“Kho báu” bị bỏ quên

Quỳnh Vân - Thanh Hoàn

(ANTĐ) - Với 46 di tích lăng đá có niên đại tập trung vào khoảng nửa cuối thời Hậu Lê, Bắc Giang hiện là địa phương dẫn đầu trong cả nước về số lượng loại hình di tích đặc biệt này. Mang nhiều giá trị lịch sử cùng sự độc đáo trong nghệ thuật tạo hình, nhưng những lăng đá này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

“Kho báu” bị bỏ quên

(ANTĐ) - Với 46 di tích lăng đá có niên đại tập trung vào khoảng nửa cuối thời Hậu Lê, Bắc Giang hiện là địa phương dẫn đầu trong cả nước về số lượng loại hình di tích đặc biệt này. Mang nhiều giá trị lịch sử cùng sự độc đáo trong nghệ thuật tạo hình, nhưng những lăng đá này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.


Độc đáo lăng đá

Với kiến trúc lạ mắt, toàn bộ diện tích khu lăng mộ dòng họ Ngọ ở thôn Thái Ngọ, xã Thái Sơn, Hiệp Hòa, Bắc Giang rộng gần 3.000m2, tất cả đều được làm bằng một loại đá trắng hơi ngả sang sắc hồng, dân gian vẫn gọi là đá muối. Thứ đá này một phần được lấy từ những rặng núi ở gần đó, phần còn lại được vận chuyển từ Thanh Hóa ra.

Ông Ngọ Văn Tuyến (người trông coi khu lăng mộ) cho biết, khu lăng được xây dựng từ năm 1697, chủ nhân của lăng mộ là cụ Ngọ Công Quế, từng làm quan dưới thời Lê Trung Hưng. Cụ cũng chính là người thiết kế và cho xây khu lăng này. 12 pho tượng đã được những nghệ nhân vùng Kinh Bắc sáng tạo với sự tinh xảo đến hoàn hảo.

Tượng người với các hình quan hầu áo dài, quan hầu áo giáp đều hết sức tinh tế, tỉ mỉ đến từng chi tiết từ móng chân, móng tay, nếp áo cho tới mắt miệng, tư thế và động tác... Nếu tượng voi được tạc ở tư thế quỳ, vòi cuộn lại, trên lưng không có óc bành, cổ đeo chuông lớn thì tượng ngựa lại được tạc ở tư thế đứng, với đầy đủ yên cương, nhạc ngựa, lục lạc...

Trong khi hai con nghê chầu phía trước án thư với tư thế quỳ trông rất dữ dằn thì 2 con chó đá phía ngoài cổng được miêu tả đơn giản, ít phục sức song không vì thế mà mất đi nét độc đáo riêng. Mỗi pho tượng đều có một đôi, tương đồng nhau về ngoại hình nhưng nếu để ý kỹ mới thấy mỗi khuôn mặt một dáng vẻ. Đặc biệt hơn, tất cả những gương mặt ấy đều mang vẻ trầm tư.

Ra đời sau khu lăng mộ dòng họ Ngọ vài chục năm, khu lăng Dinh Hương (xã Đức Thắng, Hiệp Hòa), cũng khá nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo với nghệ thuật tạo hình. Khu lăng tẩm này của một Quận công họ La. Dân địa phương vẫn quen gọi là La Quý Công. Được xây dựng từ năm 1720.

Quần thể lăng đá Dinh Hương rồng gần 3ha được chia ra làm 2 phần chính, phần mộ táng và thờ tự. Phần mộ táng hình vuông, diện tích gần 100m2 với tường vây bằng đá ong. Các hiện vật trong lăng được làm chủ yếu bằng chất liệu đá xanh.

Cũng giống như những hiện vật tại lăng Ngọ Công Quế, tượng người và vật tại Lăng La Quý Công được chạm khắc rất sống động, tượng có kích thước lớn, hình khối mập, chắc và được tỉa tót công phu.

Những hiện vật độc đáo tại khu lăng mộ

Cổ vật bị đánh cắp

Được xếp hạng di tích từ năm 1964, nhưng cho tới nay, sau 44 năm là di sản quốc gia, khu lăng mộ dòng họ Ngọ vẫn chưa nhận được một đồng kinh phí nào từ các cơ quan chức năng hỗ trợ việc tu bổ. Số tiền duy nhất địa phương nhận được lại từ một quỹ văn hóa của… nước ngoài.

Ông Ngọ Văn Tuyến kể, chừng hơn 10 năm trước, trong một lần đến thăm lăng, thấy ở đây toàn đồ quý giá mà trống tuềnh trống toàng, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đã “xui” ông làm đơn lên Quỹ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển xin tài trợ.

Chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã nhận được 20 triệu đồng từ tổ chức này. Với số tiền đó, đủ để ông xây tường bao, sửa chữa qua quýt đoạn tường đá ong cùng con chó đá đã bị hỏng từ những năm 50 của thế kỷ trước.

Mặc dù có giá trị về nhiều mặt, nhưng cho tới nay, có tới 90% lăng đá ở Bắc Giang bị xâm hại với nhiều mức độ khác nhau. Một dạo, nghe tin đồn trong lăng Dinh Hương có vàng bạc châu báu, nhiều người đã đổ xô đến để đào trộm.

Rồi lại có tin đồn, trong đầu những bức tượng ở lăng Bầu (Hiệp Hòa) có vàng, người ta cũng không ngại đập vỡ đầu tượng để tìm vàng. Vàng bạc đâu chả thấy, nhưng sự “tàn sát” này đã trở thành nguyên nhân gây nên sự xuống cấp cho các khu lăng mộ.

“Người ta vẫn bảo, giữ như giữ mả tổ, nếu mả tổ nhà mình mà còn không giữ được thì còn nói chuyện gì. Nghĩ thế nên tôi đã thẳng thắn từ chối khi họ đề nghị trả 40 triệu đồng để có đôi nghê đá. Mình nghèo thật, nhưng không thể làm cái việc bất hiếu với tổ tiên được”.

Ông Ngọ Văn Tuyến
(người trông coi khu lăng mộ)

Một trong những vấn đề nữa là việc, lấn chiếm đất đai di tích thiếu sự trông nom thường xuyên. Trong thời gian qua, 2 lần lăng Dinh Hương được đầu tư để tu bổ, lần đầu được 15 triệu, lần thứ 2 được 40 triệu đồng. Nhưng số tiền này chỉ đủ để xây tường bao và làm cổng.

Ông Đào Xuân Dương (Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) thở dài “còn gì đâu mà mất” khi chúng tôi đề cập tới chuyện mất cắp cổ vật ở lăng Dinh Hương. Đúng là chả còn gì để mất, bởi hơn chục năm trước, khu lăng mộ này đã trở thành điểm hẹn cho những kẻ buôn cổ vật.

Còn ở lăng mộ dòng họ Ngọ, vào khoảng những năm 2000 khi phong trào chơi đổ cổ phát triển mạnh mẽ, quanh khu lăng mộ lúc nào cũng có vài kẻ lạ mặt lởn vởn rình mò.

Rồi cũng có kẻ đặt vấn đề thẳng với ông Ngọ Văn Tuyến. Nếu ông để cho họ đôi nghê đá kia, họ sẽ trả ông 40 triệu đồng, thay vào đó họ sẽ chở đến “đền” một đôi nghê đá khác giống hệt. 40 triệu đồng ngày đó là một số tiền rất lớn đối với những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn như ông.

Ông cười: “Người ta vẫn bảo, giữ như giữ mả tổ, nếu mả tổ nhà mình mà còn không giữ được thì còn nói chuyện gì. Nghĩ thế nên tôi đã thẳng thắn từ chối họ. Mình nghèo thật, nhưng không thể làm cái việc bất hiếu với tổ tiên được”.

Tôi cứ nhớ mãi gương mặt của ông Ngọ Văn Tuyến khi ngập ngừng nói với tôi “ Giá các cô là người của bảo tàng thì hay quá. Nếu vậy, việc tôi đề xuất chắc sẽ đến được với những người làm bảo tồn - bảo tàng nhanh hơn”.

Hóa ra, ý nghĩ này đã ấp ủ từ lâu trong ông, ông chỉ muốn, những di tích quê hương ông được đầu tư, tu bổ cho đến nơi đến chốn. Xứng đáng với tầm cỡ của di tích quốc gia. Hy vọng, bài báo này sớm tới tay những người làm công tác quản lý di tích, thỏa ước nguyện của những người dân như ông Tuyến và để những di sản quốc gia vì thế mà tồn tại.

Quỳnh Vân - Thanh Hoàn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Refresh Nhập mã bảo mật (*)