Lăng Ba Vành hội đủ các tiêu chí lăng Vua

Vietsciences- Trần Viết Điền          08/04/2009

 

Những bài cùng tác giả

      Để khẳng định chủ nhân lăng Ba Vành là Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại một số nhà nghiên cứu ở Huế dựa vào cứ liệu duy nhất là hương phổ làng Đồng Digia phả họ Lê Quang thuộc làng Đồng Di, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Thực tế họ Lê Quang làng Đồng Di không có gia phả chép các vị tổ trước 1930 và các thư tịch như hương phổtư văn nghi tiết tế lễ của làng, soạn trước năm 1966, không hề có ngài Hộ bộ kiêm Binh Bộ Ý Đức Hầu Lê quí công. Có người làng Đồng Di đọc báo Bách Khoa Sài Gòn năm 1961, thấy bài viết của cụ Bửu Kế nói về ngài Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Ý Đức Hầu họ Lê là người làng, có mộ là lăng Ba Vành nên làng đã ghi thêm vào hương phổ vị nhân thần này từ 1966. Còn quan Hồng lô tự khanh Vũ Bá Khương từng đưa hài cốt thân phụ Vũ Bá Bình của ông vào chôn ở nấm lăng Ba Vành vào năm 1917. Bị ông Án Chất tố giác việc cải táng mộ cha, ông Vũ Bá Khương phải nhờ con trưởng là Hàn lâm biên tu Vũ Bá Đạm chạy án, nhờ tòa khâm sứ Pháp can thiệp với Nam triều, mới khỏi trọng tội. Ông Vũ Bá Khương phải đưa hài cốt của cha khỏi lăng Ba Vành ngay trong năm 1917. Bộ Lễ Nam triều khi trả lời ông R.Orband thì cho rằng ông Vũ Bá Khương đã đưa Hộ Bộ kiêm Binh Bộ vào chôn ở lăng Ba Vành. Chẳng có tờ khai với bút tích của Đinh Như Nghi, Vũ Bá Khương! Cụ Bửu Kế chẳng chụp ảnh và công bố các tư liệu. Trong vụ việc này có phần mờ ám!!!. Trong khi đó ngài Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại là nhân vật lịch sử duy nhất, thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, có mộ táng tại làng Xuân Hòa, bia đá có khắc chức vụ và nơi ngài từng làm quan. Chúng tôi đã công bố đầy đủ tư liệu cho phép khẳng định chủ nhân đầu tiên của lăng Ba Vành không phải Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại. Như vậy cho đến nay [2009], lăng Ba Vành vẫn chưa có chủ nhân
 

      Thế thì chủ nhân đầu tiên của lăng Ba Vành là ai? 
 

      Để trả lời câu hỏi hóc búa này, chúng tôi sẽ lần lượt công bố các bài viết sau đây:

    1. Lăng Ba Vành hội đủ các tiêu chí của lăng vua.
    2. Lăng Ba Vành là lăng vua bị quật phá để trị tội và bị yểm.
    3. Lăng Ba Vành bị người đời sau tìm cách che giấu khi giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu dựa vào gợi ý của linh mục Cadiere, đã công bố chủ nhân của lăng là vua Quang Trung vào năm 1961.
    4. Lăng Ba Vành là công trình kiến trúc thời Tây Sơn.
 
 

      Bài viết này gồm có 8 mục:

  1. Cảnh quan phong thủy lăng Ba Vành hội đủ yếu tố địa cuộc đế vương.
  2. Tân nguyệt trì chỉ có ở lăng vua hay lăng mẹ của vua.
  3. Chỉ lăng vua mới có cổng tam quan trước bửu thành.
  4. Nấm mộ hình mai rùa dành cho bậc tôn quí: đại quan, vua.
  5. Nhà bia ở lăng vua có nền chữ thập và mái che.
  6. Lăng vua chúa có toại đạo.
  7. Lăng vua có nhà hà hộ lăng, vườn lăng, giếng nước sinh hoạt.
  8. Motip rồng được trang trí ở lăng Ba Vành thuộc về thời Tây Sơn.

 
 

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU: 
 

      Chúng tôi dựa vào những tư liệu thành văn, quan sát những lăng vua, chúa, đại quan qua các thời, nhất là thời cuối Lê đầu Nguyễn, so sánh đối chiếu để tìm qui luật bất thành văn. Sau đó vận dụng cho lăng Ba Vành.

      Mục A chúng tôi đã công bố trên diễn đàn “Chim Việt cành Nam” qua bài “Lăng Ba Vành dưới góc nhìn địa lý phong thủy”. Còn mục H khá tỉ mỉ và dài, xin công bố thành một bài riêng sau bài [1]. 
 

  1. TÂN NGUYỆT TRÌ CHỈ CÓ Ở LĂNG VUA VÀ LĂNG MẸ VUA

      Nghiên cứu những tiêu chí lăng vua, cha mẹ vua trong kiến trúc lăng mộ cổ sẽ giúp ngành khảo cổ học phát triển phương pháp giám định chủ nhân những lăng mộ cổ bị tàn phá. Một trong những tiêu chí sẽ được xét trong bài này là cấu kiện tân nguyệt trì.

      Một lăng vua trên bình đồ có thể chia làm hai phần :

      • Bửu thành và tân nguyệt trì ;
      • Vườn lăng.

      Bửu thànhTân nguyệt trì là cấu kiện có trục đối xứng hình học. Bửu thành tượng nhật, tân nguyệt trì tượng nguyệt, nhật 日 hợp nguyệt 月 là minh [明]; hàm ý chủ nhân ngôi mộ là bậc minh quân. Bao quanh Bửu thành và Tân nguyệt trì là Vườn lăng. Vườn lăng bao gồm các cấu kiện khác của lăng như nhà bia, điện thờ, hồ, nhà thủy tạ… và tùy theo địa hình địa thế mà xây dựng, trang trí; không cần đối xứng hình học giữa các cấu kiện trong vườn lăng.

      Tân nguyệt trì? Tân nguyệt trì có khi gọi là hồ tân nguyệt,ao trăng non, nó không phải là hồ bán nguyệt, tức hồ nửa hình tròn mà là hồ hình hạt đậu quyên.Tân nguyệt trì trước Bửu thành, cùng trục đối xứng với Bửu thành và Bửu thành thì bao bọc che chở nấm mộ.

      Các chúa Nguyễn của Đàng Trong chưa bao giờ được triều Thanh phong vương, chỉ một số vua Đinh, Lê, Lý, Trần, Tây Sơn, các vua đầu triều Nguyễn mới được Thanh triều phong An Nam quốc vương, Việt Nam quốc vương. Vì thế các lăng của các chúa Nguyễn không bao giờ có tân nguyệt trì. Tẩm mộ của các bà vợ của chúa Nguyễn cũng không có tân nguyệt trì, nhưng nếu có hồ thì đó chỉ là hồ bán nguyệt.

      Quan sát các lăng vua như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng Dục Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Khải Định hoặc lăng mẹ vua, tức người sinh ra vua, như lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên, lăng Hiếu Đông của bà Hồ Thị Hoa, lăng Xương Thọ của bà Từ Dũ… thì thấy trước bửu thành đều có tân nguyệt trì. Tuy nhiên lăng mộ thân phụ của vua mà không từng làm vua thì trước bửu thành cũng không có Tân nguyệt trì như lăng Cơ Thánh (lăng Cao Hoàng), lăng Thoại Thái Vương, lăng Kiên Thái Vương, dẫu Nguyễn Phúc Luân là cha của vua Gia Long, Thoại Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y là cha của vua Dục Đức, Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai là cha của vua Đồng Khánh. Để minh họa xin được trích một số ảnh chụp các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Đồng Khánh, Khải Định, phía trước lăng có tân nguyệt trì: 


Hình1: Lăng Gia Long phía trước có tân nguyệt trì 
 

Your browser may not support display of this image.

Hình 2: Tân nguyệt trì của lăng Minh Mạng 
 

Your browser may not support display of this image.

Hình 3: Tân nguyệt trì khá rõ của lăng Thiệu Trị.

 

Hình 4: Toàn cảnh bình đồ lăng Tự Đức, có Hồ Tân Nguyệt trước Bửu Thành 
 

Your browser may not support display of this image.

Hình 5: Tân nguyệt trì trước bửu thành lăng vua Tự Đức. 
 

Your browser may not support display of this image.

Hình 6: Một bờ của tân nguyệt trì trước An Lăng của vua Dục Đức

 

Your browser may not support display of this image.Hình 7: Một đoạn bờ tân nguyệt trì trước cửa lăng vua Đồng Khánh

(ảnh của Ph. Eberhardt) 
 

Your browser may not support display of this image.

Hình 8: Lăng Khải Định đang xây dựng dở dang, trước lăng có khe

(sẽ tạo tân nguyệt trì cho lăng). 
 

Your browser may not support display of this image.

Hình 9: Tân nguyệt trì trước lăng Thiên Thọ hữu, lăng mẹ vua Minh Mạng

 

Hình 10 : Tân nguyệt trì trước lăng Hiếu Đông (lăng mẹ vua Thiệu Trị),đã cạn, nhưng phần kè đá vẫn còn. 
 

Your browser may not support display of this image.

Hình 11 : Tân nguyệt trì trước Xương Thọ Lăng của đức Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) 
 

      Nhưng lăng thân phụ các vua như lăng Cơ Thánh (lăng cha vua Gia Long), lăng Thoại Thái vương (cha vua Dục Đức)… không có tân nguyệt trì vì các vị này không làm vua.

Hình 12 : Lăng Cơ Thánh ( lăng cha vua Gia Long) không có tân nguyệt trì.

 

Hình 13: Lăng Thoại Thái vương không có tân nguyệt trì

(ảnh tư liệu gia đình TTV) 
 

      Triều Nguyễn không có văn bản luật lệ cụ thể về tân nguyệt trì, nhưng lệ bất thành văn về xây dựng hồ trước lăng mộ cũng có sức mạnh ghê gớm! Cựu tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành từng làm bồn hoa trước lăng Đông Quân, lăng mẹ của ông, thoạt nhìn bồn hoa có hình bán nguyệt. Chỉ tỉ mỉ đo đạc mới thấy bồn hoa của lăng Đông Quân không phải là hình bán nguyệt mà là hình bán nguyệt hơi khuyết một chút, nghĩa là bồn hoa thuộc loại tân nguyệt trì. Việc này góp thêm tội “sửa mộ mẹ quá phép” của Nguyễn Văn Thành, một trong những trọng tội dẫn đến cái chết của đại công thần này.

      Vậy: “Chỉ có lăng vua và mẹ sinh ra vua mới có tân nguyệt trì trước bửu thành hay tẩm. Còn thân phụ của vua mà chưa từng làm vua thì trước tẩm mộ không có xây tân nguyệt trì” 
 

      Thế thì lăng Ba Vành có tân nguyệt trì trước bửu thành là một điều không thể bỏ qua. 
 

      Các cụ già như cụ Châu Mậu, Nguyễn Phương ở Ngũ Tây đều nhớ hồ trước bửu thành lăng Ba Vành được kè đá, có nước bốn mùa. Lăng các chúa Nguyễn không có tân nguyệt trì, lăng ông quan Hộ bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại, thời các chúa Nguyễn Phúc Chu, chúa Nguyễn Phúc Khoát, dám xây tân nguyệt trì trước lăng ư? Vua chúa triều Nguyễn có chấp nhận việc làm này không? Khi lăng Ba Vành đã thành phế tích, năm 1917 quan Hồng Lô Tự Khanh Vũ Bá Khương, người làng La Ỷ, cải táng hài cốt thân phụ Vũ Bá Bình vào chôn dưới nấm của lăng, bị ông án Chất tố cáo, suýt bị trọng tội. May có con trai là Hàn lâm biên tu Vũ Bá Đạm chạy án, nhờ tòa Khâm sứ Pháp can thiệp với triều đình vua Khải Định thì quan Vũ Bá Khương mới khỏi bị tội. Một điều dễ hiểu là ông Vũ Bá Bình khi vào lăng Ba Vành nằm, ông này có tân nguyệt trì trước mộ, hóa ra ông là vua ư? Vũ Bá Khương dời ngay hài cốt của ông Vũ Bá Bình ra khỏi lăng Ba Vành trong năm 1917. HọVũ Bá sau năm 1917 không ai dám trở lại lăng Ba Vành!!!

Your browser may not support display of this image.Your browser may not support display of this image.Hình 14 : Tân nguyệt trì trước bửu thành lăng Ba Vành

(nhìn từ cổng lăng) 
 

Hình 15 :Tân Nguyệt Trì của lăng Ba Vành ( nhìn bên hông). 
 

Hình 16: Tân nguyệt trì có nước (chụp phía hông ). 
 

Lăng Ba Vành có tân nguyệt trì chứng tỏ lăng này là lăng vua!

 

  1. CHỈ LĂNG VUA MỚI CÓ CỔNG TAM QUAN TRƯỚC BỬU THÀNH
 
 

      Lăng, tẩm, mộ có uynh thành tất có cửa lăng, cửa tẩm, cửa mộ. Một vấn đề chúng tôi quan tâm là cổng lăng của hoàng đế và cổng lăng của các vương có gì khác nhau?

      Xem xét cổng lăng của các vua Lý, các vua Lê của Đại Việt, thường được các vua Tống, vua Minh phong “An nam quốc vương” thì cổng lăng là “cổng tam quan”. Không rõ khi mới xây dựng thì cổng một cửa hay cổng ba cửa? Nhưng thời Nguyễn, dân sở tại cùng với sự hỗ trợ của các quan trấn nhậm của triều Nguyễn, đóng góp công của để tôn tạo lăng vua Lý, lăng các vua Lê… thì cổng lăng phải là cổng tam quan. 
 

Hình 17 : Cổng tam quan vào lăng vua Lý Thái Tổ. 
 

Hình 18 : Cổng tam quan vào lăng vua Lê Thái Tổ.

 
 

      Khảo sát các lăng vua triều Nguyễn thì thấy rằng cổng vào lăng là cổng tam quan. Nhưng khảo sát lăng của các thân vương, hoàng tử, công chúa, các phi tần thì cổng lăng chỉ có một cửa. Đây là một lệ thời phong kiến, dẫu bất thành văn nhưng có thể kiểm chứng ở hằng trăm lăng mộ cổ ở Thừa Thiên Huế. Các lăng vua Nguyễn dù to hay nhỏ bao giờ cũng có cổng tam quan. 
 

Hình19: Cổng tam quan trước Điện Minh Thành của lăng Thiên Thọ ( lăng Gia Long)

(chụp năm 1950, tư liệu của P.T.A) 
 

Hình 20: Cổng tam quan ở Hiếu Lăng ( lăng vua Minh Mạng) 
 

Hình 21: Cổng tam quan ở Xương Lăng ( lăng vua Thiệu Trị )

 

Hình 22: Cổng tam quan trước bửu thành Khiêm Lăng ( lăng vua Tự Đức) 
 

Hình 23: Cổng tam quan trước bửu thành An Lăng ( lăng vua Dục Đức) 
 

Hình 24: Cổng tam quan ở trước Tư Lăng (lăng vua Đồng Khánh)

 

Hình 25: Cổng tam quan trước lăng Khải Định. 
 

      Triều Lê gần triều Nguyễn. Một số lệ luật triều Nguyễn vẫn kế thừa triều Lê. Một vị đại quan họ Phan có lăng mộ ở Bắc Giang, có khu lăng mộ với tên gọi Lăng Bầu Đá, được xây dựng vào thời Lê, có cổng lăng chỉ có một cửa.

Your browser may not support display of this image.

Hình 26: Cổng một cửa trước lăng Bầu Đá ( mộ ông tổ họ Phan) 
 

      Hay khu lăng đá Dinh Hương, có mộ của quận công tước hầu họ La, quan thái giám triều Lê khá bề thế với tượng người hầu, voi chầu, ngựa chầu… cũng có cổng lăng với một cửa.

 

Hình 27: Cổng một cửa của lăng Dinh Hương

(có mộ của quận công họ La, thái giám triều Lê)

 
 

      Một vị thái vương như Thoại Thái vương, thân phụ của vua Dục Đức, ông nội của vua Thành Thái, ông cố của vua Duy Tân, có lăng ở gần sông Bồ với cổng lăng chỉ có một cửa. Một vị thái vương khác là Kiên Thái Vương, thân phụ vua Đồng Khánh có lăng với cổng một cửa.

      Các chúa Nguyễn Đàng Trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh, các vị chúa như Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Phúc Thuần dẫu xưng vương nhưng do triều Thanh không chấp thuận nên lăng mộ của các ngài có cổng lăng với một cửa mà thôi. 
 
 

Hình 28: Cổng một cửa thuộc lăng Trường Cơ của chúa Nguyễn Hoàng 
 

Hình 29: Cổng một cửa thuộc lăng Trường Thanh của chúa Nguyễn Phúc Chu.

 

Hình 30: Cổng một cửa thuộc lăng Trường Thiệu của chúa Nguyễn Phúc Thuần 
 

 

Hình 31: Cổng một cửa của lăng Kiên Thái Vương

(Ảnh tư liệu của P.T.A) 
 

 

Hình 32: Cổng một cửa của lăng Thoại Thái Vương (Ảnh tư liệu của gia đình TTV)

 
 

Hình 33: Cổng một cửa của lăng Tuy Lý Vương. 
 

      Vậy: “Lăng vua Đại Việt, hay vua Việt Nam, được thiên triều Trung Quốc phong An nam quốc vương hay Việt Nam quốc vương thì mới có cổng tam quan. Còn lăng các quốc chúa, thân vương với cổng lăng chỉ có một cửa” 
 
 

      Từ những nhận định trên, chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi đến khảo sát lăng Ba Vành. Bửu thành lăng Ba Vành to hơn lăng các chúa Nguyễn và uynh thành ngoài cùng có hai trụ cổng rất lớn, dù đã bị phá. Má trong hai trụ cổng cách nhau 6 mét. Một cổng lăng như thế thật là hiếm. Khi phát hiện những tảng đá dài vài mét, có dấu vết vôi đắp phù điêu, dấu vết chữ Hán khắc trên đá bị đục đế xóa… chúng tôi đã ngờ cổng lăng này thuộc loại cổng tam quan (?). 

Hình 34: Hai trụ cổng còn lại của lăng Ba Vành với hai má trong cách nhau 6 mét.

 

      Nếu cổng lăng chỉ có một cửa rộng 6 mét thì rất khó tạo tác và không mỹ thuật, chưa kể vi phạm điều tối kỵ trong thuật phong thủy cổ. Vậy cổng này phải có 3 cửa, dĩ nhiên cửa giữa to và hai cửa hai bên nhỏ. Chúng tôi đã cho phát quan, làm cỏ và dọn lớp đất đá ở cổng lăng Ba Vành và sơ bộ phát hiện:

  • Rất nhiều mảnh vỡ của gạch bìa 23x14x3 (cm) để xây vòm, khung.
  • Một số gạch vuông màu xám 23x23x5 (cm), được ép chứ không nung, dùng để chèn, kê đá có khắc chữ, đá đắp phù điêu, chống nứt, rạn… Một số gạch múi bưởi, tiết diện hình rẽ quạt, bán kính 20 cm, góc ở tâm 300 để chèn những phần uốn cong.
  • Một số mảnh ngói liệt.
  • Đặc biệt chúng tôi đã phát lộ dấu vết khá rõ ràng của hai móng trụ 80x130 (cm) rất đối xứng qua đường thần đạo của lăng Ba Vành. Hai móng này chứng tỏ ở cổng lăng từng có hai trụ giữa, cùng với hai trụ lớn ở hai bên chống đỡ vòm cổng, tạo nên cổng tam quan.
 

Hình 35 : Dấu vết hai trụ giữa của cổng tam quan thuộc lăng Ba Vành

 

Hình 36: Bậc thềm trước cổng tam quan phủ đầy gạch vỡ của cổng bị phá. 
 

    Trên vòm cổng tam quan từng có những tảng đá dài làm lăng tô :

  • Tảng đá lớn hình thoi, dài1,5m, để chế tác biển có hiệu lăng. Tảng đá này vẫn còn một mặt khá phẳng có khắc chữ đã bị đục nát.
  • Tảng đá to bảng, dài khoảng1,8 mét, còn dấu vôi vữa đắp phù điêu.
  • Tảng đá dài gần 2 mét để làm lăng tô phía trên vòm cửa giữa của cổng tam quan.
 

    Hình 37: Một tảng đá dài để tạo tác biển khắc hiệu lăng ( còn dấu vết đục xóa tỉ mỉ ) và một tảng đá dài còn dấu vết của vôi vữa đắp nổi phù điêu.

 

 

    Your browser may not support display of this image.

    Hình 38: Tảng đá dài để làm lăng tô cho cửa bên của cổng tam quan. 
     

Hình 39: Tảng đá dài gần 2 mét dùng làm lăng tô cho cửa giữa của cổng tam quan. 
 

Lăng Ba Vành có cổng tam quan chứng tỏ lăng Ba Vành là lăng vua!

 
 

  1. NẤM MỘ HÌNH MAI RÙA DÀNH CHO NHỮNG BẬC TÔN QUÍ.
 
 

      Con qui là một trong 4 con vật linh, khi nó có mặt ở lăng mộ với cái mai bao bọc nấm mộ thì nó có vai trò che chở chủ nhân ngôi mộ, vị chủ nhân này là bậc tôn quí như các đại quan có tước công, hầu hoặc các vương, đế.

      Linh mục Cadiere, trong bài Các mô típ mỹ thuật An Nam có viết về con rùa. Cadiere cho rằng con rùa là biểu tượng sự vững bền, cái mai chắc chắn biểu tượng cho sự chở che và con rùa có trong truyền thuyết mang màu sắc dịch lý… Vì vậy nấm mộ mai rùa không phổ biến trong dân gian. Loại lăng mộ cổ có nấm mai rùa rất khó kiếm ở Phú Xuân Thuận Hóa. Trong công trình nghiên cứu LĂNG MỘ CỦA NGƯỜI AN NAM TRONG PHỤ CẬN HUẾ (B.A.V.H, tập XV, 1928) linh mục Cadiere từng viết:

    “Trong số những ngôi mộ xây, ngược lại, chúng tôi tìm thấy nhiều hình dạng.

     Trước hết chúng ta có những nấm hình bán cầu đã miêu tả ở trên, hiển nhiên có qui tắc hơn, và cũng vậy, nấm này không bao giờ có kích thước lớn (xem mộ cổ 150). Nhưng mẫu này lại hiếm hơn: trong tập sưu tầm những phụ bản in theo đây, người ta chỉ gặp một nấm theo kiểu đó. Trong trường hợp này nấm nằm trên một cái nền cũng hình tròn.

     Một hình dạng khá phổ biến nhiều hơn là hình dạng nửa hình trứng hoặc theo một thành ngữ An nam, đó là nấm hình trứng ngỗng

     Có vài dạng đặc biệt cũng liên kết với hai dạng trên. Ở mộ số 138, cái nấm biểu thị hình mai rùa;…” (sdd, các trang 9,10).

     Và trong phần LIỆT KÊ VÀ MIÊU TẢ NHỮNG LĂNG MỘ, có ngôi mộ được Cadiere đánh số 138 và miêu tả :

              “Làng Phú Xuân, thôn Trường Cưỡi. Đồ bản B.

              Phụ bản XXXIV-XXXV: A – Nấm liếp hình con qui…” (sdd, tr83) và ảnh vẽ: 
 

Hình 40: Hình vẽ ngôi mộ số 138 có nấm hình mai rùa.

 

Hình 41: Hình vẽ bình đồ của ngôi mộ số 138 
 

      Con qui thuộc tứ linh, chủ nhân ngôi mộ có nấm hình con qui là bậc tôn quí. Hơn nữa mai của con qui còn có ý nghĩa chở che, bảo vệ. Loại này chỉ có một trong 317 ngôi mộ mà Cadiere đã sưu tầm, đủ thấy thời phong kiến, ở kinh đô Phú Xuân người ta dựng mộ kiểu này rất ít.

      Năm 2001 cán bộ Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật tại Huế đã phát hiện và công bố nhóm lăng mộ cổ thời chúa Nguyễn ở Văn Quí, Hải Tân, Quảng Trị. Trong năm ngôi mộ cổ này có một ngôi mộ với nấm hình mai rùa. Dựa vào bài nghiên cứu đăng ở Thông tin khoa học công nghệ… nhóm nghiên cứu Trần Đức Sáng -Hoàng Thị Ái Hoa - Hoàng Minh Tuấn viết: 
 

      “Nấm mộ ở khu lăng này đều là những tác phẩm điêu khắc tượng tròn hoàn chỉnh. Ngôi mộ số I có hình ảnh linh quy rất sinh động với mai, đầu nhìn thẳng, cũng như khoảng phân định giữa mai và chân đều được tạo hình một cách sắc sảo. Nấm hình rùa được đặt trên bệ chữ nhật khá đăng đối. (4)….”

Hình 42: Ảnh chụp toàn cảnh ngôi mộ có nấm mai rùa ở Văn Quý, Hải Tân, Quảng Trị.

 
 

Hình 43: Nấm mai rùa có hai con cù bao quanh của ngôi mộ ở Văn Quý, Hải Tân,QuảngTrị. 
 

      Ngôi mộ có nấm hình mai rùa ở Văn Quí, Hải Tân, Quảng Trị với chủ nhân là một viên quan họ Trần, từng giữ chức Cai Hợp thuộc Ty Tướng Thần Lại ở Quảng Nam, được một con trai và bốn người con gái dựng bia vào năm Kỷ Hợi[?]. Các tác giả chú thích văn bia:

      “Văn bia được chạm theo lối chữ chân, góc trên tả, hữu của mặt bia khắc hai chữ Việt Cố khá lớn (5cm x 5cm), ở giữa khắc dòng chữ nhỏ hơn (4cm x 4cm): "Đầu khảo Quảng Nam Tướng Thần Lại ty Cai hợp Trần Quí công chi mộ". Dòng chữ bên trái (3,5cm x 3,5cm): "Hiếu tử nam nhị, nữ tứ đồng lập thạch". Dòng bên phải (3,5 cm x 3,5 cm): "Long phi Kỷ Hợi lương (?) (bị vỡ không đọc được) cát đán (?) (bị vỡ không đọc được)".

      Và các nhà nghiên cứu trên cũng phát hiện một ngôi mộ có nấm mai rùa nữa ở làng Hà Trung, các nhà nghiên cứu giới thiệu:

      “Ngoài ra, chúng tôi còn phát hiện tại làng Hà Trung (Gio Châu, Gio Linh, Quảng Trị) một ngôi mộ bằng hợp chất vôi hàu giã thô, còn khá nguyên vẹn, với nấm rùa có kích thước tương đối lớn (dài 1,89m, rộng 1,50m, đầu cao 0,53m), mai rùa hoa văn hình lục giác, mắt hướng thẳng về trước, trông rất uy nghi, bề thế….” 
 

      Tất nhiên các tác giả cũng chưa khẳng định được các ngôi mộ có nấm mai rùa được xây dựng vào thời chúa Nguyễn khi viết:

Phải chăng những ngôi mộ vô chủ nằm rải rác trên dải đất miền Trung, mà dân gian thường gọi "mả vôi", "mả rùa", "mả Tàu", "mả Mọi", "mả Hời", "mả trứng", được xây dựng dưới thời chúa Nguyễn.”

      Thật vậy một ngôi mộ cổ không phải được xây dựng và lập bia một lần. Có khi ban đầu chỉ là mộ đất, về sau con cháu thành đạt, ăn ra làm có mới đủ điều kiện để xây lăng đắp mộ cho cha ông. Có thể con cái dựng bia sớm cho cha mẹ, sau đó các cháu tôn tạo ngôi mộ, vẫn bảo lưu bia cũ mà không cần khắc lại… Hơn nữa những ngôi mộ của những vị tôn quí, con cháu đã xây lớn mà bỏ hoang thì có khả năng những vị ấy thuộc dòng họ thế gia vọng tộc của triều trước, bị triều sau bắt bớ, giết chóc… con cháu phải bỏ trốn không dám viếng mộ của cha ông! Vì lẽ đó khi giám định niên đại ở một ngôi mộ cổ mà chỉ căn cứ vào năm dựng bia, rồi vội kết luận kiểu thức xây dựng, môtíp trang trí thuộc thời chủ nhân ngôi mộ đang sống là có thể phạm sai lầm. Chẳng hạn chúng tôi thử dựng một kịch bản, như một giả thuyết công tác để xác định chủ nhân ngôi mộ có nấm mai rùa ở Văn Quý, Hải Tân, Quảng Trị:

      Trần Văn Kỷ là con trai của quan Cai hợp thuộc ty Tướng Thần Lại ở Quảng Nam, từng sống ở Vân Trình thuộc miền hạ lưu sông Ô Lâu. Cha mất trước năm 1775. Vì con quan, có điều kiện ăn học, từng dự những buổi bình văn ở văn miếu Long Hồ, có sự hướng dẫn của quan hiệp trấn Lê Quí Đôn vào giai đoạn từ 1775 đến 1779. Trần Văn Kỷ đã ra Thăng Long ứng thí và đã đổ cao. Về lại Phú Xuân, gia đình ông phấn khởi, nhờ phúc ấm của tổ phụ nên đã xây mộ (chưa bề thế) và ông cùng các em dựng bia cho thân phụ vào năm Kỷ Hợi[1779], nhân dịp Trần Văn Kỷ được “rồng mây gặp hội”(long phi). Vì ân sâu nghĩa nặng với chúa Nguyễn, nên Trần Văn Kỷ không làm quan với Lê-Trịnh, ẩn dật chưa có điều kiện tôn tạo mộ phần tổ tiên. Mùa hè năm 1786 Nguyễn Huệ ra Phú Xuân với danh nghĩa phò hoàng tôn Dương, mời Trần Văn Kỷ và ông đã tham gia phong trào Tây Sơn đắc lực… Khi làm đến chức Trung Thư phụng chính, Trần Văn Kỷ có điều kiện tôn tạo mộ cha và các thân nhân khác ở vùng thượng nguồn sông Bồ, tức ở Văn Quí, Hải Tân, Quảng Trị. Khi vua Gia Long thanh toán triều Tây Sơn, Trần Văn Kỷ bị giết và con cháu cũng phiêu tán… nên mộ phần gia tộc Trần Văn Kỷ cũng bị quên lãng.

      Giả thuyết công tác vừa nêu gọi là góp ý kiến với các nhà nghiên cứu nhằm giám định lịch sử kiến trúc, lịch sử mỹ thuật về nhóm mộ ở Văn Quý, Hải Tân, Quảng Trị. Không vội khẳng định nhóm mộ này được xây thời chúa Nguyễn vì còn có khả năng nhóm mộ được xây dựng vào thời Tây Sơn. Chủ nhân sống và chết thời chúa Nguyễn, con lập bia thời quân Lê Trịnh chiếm Phú Xuân và tôn tạo lớn khi có điều kiện làm quan lớn ở triều Tây Sơn. Để có cơ sở khoa học hơn chúng ta phải dùng kỹ thuật định tuổi của khảo cổ học mới có kết luận.

      Tuy nhiên có thể nhất trí rằng đối với những ngội mộ có nấm hình mai rùa, tức có con qui, thuộc bộ tứ linh thì chủ nhân ngội mộ phải là những bậc tôn quí như đại quan, vương hầu và hoàng đế.

      Ở lăng Ba Vành, nấm hình con qui gấp nấm ngôi mộ 138 nói trên, hoặc nấm hình rùa ở hai ngôi mộ ở Quảng Trị đến 5 lần! Mai rùa ở lăng Ba Vành to hơn mai rùa ở các mộ ở Trường Cỡi (Huế), Hải Tân (Quảng Trị), Hà Trung (Quảng Trị). Như vậy chủ nhân lăng Ba Vành phải là một vị đại tôn quí, không ai hơn nữa đó là vua.

Hình 44: Nấm mộ hình mai rùa to lớn của lăng Ba Vành 
 

Hình 45: Bia trước nấm mai rùa là bia ghi năm xây dựng lăng chứ không phải bia thờ.

  1. NHÀ BIA CÓ NỀN CHỮ THẬP Ở LĂNG VUA.

      Khuôn tĩnh ở lăng vua là phần quan trọng nhất của lăng mộ về mặt phong thủy, đặt ở nơi có long mạch đế vương. Nhưng phần này ở dưới mặt đất, khó xác định vì được giữ bí mật. Phần công khai là bi đình hay nhà bia, nơi tôn trí bia “thánh đức thần công”, có minh văn ca ngợi công đức của vị vua táng ở trong lăng. Bia có nhà bia với cột gỗ được sơn son thếp vàng hoặc cột bê tông có chạm nổi hình rồng uốn lượn. Mái của nhà bia lợp ngói, với tầu đao, diềm mái có trang trí rồng…

      Điều chúng tôi quan tâm là nền nhà bia. Thường nền nhà bia của lăng vua có hình chữ THẬP, với ý nghĩa “BÁT PHƯƠNG THIÊN ĐỊA”. Bốn phía nhà bia người ta trỗ 4 cửa, mỗi cửa đều có bậc cấp. Hai bên bậc cấp có cặp rồng hoặc cù. Mộ cổ của các thân vương của triều Nguyễn cũng có nhà bia nhưng nền không có bình đồ là chữ thập, thay vào đó có bình đồ là hình vuông hoặc chữ nhật. Để minh họa qui luật bất thành văn này, đối với việc dựng bi đình ở lăng vua, chúng tôi giới thiệu hình ảnh một số bi đình lăng vua tiêu biểu ở nước ta như sau: 
 

 

Hình 46: Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ 
 

 

Hình 47: Nhà bia Vĩnh Lăng của Lê TháiTổ

 

Hình 48: Nhà bia đổ nát của Lăng vua Gia Long 
 

Hình 49: Nhà bia của lăng vua Minh Mạng 
 

Hình 50: Nhà bia lăng vua Thiệu Trị.

 

Hình 51: Nhà bia của lăng vua Tự Đức 
 

 

Hình 52: Nhà bia của lăng vua Dục Đức 
 

 

Hình 53: Nhà bia của lăng vua Đồng Khánh 
 

Hình 54: Nhà bia của lăng vua Khải Định

      Vậy: Ở lăng vua Đại Việt hay Việt Nam thời phong kiến thì nhà bia có nền chữ thập, có mái che, bốn phía đều mở cửa và có bậc cấp.

 
 

      Chúng tôi từng chứng minh ở lăng Ba Vành có hai bia, bia ghi năm phụng lập vẫn còn nhưng có dấu yểm. Còn bia thờ tất nhiên to hơn bia phụng lập và có bài minh ghi công nghiệp của chủ nhân ngôi mộ. Bia này đã bị hủy và có khả năng đã được tận dụng để tạo ra bia thờ thổ thần cho ngôi mộ giả ở sân chầu. Nền nhà bia có hình chữ thập, biểu trưng bát phương thiên địa. Dấu vết bẻ góc nền nhà bia thành chữ thập vẫn còn ở 2 góc trong 4 góc. Dưới những viên đá hộc mới chất về sau, chúng tôi phát hiện nhiều gạch bìa và ngói mỏng. Điều này chứng tỏ ban đầu có nhà bia với bốn cột gỗ, có mái lợp ngói liệt để che bia thờ. Điều này chứng tỏ nền móng chữ thập phát hiện ở lăng Ba Vành không phải là bàn thờ thổ thần. Nhà bia ở trên trục vuông góc với đường thần đạo của ngôi lăng. Như thế bia thờ đặt trên trục này, hướng về đông-bắc, nghiêng bắc 300
 

Hình 55 : Nền móng nhà bia của lăng Ba Vành 
 

Hình 56: Một góc còn rõ góc cạnh của một phần tư nền

nhà bia ở lăng Ba Vành

 

Hình 57: nền nhà bia có nền chữ thập


Hình 58: Một góc khác của nền bia chữ thập. 
 

 

Hình 59: Gạch, ngói, đá để dựng nhà bia tìm thấy ở lăng Ba Vành

 
 

      Ở làng Cư Chánh, có cụ Nguyễn Ngọc Tiên, 70 tuổi, hậu duệ của ngài An Ninh bá Nguyễn Ngọc Huyên, cho biết ở Cư Chánh từng có cái miếu nhỏ thờ một khối đá thần hoặc khối đá trạng. Khối đá thuộc loại đá Thanh hình hộp nhưng mặt đá còn thô. 
 

 

Hình 60: Ảnh chụp cụ Nguyễn Ngọc Tiên, trước từ đường phái nhất

họ Nguyễn Ngọc ở Cư Chánh 
 

      Cụ Nguyễn Ngọc Tiên kể nguồn gốc khối đá như sau:

      Ngày xưa khi chưa có lăng Hiếu Đông, lăng vua Thiệu Trị, lăng Bà Nhất, lăng bà Từ Dũ đã có khối đá ở dưới gốc nhãn. Dân làng Cư Chánh phải đặt bát hương trước khối đá để thờ. Tại sao? Theo truyền khẩu khi voi kéo một cái bia to nặng, từ dưới Huế lên Bến Than, đến làng Cư Hóa để vào dựng ở lăng Ba Thành, voi ré không kéo bia nữa, quan quân quyết định hớt một khúc khoảng 4 tấc phía chân bia để làm phép, khi ấy voi mới kéo tiếp theo đường núi để vào lăng Ba Vành, còn khối đá để bên vệ đường… Về sau, có sở đá gần nơi làng thờ khối đá, các thợ đá xây dựng lăng Thiệu Trị, nghe dân làng Cư Hóa [Cư Chánh] thuật chuyện về khối đá ấy, đã xây am nhỏ bằng gạch để thờ “khối đá thần”. Về sau làng vẫn tiếp tục thờ khối đá ở am. Hiện nay am bị triệt giải và đưa đến vị trí mới cách gốc nhãn khoảng 5 mét. Dân sở tại vẫn bảo lưu những viên gạch vồ của am, còn khối đá vẫn lưu giữ. Người ta dùng vữa để đắp sát khối đá một bệ nhỏ để đặt 3 bát hương. Tư liệu này góp phần khẳng định lăng Ba Vành từng có bia thờ khá lớn và tất nhiên có nhà bia. Còn bia có dấu trãm là bia ghi năm phụng lập. Chúng tôi sẽ làm rõ hai cái bia ở lăng Ba Vành trong bài viết [2],[3]. 
 

 

Hình 61: Tảng đá thần được làng Cư Chánh thờ trên 200 năm.

 
 

  1. ĐƯỜNG TOẠI ĐẠO Ở LĂNG VUA CHÚA
 
 

     Đường toại đạo ở một lăng vua là con đường hầm được đào sâu dưới đất, có hai chức năng:

  • dùng để đưa quan tài của vua vào huyệt mộ;
  • thoát nước để làm ráo khô huyệt mộ.

      Lăng Minh Mạng có đường toại đạo. Lăng Thiệu Trị có đường toại đạo giống lăng Minh Mạng. Và tất nhiên lăng Tự Đức cũng có đường toại đạo. Đỗ Phước Tiến viết bài “ Miếng ăn để đời”có đoạn: 
 

      “Và chuyện này do người thuyết minh di tích Hiếu lăng kể: ngày 20-8-1841, quan tài của vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu thành bằng đường toại đạo (đường hầm đưa quan tài vào huyệt mộ). Đường hầm kéo dài từ Đại Hồng môn đến điểm tận cùng của La thành cách nhau đến 700 mét…Theo lời dặn của vua cha Thiệu Trị, khi xây Xương lăng vua Tự Đức căn dặn Đổng lý Vũ Văn Giai phải bắt chước cách làm toại đạo của Hiếu lăng. Nghĩa là truyền thống vẫn tiếp tục.” 
 

      Vua Thiệu Trị lâm bệnh mất ngày 4 tháng 11 năm 1847, lúc mới 41 tuổi. Khi hấp hối, nhà vua còn dặn Hồng Nhậm: “Chỗ đất làm Sơn lăng nên chọn chỗ bãi cao chân núi cận tiện, để dân binh dễ làm công việc. Còn đường ngầm đưa quan tài đến huyệt, bắt đầu từ Hiếu lăng, nên bắt chước mà làm. Còn điện vũ liệu lượng mà xây cho kiêm ước, không nên làm nhiều đền đài, lao phí đến tài lực của binh dân”. Vua Tự Đức dặn Vũ Văn Giai phải bắt chước cách làm “toại đạo” giống như Hiếu lăng. Toại đạo, tức là đường hầm đưa quan tài nhà vua vào huyệt mộ, được xây vào ngày 24 tháng 3 năm 1848. Khi xây dựng các công trình như điện, đình, các, viện thì bắt chước quy chế của lăng Gia Long, và tùy theo địa hình để châm chước định liệu mà làm.

      Những vụ đào trộm mộ cổ, trong đó có một số mộ chúa Nguyễn, kẻ đào trộm thường đào bên trái của mộ (khi đứng nhìn từ nấm ra cửa mộ) thì gặp đường toại đạo. Đường toại đạo không thẳng, uốn cong theo bình đồ và có đoạn sâu hơn nơi xây khuôn tĩnh. Một vị thuộc Nguyễn Phước Tộc (yêu cầu giấu tên) sau vụ đào trộm lăng Trường Thanh của chúa Nguyễn Phúc Chu, được tin đã lên hiện trường và đã từng theo đường toại đạo để tiếp cận khuôn tĩnh. Vị ấy đã thấy cốt dâu bện rơm chứ không có hài cốt. 
 

      Vậy lăng vua chúa thời cuối Lê đầu Nguyễn có xu hướng dựng đường toại đạo để đưa quan tài vào huyệt và có chức năng như một cái họng để chứa nước, nhằm làm ráo nước huyệt mộ
 

      Cách đây 21 năm chúng tôi có gửi bảo tàng Huế một bộ sưu tập gạch qua các thời, tìm thấy ở Thừa Thiên Huế, trong đó có một viên gach tìm thấy ở hầm chứa đồ tùy táng của lăng Ba Vành, được nung rất kỹ, hình hộp ( trông như cái bánh chưng), kích thước 15cmx15cmx4cm. Trên một mặt vuông của viên gạch, người xưa đã vẽ phác thảo ngọn đồi, ở đỉnh đồi có mộ, và một đường toại đạo từ dưới chân đồi lên mộ.

 

Your browser may not support display of this image.Hình 62: Mặt viên gạch có khắc chìm đường Toại Đạo

(tìm thấy ở hầm chứa đồ tùy táng) 
 

      Như vậy lăng Ba Vành từng bị lấy quan tài ra do đường toại đạo. Chắc chắn quan quân Tây Sơn về hàng Nguyễn Vương có người biết và đã chỉ con đường toại đạo này.Vậy nấm mộ mai rùa bị đục một góc, không vì mục đích lấy quan tài hay lấy hài cốt.

      Bằng phương pháp âm học, chúng tôi biết được bên dưới mai rùa tạo bằng lớp bê tông dày lại có một lớp vữa bê tông khá dày. Mai rùa và lớp bê tông này cách nhau chưa tới 1mét, không thể đặt quan tài trên lớp bêtông. Vậy khuôn tĩnh phải ở dưới lớp bêtông và chắc chắn có cửa để vào đường toại đạo. Đây cũng là bằng chứng không có sự kiện “người cháu Lê Xuân của họ Lê Quang Đồng Di đã quật nấm mai rùa để dời hài cốt Lê Quang Đại sang Ngự Bình, rồi bỏ trốn vào Đà Nẵng…

 
 

  1. LĂNG VUA CÓ NHÀ HỘ LĂNG, CÓ GIẾNG ĐỂ SINH HOẠT,VƯỜN LĂNG
 
 

      Lăng vua có nhà hộ lăng hoặc tả, hữu tùng viện để quan hộ lăng, quân lính giữ lăng hoặc người thân của nhà vua thường trú để giữ lăng, lo hương khói và tổ chức bái tảo… Ngay thời Pháp thuộc, những lăng vua xây muộn như Tư Lăng, An Lăng, Ứng Lăng cũng có nhà hộ lăng hoặc tả hữu tùng viện.

      Ở An Lăng, sau điện Long An có Tả Hữu tùng viện. Bên ngoài tường thành có nhà trực, điếm canh và nhà ở của quan quân hộ lăng. Ứng Lăng của vua Khải Định, với cung Thiên Định ở vị trí cao nhất gồm 5 công trình liền nhau mà hai bên có tả hữu trực phòng để lính hộ lăng ở…

      Đan Dương lăng của vua Quang Trung chắc chắn có nhà hộ lăng. Thật vậy, trong phần nguyên chú của bài thơ Xuân đề kỷ sự, Phan Huy Ích có nhắc đến “bọn tiểu giám hộ lăng” tức chức quan trông coi hai lăng ở kinh đô Phú Xuân. Giới nghiên cứu ở Huế nhất trí: Đan Dương lăng và lăng bà Tả Cung họ Phạm có nhà hộ lăng để tiểu giám hộ lăng làm việc và binh phu bảo vệ lăng thường trú. Đã ở thì phải có giếng nước để lấy nước sinh hoạt. Vấn đề nhà hộ lăng của Đan Dương lăng từng được các nhà nghiên cứu ở Huế đặt ra như một tiêu chí trong bước đường tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung. Hơn nữa đã là lăng vua như Đan Dương lăng thì phải có vườn lăng. Thật vậy trong bài Cảm Hoài, viết khi đi sứ Trung Quốc để báo tang, Ngô Thì Nhậm từng nguyên chú có câu:“…trông vời viên lăng [ ], không ngăn được tấm lòng một ngày bằng ba thu…”

      Thế thì lăng Ba Vành có nhà hộ lăng và vườn lăng hay không và nếu có thì dấu tích ở đâu ? 
 

Hình 63: Ảnh chụp vệ tinh toàn cảnh quần thể lăng Ba Vành.

 
 

      Trong hai mươi ba năm nghiên cứu lăng Ba Vành, do tôn trọng vườn cam của Đan Viện Thiên An, chúng tôi rất ngại tiếp cận các thầy đang làm việc và tất nhiên không dám vào khu vực vườn cam của tu viện. 
 

Hình 64: Công trình kiến trúc Đan Viện Thiên An. 
 

      Năm 2007, khi đi vào làng Kim Sơn tìm bác Liễng, nhờ bác kiếm người giúp chúng tôi phát quang lăng Ba Vành để tiện nghiên cứu thì chúng tôi phát hiện trên đường sát bờ rào phía đông của vườn cam có những mảnh gạch bìa giống gạch bìa của lăng Ba Vành, ở Gò Viên Khâu Tây Sơn (Núi bân), ở Đàn Phương Trạch Tây Sơn (sau chùa Thiên Mụ), ở Học Cung Long Hồ (do Tây Sơn mở rộng Văn Miếu Long hồ)…. Tín hiệu này, thôi thúc chúng tôi phải tìm gặp các thầy đang tu học và đang lao động ở vườn cam để hỏi. Nhóm chúng tôi gồm có Trần Viết Điền, Trần Viết Hòa đã gặp thầy Phan Quang Hoành của Đan viện Thiên An đang đi dạo bên hồ Thủy Tiên, gần Đan viện. Chúng tôi được thầy Phan Quang Hoành tiếp chuyện và thầy đã nhiệt tình cho phép chúng tôi vào nhà quản vụ để nói chuyện khi biết chúng tôi từng lên lăng Ba Vành nghiên cứu trong 21 năm. Trong câu chuyện, biết chúng tôi đến đây với mục đích nghiên cứu, không liên quan những việc thương thảo về đất đai giữa xã Thủy Bằng với Đan Viện Thiên An, nên quản vụ vườn cam Đoàn Tiến An và thầy Phan Quang Hoành vui vẻ trả lời những thắc mắc của chúng tôi quanh lịch sử Đan Viện Thiên An nói chung và vườn cam Thiên An nói riêng. 
 

Hình 65: Nhà ban quản vụ vườn cam thuộc Đan viện Thiên An.

 
 

Hình 66: Thầy Phan Quang Hoành và Trần Viết Điền

đang trao đổi về lịch sử vườn cam. 
 

      Ngồi ở bàn đá trong sân nhà ban quản vụ vườn cam, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều đá táng, đá kê cột, đá lát bằng đá Thanh… trong sân. Và những chậu cảnh cũng tạc đá Thanh, trông rất cổ. Được biết Đan viện Thiên An được thành lập khoảng năm 1940, kiến trúc thuộc phong cách phương Tây, không có xây dựng kiểu nhà rường cho nhà ban quản vụ vườn cam, nơi các thầy vừa lao động sản xuất vừa tu học. Thế thì những vật liệu đá cổ nói trên vì sao có mặt ở đây? Có viên đá làm bàn, có viên làm ghế ngồi, lại có viên bó nền, có viên lát lối đi với vữa kết dính là vôi Long Thọ và xi măng. Nền nhà ban quản vụ vườn cam được tạo tác bằng bờ lô của nhà máy vôi Long Thọ, từng sản xuất thời Pháp thuộc, và xen lẫn các thứ đá cổ nói trên… Gần đây trên mạng có bài “Lược sử Đan viện Thiên An”(NVHBT, 22-03-08) có đoạn:

      Tháng 3 năm 1939, cha Romain Guillauma, một đan sĩ người Pháp, quyết định lập dòng tại Huế, và vẫn duy trì sở Miévelle làm nơi nghỉ chân (sở đất này sẽ bán lại cho các nữ tu Phan sinh vào năm 1954). Ngày 10-6-1940, thánh lễ đầu tiên được cha Romain cử hành trong ngôi nhà tranh vừa dựng xong gần chân đồi Ðức Mẹ, đánh dấu ngày thành lập Ðan viện Thiên An, trước sự hiện diện của cha Corentin. Cha Romain chọn Thánh Tâm Chúa Giêsu làm quan thầy Ðan viện Thiên An. Nhờ cha Romain được mời đi giảng nhiều nơi, và cha Corentin đi học tiếng Việt ở Loan Lý, nên chẳng những nhiều anh em ở Huế, ở Loan Lý, mà còn ở trong Nam, ngoài Bắc đã tìm đến xin tu. Trong 3 năm đầu mọi người đều sống ở ngôi nhà tranh. Và vào những lúc trời mưa, cóc, nhái, rắn rết thích di tản vào nhà sống chung với người, lắm lúc chui vào tạm trú trong giày dép làm các thân chủ lắm khi phải nhảy đựng lên khi buổi đêm dậy đọc kinh đêm, hay buổi sáng thức dậy xỏ chân ngay vào giày hoặc dép. Ngày 23-10-1943, làm phép và khánh thành nhà nguyện và ngôi nhà ở 3 tầng, có 28 phòng. Ða số vật liệu xây cất 2 ngôi nhà này được khai thác tại chỗ: đá, gỗ thông và gạch. Hai tầng lầu để ở, còn tầng trệt làm phòng cơm. Ngày 17-10-1945, cha Benoit Nguyễn Văn Thái được thụ phong linh mục sớm hơn dự định, phòng hờ các cha Tây bị quân Nhật bắt.”

 

Hình 67: Bậc cấp ở sân nhà ban quản vụ vườn cam được xây bằng đá Thanh 
 

      Qua đoạn lược sử trên cho thấy Đan viện Thiên An ba năm đầu rất khó khăn. Đan viện đã lao động cật lực để xây được hai ngôi nhà, vật liệu khai thác tại chỗ. Các thầy Phan Quang Hoành, Đoàn Tiến An không biết nguồn gốc những vật tạo tác bằng đá Thanh, thường có ở những ngôi nhà cổ, lại có mặt ở nhà ban quản vụ. Như vậy Đan viện Thiên An không từng mua sắm những khối đá kê cột, đá lát, đá bó nền, chậu cảnh bằng đá Thanh để xây dựng nhà quản lý vườn cam. Đan Viện đã dựa trên nền móng của một công trình kiến trúc cổ, theo cách “khai thác tại chỗ” để dựng nhà quản vụ vườn cam.. Chúng tôi đã xin phép các thầy Đoàn Tiến An, Phan Quang Hoành, chụp ảnh những vật liệu cổ ấy. Các thầy đồng ý. Những bức ảnh tư liệu ấy như sau: 
 

Hình 68: Một chậu cây cảnh đặt trên hai tảng đá kê cột đều tạo tác từ đá Thanh.

Hình 69: Bàn khách, ghế ngồi đều bằng đá Thanh ở nhà ban quản vụ.

 
 

Hình 70: Đã kê cột làm bằng đá Thanh ở nhà ban quản vụ. 
 

 

Hình 71: Một viên đá lát làm bằng đá Thanh ở nhà ban quản vụ. 
 

      Các thầy rất ngạc nhiên khi chúng tôi quan tâm những viên đá Thanh rất cổ có mặt ở nhà quản vụ. Các thầy nhiệt tình đưa chúng tôi vào nhà bếp chỉ cho chúng tôi cái cối đá bị vỡ… từng thu được ở công trình cổ, tiền thân của nhà quản vụ. 
 

Hình 72: Cái cối đá bị vỡ trong nhà ban quản vụ vườn cam.

 
 

      Chúng tôi lại hỏi về các giếng nước của vườn cam. Thầy Phan Quang Hoành cho biết ở vườn cam có hai giếng cổ. Cả hai giếng đều thuộc vườn cam Thiên An quản lý và sử dụng. Trước đây, vườn cam chỉ quản lý và sử dụng một giếng từ 1940. Khi vào lập vườn cam, được phép của chính quyền lúc ấy, thì Đan Viện Thiên An đã gặp một phế tích đã đổ nát, có gạch bìa (như lăng Ba Vành), có đá táng, đá kê cột, đá lát, có cối đá… và có giếng cổ xây bằng đá. Về sau để bảo đảm vệ sinh, ban quản vụ vườn cam đã thay đá bằng bi xi măng, có đoang tròn dày làm nắp đậy giếng. 
 

Hình 73: Giếng cổ và cạnh giếng có bể nước, và gần giếng cũng có nhiều

đá kê cột làm bằng đá Thanh. 
 

      Your browser may not support display of this image.Vậy tiền thân của nhà quản vụ vườn cam thuộc dòng tu Thiên An là nhà hộ lăng của lăng Ba Vành.

Your browser may not support display of this image.

Hình 74: Vị trí tương đối của nhà hộ lăng

 

Your browser may not support display of this image.Hình 75: Hình vẽ phối cảnh lăng Ba Vành 
 
 
 
 
 

      Trên đây là một số tiêu chí lăng vua mà lăng Ba Vành đã hội đủ. Chưa kể qui mô bửu thành của lăng gấp 3, 4 lần qui mô lăng các chúa Nguyễn, và lăng cũng tọa lạc trên đồi được tạo tác thành ba tầng… là những bằng chứng đầy sức thuyết phục của giả thuyết: Lăng Ba Vành là Đan Dương lăng của vua Quang Trung. Trong bài tới chúng tôi sẽ công bố tiếp về 9 giao long hóa rồng rất độc đáo ở lăng Ba Vành, và motip giao long hóa rồng này triều Tây Sơn thường dùng để trang trí các tạo tác thuộc về cung đình. Chúng tôi sẽ chứng minh lăng Ba Vành là lăng vua bị quật phá, có ấn chứng trị tội của vua Nguyễn, bị yểm. Và chúng tôi cũng chứng minh lăng Ba Vành bị che giấu bằng cách thay đổi chức năng các cấu kiện, làm hồ sơ giả để đánh lạc hướng các nhà nghiên cứu. Rất mong các nhà nghiên cứu quan tâm vấn đề lăng Ba Vành. Các nhà nghiên cứu phủ định giả thuyết lăng Ba Vành là Đan Dương lăng, đã dựa vào những cơ sở không thuyết phục để vội kết luận lăng Ba Vành là lăng quan, rồi thờ ơ với ngôi lăng cổ có kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử mỹ thuật như lăng Ba Vành, khiến các cơ quan hữu trách không có biện pháp bảo tồn di tích lịch sử quí hiếm lăng Ba Vành và lăng Ba Vành hoang tàn nhanh chóng. 
 

                                                            Huế, tháng 3, 2009.

                                                         Thay mặt nhóm nghiên cứu

                                                              Trần Viết Điền

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org Trần Viết Điền