Ngôi chùa trên miền biên cương cực Bắc là hình ảnh thể hiện tín ngưỡng truyền thống của người Việt nơi địa đầu tổ quốc, gắn liền với khát vọng cuộc sống yên lành, hòa bình và quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Chùa Bình Lâm tại xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang
Chùa Bình Lâm (tên chữ là Bình Lâm Tự) khang trang hiện nay được phục dựng lại từ năm 2007. Trước đó, chùa chỉ còn lại phần nền ở phía chân núi đối diện với ngôi chùa hiện nay. Một ngôi chùa khá khiêm nhường ở vào một vị trí cũng khiêm nhường, nép bóng vào chân núi của một bản Mường tại thôn Mường Nam, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Trong chùa còn hiện có một quả chuông đồng được mệnh danh là “trái tim” Bình Lâm Tự.
Quả chuông đồng có lịch sử 722 năm tại chùa Bình Lâm.
Quai chuông đúc nổi đôi rồng đấu thân vào nhau
Chuông chùa Bình Lâm do người đứng đầu địa phương lúc đó tổ chức đúc. Viên thủ lĩnh Nguyễn Anh và vợ là Nguyễn Thị Ninh cùng đông đảo tín Phật tử trong vùng.vào ngày rằm tháng ba năm Ất Mùi (1295) thời Trần, đời vua Trần Anh Tông đúc chuông này.
Theo các nhà chuyên môn, đây là một trong những quả chuông thuộc loại sớm nhất trong lịch sử chuông đồng ở ta. Chuông là một khối trụ khuôn vòm liền khối bằng đồng có đường kính miệng 59cm, chiều cao 101cm (quai chuông cao 17cm, thân cao 84 cm) nặng 193kg. Quai Chuông đúc nổi đôi rồng đấu thân vào nhau, mỗi rồng có 2 chân, mỗi chân có 4 móng sắc nhọn quắp chặt xuống nóc chuông. Thân rồng mập mạp phủ kín vẩy cá chép, chắc khỏe, uốn cong tạo thành núm treo chuông. Đỉnh quai chuông trang trí hình búp sen.
Phía ngoài thân chuông trang trí 6 núm gõ được bố trí thành 2 tầng, tầng thứ nhất ở dưới đế chuông có 2 núm đối xứng cách đều nhau 78cm. Tầng thứ 2 có 4 núm tạo thành 2 cặp đối xứng qua trục trung tâm của thân chuông, các núm này cách đều nhau 39cm. Các núm chuông tròn nổi đều bằng nhau, có đường kính 6cm. Đường viền xung quanh mỗi núm có 13 cánh sen đều đặn. Tầng thứ hai cũng chia trang trí thân chuông làm 2 phần: 4 ô chữ nhật đứng ở phía trên và 4 ô chữ nhật nằm ở phía dưới. Giữa các ô chữ nhật đứng là 5 đường gờ nổi chạy song song với nhau từ trên xuống dưới. Vuông góc với 5 đường gờ nổi chạy dọc thân chuông này, ở trên nóc, giữa thân và đế chuông là các đường gờ nổi cũng chạy song song với nhau phối hợp với các gờ nổi dọc tạo thành những ô chữ nhật trên thân chuông. Các ô chữ nhật này được bao quanh bởi những gờ đúc nổi rất thanh thoát và chắc khỏe. Trong lòng 4 ô chữ nhật đứng phía trên có khắc bài minh gồm 309 chữ Hán; 4 ô dưới hình chữ nhật để trơn, không có hoa văn hay ký tự nào. Vành miệng chuông loe, được trang trí bằng 45 cánh sen to xen lẫn 45 cánh sen nhỏ đều có kích thước bằng nhau.. Đây là hình tượng rồng thời Trần khá đẹp, thân chắc khỏe, phủ kín vẩy cá.
Người ta đã biết đến nhiều hình tượng rồng thời Trần, nhưng rồng uốn hình để ăn nhập với quai chuông thì nay mới thấy ở quả chuông này. Điều đó nói lên trình độ thẩm mỹ cao của nghệ nhân đúc chuông trong mỹ thuật ứng dụng.
Bài minh văn trên chuông có đoạn nói rõ chính sách quản lý biên giới của nhà Trần khi nói đến họ tộc của người thủ lĩnh vùng "đã được phong lãnh địa ở địa giới phía Bắc, theo đó mà cháu con thừa hưởng đến muôn đời không dứt". Sự xuất hiện của ngôi chùa và sự tồn tại của quả chuông là một bằng chứng vững chắc về nhà nước phong kiến Vương triều Trần đã nắm chắc và cai quản được các vùng đất biên giới xa kinh thành. Xã hội triều Trần lấy Phật giáo làm thượng tôn và vương triều Trần đã sử dụng Phật giáo làm công cụ để củng cổ khối đại đoàn kết dân tộc, trước những yêu cầu bảo vệ chủ quyền đất nước chống giặc ngoại xâm. Nhà Trần có sự khôn khéo khi đưa các chùa lên vùng biên giới như Hà Giang, một sự khẳng định chủ quyền biên giới bất diệt.
Dịch nghĩa của bài minh với 309 chữ Hán trên chuông đồng
Người khắc bài minh văn trên chuông cũng là một vị sư có tên Thiền tăng Mật Vân ở Lịch Sơn soạn và khắc, sau khi chuông đúc một năm vào năm Bính Thân (1296). Chuyện ngôi chùa miền biên viễn được thủ lĩnh và bà con các dân tộc góp tiền đúc chuông, được một vị cao tăng viết bài minh văn khắc chuông với nội dung ca ngợi đạo Phật, đã cho thấy bối cảnh lịch sử bấy giờ, đạo Phật được trọng vọng.
Theo người dân ở đây cho biết, trước đây vào dịp Tết Nguyên đán người dân địa phương có tập quán kiêng kỵ: Từ ngày 30 Tết của năm cũ đến tận rằm tháng Giêng thì dân làng không được giã gạo, bổ củi hoặc làm tiếng động mạnh. Họ quan niệm điều đó sẽ làm kinh động đến các vị thần linh ngụ ở chùa. Ngày mùng hai, mùng ba Tết mọi người lên chùa thắp hương cầu chúc điều tốt lành trong năm mới.
Chùa Bình Lâm hiện là nơi sinh hoạt tôn giáo của người dân, phật tử trong vùng.
Năm 2005, Chuông chùa Bình Lâm được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Năm 2007, ngôi chùa đường xây dựng lại khang trang là nơi sinh hoạt tâm linh của động đảo phật tử, bà con địa phương và thu hút du khách đến chiêm ngưỡng.
Năm 2013, chuông chùa Bình Lâm được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia, và là một trong hai bảo vật trên đất Hà Giang (cùng với bia Chùa Sùng Khánh. Cả 2 cùng ở huyện Vị Xuyên).
Đón đọc Bài 2: Nhiều khó khăn trong việc phát huy giá trị di tích chùa Bình Lâm
{{item.Body}}
{{item.Title}} - {{item.CreatedDate}} |
{{sitem.Title}} - {{sitem.CreatedDate}}
Viết bình luận
Bạn đọc vui lòng gõ chữ có dấu, góp ý có tính văn hóa, xây dựng và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Nội dung góp ý của bạn đọc được đăng tải là do Ban Biên tập tôn trọng dư luận xã hội, nhưng đó không phải là quan điểm của Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam.