Di tích lịch sử văn hóa phường Hạ Đình

Thứ Hai 10 Tháng Mười Một - 2014 4:28:34 CH

Là một ngôi làng cổ, có đến vài trăm năm tuổi, Hạ Đình được biết đến với Di tích lịch sử văn hóa Đình Vòng, Chùa Tam Huyền và Danh nhân văn hóa Đặng Trân Côn.

 

1. Đình Hạ Đình (Đình Vòng)

Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ XV hoặc đầu thế kỷ XVI (1490-1522), có khuôn viên và cảnh quan thoáng rộng phù hợp với cảnh quan chung của khu vực mà theo ý nghĩa của người xưa có tầm quan trọng tới sự thịnh vượng và sức khoẻ của dân làng. Hướng của Đình theo hướng Đông nhìn ra sông Tô Lịch. Trước Đình có nhà vuông tám mái gọi là Phương Đình, tiếp đó là hồ bán nguyệt. Sau Đình là những gò, đống, cây cối um tùm tạo ra cảnh sơn thuỷ hữu tình.

Qui mô kiến trúc của Đình khá lớn, vừa mang phong cách nghệ thuật kiến trúc dân dụng (kiến trúc gỗ cổ truyền) kết hợp với kiến trúc văn hoá tâm linh thời cổ lưu truyền lại.

Sở dĩ Đình Hạ Đình có tên gọi là Đình Vòng vì Đình được xây dựng trên trục đường đi, hướng Bắc Nam, có đặt  2 trụ đá khắc chữ Hạ Mã, trước Đình có hồ bán nguyệt rất rộng, dài theo trục đường. Kiệu xe muốn đi qua đình phải xuống xe tại trụ “Hạ Mã” để đi qua hoặc vào khuôn viên Đình, người mang đồ uế tạp đi vòng theo con đường chạy quanh hồ hoặc đi vòng phía sau đình để qua phía bên kia.

Trong Đình có hệ thống di vật phong phú về chất liệu và loại hình có giá trị lịch sử văn hoá cao của thời kỳ Lê - Trịnh và Nguyễn.

Theo thần phả, đình thờ 2 vị thiên thần làm Thành Hoàng làng là Cương Lược Đại Vương và Hùng Lược Đại Vương. Hiện nay là Đình còn lưu giữ được 8 đao sắc phong của triều đình nhà Nguyễn từ thời vua Gia Long và bản sắc phong cuối cùng vào năm Khải Đình thứ 9 (1924 tức năm Giáp Tý tháng 7 ngày 25) phong tặng 2 vị Thành Hoàng hiệu Tĩnh hậu Trung đẳng phúc thần.

Đình còn thờ 9 vị quan người làng Hạ Đình đã có công với nước qua các triều đại Lê – Trịnh – Nguyễn và đóng góp xây dựng làng.

* Tiến sĩ, Đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu - Hình Bộ thượng thư Lê Đình Dự.

* Tiến sĩ, Đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu - Tham tri Nghệ An Lê Đình Lại.

* Hoàng Giáp, Thiếu Tuấn đại phu - Hàn Lâm viện hiệu thảo Trường Thời.

* Tiến sĩ, Đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu - Công bộ Tả thị lang Lê Hoàng Tuyên.

* Hoàng Giáp, Phụng Nghị đại phu - Đốc học Hà Nội Lê Đình Diên.

* Tiến sĩ - Đốc học Hưng Hóa Nguyễn Khuê.

* Phó bảng, Trung nghị đại phu - Lê Đình Xán.

* Cử nhân, Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu - Công bộ Tả thị lang Nguyễn Đình Kỳ.

* Cử nhân- Giáo thụ Thị giảng học sĩ Nguyễn Khắc Chuẩn.

Trong thời kỳ phong kiến, đình còn là trụ sở hành chính của làng, là nơi để dân làng hội họp bàn việc làng, giải quyết các vấn đề hành chính và tư pháp, phân bổ thuế khoá, chia ruộng công cho các giáp và các dòng họ cấy cày hàng năm, là nơi xử kiện, phạt vạ, ra các hướng ước, lệ làng.v.v... đồng thời còn là nơi tiến hành các lễ hội hàng năm.

Trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám – 1945, đình là cơ sở hoạt động cách mạng và cũng là nơi tiễn đưa các con, em của dân làng nhập ngũ, tham gia chiến đấu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Trải qua bao năm tháng dầm mưa, dãi nắng, gội gió sương cùng với sự tàn phá của giặc Pháp và Mỹ trong 2 cuộc kháng chiến ngôi Đình đã bị xuống cấp nặng nề. Năm 1992, dân làng đã quyên góp tiền tu tạo và khôi phục lại sinh hoạt văn hoá tâm linh truyền thống theo bản sắc dân tộc Việt Nam. Ngày 18/01/1993, người dân Hạ Đình tự hào và vinh dự đón nhận quyết định và bằng công nhận Đình là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia và cũng vào ngày đó đã tiến hành khôi phục tổ chức Lễ hội Đình Vòng sau hơn 40 năm gián đoạn (1952 – 1993).

Phía sau Đình, cách khoảng 300m, Hạ Đình còn có Nghè. Nghè là kiến trúc tôn giáo sớm nhất của người Việt cổ là tiền thân của Đình có thể coi Nghè là nhà của Thành Hoàng, còn Đình là nơi làm việc của Thành Hoàng.

Lễ hội Đình Vòng có từ lâu đời, trải qua các triều đại, hàng năm được tổ chức vào ngày 2 tháng hai (âm lịch) để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn các thần Thành Hoàng làng, tổ tiên các dòng họ có công với quê hương, đất nước, giáo dục con cháu truyền thống "uống nước, nhớ nguồn". Cứ 3 năm một lần lại mở lễ hội chính trong ba ngày với qui mô lớn cuốn hút dân làng lân cận và khách thập phương tham dự. Trong ngày hội đã thể hiện nét đẹp về đời sống văn hoá, tinh thần thượng võ, trí thông minh sáng tạo của các thế hệ tạo nên đời sống tinh thần phong phú, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong cộng đồng.

2. Đình Thượng Đình:

Làng Thượng Đình xưa kia có 2 ngôi Đình là Đình Thượng và Đình Hạ.

* Đình Thượng

Đình Thượng thờ Đức Thánh phụ Từ Vinh, vị thần có liên quan đến "trục Thần - Thánh Từ Đạo Hạnh, Khổng Minh Không" nửa đầu thế kỷ XII. Theo truyền thuyết kể lại: Thánh phụ Từ Vinh học rộng tài cao làm quan đến Tăng quan giám sát thời Lý vì có mâu thuẫn với em vua là Diên Đình Hầu, nên bị Diên Đình Hầu bầy mưu với pháp sư Đại Diên dùng tà thuật sát hại, chém thành ba khúc, vứt xuống sông Tô Lịch. Khúc đầu trôi tới làng Mọc – Thượng Đình thì dạt vào được dân làng vớt lên chôn và lập đền thờ, nơi ấy là Lăng Từ Vinh hiện nay. Chân trôi xuống Lủ cầu, mình trôi xuống tận làng Pháp Vân. Hai nơi này đều vớt những mảnh di  hài đó chôn cất lập đền thờ do đó mà có câu ngạn ngữ: "Làng Mọc thờ đầu, Lủ Cầu thờ chân, Pháp Vân thờ mình".

Đình Thượng được xây dựng vào triều Lý, thế kỷ thứ XII ở cạnh chùa Tam Huyền, có kết cấu mở, chỉ có hai cổng phụ. Khoảng không gian cổng chính để trống, tạo ra sự rộng rãi thoáng đãng. Hiện nay không còn đình Thượng mà chỉ còn tên gọi Lăng Từ Vinh nằm trong khuôn viên chùa Tam Huyền.

* Đình Hạ

 Đình Hạ thờ Đoàn Thượng, nhân vật lịch sử cuối đời Lý, đầu đời Trần. Khi nhà Trần cướp ngôi nhà Lý, Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn chống lại triều đình nhà Trần. Đoàn Thượng chiếm cử Hồng Châu nay thuộc tỉnh Hải Dương (1226) Trần Thủ Độ đã nhiều lần điều động các quân đi đánh dẹp. Bấy giờ Nguyễn Nộn và Đoàn Thượng binh thế mạnh chưa dễ hàng phục. Để chiêu an, nhà Trần mời Nguyễn Nộn và Đoàn Thượng về triều phong vương. Nguyễn Nộn đầu hàng nhà Trần được phong làm Hoài Đạo Vương, sau đó vào tháng 12/1228 Nguyễn Nộn đánh giết Đoàn Thượng (Theo Đại Việt sử ký toàn thư. Quyển V - kỷ nhà Trần) sau được hóa thành Đông Hải Đại Vương. Vào năm 1957 – 1958, Đình bị phá vỡ để xây dựng Nhà máy Cao Su Sao Vàng, các đồ tế tự của Đình dân làng đem gửi xuống Đình Vòng (Hạ Đình). Đến năm 1996 - 1997 Đình được khôi phục lại nằm tại nhà Văn hóa khu dân cư số 1, phường Hạ Đình, ngõ 162 Đường Khương Đình.

Đình còn thờ 4 Tiến sỹ người làng Thượng Đình là:

* Đỗ Lệnh Danh: Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Canh Dần, đời Vua Lê Dụ Tông (1710) làm quan thượng thư bộ binh tước Quận Công khi mất được tặng Thiếu Bảo.

* Nguyễn Huy Ngọc Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Thìn, đời vua Lê Hiển Tông (1748) làm quan đến giám sát Ngự sử.

* Nguyễn Quý Ban Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Đinh Mùi đời Vua Lê Chiêu Thống (1787) làm quan đến Lại khoa Cấp sự trung, Đốc học Bắc Ninh, Tả thị Lang Bộ lễ tước Hầu.

* Đỗ Lệnh Thiện (là cháu Đỗ Lệnh Danh) Đệ tam giáp Đồng tiến sỹ xuất thân khoa Đinh Mùi đời vua Lê Chiêu Thống (1787) làm quan đến Lễ khoa cấp sự trung.

3. Chùa Tam Huyền:

Chùa Tam Huyền (Sùng Phúc Tự) Nằm trên địa phận làng Thượng Đình sát Đình Thượng (cũ) trong khu vực chùa có Lăng Từ Vinh, cho phép suy đoán rằng, chùa có liên quan đến giai đoạn của triều đại nhà Lý được xây dựng vào đầu thế kỷ XII. Theo văn bia "Trùng tu sùng phúc tự phật tổ am bi" do Tiến sỹ Cẩn Thị Lang - Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Tuấn người làng Quan Nhân xã Nhân Chính soạn năm giáp Dần (1614) thì xưa kia chùa được gọi là Miếu, bên phải chùa được gọi là Am. Phía trước có Sông Tô lượn vòng, phía sau là hai dãy núi Sài Sơn, Tản Lĩnh ngất trời, chợ họp tự nhiên buôn bán tấp nập, cầu to thông suốt xe ngựa ruổi rong thực là thắng cảnh của một vùng thắng cảnh. Trước đây cổng chùa Tam Huyền có ba lối đi, một lối đi chính, hai lối cổng phụ, thường thì khách thập phương vào chùa vào lối cổng phụ bên trái. Trên cổng chính có gác chuông, qua cổng là đến vườn chùa. Trong vườn chùa trồng những cây hoa: mẫu đơn, mộc, ngâu, vài ba cây đại. Men theo con đường gạch, qua một cái cổng con là đến nhà thờ Tổ; rẽ sang trái, ta đến một gian thờ Phật; rẽ trái một lần nữa, là đến gian thờ chính. Như vậy, Chùa xây khép kín theo kiểu chữ “Khẩu”. Chùa lúc nào cũng hương khói nghi ngút, trong đêm yên tĩnh nổi lên tiếng gõ mõ, tiếng cầu kinh của nhà sư. Vào những ngày thường, Chùa là nơi am thanh cảnh vắng nhưng đến ngày rằm, ngày một thì cảnh Chùa nhộn nhịp đông vui.

Chùa được trùng tu lần thứ hai do danh sỹ Nguyễn Sinh Tự tự, là Phúc Hùng và hai vị thiện sỹ là Đoàn Nhân Tu, tự là Phúc Hải và Nguyễn Tiến Dụng, tự là Đạo Uyên đứng ra hưng công tu bổ từ 25/01/1613 đến 25/02/1614 hoàn thành.

Sau hơn 150 năm, theo bài Văn bia "Trùng Tu Sùng Phúc tử miếu am bi ký" soạn năm Canh Tý (1780) niên hiệu Cảnh Hưng, chùa được tu bổ lớn. Một vi võ quan người làng Thượng Đình, tự là Hải Thiều chức Thái Bộc Tự Khanh, tước Xuyên Phương Hầu cùng ông Nguyễn Văn Đạo, tự là Hải Văn chức Mậu Lâm Lang - Thị Nội Thư - Tả hộ phiên Thông Chính Sử Ty đóng góp và vận động dân làng, khách thập phương đóng góp tu bổ. Sau chùa được tu bổ 2 lần vào năm (1867) đời Tự Đức và năm 1910 đời Duy Tân.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa bị phá hủy. Đến năm 1992 - 1993, dân làng Thượng và Hạ Đình vận động đóng góp, đồng thời được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, Sở văn hóa Thông tin Hà Nội đã khôi phục lại, tất cả đều đảm bảo tính nguyên bản với lối kiến trúc cổ kính, hoa văn tinh xảo phù hợp với sinh hoạt văn hóa tâm linh cần thiết, tuy nhiên khuôn viên và cảnh quan của chùa bị thu hẹp rất nhiều.

Năm 1996, chùa Tam Huyền đã được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia.

Bên cạnh chùa, chếch về phía tay phải Lăng Từ Vinh xưa còn có Văn chỉ  của xã Nhân Mục Cựu, cũng là Văn chỉ Tổng Khương Đình cũ, hàng năm tư văn hàng Tổng đến đây làm lễ Xuân Tế và Thu Tế.

Cho đến nay, qua nhiều dịp tu bổ, cải tạo Cảnh quan Chùa đã phần nào thay đổi, song vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân và khách thập phương.

4. Lăng mộ Đặng Trần Côn:

Đầu năm 1962, trong khi thu thập tài liệu để xây dựng triển lãm văn hóa Thủ đô, Sở văn hóa Hà Nội đã phối hợp với chính quyền địa phương cùng con cháu của Đặng Trần Côn tìm ra ngôi mộ của ông. Mộ ở xứ Từ Vũ, khu đồng thuộc làng Hạ Đình (nay là Ngõ 342 Đường Khương Đình), đây là ngôi mộ chưa cất. Năm 1989 Mộ Đặng Trần Côn đã được xếp dạng di tích lịch sử Văn hóa Quốc gia.

 Năm 2000, ngôi mộ của ông đã được Sở Văn hóa Hà Nội xây dựng tu tạo thành Lăng Đặng Trần Côn để tưởng nhớ sự nghiệp văn chương của ông, cây đại thụ Văn học, người đã viết tác phẩm nổi tiếng "Chinh Phụ Ngâm" mà cho đến nay vẫn còn trong trí nhớ của người dân Việt. Hiện nay mộ đã được địa phương chăm sóc và có một tấm bia mộ chí bằng chữ Hán do cụ cử Trần Lê Nhân viết.

 

Tin liên quan

Tin mới nhất

CỘNG ĐỒNG CÙNG TRẺ ĐI BỘ ĐẾN TRƯỜNG CHÀO MỪNG KỈ NIỆM 60 NĂM GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ(10/11/2014 4:40 CH)

Di tích lịch sử văn hóa phường Hạ Đình(10/11/2014 4:28 CH)

Giới thiệu Lược sử Danh nhân Văn hóa Đặng Trần Côn(07/11/2014 3:03 CH)

Giới thiệu khái quát về Văn hóa, con người Hạ Đình(04/11/2014 2:47 CH)

Bỏng điện cao thế, ông bố trẻ bị cưa hai tay, cẳng chân phải và bàn chân trái(31/10/2014 5:33 CH)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHƯỜNG HẠ ĐÌNH, QUẬN THANH XUÂN, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Trưởng Ban biên tập: Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Phó Chủ tịch UBND phường

Địa chỉ: Số 02 ngõ 320 đường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội .

Điện thoại: (04) 35585597; Email: phd_thanhxuan@hanoi.gov.vn.