Những kiệt tác có một không hai ở Đông Dương
Những kiến trúc độc đáo mà người Pháp để lại cho Đà Lạt ngày nay đã trở thành những kiệt tác có một không hai ở Đông Dương.
Ga Đà Lạt
Được gắn liền với tên tuổi một kiến trúc sư người Pháp tên là Moncet. Năm 1932, kiến trúc sư Moncet cùng đồng nghiệp của mình là Reveron đã thiết kế và thi công ga hỏa xa Đà Lạt. Sau hơn 4 năm thi công (vào năm 1936), nhà ga hoàn thành.
Ga Đà Lạt được đánh giá là có kiến trúc đẹp nhất trong các nhà ga ở Đông Dương hiện nay .
Tuy vậy, theo một tư liệu lịch sử cho biết, dự án xây dựng tuyến đường sắt từ Tháp Chàm đi Đà Lạt được toàn quyền Paul Doumer phê duyệt và khởi công xây dựng từ năm 1908. Đến năm 1922, Công ty thầu khoán Á Châu được ủy nhiệm nghiên cứu làm đoạn đường xe lửa răng cưa Kroongpha - Dran theo kiểu Thụy Sỹ, với đoạn đường sắt răng cưa dài khoảng 10km, vượt độ cao 1.000m của đèo Sông Pha với độ dốc 12% để đến đất Dran của Lâm Đồng.
Các ông khách Tây tỏ ra rất thích thú với đầu máy tàu lửa chạy bằng hơi nước . |
Sau khi người Pháp rời Việt Nam, việc chạy tàu từ Đà Lạt đi Tháp Chàm vẫn được duy trì. Đến thời Mỹ chiếm đóng, tuyến đường sắt này chủ yếu phục vụ việc vận chuyển thiết bị cho chiến tranh nên đã bị quân giải phóng cắt đứt và nhà ga này ngừng hoạt động năm 1972. Sau giải phóng, tuyến đường sắt này được khôi phục và chính thức kéo còi vào ngày 19/5/1975, nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác.
Ga Đà Lạt có thể coi là đặc biệt bởi nó không hề giống với bất cứ một dinh thự hay công sở nào lúc bấy giờ, và cũng không giống với bất cứ lối kiến trúc của một nhà ga nào khác ở Việt Nam. Nhà ga có chiều dài 66,5m, rộng 11,4 m, cao 11m.
Ga Đà Lạt là nhà ga có độ cao cao nhất Việt Nam vì nó nằm ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, lúc bấy giờ nó cũng được xem là nhà ga đẹp nhất Đông Dương và cả nước Pháp. Hiện nay ở nước ta ngoài ga Hải Phòng thì ga Đà Lạt là nhà ga cổ kính nhất còn lại ở Việt Nam.
Đầu máy này hiện nay không chạy được nữa, cơ quan chức năng Đà Lạt đã đưa nó vào phục vụ du lịch . |
Ở Việt Nam hiện nay, loại tàu hỏa chạy bằng hơi nước chỉ còn lại vài chiếc, chủ yếu là ở Hà Nội. Ở miền Nam chỉ duy nhất có ở Đà Lạt. Chiếc đầu máy chạy bằng hơi nước này được sản xuất tại Nhật vào năm 1932.
Theo tính toán của các kỹ sư thì để chiếc đầu máy này chạy được phải cần đến một nhiệt độ 3.000C, đun 12m3 nước để tạo ra một sức kéo 700 tấn. Tuyến đường ray mà con tàu này chạy cũng độc đáo không kém: đường sắt răng cưa, một đường sắt độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Ngày nay, tuyến đường sắt này chỉ còn 17 km đi từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát, được đưa vào tuyến du lịch trên những toa tàu và đầu tàu cổ kính.
Hiện nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đang có kế hoạch nối lại tuyến đường tàu răng cưa Đà Lạt – Tháp Chàm.
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt
Ngôi trường tọa lạc trên một ngọn đồi phía Đông Bắc thành phố Đà Lạt. Được xây dựng vào năm 1928 và đưa vào sử dụng từ năm 1933, công trình kiến trúc này do kiến trúc sư người Pháp Moncet thiết kế và chỉ đạo thi công.
Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt . |
Khi thiết kế, Moncet muốn đưa những đường nét của kiến trúc Thụy Sĩ - quê hương của Yersin vào công trình, đồng thời thể hiện được tấm lòng cao cả cũng như cuộc đời bình dị của nhà bác học đã có nhiều đóng góp to lớn trong khoa học với hơn nửa cuộc đời gắn bó với Việt Nam, đặc biệt là với vùng đất Đà Lạt.
Kiên trúc này đã được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ XX . |
Đặc sắc nhất phải kể đến dãy nhà vòng cung với chiều dài phía trước 77,18m, phía sau 89,8m, gồm ba tầng lầu và 24 phòng học, cuối dãy nhà sát với nhà văn phòng là tháp chuông cao 54m.
Tháp chuông nhưng không treo chuông mà đó chỉ là biểu tượng của sự vươn lên đỉnh cao văn hóa, đó cũng là nét kiến trúc đặc sắc của vùng Morger, quê nhà Yersin tại Thụy Sĩ.
Tổng thể kiến trúc đang còn khá nguyên vẹn . |
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đi vào lịch sử kiến trúc Việt Nam, được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ XX. Đây cũng là công trình duy nhất ở Việt Nam lọt vào "bảng vàng" này.
Nhà thờ Con Gà
Là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của Đà Lạt.
Nhà thờ Con Gà . |
Đây là nhà thờ lớn nhất ở thành phố Đà Lạt, còn được gọi là nhà thờ Chánh tòa, hay ngoài ra còn cái tên dân gian là nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh tháp chuông có tượng một con gà lớn.
Nhà thờ được xây dựng từ năm 1931 đến 1942, có chiều dài 65m, chiều rộng 14m và cao 47m. Với độ cao đó, tháp chuông của nhà thờ có thể được nhìn thấy từ nhiều nơi trong thành phố. Phần phía trên của tường được lắp 70 tấm kính màu mang dấu ấn của kiến trúc nhà thờ châu Âu thời Trung cổ.
Một kiến trúc độc đáo mô phỏng theo hình nhà rông ở Tây Nguyên mà người Pháp để lại cho Đà Lạt . |
Ngoài ra, Đà Lạt còn có hàng trăm kiến trúc khác, mỗi công trình là một sự sáng tạo đặc biệt, mà đến ngày nay, những kiến trúc ấy đã làm nên một Đà Lạt vừa hiện đại mà cũng hết sức cổ kính.
Theo Khắc Lịch
Bee.net.vn