QUY HOẠCH - DỰ ÁN

LIÊN KẾT WEBSITE

THĂM DÒ Ý KIẾN
Giải quyết thủ tục hành chính chính công?
Đúng thời hạn
Trước thời hạn
Chậm
 


HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Quản trị Website

THỐNG KÊ TRUY CẬP
Lượt truy cập: 1622632
Số người online: 1045


VÀI NÉT VỀ 02 DI TÍCH MỚI ĐƯỢC CÔNG NHẬN XẾP HẠNG
Ngày đăng: 17/01/2014

 Năm 2013, huyện Lạng Giang tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị  di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hóa vật thể; lập hồ sơ đề nghị Hội đồng Khoa học tỉnh xét và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh là Đình Bơi, xã Quang Thịnh được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá và đình Am, xã Xuân Hương là di tích kiến trúc, nghệ thuật. 


 Đình Bơi, ở thôn Phan Thượng, xã Quang Thịnh. Đình nhìn về phía Bắc, trước mặt là sông Thương. Đình nằm trên khuôn viên có tổng diện tích 581m2. Đây là công trình tín ngưỡng tiêu biểu của nhân dân Làng Phan Thượng.

Đình được xây dựng khoảng cuối thời Lê đầu thời Nguyễn (TK XVIII-XIX) theo bình đồ kiến trúc hình chữ đinh gồm 01 gian 02 chái tiền đình và 01 gian hậu cung.

Trong đình hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật được chạm khắc tinh xảo, sơn thếp lộng lẫy có giá trị lịch sử - văn hóa và giá trị nghệ thuật gồm: 01 Ngai thờ (TK XVIII), Hậu bành (TK XIX), Đài thờ, Chân nến, Bát hương gốm, Bát hương đá (TK XIX),... và đặc biệt còn lưu giữ được tới 04 sắc phong thời Nguyễn, trong đó có: 02 sắc Thiệu Trị thứ 6 (1846); 01 Duy Tân thứ 3 (1909); 01 Khải Định thứ 9 (1924).

Qua 04 đạo sắc phong được lưu giữ trong đình cho biết đình Bơi là công trình tín ngưỡng được dựng lên để thờ đức Cao Sơn - Quý Minh, thuộc tướng đời Hùng Vương thứ 18 đã có nhiều công lao chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đình Bơi còn thờ Minh Giang đô thống, người có nhiều công lao đánh giặc Chiêm Thành, được lập là Thành hoàng làng.

Hàng năm vào ngày 8 tháng 5 âm lịch và ngày 18 tháng 12 âm lịch nhân dân Làng Phan Thượng và khu vực xung quanh tổ chức Lễ hội truyền thống. Ngoài phần lễ tế Thành Hoàng làng, còn có tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như Cướp cầu cạn, vật, chọi gà và đặc biệt là bơi chải.

Ngai thờ thế kỷ XVIII

Đình Am, nằm ở giữa thôn Am, xã Xuân Hương, toạ lạc trên khuôn viên có  diện tích 1.460m2.

Căn cứ vào các bài vị còn lưu giữ được tại Đình cho thấy đình Am là công trình tín ngưỡng của nhân dân địa phương được dựng lên để tôn thờ Ngọc Khanh Công chúa (công chúa Thiều Dương-con gái thứ 8 của vua Lê Thánh Tông) đã có nhiều công lao với dân tộc.

Đình được xây dựng với quy mô to lớn, bề thế mang đặc trưng của ngôi đình cổ xứ Bắc gồm: 03 gian 02 chái tòa đại đình và 01 gian 02 chái tòa hậu cung tạo cho bình đồ kiến trúc hình chữ Nhị.

Trên các cấu kiện kiến trúc gỗ được chạm khắc với nhiều đề tài phong phú: Trên các đầu dư, nghé kẻ ở tòa đại đình được chạm rồng với các đao mắt, râu có hình lưỡi mác tù; hệ thống kẻ hiên được chạm nổi đề tài tứ linh (Long, ly, quy, phượng), đặc biệt xen lẫn tứ linh là hình con cua, con cá, con nai, con ốc, mây lửa mang đặc trưng phong cách nghệ thuật chạm khắc thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVIII; trên 4 tai cột cái 4 góc tòa đại đình được gắn 4 bức tượng chạm khắc khá độc đáo: Tiên cưỡi cá chép, hình rùa trong đầm sen, hình mục đồng thổi sáo ngồi trên lưng chim phượng, vị quan che lọng ngồi trên lưng con lân...nét chạm khắc mềm mại, tinh tế mang phong cách thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII).

Các nét chạm khắc trên bức cửa Võng tòa đại đình và hậu cung với hình tượng rồng ổ, mặt hổ phù...được chạm nổi thành những khối to, mập ở nhiều tư thế, dáng vẻ phong phú sinh động mang nét đặc trưng nghệ thuật chạm khắc thời Nguyễn thế kỷ XIX.

Trong đình hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật được chạm khắc tinh xảo, sơn thếp lộng lẫy có giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật cao như: Ngai thờ, bài vị, cửa võng, kiệu song hành, bát hương gốm…có niên đại thế kỷ XVIII-XIX. Qua nguồn di sản Hán Nôm hiện lưu giữ trong đình và các tư liệu cổ tại địa phương, đặc biệt dòng chữ Hán trên câu đầu tòa đại đình: "Cảnh Thịnh bát niên, tuế thứ Canh Thân, thất nguyệt, sơ bát nhật, Ngọ thời thụ trụ thượng lương đại cát" (Giờ Ngọ, ngày mồng 8, tháng 7 năm Canh Thân, niên hiệu vua Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) dựng thượng lương) tức là đình Am được tu bổ, tôn tạo vào năm 1800 (Cảnh Thịnh thứ 8), cuối thời Tây Sơn - đầu thời Nguyễn.

Bức chạm hình người cưỡi Ly

Từ xưa tới nay, đình là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống. Lễ hội lớn của đình được tổ chức vào ngày 08 tháng Giêng và ngày 13 tháng 8 âm lịch.  Ngoài phần lễ cúng Thành Hoàng, phần hội có các tròi chơi dân gian truyền thống như: Cướp cầu cạn, vật, chọi gà,...
 
                                                                                                  Linh Đồng


Các tin đã đưa
DANH SÁCH DI TÍCH ĐƯỢC CÔNG NHẬN CẤP TỈNH, CẤP BỘ
Đình Phù Lão – Kiến trúc nghệ thuật điêu khắc gỗ thời hậu Lê
Nghè Bừng xã Tân Thanh Di tích lịch sử văn hóa
Cây Dã Hương ngàn tuổi xã Tiên Lục - Huyện Lạng Giang