Thứ Ba,  4/12/2012, 02:06 (GMT+7)
 Theo dòng thời sự: 
Trở về trang du lịch
ĐIỂM ĐẾN

 Những truyền thuyết về Thất Sơn kỳ bí

Anh Việt
Thứ Tư,  3/3/2010, 22:23 (GMT+7)
Phóng to

Thu nhỏ

Add to Favorites

In bài

Gửi cho bạn bè

Những truyền thuyết về Thất Sơn kỳ bí

Anh Việt

Vùng Thất Sơn ở An Giang. Ảnh: Anh Việt
(TBKTSG Online) - Thất Sơn là tên gọi chung của vùng núi phía tây nam, cận biên giới Campuchia, thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang; dân gian thường gọi nôm na là Bảy Núi. Vùng đồng bằng này có đến gần 40 ngọn núi, nhưng chỉ có bảy ngọn nổi bật: Ngọa Long Sơn (núi Dài), Ngũ Hồ Sơn (núi Dài năm giếng), Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô), Thủy Đài Sơn (núi Nước), Anh Vũ Sơn (núi Két), Liên Hoa Sơn (núi Tượng) và Thiên Cấm Sơn (núi Cấm, cao nhất trong Thất Sơn, 716m).

Năm non, bảy núi

Theo dư địa chí, hàng triệu năm trước Thất Sơn là những hòn đảo nằm giữa vùng biển nông ở hạ nguồn Mê Kông. Qua thời gian, phù sa bồi lấp, tạo nên vùng đồng bằng chung quanh Thất Sơn. Rất nhiều câu chuyện kỳ bí về vùng núi này được dân gian truyền khẩu, từ khi tiền nhân ta khai mở miền đất phương Nam bạt ngàn hoang dã, mà lúc ấy, nơi đây còn đầy dẫy thú dữ với ngút ngàn sơn lam chướng khí.

Ở Thất Sơn, khi cúng kiến, tế lễ, người ta thường hay khấn vái: “Chư vị năm non, bảy núi”. Năm non, bảy núi có ý chỉ những nơi linh thiêng của núi non. Vậy “năm non” ở đâu?

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu thì "năm non" là năm ngọn “vồ”. Vồ là chỗ ghềnh đá hoặc đá tảng có hình dạng lạ lùng được truyền tụng về sự linh thiêng, gồm có: vồ Bồ Hong, vồ Đầu, vồ Bà, vồ Ong Bướm và vồ Thiên Tuế. Còn bảy núi là những ngọn núi chính hợp thành Thất Sơn như đã kể trên.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí mô tả vùng này như sau: “…Hang núi ngậm mây, suối cong nhả ngọc, lại có những cây giáng hương, tóc hương, cây cối xanh um, cầm thú béo mập. Phía đông có ruộng đồng bằng phẳng, phía tây có hồ nước. Ngó xuống ao hồ; đứng trước đồng ruộng, giữa đồi núi cao... lại có suối nước ở trên lưng núi cuồn cuộn chảy ra... Đường tắt quanh co, có dấu người qua lại (...). Ngoài ra, còn nghe gà gáy dưới bóng trăng, chó sủa trong hang động, cảnh huống yên hà ngoài thế giới vậy”.

Từ chuyện rắn hổ mây...

Nhà thơ Trần Thế Vinh là người sinh trưởng ở Tri Tôn; anh hướng dẫn chúng tôi đi thăm nhiều nơi và gặp một số nhân vật, kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện kỳ bí của Thất Sơn… Đêm trên vồ Bồ Hong (đỉnh cao nhất của núi Cấm), gió rít vi vu qua những vồ đá, mây bay vùn vụt sát trên đầu. Chúng tôi mặc áo gió, quấn khăn, ngồi uống rượu ở “sân Tiên” và nghe kể chuyện đường rừng.

Tuấn Thanh làm nghề lái xe ôm, nhà ở ấp vồ Đầu, kể: Thầy Tích Thắt Lô - một sãi cả cao đạo, ông được tôn xưng là “thầy của các thầy thuốc rắn” cùng với các ông Năm Đài, Tư Viên, Tư Cao, Ba Lưới, là những người có tiếng tăm và uy tín ở vùng này, cùng một số người đã từng gặp rắn hổ mây mô tả nó như sau: rắn dài độ 20m, mình to cỡ cái khạp năm cân (khoảng vòng tay ôm), trên lưng có hai sọc đen dài, mình mốc vàng xen kẽ đốm trắng như trái mây, cổ ba khoang nâu sậm, bụng vằn màu trắng sữa, da có vảy bóng, đầu ngất ngưởng vươn cao, có mồng đỏ bầm, miệng ngang, cằm dưới chẻ, lưỡi đỏ hồng, rít the thé như tiếng gà rừng gáy!

Mảng xà điện U Minh (núi Két). Ảnh: Anh Việt

Khi di chuyển, săn mồi, đầu rắn hổ mây cất lên cao, đuôi chấm đất làm điểm tựa, phóng rào rào trên đọt cây, lướt nhanh như xé gió… Có một điều lạ là con hổ mây chỉ rượt đuổi và hù doạ người, xưa nay chưa nghe nói chúng ăn thịt ai!? Rắn hổ mây rất thích “xơi tái” heo rừng, nai mễnh, bê con… Vị đạo sĩ cao thâm còn lại của vùng Thất Sơn là ông Ba Lưới, hiện ẩn dật ở vồ Chư Thần. Ông đã từng hai lần giao đấu và hạ hai con rắn hổ mây (một con hơn 100kg, một con khoảng 70kg) bằng đòn gánh!

Đến... người rừng hay "xà niêng"

Dân gian vùng Thất Sơn thường kể cho nhau nghe nhiều huyền thoại về “xà niêng”, sống ở nơi rất hẻo lánh, thâm u và luôn né tránh con người. Các truyền thuyết đều cho rằng xà niêng vốn là người đi rừng săn thú, xắn măng hoặc ngậm ngãi tìm trầm rồi lạc trong rừng sâu, ăn tươi, uống sống lâu ngày, trúng độc khí rừng thiêng nên mình mẩy mọc lông lá rậm rạp, cứng lưỡi, ú ớ không nói được tiếng người, dần rồi quên luôn.

Trong tác phẩm “Biên thùy truyện ký”, tác giả Liêm Châu có kể lại chuyện xà niêng ở vùng Thất Sơn như sau: Có một nhóm người yêu nước thành lập một tổ chức chống Pháp có căn cứ trong vùng Thất Sơn hiểm trở. Họ sinh hoạt giống như một triều đình “cõi trên”, có thánh mẫu, tiên nữ, quân sư, thừa tướng, thần y và nguyên súy, tướng quân cùng sĩ tốt.

Một hôm, biến cố xảy ra. Thừa tướng Lưu Gia Bảo phản phúc, làm nội gián, dẫn bọn Tây và lính mã tà bất ngờ tấn công “Thất Sơn động phủ”. Căn cứ vỡ. Thánh mẫu và tiên nữ bị bọn Tây đen bắt nhốt vào hang! Một số ít người chạy thoát vô rừng sâu. Phần lớn bá quan văn võ và quân sĩ, dân chúng bị bắt giải về giam ở khám Chí Hòa. Khi ra tòa, các sĩ tốt lãnh án một năm tù ở, các vị có chức sắc bị đày ra Côn Lôn…

Vốn có ý nghi ngờ Lưu Thừa tướng nên thần y Đỗ Toàn Năng đã cảnh giác và nhanh chân trốn thoát khi vừa xảy ra sự biến. Ông vượt qua biên giới và gặp đoàn khảo sát khoa học người Anh. Nhờ biết tiếng Anh nên vị thần y này được người Anh mời làm người dẫn đường và làm phiên dịch cho họ. Mục đích chuyến đi của họ là tìm những con vật có gốc gác thời tiền sử để nghiên cứu. Họ bắt được cặp xà niêng và đem nhốt xuống tàu đưa về nước.

Sau khi khảo sát, các bác sĩ nghi ngờ hai sinh vật này có thể là con người, do một hoàn cảnh nào đó đã biến thành xà niêng! Họ có những hành vi nửa giống người, nửa giống thú! Sau một thời gian được uống thuốc và chăm sóc tốt với sự hỗ trợ của thần y, dần dần đôi xà niêng phục hồi được trí nhớ và kể lại quá khứ của họ.

Dẫu chuyện xà niêng hay người rừng có thể chỉ là huyền thoại, truyền thuyết thường có để giải thích những hiện tượng bí ẩn hoặc những vấn đề thuộc về tâm linh pha chút hoang đường vốn có của dân gian. Chúng ta vẫn thấy ở những câu chuyện này ẩn chứa tính nhân văn và hướng thiện.

Hồ Tuyền Lâm (núi Cấm). Ảnh: Anh Việt

Đạo sĩ Thất Sơn

Đạo sĩ thường là những người tu hành trên núi, có đạo hạnh, nhập thế hành đạo giúp đời, được nhân dân xưng tụng là đạo sĩ. Thực ra, có nhiều vị xưa kia, thời Pháp thuộc, náu mình chốn thâm sơn cùng cốc, tịnh tâm chiêm nghiệm thế sự, tìm kế mưu chống giặc. Các vị ấy thường giỏi võ nghệ, biết nghề thuốc, thỉnh thoảng ra tay trừ bọn cướp, bọn cường hào ác bá, mãng xà, beo cọp…

Nổi tiếng khắp Tây Nam bộ đời Tự Đức có đạo sĩ Đoàn Minh Huyên, tức Phật Thầy Tây An. Ông là người sáng lập ra Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương. Đạo sĩ Đoàn Minh Huyên sinh năm 1807 ở làng Tòng Sơn, tỉnh Sa Ðéc (nay thuộc tỉnh Ðồng Tháp). Thời điểm ông truyền đạo là năm nông dân mất mùa đói kém, nhiều nơi có giặc cướp nổi dậy, bệnh dịch tràn lan, dân tình khổ sở. Ông vừa giảng đạo, vừa chữa bệnh bằng thuốc và nhiều người đã khỏi bệnh. Dân chúng tôn xưng ông là Phật Thầy. Đạo sĩ Đoàn Minh Huyên truyền đạt giáo lý “Tứ ân”: Ân tổ tiên cha mẹ/ Ân đất nước/ Ân tam bảo/ Ân đồng bào, nhân loại.

Do tín đồ theo đạo ngày càng đông, nên triều đình Huế nghi đạo sĩ Đoàn Minh Huyên có âm mưu nổi loạn, đã sai Tổng đốc An Giang bắt giam ông. Sau đó ông được thả ra, nhưng bị quản thúc phải tu tại chùa Tây An ở núi Sam (Châu Ðốc) và viên tịch tại đây năm 1856. Các vị kế nghiệp của ông vừa hành đạo vừa tham gia chống Pháp như Quản cơ Trần Văn Thành (khởi nghĩa Láng Linh- Bảy Thưa), đạo sĩ Năm Thiếp (Ngô Lợi) người sáng lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Đạo sĩ Ngô Lợi tổ chức cho đệ tử khẩn hoang vùng Thất Sơn. Ông đã lập ra 14 thôn ở vùng này. Ông bị bọn thực dân Pháp truy bắt gắt gao nhiều lần nhưng đều thoát khỏi, dân gian đồn đại ông có phép tàng hình, ẩn thân. Ông viên tịch năm 1890 tại núi Tượng.

Núi Dài (Ngọa Long Sơn). Ảnh: Anh Việt

Sau ngài Đoàn Minh Huyên, Ngô Lợi, Thất Sơn còn có những đạo sĩ nổi tiếng như ông Bảy Do, Đơn Hùng Tín, Trương Minh Thành, Mười Hột, Sáu Phu, Đạo Dững... Các vị đạo sĩ gần đây thì có các ông Mười Thiệt, Đức Minh, Thiện Quang, Năm Sanh, Ba Sánh, Mười Thành, Thiện Tài, Thiện Huệ, Đạo sĩ Tư, Năm Đức... Nhưng hiện nay còn sống chỉ có mấy người là ông Ba Lưới (Núi Cấm), Thiện Huệ (núi Cấm), Bảy Dị (Núi Bạch Viên).

Thất Sơn ngày nay đã bớt hoang vu và trở thành một quần thể du lịch sinh thái với nhiều lễ hội hấp dẫn, đặc sắc. Đến Thất Sơn, muốn biết những chuyện kỳ bí của Bảy Núi, bạn hãy tìm đến các vị đạo sĩ hay chí ít cũng là con cháu của họ, để nghe những truyền thuyết và huyền thoại đã trở thành cổ tích của Thất Sơn.

Chia sẻ với bạn bè:          
         Mời bạn đóng góp ý kiến   
Tên(*)
Địa chỉ E-mail(*)
Địa chỉ
Tiêu đề(*)
Nội dung(*)
Lưu ý : (*) là những thông tin bắt buộc.
Đính kèm tài liệu
Mã xác nhận 

 
 

(Dung lượng tối đa 500 KB)
* Vui lòng sử dụng tiếng Việt có dấu.
 
Tổng biên tập
TRẦN THỊ NGỌC HUỆ

Phó tổng biên tập
TRẦN MINH HÙNG
TRẦN ĐÌNH VĨNH
PHẠM HỮU CHƯƠNG
Giấy phép Báo điện tử số: 321/GP-BTTT, cấp ngày 26/10/2007
Tổng biên tập: Trần Thị Ngọc Huệ; Phó tổng biên tập: Trần Minh Hùng.
Thư ký tòa soạn: Lê Uy Linh, Huỳnh Hoa; Phó thư ký tòa soạn: Nguyễn Tiền Giang.
Tòa soạn: Số 35 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Điện thoại: (84.8) 3829 5936; Fax: (84.8) 3829 4294.
Ghi rõ nguồn "Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.
Bản quyền thuộc về SaigonTimesGroup. Phát triển bởi Công ty Mắt Bão.