Nhà sử học Lê Văn Lan thăm đình Quy Mông (tỉnh Yên Bái)
Tổng Yên Phú (phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa) xưa gồm các xã Yên Phú, Đại Phác, Hoài Viễn, Đôn Giáo, Quảng Mạc, Kiên Lao và Quy Mông (theo Đồng Khánh dư địa chí). Trong 7 xã làm nên tổng Yên Phú của huyện Trấn Yên chỉ có một mình xã Quy Mông là có chữ "Quy”.
Nhà sử học Lê Văn Lan trong chuyến tìm hiểu và nghiên cứu một số ngôi đình ở Yên Bái vào đầu tháng 6 vừa qua đã nhận định: "Địa danh Quy Mông có liên quan đến từ "Quy Hóa” là một phủ của tỉnh Hưng Hóa xưa (bao gồm: Thủy Vĩ, Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Bàn và Yên Lập). Như chúng ta đều biết, trong địa danh Yên Bái hiện nay không có vùng nào mang từ "Quy” vậy đây có thể là chứng tích còn sót lại duy nhất liên quan đến địa danh Quy Hóa xưa tại Yên Bái (có thể là trung tâm của trại Quy Hóa) - một địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc, giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên thế kỷ XIII”.
Về kiến trúc, đình Quy Mông tọa lạc trên diện tích là 12,8 x 5,6 m được xây dựng theo lối chữ nhất gồm 3 gian cột gỗ, lợp cọ, có 2 phần đại bái và hậu cung, liên kết với nhau theo kiểu mái thường thấy thế kỷ XIX và đầu XX. Nghệ thuật trang trí đình và đền hầu hết được chạm khắc công phu thể hiện nghệ thuật điêu khắc gỗ tinh vi mang đậm tính chất văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đình hiện còn giữ được các hiện vật cổ như: Hoành phi, câu đối, ngai thờ, ô, lọng. Nghệ thuật trang trí đình còn thể hiện trên gỗ được chạm khắc tinh vi mang đậm chất dân gian truyền thống.
Theo bản Phó y sao ngày 6 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 2 (năm 1850) được lưu giữ tại di tích đã ghi rõ đình Quy Mông thờ rất nhiều nhân thần cụ thể. Đầu tiên là thờ Đệ Nhất Quốc Chủ Thông, Đại Vương Tản Viên Sơn Thần - một nhân thần huyền sử, một trong "Tứ bất tử” của dân tộc Việt Nam. Đình còn thờ Đệ Nhị Cao Sơn Đại Vương - một trong 3 vị tướng của Tản Viên Sơn Thánh, được thờ cúng ở nhiều đình làng vùng Bắc Bộ. Và thờ Đệ Tam Trấn Quốc Đại Vương, Đệ Tứ Phiên Quốc Đại Vương, thờ 18 vị văn võ lang quân và Đệ Nhất Thần Nông Thị Chi. Tại đình Quy Mông còn thờ vọng Mẫu Đông Cuông, thờ Vương mẫu Quế Hương công chúa và thờ bà Nguyễn Thị Hoa là nhân vật trong lịch sử cùng 2 em gái khai phá lập ấp từ Ngòi Rào đến Ngòi Thia gồm các xã: Quy Mông, Yên Thành (huyện Trấn Yên) và các xã Hoàng Thắng, Xuân Ái, Yên Hợp, Yên Phú, Đại Phác, An Thịnh (huyện Văn Yên).
Ý thức được giá trị văn hóa, lịch sử hiện nay, đình Quy Mông được các lãnh đạo và nhân dân trong xã quan tâm bảo tồn, duy tu, gìn giữ. Ngày 09-2-2011 đình cùng hệ thống đền và miếu đã vinh dự được đón nhận Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Từ trong các thư tịch cổ ghi lại lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc vùng miền, cùng những nghiên cứu thực địa, nhà sử học Lê Văn Lan khẳng định: "Ngôi đình còn giữ được nét kiến trúc truyền thống nằm trên một vùng đất lịch sử, xứng đáng có tên trong hệ thống những ngôi đình lớn và đặc sắc còn giữ được ở Việt Nam”.
Lê Hoàng |