Người quản lăng cô đơn
SGTT.VN - Ông xắn quần lội bì bõm ra thắp nén nhang lên nhà bia tám mái ở khu lăng đá Quận Vân, xã Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội. Trứng ốc, cóc, những vết hoen ố trên bia, tượng, hương án được ông lão cần mẫn lấy nước và giẻ lau rửa từng tí một để trả lại vẻ sáng đẹp.
Công việc hàng ngày của ông Tuân: lau rửa cho các tượng đá. Ảnh: Hải Dương
|
Giữa cánh đồng lúa, người nông dân 82 tuổi vẫn cô đơn lặng lẽ chăm sóc bảo quản di tích quốc gia mà có lẽ ông hiểu rõ được giá trị văn hoá và công lao của con người nằm dưới đất nơi này.
Quận Vân là tên lăng đá của ông quan quận công Đỗ Bá Phẩm. Về năm sinh của ông này chưa thấy ghi ở nguồn tài liệu nào, người ta chỉ biết ông người làng Vân La, xã Vân Tảo, Thường Tín ngày nay và sống vào cuối thời Lê Trung Hưng. Ông đã được Trịnh Cương giao cho làm chức tư giảng, chuyên dạy dỗ thế tử Trịnh Giang. Năm 1734, Đỗ Bá Phẩm bị chúa Trịnh phế chức trấn thủ Nam Sơn và bắt phải chết (?). Cũng theo nguồn tư liệu từ văn bia, khu lăng đá được xây dựng vào năm 1733.
Lặng lẽ làm vì cái tâm
12 năm trước, ông đứng ra nhận trông nom và bảo quản một di sản kiến trúc nghệ thuật của vùng quê lụa Hà Tây cũ vì chẳng ai chịu làm. “Khi tôi bắt đầu làm thì toàn bộ khu này hầu như bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm che lấp toàn bộ tượng người, voi, ngựa, hương án…”, ông Tuân nhớ lại.
Ông Tuân bảo, ông quyết tâm bắt tay vào tìm hiểu về vị quan chủ nhân của khu lăng mộ đá. Khi đã biết được công lao và những giá trị văn hoá của lăng, ông quyết định sẽ gắn bó với nơi này. Vậy là lão nông 70 tuổi bắt đầu đi mua gạch về lát nền toàn bộ khu lăng mộ.
Rồi ông bắt đầu nghĩ đến việc trồng cây xanh để lấy bóng mát. Ông đi khắp nơi tìm mua các loại cây giống từ cây bàng, đa tai tượng, xoài, tre đến các loại cây cảnh như: hoa mẫu đơn, liễu đuôi gà về trồng xung quanh lăng đá. Giờ đây cây bàng, khóm tre, cây xoài, cây đa tai tượng đã cao to, toả bóng mát xuống khu lăng đá.
Để cho khu lăng thêm vẻ đẹp và hài hoà, ông Tuân tự bỏ gần 2 triệu đồng ra thuê thợ làm một hòn non bộ ngay trước khu bàn ghế uống nước.
Khu lăng đá ẩn hiện sau cánh đồng lúa bạt ngàn vẫn toát lên vẻ kỳ vĩ và độc đáo của nó. Dường như chính con người đang sống trên mảnh đất này đã lãng quên công trình kiến trúc đá độc đáo và ông quan trấn thủ vùng đất này ngày xưa. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng quay lưng lại với di tích, bỏ bê nó dầm mưa dãi nắng. Lý do họ đưa ra tất nhiên là bài ca muôn thuở: “thiếu kinh phí”.
Còn lại đây lão nông dân Trương Văn Tuân đi trông lăng đá với nỗi lòng cô đơn không tả xiết. Mặc kệ mọi người nghĩ gì, và họ đã lãng quên khu lăng đá, thì ông Tuân vẫn một lòng thành trông và bảo vệ lăng.
Công nhận di tích quốc gia… rồi bỏ hoang
Lão nông Trương Văn Tuân diễn giải về những hoạ tiết ở lăng đá Quận Vân. Ảnh: Hải Dương
|
Năm 1914 trận lụt kinh hoàng đã làm vỡ đê sông Hồng và phù sa tràn vào lấp chìm toàn bộ khu lăng mộ đá Quận Vân. Năm 1985 người dân xã Vân Tảo cải tạo đất canh tác đã phát lộ khu lăng mộ đá.
Năm 2003 bộ Văn hoá thông tin (nay là bộ Văn hoá – thể thao và du lịch) đã quyết định công nhận lăng đá Quận Vân là di tích quốc gia.
Hiện nay bằng công nhận di tích quốc gia để trong góc của khu nhà phụ ở đình làng Nỏ Bạn.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Sinh (viện Khảo cổ học Việt Nam) người đã có nhiều năm nghiên cứu về lăng đá, mộ đá và những công trình khảo cổ nổi tiếng ở Việt Nam. Theo ông Sinh cho biết, cùng với hệ thống lăng đá ở Hiệp Hoà, Bắc Giang thì lăng đá Quận Vân là một công trình kiến trúc điêu khắc đá độc đáo, tiêu biểu của thời Lê Trung Hưng. Độc đáo và tiêu biểu bởi những hoa văn, hoạ tiết điêu khắc trên đá ở lăng Quận Vân như hình rồng chầu, nghê đá, chó đá... đều rất tinh xảo và thuần Việt. Theo quan sát của chúng tôi, hệ thống tượng, voi, ngựa đá đã bị sứt, bào mòn, nhem nhuốc. Một mình ông Trương Văn Tuân ngày ngày trông coi và dọn rửa cho khu lăng đá cũng chỉ như cánh én nhỏ chẳng thể làm nên mùa xuân, chẳng thể bảo vệ nguyên vẹn vẻ đẹp cho những công trình đá cổ nơi đây. Ông Tuân rất trăn trở một câu hỏi: chúng ta công nhận di tích quốc gia để làm gì?
bài và ảnh: Hải Dương
Theo sơ đồ phát lộ khu lăng đá Quận Vân rộng 2.000m2. Trong khu lăng đá có nhiều di vật cổ: chó đá cao 1,2m ngồi chầu, cổ đeo ba chuông; hai tượng võ sĩ cao 1,8m; hai sập đá hình trụ đứng có bề mặt dày 0,76m; rộng 0,74m, cao 0,78m; một bệ thờ hoa sen cao 1,45m, dài 1,68m, rộng 1,2m có hoa văn rất tinh xảo và chuẩn xác; hai sập đá cao 1,5m, rộng 0,62m, dài 1,5m; hai tượng voi đá nằm phục cao 1,5m, dài 2,2m; hai tượng ngựa đá cao 1,3m, dài 2,85m, hai bệ thờ; một sập đá; hai con nghê cao 1m. Nhà bia được lắp ghép bằng hơn 20 mảnh đá đục đẽo chuẩn xác. Nhà cao 3,4m, dài 2,62m, rộng 2,24m…
|