 |
Có nhất thiết phải san thành bình địa như thế này để... trùng tu không? |
|
Không hiểu sao, bao nhiêu bài học, bao nhiêu cảnh tỉnh, bao nhiêu bài báo bàn đi tính lại rồi, vậy mà cái câu chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi" xung quanh công tác bảo tồn và phát huy vốn văn hoá cổ vẫn tiếp tục hoành hành với những sai trái sơ đẳng nhất.
Các cụ có câu "Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài" để nói rằng: xứ Đoài văn hiến (vùng Sơn Tây - Ba Vì của tỉnh Hà Tây hiện nay) là quê hương của những ngôi đình cổ nhất, đẹp nhất, quý nhất của cả nước. Vậy mà, cả hai thái cực đối xử (bên là sự bỏ bẵng cho mối mọt, trộm cắp; bên là sự thừa tiền, thiếu khoa học trong đầu tư) của chúng ta hiện nay với di sản đình Đoài đang khiến các vị thành hoàng cũng phải... khóc.
Đóng mới đình làng?
Ông Kiều Văn Triệu ngoài bảy mươi tuổi, lưng còng như một con lạc đà đau khổ giữa trưa nắng sa mạc xứ Đoài. Làng Việt cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây) - ngôi làng đầu tiên vừa được Nhà nước chính thức cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia - giờ bị đẽo hết cây xanh để đóng đèn cao áp, rải nhựa toàn bộ. Ông Triệu lên gọi hai vị lãnh đạo chủ chốt của xã "ra sân đình mà xem chúng nó làm hỏng hết cả đình làng".
Chủ tịch xã miễn cưỡng có mặt, cười mát mẻ. Ai đó bảo, dự án nhà nước thì nhà nước làm, tiền của nhà nước bỏ ra, mình chả mất gì, tự dưng có đình mới, mà nói ra nói vào chỉ tổ "trung ngôn nghịch nhĩ" (nói thật lắm kẻ không ưa). Cứ để cho người ta làm.
Ông Triệu là cây sử sống, là bậc túc nho trong cả vùng thì vẫn khăng khăng lôi tôi cầm cành que cùng ông đo bốn góc đình mới được dỡ ra "đóng mới" để chứng minh rằng: toàn bộ tòa đình gỗ bị "dựng" so le so với nền cũ những 15cm. Thế là thay đổi hướng đình.
Đình làng dán keo "con voi"!
Bà con lại nhất nhất phản đối cái việc người ta lát gạch đâm xiên vào giữa đình. Đến ngôi nhà người ta, cũng chả ai dám làm "sái" thế bao giờ. Đứng trong nhà nhìn ra, các mạch vữa lát gạch phải đan nhau tạo thành những hình chữ "công" (chữ Nho), chứ ai lại mạch vữa đâm tua tủa vào giữa hậu cung đình thế này.
 |
Có rất nhiều hạng mục của đình không hề bị hư hỏng, người ta vẫn vô tư phá bỏ và làm mới hầu như toàn bộ.
|
Ông Đào Quang Khải, người phụ trách thi công "đại công trình" sửa đình làng Mông Phụ thì méo mặt thanh minh. Ông công nhận là mép hai cột đình (mặt tiền) so với hai mép gạch cũ của nền đình, lệch mất khoảng 15cm như ông Triệu nói. Nhiều góc của khung gỗ khu nhà hậu cung bằng gỗ không đặt vào góc bờ tường xây - mà... đặt lên mép một cái bờ tường. Nhiều mộng cột há mồm như... hang cọp vì lắp ẩu. Khu lát gạch ở gian giữa khu đình, lát lên bóc ra, lại lát đẽo gọt gạch mà méo vẫn hoàn méo. Đình dựng lại ba bốn lần, mà vẫn lệch khung. Cũng may ngôi đình này cũng chỉ mới thay đổi chưa hết, nên còn lắp cố được, chứ làm mới toàn bộ thì toi.
Ông Khải cũng công nhận là các họa tiết, trang trí cũ và mới, vì không làm khít được nên phải đổ mất rất nhiều lọ keo "con voi" (keo công nghiệp 502) vào để dán thì mới được.
San phẳng đình làng
Mấy trăm năm tuổi của ngôi đình vào hàng thứ thiệt của hệ thống di sản đình Đoài kia đã hầu như biến mất. Dự án đầu tư cho di sản làng Việt cổ hiện nay, nghe nói lên tới khoảng 200 tỉ đồng (nước ta hình như chưa có cái làng nào được "rót" tiền nhiều đến thế), đường làng có khi được đổ bêtông chưa ráo lại... rải nhựa đè lên để giải ngân. Đường nhựa chưa đi đã hỏng. Đèn cao áp của làng mà đẹp và đắt đỏ hơn bất cứ loại đèn chiếu sáng nào ở Thủ đô.
Cùng với những ngôi nhà mọc lên là dự án tu sửa đình làng. Đám thợ mua thịt chó mắm tôm vào đình đánh chén, làm ô tục cả cõi của Thành hoàng. Rồi họ leo lên mái đình đạp ngói xô ào ào xuống. Các cụ than thở, cánh thợ hi hi cười: "Mai Nhà nước cho ngói mới tất, ngói này vứt".
Tầm nhìn thông thống. Hậu cung của đình cũng bị rỡ. Gỗ, ngói, đá ong cũ bị tống hết ra đằng sau, các họa tiết rồng bay phượng múa nằm với bùn và mưa gió. "Thiết kế nó làm thế thì chúng tôi theo thế" - ông Khải nói tức tối khi bị ai đó phản đối.
Đúng ông Khải làm theo thiết kế. Song cái mà công luận và chân lý cần thắc mắc là: Làm như vậy, liệu có đúng và có khoa học không? Ngôi đình nào cũng san phẳng ra, tống thật nhiều vật liệu mới vào như thế thì xứ sở này làm gì còn văn hoá đình làng nữa?
Thiết kế kiểu gì?
Ông Khải thống kê cho tôi: 11 cái cột đình khổng lồ bị vứt bỏ, thay vào đó là cột mới. Hai khu tả hữu mạc, sơ bộ (ông Khải đếm, sự thực là thế nào thì phải đếm lại) thay mất 15 trên tổng số 28 cái cột. Điều đáng sợ là cả ba khu toà ngang dãy dọc này đều mới.
Về dự án "sửa đình Mông Phụ", chỉ có người trong cuộc mới hiểu bản chất của nó là sự thiếu hiểu biết hay là sự làm lấy được vì mục tiêu tài chính nào đó. Song, tất cả những ai từng chiêm ngưỡng đình Mông Phụ, nay nhìn đá ong mới, kèo cột mới, ngói mới đỏ tươi thì đều hoảng hồn cho rằng đến Thành hoàng cũng phải khóc dở mếu dở vì sự "tử tế" của cánh thợ đạp ngói, bôi keo, làm lệch hướng đình.
Nguy hiểm cấm vào!
Của Bụt mất một đền mười. Đồ của nhà thánh, mà kẻ gian lấy trộm dễ cứ như... thò tay vào túi mình, thế mới lạ.
Huyện Ba Vì có hơn 200 di tích, thì nổi tiếng nhất là hệ thống 17 các ngôi đình cổ, đẹp, to lớn, quý giá. Nếu Việt Nam ta bầu ra 6 ngôi đình cổ và đẹp nhất, thì 3 ngôi trong số đó nó đã nằm ở huyện Ba Vì! Đó là đình Thụy Phiêu, đình Thanh Lũng và đình Chu Quyến. Số phận 3 ngôi đình này, tôi cứ nghĩ, nó mang tải trong mình cả trang sử... bi tráng của các ngôi đình cổ.
Chìm trong lặng lẽ, cách đây độ dăm bảy năm, một nhà nghiên cứu sửng sốt nhận ra đình Thụy Phiêu là ngôi đình cổ nhất Việt Nam còn tồn tại. Khi báo chí lên tiếng, đình cổ Thụy Phiêu được tôn vinh. Nhưng, tiếc thay, cái danh kia cũng chả đủ để ngôi đình thoát khỏi nguy cơ sắp... sụp đổ.
 |
Nhiều bô lão ở làng Mông Phụ đã kịch liệt phản đối việc lát gạch để cho các mạch vữa đâm thẳng vào đình làng như thế này.
|
Nhiều hạng mục gỗ, sau vài thế kỷ đã ọp ẹp trước sức nặng nghìn cân của toà đình lớn. Đi vào trong đình, khách cứ rùng mình khi thấy các đầu nghê, các khối điêu khắc đẹp được buộc dây thép chằng đụp kẻo sợ rơi, như đi giữa một công trường chi chít cọc cắm làm giàn giáo đổ trần. Cái gì cũng sắp bị mục ruỗng, rơi đổ.
Đặc biệt đáng buồn là đình Quang Húc (xã Đông Quang, Ba Vì, Hà Tây), tôi đếm được đến 5 cái cột đình mọt ruỗng tới mức, tôi đút cả cái mũ cối vào trong hố mối đục được. Mùn mối trên các rường xà, cứ đụng vào là rơi lả tả.
Xích trói hạc, nhốt rùa thiêng!
Thú thật, sau khi trình thẻ nhà báo, chứng minh thư nhân dân, tôi vẫn không tài nào vào được trong đình để ngắm chỗ các cụ trông nom đình Quang Húc giấu... đồ thờ. May thay, ông nội tôi ngày xưa làm thuốc từng cứu nhiều người bệnh ở Quang Húc, nên giở bài này ra, các cụ ậm ừ "thế thì may ra tin được". Tinh thần đề phòng kẻ cắp của các cụ giờ quá cao.
Đình là nơi không rào giậu (vì kiến trúc và công năng của đình bao giờ cũng vậy), không bao giờ có "trụ sở" cho người trông coi như kiểu ở đền - chùa. Nửa đêm, đạo chích vào đình Quang Húc, hai hạc thờ bị chúng khênh đi.
Có cái nhà kho bằng gỗ, kín bưng, các cụ bèn khênh đôi rùa gỗ quý nhét vào đó. Mua ba cái khoá, mua bộ xích sắt, đào nền đình lên đổ một cái trụ bê tông có móc sắt "mỏ neo" để định vị các cụ rùa vào đó. Chìa khoá thì một cụ túc trực ngày đêm đeo ở... cổ. Nhưng, kỳ lạ thay, trong một đêm không mưa gió, đám trộm lại vẫn dùng vam cắt khoá, vào kho cắt xích bắt nốt hai cụ rùa đi cho "đủ bộ" (rùa - cõng - hạc).
Cuối cùng, cách hay nhất mà các cụ đình Quang Húc đang làm: cất toàn bộ những đồ thờ chưa bị mất vào bao, đem giấu ở nhà một người tin cẩn nhất trong làng. Số còn lại, cờ quạt, khăn áo tế, đầu rồng, long ngai, kiệu là khoá xích sắt bỏ cả vào kho.
Tương tự thế, chúng tôi vào đình Đông Viên, được cụ Sâm, cụ Thử "hạch" đủ đường. Các cụ bảo, có tay được cán bộ xã giới thiệu là nghệ sĩ vào thăm đình. Do sơ xuất không kiểm tra giấy tờ, y như rằng hôm sau đình bị hoạ: Chúng vào, phá bức bàn, vào nẫng mất tấm cửa võng tuyệt kỹ. Theo thống kê sơ bộ, chỉ trong 2 năm gần đây, huyện Ba Vì diễn ra 15 vụ bị mất trộm đồ thờ trong di tích, chủ yếu là mất ở các đình làng.
Nghịch lý
Trong khi đình Mông Phụ (Sơn Tây) được cấp tập đổ ngót chục tỉ đồng vào để (gần như) làm mới; đình Tây Đằng (ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất Việt Nam ), mới đây, được đổ khoảng 6,4 tỉ đồng vào để trát bêtông, lắp cao áp rồi đóng cửa bỏ đó. Chúng tôi đến thăm đình Tây Đằng độ 10 lần mà không tìm được người giữ chìa khoá cổng sắt dẫn vào đình. Bốn bề là tường bao như lô cốt. Người ta đi thăm đình, chứ không ai muốn đi thăm một khối gạch ngói bêtông mới. Đó là nghịch lý thứ nhất.
Nghịch lý thứ hai: ít tiền "bảo trì" quá hoặc không có tiền đang là cách giết chết các kiến trúc gỗ đã tồn tại nhiều thế kỷ tuổi ở xứ sở nhiệt đới nóng ẩm khắc nghiệt này. 17 ngôi đình quý ở Ba Vì đang mỏi mòn chờ số tiền chống xuống cấp nhỏ giọt đến tang thương. Theo thống kê của Phòng Văn hoá Ba Vì, trong 3 năm, 17 ngôi đình của huyện chỉ được đầu tư 500 triệu đồng cho chống xuống cấp.
Thứ nữa là chúng ta chưa có cơ chế để bảo vệ các ngôi đình nằm giữa nơi trống trải hoặc đồng không mông quạnh. Với mức "phụ cấp" 60.000 đồng/tháng như quy định hiện nay, cụ từ chỉ lụ khụ lượn qua đình thôi chứ khó có hiệu quả gì.
Cuối cùng thì cả sự bỏ bẵng, sự đầu tư thiếu khoa học hay sự gọt giũa, làm mới thiếu văn hoá làm
mới đình làng kia nói lên điều gì? Nó nói lên rằng: chúng ta không có nhạc trưởng trong việc bảo vệ, phát huy, trùng tu tôn tạo các di sản đình làng quý nhất Việt Nam hiện nay.
* "Các DT chưa được xếp hạng thì việc trùng tu hoàn toàn là tự phát, các dấu tích có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao sẽ càng có nhiều nguy cơ bị mai một. Tình trạng mai một kiến trúc cổ của ta, không phải chỉ vì những lý do khách quan như chiến tranh, thời tiết... Ngày xưa, là không có tiền để tu sửa, bây giờ thì nhiều khi lại vì có tiền mà thiếu hiểu biết nên được/bị tu sửa theo kiểu "hiện đại hoá".
(Trích phát biểu của nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Kiên - một trong những người chủ trì dự án "Điều tra cơ bản về di tích kiến trúc cổ truyền của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ - Việt Nam ").
(Theo Lao Động cuối tuần)
|
Viết phản hồi