logo
Thứ ba, 05/08/2014 11:23
Đường dây nóng: (04) 38228302 Email : noidung.dko@gmail.com
Học từ rừng
25/07/2013


Học sinh tham quan Bảo tàng Tài nguyên Rừng Việt Nam

"Rừng ơi!” 

Dự án "Rừng ơi” - giáo dục bảo vệ rừng hè 2013 ở Việt Nam do nhóm du học sinh Việt Nam tại Anh, Mỹ phối hợp sinh viên các trường ĐH trong nước tổ chức ở Hà Nội, xuất phát từ ý tưởng của Hà Duy, sinh viên năm cuối đại học St.Olaf, bang Minnesota, Hoa Kỳ. Nhóm lấy tên "Rừng ơi” để gần gũi với học sinh, cũng như tiếng gọi kêu cứu khi rừng đang bị tàn phá.

Dự án phi lợi nhuận này sớm nhận được sự ủng hộ, tài trợ của Quỹ dự án vì Hòa bình Davis, Trung tâm Giáo dục và Phát triển, ĐH St.Olaf, Trung tâm Phát triển sáng kiến cộng đồng... 500 học sinh, sinh viên tham gia chương trình trải qua "Tháng giáo dục” về địa lý, tài nguyên rừng và 50 bạn có thành tích xuất sắc nhất được tham gia Trại hè khám phá ở vườn Quốc Gia Cúc Phương, từ 15 đến 30-7.



Hà Duy kể, khi đang học ở Mỹ được đi thăm khu rừng nguyên sinh ở vùng Costarica. 13 lần đi trên những chiếc cáp treo trên cánh rừng, Duy mới cảm nhận hết vẻ đẹp của những thân cây trùng điệp. Ở đó, những cánh rừng được khai thác khoa học, không bị tàn phá. Khi ra về, chàng trai đến từ Việt Nam gặp nhiều nhóm học sinh tiểu học vào rừng. Hỏi ra mới biết, đó là những hoạt động ngoại khóa của học sinh, đã có từ 15 năm trước. "Costarica cũng có điều kiện khí hậu như Việt Nam. Vậy tại sao họ có thể bảo tồn thiên nhiên đa dạng như vậy trong khi ở Việt Nam lại không?”. 

Hà Duy nhớ suốt thời cắp sách đến trường, chưa bao giờ có những tiết học gần gũi với thiên nhiên thực tế như thế cả. 



Học sinh tham quan Bảo tàng Tài nguyên Rừng Việt Nam

Bảo tàng Tài nguyên Rừng Việt Nam

Thực ra ở Việt Nam đã và đang có nhiều học sinh được học rừng, trải nghiệm những tiết học gần gũi với thiên nhiên khi đến với Bảo tàng Tài nguyên Rừng Việt Nam ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, cách trung tâm Hà Nội 12 cây số về phía Nam. Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản, tổ chức trưng bày, giới thiệu các sưu tầm mẫu vật và tư liệu về tài nguyên rừng và đa dạng sinh học ở Việt Nam liên quan đến quá trình phát triển ngành lâm nghiệp, phục vụ yêu cầu phổ biến kiến thức, giáo dục, nghiên cứu khoa học, tham quan, du lịch.

Ở đó có Vườn thực vật, thực ra là một khu rừng rậm rạp quanh năm xanh tốt hơn 3 ha, gây trồng 50 năm trước, đến nay có hơn 4.000 cây thuộc 30 bộ, 60 họ và hơn 200 loài được gây trồng phát triển, trong đó, gần 30 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới...



Trao đổi với Đại Đoàn Kết ngày 23-7, Giám đốc Bảo tàng Quách Quỳnh Nga cho biết: Có những điều học lý thuyết rất mơ hồ đối với các em học sinh nhưng chỉ sau khi được tiếp cận thực tiễn thì hiệu quả học tập được nâng cao một cách rõ rệt.

"Chính vì vậy chúng tôi mong muốn hiện nay Chương trình đổi mới giáo dục toàn diện của Bộ GD&ĐT đã được Quốc hội thông qua sớm được triển khai, trong đó việc gắn kết giữa học lý thuyết ở trên lớp với tìm hiểu ngoài thực tế cho các thế hệ học sinh từ độ tuổi mẫu giáo đến sinh viên đại học là hết sức cần thiết. Và điều này sẽ trở thành một trong những nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục ở các trường học”, bà Nga nói.



Thời gian qua, học sinh nhỏ nhất đến Bảo tàng Rừng có trường Mầm non quốc tế (Tây Hồ - Hà Nội). Được tham quan các mẫu vật trong nhà Bảo tàng, rồi vào Vườn thực vật khám phá những điều mới lạ của thiên nhiên về cây cối, hoa cỏ và các loài côn trùng... CLB Cộng đồng Xanh gồm sinh viên Khoa Môi trường ĐH Bách khoa và ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã tới đây.nạo vét hệ thống mương thoát nước, thu gom các phế liệu, túi nilon trong Vườn thực vật... Quan trọng là họ gắn bó với nơi lưu giữ nhiều loài cây của nhiều vùng sinh thái như cây ngập nước, cây trên núi đá vôi, cây họ cau dừa, song mây… tạo thành nhiều tầng tán như một khu rừng nhiệt đới. 

Sự đa dạng của các mẫu vật đã gây hứng thú rất lớn cho học sinh.  Khu Vườn thực vật giống như một khu rừng thu nhỏ giúp các em biết trân trọng giữ gìn và bảo vệ môi trường sống quanh ta. "Chúng em rất vui vì Hà Nội có được một Vườn thực vật như một khu rừng thực sự. Đến đây được tận hưởng bầu không khí trong lành, khám phá sự đa dạng sinh học kỳ thú và nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận của rừng”, Chủ nhiệm CLB Cộng đồng Xanh chia sẻ. 

Ngày càng có nhiều học sinh đến với rừng, học từ rừng, hiểu rừng và gắn bó…
Phương Anh
Phó Tổng biên tập phụ trách: Nguyễn Quốc Khánh
Thư ký tòa soạn: Hà Trọng Nghĩa
Báo Đại Đoàn Kết
- Giấy phép xuất bản số 270/GP-TTĐT ngày 27/12/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thiết lập trang báo điện tử
- Tòa soạn và trị sự: 66 Bà Triệu - Hà Nội - ĐT: (04) 38228303 - FAX: (04) 38228547 - Email: toasoan@baodaidoanket.com.vn
- Đường dây nóng : (04) 39433164 - (08) 39327989
- Ban đại diện tại TP. Hồ Chí Minh: 176 Võ Thị Sáu, TP. Hồ Chí Minh - ĐT: (08) 39326703 - FAX: (08) 39326130 - Email: daidoanket2vp@hcm.vnn.vn
Các văn phòng thường trú:
- Thanh Hóa: Đường Hạc Thành, TP. Thanh Hóa. ĐT: (037) 3854310
- Khánh Hòa: A4 chung cư 2, TP. Nha Trang, Khánh Hoà. ĐT/Fax: (058) 3870608
- Cần Thơ: 5A đường 30-4, TP Cần Thơ - ĐT/Fax: (071) 3839444.