa thế kỷ XVII, lưu dân người Việt đến đồng bằng sông Cửu Long, bởi nhiều động lực thúc đẩy khác nhau về chính trị, kinh tế, tôn giáo, quân sự và xã hội. So với tiến trình lập cư ở đồng bằng sông Hồng và sông Mã thì tốc độ di dân lập cư ở đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra rất nhanh, chỉ trong thời gian hơn hai thế kỷ rưỡi; đồng thời mạng lưới làng xã cũng đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp theo cương vực châu thổ. Chính khối dân cư giàu tính năng động đến lập nghiệp mới ở đây, sẽ dần dần xây dựng các làng xã với những cơ cấu kinh tế, xã hội, chính trị và tinh thần hoàn chỉnh hơn, theo trình độ và khả năng chủ quan của họ cũng như các điều kiện khách quan và cụ thể khác của môi trường bên ngoài.
Về cơ bản trong bối cảnh truyền thống, lưu dân vẫn là những nông dân, do đó trong sinh hoạt kinh tế của họ chủ yếu vẫn dựa trên nông nghiệp. Lao động trực tiếp để khai phá đất hoang và một phần nào kế thừa những thành quả khai thác của người bản địa, là hai nguồn gốc chủ yếu cho tiến trình sở hữu ruộng đất của lưu dân tại đồng bằng sông Cửu Long.
Những lưu dân xưa, khi đến vùng đất Ba Giồng- Khánh Hậu ngày nay, cũng không ngoài hoàn cảnh ấy. Ở Gia Định vào thế kỷ XVII- XVIII có những loại tổ chức làng xã mang tên như thuộc, trại, bãi, nguồn, cửa, nậu, trường, điếm, sở, súc… chưa ổn định và chưa thống nhất ở mỗi địa phương, một phần nào đó có các chức năng tương đương với các thôn làng truyền thống. Cơ cấu tinh thần truyền thống của làng xã ở đây thể hiện rõ nét nhất ở các tập tục tín ngưỡng đình làng, nơi đây còn là trung tâm sinh hoạt cộng đồng thường trực của dân làng, ở Khánh Hậu thuở ấy, sau khi hình thành hai thôn Tường Khánh và Nhơn Hậu, nhân dân cũng lập nên 2 ngôi đình Tường Khánh (nay là đình Khánh Hậu) và Nhơn Hậu (thế kỷ XVIII).
Khi họ Nguyễn chạy vào đất Gia Định, sau cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn, tổ chức cơ chế quyền lực làng xã được quan tâm tổ chức, nhằm tạo điều kiện chống lại Tây Sơn trong 14 tổng, thuộc 3 dinh Phiên Trấn, Trấn Biên, Long Hồ và đạo Trường Đồn. Theo truyền thống, làng xã được ở Nam Bộ vào lúc này thường được điều khiển bởi một Hội Đồng Kỳ Mục hay Hương Chức gồm các hương chức lớn và các chức dịch nhỏ phụ tá. Các hương chức được chọn trong số những người có địa sản, hay có uy tín và khả năng. Công việc chung trong làng được bàn bạc trong hội làng, được tổ chức tại đình làng vào mùa xuân và mùa thu trong năm.
Trong những năm thế chiến thứ hai, làng mạc ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung được Việt Minh hỗ trợ để tổ chức các hoạt động kháng chiến chống thực dân Pháp và phát xít Nhật. Năm 1945, sau khi người Nhật rút khỏi Việt Nam, chính quyền Việt Minh nắm quyền lực và thay đổi các hội đồng làng- xã truyền thống bởi những Ủy ban hành chánh, do nhân dân bầu cử .
Tuy nhiên, khi thực dân Pháp trở lại Việt Nam vào năm 1946, họ đã phục hồi Hội đồng hương chức truyền thống và tái lập chính quyền thuộc địa tại Đông Dương. Thời kỳ tiếp theo, 1946- 1954, là thời gian của sự bất ổn lớn đã được lưu ý từ trước đó, nhưng điều này chỉ được giảm thiểu một phần bởi Hiệp định Geneva được ký kết vào tháng 7 năm 1954. Tiếp theo là thời kỳ của chế độ Sài Gòn cũ, đã đề ra nhiều thay đổi lớn trong chính quyền làng - xã cùng với những nỗ lực hoạt động nhằm giới thiệu một số cải cách về kinh tế và những hoạt động kích thích nền kinh tế phát triển, nhưng các chương trình ấy vẫn không có sự thành công cần thiết, trong đó trường hợp xã Khánh Hậu là một thực tế.
Ngày nay, dưới ngọn cờ cách mạng, cùng cả nước đi lên theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, xã Khánh Hậu ngày xưa - nay là phường Khánh Hậu và phường Tân Khánh, thuộc thành phố Tân An có hệ thống chính trị vững chắc, gồm Đảng bộ cơ sở, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân với sự giúp việc của các ban ngành và sự phối hợp của các tổ chức đồn thể chính trị - xã hội cùng hoạt động điều hành các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và xã hội của địa phương ngày càng phát triển trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
2. Đặc trưng văn hóa và cư dân: Cư dân Khánh Hậu là hậu duệ của những lưu dân Nam tiến, đa số có nguồn gốc từ vùng ngũ Quảng. Họ đã kế thừa truyền thống văn hóa nơi cố hương và biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của người Hoa, người Chân Lạp, người Chăm để tạo nên bản sắc văn hóa riêng của mình. Về phong tục của huyện Kiến Hưng, trong đó có đất Ba Giồng, Trịnh Hoài Đức có viết: “Huyện Kiến Hưng nửa cày ruộng, nửa đất trồng, mọi người làm nghề cày ruộng, trồng dâu, có nhiều người dũng cảm tiết nghĩa”. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng có viết: “Phong tục giống như Gia Định nhưng vật lực có hơn nên cũng ham vui và thích chơi nhiều hơn. Phục sức cũng xa xỉ hơn, phụ nữ nuôi tằm dệt lụa cũng hơn mà nhà nông cày cấy, làm ăn cũng hơn. Lại hay tin quỷ thần, hay mời đồng cốt để họ múa hát làm vui. Chưa đổi hết được phong tục Ba Giồng, rất thượng võ và thích diễn võ nghệ. Đó là di tập của quân Đông Sơn xưa”.
Qua đó ta thấy rằng đặc trưng trong tính cách và phong tục tập quán của người dân Ba Giồng là : dũng cảm, tiết nghĩa; làm ra làm, chơi ra chơi; có tinh thần thượng võ và ham chuộng võ nghệ. Qua đó ta có thể hiểu được vì sao nhân dân Khánh Hậu xưa và nay đều rất sùng kính Kiến Xương quận công Nguyễn Huỳnh Đức- một con người nổi tiếng về nghĩa khí và võ nghệ của giồng Cái Én.
Ở Khánh Hậu, người Việt là thành phần chủ yếu trong cộng đồng dân cư nên ở đây chủ yếu là tín ngưỡng của người Việt. Bên cạnh đó, ta còn thấy một số yếu tố tín ngưỡng của người Hoa, cộng đồng người có mặt ở đất Ba Giồng từ rất sớm. Ở những dòng họ đầu tiên đến khai phá Khánh Hậu, có lễ cúng Việc Lề hoặc giỗ Hội. Mỗi kiến họ có nghi thức và thời gian cúng Việc Lề khác nhau. Lễ cúng Việc Lề thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên đã có công khai cơ, mở đất và kết chặt tình thân giữa người trong cùng một dòng họ.
Sự ra đời của đình làng đánh dấu bước phát triển hết sức quan trọng của cư dân Khánh Hậu trong quá trình khẩn hoang lập ấp. Đình làng là nơi thờ vị thần của làng (Thành Hoàng bổn cảnh), các vị tiền hiền, hậu hiền và cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng cư dân. Khánh Hậu ngày nay còn lưu giữ hai ngôi đình là Tường Khánh và Nhơn Hậu, được xây dựng từ cuối thế kỷ XVIII. Đình Tường Khánh hiện còn lưu giữ 6 đạo sắc của 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức phong tặng. Hai ngôi đình ở Khánh Hậu hằng năm đều tổ chức cúng 4 kỳ vào các lệ: kỳ yên, thượng điền, hạ điền và cầu bông. Lệ kỳ yên ở đình Tường Khánh còn có thêm lễ tống phong, được dân làng tổ chức một cách trọng thể. Những lễ nghi nông nghiệp này thể hiện nguyện vọng của quần chúng nhân dân về một cuộc sống sung túc, đầy đủ, mùa màng tươi tốt, quốc thới dân an. Vào dịp được mùa, cứ đáo lệ 3 năm một lần, vào lễ kỳ yên dân làng còn được thưởng thức nghệ thuật hát bội ở võ ca đình làng. Tiếc rằng nét đẹp văn hóa này đã bị mai một vài chục năm nay và chưa được phục hồi.
Ở Khánh Hậu còn có một thiết chế tín ngưỡng dân gian đặc biệt là lăng miếu Kiến Xương quận công Nguyễn Huỳnh Đức (nay thuộc khu phố Giồng Dinh, phường Khánh Hậu). Nhân dân ở đây coi ông như là một vị tiền hiền có công khai cơ, mở đất và là một vị thần tiêu biểu cho lòng trung nghĩa nên đã cùng gia tộc tổ chức trọng thể lễ Chu Niên của ông vào 3 ngày mồng bảy, mồng tám, mồng chín tháng chín âm lịch hàng năm. Truyền thống này được kéo dài gần 200 năm, bắt đầu từ năm 1820 (sau khi ông qua đời một năm).
|
Di tích đền thờ và lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức
|
|
Chánh điện đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức
|
|
Bình phong lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức
|
|
Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức
|
Ngoài ra, tại Khánh Hậu còn hiện diện một thiết chế tín ngưỡng đặc trưng của người Hoa, đó là chùa Ông ở khu phố Nhơn Hậu, phường Tân Khánh.
Về tôn giáo, ở Khánh Hậu có hai đạo chính là Phật giáo và Cao Đài. Phật giáo đã theo chân những lưu dân Nam tiến đến Khánh Hậu từ thời kỳ khai phá và có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của cư dân nơi đây. Đa số cư dân ở Khánh Hậu đều chịu ảnh hưởng bởi triết lý nhân quả, luân hồi, tứ diệu đế... của đạo Phật. Một số phong tục, tập quán như: cúng rằm, ăn chay, kiêng kỵ sát sinh, đi chùa lễ Phật cũng bắt nguồn từ tôn giáo này. Hiện tại, trên địa bàn Khánh Hậu có 3 ngôi chùa là: Diêu Quang tự (Chùa Cây Trôm, khu phố Quyết Thắng, phường Khánh Hậu, Thiên Phước tự (khu phố Nhơn Cầu 1, phường Tân Khánh), Khánh Điền tự (Khu phố Nhơn Cầu 1, phường Tân Khánh).
Đạo Cao Đài tuy ra đời muộn (1926) nhưng khá phát triển ở Khánh Hậu. Người theo đạo Cao Đài ban đầu đa số là hương chức, điền chủ… thuộc tầng lớp trung lưu của xã hội. Sau này, con cháu họ theo truyền thống của gia đình, cũng theo đạo Cao Đài. Hiện tại, ở Khánh Hậu có 3 cơ sở hành lễ của đạo Cao Đài gồm: Tam Thanh bửu điện (khu phố Giồng Dinh, phường Khánh Hậu), thánh thất Quyết Thắng (khu phố Quyết Thắng, phường Khánh Hậu), thánh thất Thủ Tửu (khu phố Thủ Tửu 1, phường Tân Khánh).
Ngày nay, thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước về phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bộ mặt văn hóa ở Khánh Hậu thêm phần khởi sắc với hệ thống giao thông, cơ quan, xí nghiệp, nhà cửa đều khang trang hơn; bên cạnh đó là những hình thức sinh hoạt văn hóa như các lễ hội cổ truyền, câu lạc bộ thơ - ca, câu lạc bộ đờn ca tài tử diễn ra ngày càng sinh động và phong phú. Những yếu tố lịch sử và văn hóa cùng với những đặc trưng kiến trúc truyền thống của người Việt, thông qua kết quả nghiên cứu bước đầu của chương trình khảo sát - điều tra mà chúng ta thảo luận hôm nay đã hình thành nên một khu vực văn hóa truyền thống giữa lòng thành phố mới.
3. Vấn đề bảo tồn và phát triển khu vực Khánh Hậu: Hiện nay đất nước ta đang chuyển mạnh trên con đường hội nhập và phát triển kinh tế, thu nhập của người dân đang gia tăng và các hoạt động thương mại và dịch vụ cũng tấp nập hơn. Khu vực Khánh Hậu của thành phố Tân An cũng đang ở trong xu thế ấy, do vậy, để thực hiện mục tiêu bảo tồn các di sản văn hóa ở đây, chúng ta cùng xem xét những nội dung cơ bản nhằm thảo luận, tham khảo ý kiến nhân dân, đề xuất lãnh đạo tỉnh và thành phố cùng các ngành chức năng có chính sách cho việc bảo tồn và phát triển khu vực một cách bền vững.
Mục tiêu của việc bảo tồn khu vực Khánh Hậu là phải nhằm nâng cao mức sinh hoạt và môi trường sống của người dân. Để làm được điều này phải bảo đảm được ba yếu tố chủ yếu như sau:
- Bảo tồn di sản văn hóa.
- Duy trì cải tạo môi trường sống.
- Phát triển kinh tế, xã hội.
Trong đó, có những mâu thuẫn không dễ giải quyết, bởi lẽ:
- Phát triển kinh tế thì rất khó bảo tồn được di sản văn hóa, ngược lại bảo tồn di sản thì khó có thể phát triển được kinh tế. Do vậy, rất cần thiết phải tạo được một cấu trúc kinh tế thúc đẩy việc bảo tồn di sản văn hóa. Mặt khác cũng có thể tách rời việc phát triển kinh tế đối với việc bảo tồn trong những trường hợp đặc biệt.
- Nếu quá nhấn mạnh những lý luận về di sản văn hóa thì sẽ gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt thường nhật cũng như việc tu sửa, cải tạo nhà cửa của người dân theo nhu cầu và khuynh hướng phát triển xã hội, nhưng nếu theo đuổi hiện đại hóa sinh hoạt và nơi ở thì không phải không có ảnh hưởng đến di sản văn hóa. Từ đó, chúng ta cần nghiên cứu và định hướng sao cho những ngôi nhà truyền thống phù hợp với sinh hoạt hiện đại, đồng thời tổng thể kiến trúc của khu vực vẫn giữ được bản sắc không gian văn hóa làng Khánh Hậu xưa, trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay.
Cho dù chúng ta nói đến “bảo tồn di sản văn hóa”, “xây dựng một cuộc sống lành mạnh sung túc”, “thực hiện sự phát triển kinh tế - xã hội” thì vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, cấp thốt nước, thủy lợi… là vấn đề cơ bản nhất cần được đặt lên hàng đầu, việc thực hiện các công trình này cần được quy hoạch tránh tác động đến khu vực bảo tồn và các di tích lịch sử - văn hóa.
Vẻ đẹp của Khánh Hậu là làng mạc, đồng quê, đối lập với những khu phố trong đô thị sầm uất. Phong cảnh đồng ruộng rất quan trọng. Do vậy, bên cạnh việc bảo tồn di tích kiến trúc truyền thống, cần bảo tồn những khu vực hiện nay là ruộng lúa, đồng thời nhất thiết phải có quy chế và quy hoạch sử dụng đất cho việc phát triển ngoại vi khu vực bảo tồn một cách hợp lý.
Chúng ta cũng cần xác định ranh giới giữa các cộng đồng, đặc biệt là giữa khu vực mang tính lịch sử và khu quy hoạch mới, cần có những vùng chuyển tiếp giữa khu cũ và mới. Những thảm ruộng lúa có thể đóng vai trò là ranh giới chuyển tiếp lý tưởng cho hai khu vực nêu trên. Bên cạnh đó là việc bảo vệ cảnh quan tự nhiên của hệ thống sông rạch trong vùng, bảo tồn những loại cây cổ thụ cũng cần được quy hoạch.
Việc quy định chiều cao và số tầng các công trình kiến trúc mới cũng cần được quan tâm nhằm hạn chế ảnh hưởng của chúng đối với các kiến trúc cổ trong khu vực. Bên cạnh đó, việc sử dụng vật liệu xây dựng cũng như màu sắc của các công trình kiến trúc mới trong khu vực bảo tồn cũng cần được nghiên cứu và thể hiện nhằm tạo nên sự hài hòa trong không gian khu vực bảo tồn.
Về mặt phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh việc phát triển kinh tế khu vực Khánh Hậu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thương mại dịch vụ theo tuyến Quốc lộ I, đầu tư sản xuất nông nghiệp tại chỗ và ở cơ sở 2 (vùng Đồng Tháp Mười) chúng ta còn có triển vọng định hướng phát triển kinh tế khu vực này trên cơ sở khai thác khu vực văn hóa truyền thống đặc sắc ở đây, đó là việc tổ chức Khánh Hậu thành một bảo tàng di sản văn hóa làng mà chủ thể hoạt động là cộng đồng cư dân địa phương; đối tượng hoạt động là di sản văn hóa làng, bao gồm môi trường sinh thái nhân văn, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, hoạt động sản xuất, đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán và lễ hội… nhằm mục đích giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa, khai thác di sản văn hóa làng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích vật chất và tinh thần cho cư dân địa phương. Trong điều kiện thực tiễn ở Long An, khu vực Khánh Hậu có thể trở thành điểm đến quan trọng trong một chương trình tham quan du lịch chuyên đề, bao gồm một số điểm chính như sau:
- Làng nghề dệt chiếu Long Định (Cần Đước).
- Làng nghề nấu rượu Gò Đen (Bến Lức).
- Làng nghề làm trống Bình An (Tân Trụ).
- Bảo tàng Long An.
- Khu vực Khánh Hậu.
Việc khai thác đúng mức văn hóa ẩm thực dân gian cũng như nghệ thuật đờn ca tài tử, với những nét riêng của Long An sẽ là những mối dây liên kết làm tăng thêm sự hài hòa và đa dạng của diện mạo văn hóa tỉnh nhà, trong đó công việc của nhà chuyên môn về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng trong việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững, ngày càng được tôn vinh. Bởi lẽ, “Văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội”./.
Bài và ảnh: Vương Thu Hồng
Tài liệu tham khảo
- Mạc Đường, chủ biên, 1995, Làng xã ở châu Á và ở Việt Nam. NXB thành phố Hồ Chí Minh.
- James B. Henry, 1964, The small world of Khanh Hau. Aldine/ Chicago (Mỹ).
- Vương Thu Hồng, 2004, Làng Khánh Hậu - xưa và nay, tiểu luận, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Văn Huyên, 1996, Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Thạch Phương- Lưu Quang Tuyến (đồng chủ biên), 1989, Địa chí Long An, NXB Khoa học Xã hội và NXB Long An.
- Cục Di sản văn hóa, 2007, Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tập I, NXB Thế giới, Hà Nội.