Ngày 28 Tháng 3, 2009 | 06:00 AM

Phát lộ tháp cổ dưới nền chùa Phật Tích

Phát lộ tháp cổ dưới nền chùa Phật Tích

Giadinh.net - Trong khi đào móng xây dựng lại tòa Tam bảo thuộc Dự án trùng tu, tôn tạo chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh), đội thi công thuộc Trung tâm tu bổ di tích Trung ương đã phát hiện nền móng của một tòa tháp cổ hình vuông có nhiều đặc điểm giống với ngôi bảo tháp cao đến 42m nguy nga tráng lệ được xây dựng từ thời Lý, mà sử sách đã ghi lại.

Chùa Phật Tích (hiệu Vạn Phúc tự) nằm dưới chân núi Lạn Kha thuộc huyện Tiên Du,tỉnh Bắc Ninh là một trong những ngôi chùa đầu tiên ở nước ta có dấu chân Phật giáo Ấn Độ truyền vào từ khoảng thế kỷ thứ II sau công nguyên. Nơi đây từng là một trong những trung tâm của Kinh đô Phật giáo Luy Lâu, với những công trình kiến trúc nguy nga, đồ sộ. Trong đó, nổi tiếng nhất là tòa bảo tháp được xây dựng từ thời Lý, kết tinh của nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật đương thời được nhiều sử liệu ghi lại.
 
Tòa bảo tháp này từng gắn liền với truyền thuyết về chiều cao “chọc trời” mà đứng ở kinh thành Thăng Long vẫn có thể nhìn thấy. Qua thời gian, ngôi bảo tháp này bị đổ rồi bị vùi lấp bởi các công trình xây dựng của các triều đại sau nhà Lý.
 
Toàn cảnh móng tháp chùa Phật Tích được phát lộ. (Ảnh: Phạm Văn Triệu)

Kỹ thuật xây móng có một không hai

Theo báo cáo của đội khai quật Viện Khảo cổ học thì tháp cổ này tồn tại giữa ba tầng văn hóa, tương ứng với ba lớp đất có niên đại lịch sử khác nhau. Ở tầng văn hóa thứ nhất có đất sét màu vàng, lẫn nhiều mảnh ngói có niên đại thế kỷ XVII. Đây có thể là lớp đất được hình thành vào thời Lê hoặc là lớp san lấp khi ngôi chùa thời Lê bị phá huỷ.

Ở tầng văn hóa thứ hai tồn tại ở dạng đất sét thuần túy, không chứa di vật, phát lộ thành hai khoảng ở hai bên phía đông và tây của đường lên chùa, dày trung bình 60cm. Ở đáy của lớp này chứa các vật liệu kiến trúc gạch, ngói của thời Trần và thời Lê. Theo suy đoán, khi chùa thời Lý - Trần bị xuống cấp, người ta đã tiến hành san gạt, sau đó xây dựng ngôi chùa mới thời Lê trên nền móng cũ.

Tầng văn hoá thứ ba là lớp gia cố móng nền của chân tháp. Kỹ thuật gia cố hết sức kiên cố, cứ một lớp sỏi dày từ 3cm -   5cm là đến một lớp đất sét đồi dày trung bình 5cm. Kiểu gia cố này giống với cách gia cố các móng trụ kiến trúc thời Lý tìm được ở Hoàng thành Thăng Long.
 

Khi phát lộ nền tháp, các đội đào móng đã phát hiện ra nền móng có hình vuông trong lòng rỗng. Phần đáy của móng tháp cao 8,70m so với bờ giếng cổ thời Lý ở dưới cổng chùa. Móng tháp có hai tầng xây giật cấp, chồng lên nhau. Gạch xây tháp đều được xếp theo hàng ngang, phần đầu gạch đâm ra ngoài, mỗi hàng trung bình xếp 6 viên gạch với nhiều kích thước khác nhau. Chất kết dính để xây dựng tháp hoàn toàn là đất sét nhuyễn, không hề có bất kỳ một chút vôi vữa hay chất kết dính nào khác. Các mạch vữa mỏng đến nỗi nhìn bề ngoài chẳng khác gì các viên gạch được xếp chồng lên nhau.

Ông Phạm Văn Triệu – thành viên đoàn khảo cổ học chùa Phật Tích thuộc Viện Khảo cổ học nhận định: “Riêng kỹ thuật xây móng tháp thì trong tất cả các công trình khảo cổ ở Việt Nam chỉ duy nhất móng tháp chùa Phật Tích là chưa bao giờ thấy, đây là một hiện tượng hết sức độc đáo... Móng tháp được xây dựng trên sườn đồi và nằm sâu trong lòng đất 3,2m, xung quanh được gia cố, đầm chặt bằng sỏi và đất sét đồi”.
 
Sự hiện diện dấu tích thời Lý trên nền chùa Phật Tích xưa cho thấy cấu trúc của chùa Phật Tích thời xưa rất khác với các ngôi chùa Phật Tích được xây dựng lại sau thời Lý, đó là tháp ở sau chùa. Đây là một kiểu bình đồ rất riêng của Phật Tích. Cùng với các kỹ thuật xây dựng không có vôi vữa, kỹ thuật xây móng nhiều lớp (sỏi xen kẽ đất đồi), kỹ thuật góc cong có ở Hoàng thành Thăng Long, có thể khẳng định đây là ngôi tháp được xây dựng ít nhất là vào thế kỷ XI.
 
Chất kết dính là đất sét nhuyễn nên tháp trông như một khối liền. (Ảnh: Phạm Văn Triệu)

Trong cuốn Nghệ thuật Đông Dương của kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp L. Bezacier – người đã tiến hành trùng tu lại chùa Phật Tích trước năm 1945, cũng đã từng dành riêng một chương để nói về chùa Phật Tích xưa. Trong đó, ông miêu tả cuộc khảo cổ thám sát ngôi tháp đo được chiều ngang phần móng là 8,5m. Căn cứ vào đó, Bezacier cho rằng ngọn tháp cao tới 42m. Dựa vào các nguồn tài liệu và kết quả giám định tại tháp với việc móng tháp được xây dựng rất kiên cố, có qui mô lớn, thuộc loại tháp nhiều tầng, điều đó chứng tỏ đây là cây tháp khá quy mô, xứng đáng với truyền tụng dân gian rằng “đứng ở kinh đô Thăng Long vẫn thấy tháp”.

Gợi mở xuất xứ nguồn gốc gạch xây Hoàng thành Thăng Long

Số gạch được tìm thấy trong móng tháp có số lượng khá lớn, đều được nung lõi cứng như sành, trên mỗi viên đều có đề: “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (Vua thứ ba đời Lý, năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 xây dựng) hoặc “Chương Thánh Gia Khánh”. Theo sử sách, Long Thụy Thái Bình là niên hiệu của vua Lý Thánh Tông từ năm 1054 - 1058. Đến năm 1059, vua đổi sang niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh cho đến năm 1065. Long Thụy Thái Bình năm thứ tư tức là năm 1057... Những viên gạch trên rất giống những viên gạch của tầng văn hóa thời Lý phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long.
 
Những trang trí thời Lý trên đài sen bệ tượng khảo quật được.
 
Ngoài ra, trong quá trình khai quật móng tháp đội khai quật còn phát hiện các lá đề chạm rồng, tượng rồng 5 móng, đều là những tuyệt tác điêu khắc hiếm có. Trong đó, 2 phù điêu lá đề bằng đá nặng mỗi phiến 40kg có chạm trổ hình rồng chầu (kích cỡ khoảng 40x40cm) nguyên vẹn 100% và một chiếc đầu rồng đá cực kỳ tinh xảo (khoảng 30x50cm).
 
Đặc biệt hơn, khi đào xung quanh chân tháp những người thợ còn phát hiện ra 1/4 đài sen bệ tượng. Theo sử liệu thì đó chính là phần úp ngược của đài sen bệ tượng A Di Đà trước đây. Đây là một phát hiện hết sức quý giá cho việc khôi phục lại dáng vẻ ban đầu của bệ tượng gồm 5 phần: Đế bát giác, đài sen úp ngược, đầu con sấu đá, đài sen hướng xuôi. Cuối cùng là bức tượng đặt trên tòa sen. Đa phần hiện vật của ngôi tháp đều được tìm thấy ở hướng đông bắc, đúng với phỏng đoán của các nhà nghiên cứu trước đây cho rằng tháp bị đổ về phía này.
 
Bên cạnh đó, dựa vào những hình dáng, kỹ thuật nung, các hình chạm khắc trên các mảnh gốm tìm thấy, đại đức Thích Đức Thiện (trụ trì chùa Phật Tích hiện nay) còn phỏng đoán đây có thể là một trung tâm gốm sản xuất gạch để phục vụ việc xây tháp và xây Hoàng Thành... ở kinh đô Thăng Long xưa.
 
Các hiện vật này đang được đại đức Thích Đức Thiện cất giữ, bảo quản rất cẩn thận với tâm nguyện: “Sau khi hoàn thành tất cả các công trình, nhà chùa sẽ mở một nhà trưng bày hiện vật đã được tìm thấy để cho chư khách thập phương mỗi lần đến chùa có cơ hội được chiêm bái và tự hào. Đó là báu vật của ông cha còn sót lại mà không phải thời đại nào cũng có cơ duyên tìm thấy...”.
 
Đầu chim thần Karari - dấu tích của Phật giáo Ấn Độ được tìm thấy trong khuôn viên tháp chùa.

Nền móng tòa bảo tháp có hình vuông nằm ở phía trước pho tượng Phật A Di Đà, cách hàng thú đá phía trước là 8m và cách tháp đá Linh Quang 21m. Kích thước chân tháp 9,1m x 9,1m, tường tháp mỗi cạnh dày trung bình 2,4m đến 2,43m, lòng tháp rộng 4,18 đến 4,20m, diện tích 82,81 m2, chân tháp được xây bằng gạch thời Lý, chắc chắn, đẹp, phản ánh đỉnh cao của nghệ thuật thời Lý.

Hà Tùng Long

Báo Gia đìnhXã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

GỬI Ý KIẾN BẠN ĐỌC