Thôn Phù Lưu (tên Nôm là làng Tàu) xưa thuộc tổng Đồng Vi nay là xã Đông Sơn (Đông Hưng, Thái Bình). Qua khảo sát tại địa phương, được biết hiện ở thôn Bắc (làng Phù Lưu) có thờ 4 vị tướng họ Đinh (là con trai của ông Đinh Công Đoan, người đã từng đi theo Ngô Vương Quyền), phò giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.
Tại thôn Trung Sơn (làng Phù Lưu) còn có đền Thánh Mẫu (còn gọi là Quốc Mẫu Từ). Tương truyền, đây là nơi thờ Đinh Triều hoàng hậu, tức vợ của vua Đinh Tiên Hoàng.
Thông qua việc sưu tầm các tư liệu điền dã, tìm hiểu từ các cụ già trong làng, các thần tích, sắc phong còn lưu tại đền bà Quốc Mẫu, đã cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin quý báu về di tích Quốc Mẫu Từ - Đinh triều hoàng hậu.
Đền thờ Tứ vị họ Đinh ở xã Đông Sơn (Đông Hưng, Thái Bình)
Đền nằm trên địa bàn thôn Trung Sơn. Xưa là xã Phù Lưu, tục gọi là làng Phù. Đây là vùng đất huyện Cổ Lan thời Trần. Sau đổi là Tây Quan. Thế kỷ 19 là Đông Quan. Nay là huyện Đông Hưng.
Đền nằm trên diện tích gần 2 sào Bắc Bộ, 4 mặt giáp đường giao thông liên thôn. Bản thần tích chữ Hán có niên đại Vĩnh Hựu ngũ niên (1739), còn lưu tại đền cho biết: Bà họ Đinh, tên là Tỉnh Nương (Đinh Thị Tỉnh). Con gái ông Đinh Công Đoan, mẹ là Đỗ Thị Lan Hoa.
Quê của ông Đinh Công Đoan ở Lam Sơn, Châu Ái, Lương Giang, phủ Thiệu Thiên (Thanh Hóa). Quê mẹ ở xã Phù Lưu huyện Tây Lan (địa danh trong thần tích), nay là thôn Trung Sơn xã Đông Sơn.
Ông Đinh Công Đoan là người văn võ toàn tài, đi theo Ngô Vương Quyền lập được nhiều công lao và được cử về làm tri phủ Cổ Lan (Tây Quan).
Trước đó ông đã có vợ và sinh được 4 người con trai. Khi sinh nở được 100 ngày, vợ ông bị bệnh mà chết. Bà Đỗ Thị Lan Hoa là vợ kế của ông Đinh Công Đoan.
Tượng hoàng hậu Tỉnh Nương, vợ vua Đinh Tiên Hoàng trong hậu cung đền Mẫu
Theo ngọc phả, thần tích trong đền: Một đêm phu nhân nằm mộng thấy nhặt được cái gương vàng thì có thai. Ngày 3 tháng Giêng năm Ất Mão (955), thấy hương thơm đầy nhà, khí thụy rực rỡ, phu nhân sinh một người con gái, long nhan mắt phượng, mặt như bích phấn.
Lên 5 tuổi đã biết âm luật nhạc, văn tự chưa giáo hóa đã biết quy mô, quan phủ cho đi học 5-6 năm thì văn chương đã xuyến triệt, võ bị tinh thông, cưỡi ngựa bắn tên thế gian khó địch nổi.
Thời gian ấy quan phủ và phu nhân bị ác phong cảm, cùng chết vào mồng 10 tháng 10. Nhà vua cho 30 hốt vàng để làm lễ khâm liệm đưa về quê an táng (trích ngọc phả).
Sau khi Ngô Vương Quyền mất, đất nước lâm vào cảnh loạn 12 sứ quân. Tại Phù Lưu, 5 người con của Đinh Công Đoan cũng chiêu tập binh mã, xây dựng tại xã Phù Lưu 3 đồn, lập 1 đồn ở trang Cổ Dũng (nay là xã Đông La – Đông Hưng), và 1 đồn ở khu Giống để chống cự với các sứ quân.
Đền thờ bà Tỉnh Nương
Sau khi Đinh Bộ Lĩnh về với sứ quân Trần Lãm, đã sai người mang thư chiêu dụ 4 anh em (Đinh Dưỡng Xã, Đinh Cung Linh, Đinh Đại Mộc, Đinh Bắc Phương) họ Đinh ở Phù Lưu. Anh em họ Đinh đã đi theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn các sứ quân của Ngô Xương Xí, Nguyễn Siêu…
Ngọc phả cho biết: Vua Đinh Tiên Hoàng thấy Tỉnh Nương nhan sắc tuyệt trần bèn lấy làm vợ, lập làm Đệ Nhị Cung Phi, giao cho nàng quản coi nội cung…
Cung Phi có thai, sinh hoàng tử. Sau khi sinh được 100 ngày thì cung phi không bệnh mà chết vào ngày 12 tháng 10. Vua bèn gia phong là: Cung Nương như đậu Tỉnh Nương đại thần đoan trang trinh thục cẩn tiết nhàn uyển hoàng hậu.
Thi hài của bà được đem về an táng tại lăng ở xã Phù Lưu. Theo nhân dân địa phương truyền tụng và theo ngọc phả tại đền thì mộ của bà chính là hậu cung của đền hiện nay. Các sắc phong thần và câu đối tại đền, đều ghi rõ: “Phù Lưu xã, phụng sự Đinh triều hoàng hậu (hay quốc mẫu từ)”.
Trong cuốn “Bảng tra thần tích” (xã Phù Lưu, tổng Đồng Vi, huyện Đông Quan) do viện Hán Nôm ấn hành, trang 541, có ghi rõ cả 5 anh em họ Đinh.
Điều này rất phù hợp với thần tích còn lưu tại đền Mẫu. Đặc biệt thần tích còn ghi rất rõ sự kiện lịch sử diễn ra từ khi loạn 12 sứ quân và vương triều Đinh.
Hầm mộ trong hậu cung đền Mẫu được cho là của bà Tỉnh Nương
Theo các tư liệu điền dã và điều tra thực tế tại đền Mẫu thì đây là công trình kiến trúc nghệ thuật điêu khắc gỗ đã được trùng tu vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Trong hậu cung có bức đại tự dài 2m, rộng 1m có khắc nổi 3 chữ Quốc Mẫu Từ. Trong khán từ có 3 cỗ ngai, 3 bài vị thời Lê ở thế kỷ 17 khá lớn và rất đẹp (theo di ngôn truyền lại là ngai thờ vọng cha mẹ bà và ngai thờ hoàng hậu). Trong hậu cung đền còn lưu giữ tượng gỗ thị nữ chầu, tượng hoàng hậu ngự trên ngai và khám thờ chạm trổ tinh vi rất đẹp mắt.
Trong đền còn lưu giữ nhiều sắc phong thời Nguyễn và cuốn thần tích chữ Hán do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn được sao vào năm 1739 và mang số Aea/39 lưu tại viện Hán Nôm.
Qua khảo cứu “Đền Thánh Mẫu – Quốc Mẫu Từ” chắc chắn được khởi dựng trước 1739 và đã được trùng tu nhiều lần.
Đại Việt Sử kí toàn thư tập 1, tr 208- NXB VHTT có ghi: “Vua Đinh Tiên Hoàng lập 5 hoàng hậu.
Căn cứ theo thần tích, ngọc phả, sắc phong, đền thờ và lời di ngôn từ xưa để lại tại địa phương thì rất có thể đền Mẫu (thôn Trung Sơn, làng Phù Lưu, Đông Sơn, Đông Hưng, Thái Bình) là nơi chôn cất phần mộ và hương khói cho hoàng hậu triều Đinh.
Một trong số rất nhiều sắc phong ở đền Mẫu
Trong sắc phong ở đền thờ hoàng hậu triều Đinh có ghi: Trinh Thục hoàng hậu. Trong số 5 bà hoàng hậu triều Đinh, hoàng hậu thứ 2 có tên là Trinh Minh Hoàng hậu. Rất có khả năng tên của 2 vị này là 1 người (Trinh Minh – Trinh Thục).
Có một điều cần chú ý là cũng giống như bà Đàm Thái Hậu (Thiềm Nương), sau khi Lê Hoàn lên ngôi thì những nơi có mộ phần của người thân thích với vua Đinh đều được dân làng xây miếu, đền lên trên mộ. Phải chăng có sự tàn sát họ Đinh ở thời kì này? Nhất là sau những cuộc nổi dậy của Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trình Tú… chống lại Lê Hoàn.
Hằng nằm vào ngày sinh và ngày mất của hoàng hậu Tỉnh Nương (Trinh Thục hoàng hậu) triều Đinh, nhân dân trong làng, trong huyện và các vùng lân cận đều tổ chức lễ hội long trọng để tưởng nhớ tới 5 anh em họ Đinh đã có nhiều công lao trong sự nghiệp dẹp loạn các sứ quân thống nhất đất nước của vua Đinh Tiên Hoàng.
Loạt bài những trận đánh nổi tiếng lịch sử của nhà sử học Đặng Hùng