Vừa qua, trong dịp đến thăm chùa Sét (tên chữ là Đại Bi tự) ở phường Tân Mai, quận Hai Bà Trưng, các cụ già trông coi chùa đã tặng chúng tôi cuốn sách Chùa Sét một hành trình của Nguyễn Mạnh Cường và Bùi Minh Trí (Nxb Công an Nhân dân – 1990). Xem qua cuốn sách và sau khi đi thăm toàn bộ ngôi chùa, chúng tôi đối chiếu với bài viết về chùa Sét của cụ Tảo Trang trong báo Người Hà Nội (số 125 ngày 4 – 11 – 1989) hiện treo ở tam bảo chùa, thấy thiếu một bài văn bia mà cuốn sách không giới thiệu. Đó là văn bia khắc năm Chính Hoà thứ 11 (1690) do Đỗ Công Toản đỗ Tiến sĩ năm 1683 viết văn bia (1) .
Chúng tôi liền vào nhà dân xung quanh chùa để hỏi chuyện thì được biết tấm bia hiện nằm trong sân một nhà dân phía sau chùa do bom Mỹ trong chiến tranh phá hoại mà bị hất ra đó.
Được biết chùa Sét vốn là nơi danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở phía Nam kinh thành Thăng Long xưa. Nay các di văn ở ngôi chùa đã được sưu tầm biên soạn thành sách để giới thiệu với bạn đọc mà lại thiếu đi một bài văn bia thì uổng phí, nên chúng tôi liền rập 3 mặt của tấm bia vuông 4 mặt (còn một mặt sát mặt đất không rập được để nghiên cứu).
Bia là một khối đá lớn cao 1,6m nặng khoảng 2 tấn, vuông 4 cạnh, mỗi cạnh rộng 0,6m. Cả bốn mặt bia đều có chữ. Lạc khoản có ghi người soạn văn bia là ông Đỗ Công Toản quê ở xã Thượng Yên Quyết, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây, đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quí Hợi (1683), đương chức Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam.
Đỗ Công Toản xuất thân trong một gia đình có nhiều người đỗ đại khoa. Cha là Đỗ Văn Tổng đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Canh Thìn năm Dương Hoà thứ 6 (1640) làm quan tới chức Thiêm đô ngự sử, sau vì có công dạy hai con đỗ Tiến sĩ nên được nhà vua tặng Hữu thị lang bộ Hình. Anh là Đỗ Văn Luân thi hương đỗ Giải nguyên, thi Hội năm Vĩnh Thọ thứ 2 (1659) đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân lúc mới 26 tuổi nên được vua Lê Thần Tông cho làm quan Hiệu thảo ở Viện Hàn lâm. Bản thân ông Đỗ Công Toản thi hương cũng đỗ Giải nguyên. Như vậy là một nhà ba cha con đều đỗ Tiến sĩ và đều làm quan triều Lê.
Nội dung văn bia (2) chia làm hai phần rõ rệt. Phần chính do Đỗ Công Toản soạn, ghi việc Vương phủ thị nội cung tần Lê Thị Ngọc Côn cúng 3 mẫu ruộng vào chùa để thờ cúng cha là Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân Đông quân đô đốc Thiêm sự Bái quận công Lê Trung Hoà và mẹ là Trịnh Thị Ngọc Dạng. Phần dưới đoạn văn do người đời sau khắc thêm vào ghi việc bà Lê Thị Ngọc Côn giúp dân bản xã Thịnh Liệt 200 quan tiền cổ để chi phí đắp đê điều nên dân làng ghi công và quy đinh thờ cúng bà mãi mãi sau khi bà mất.
Mở đầu, bài văn bia bàn về việc hiếu thuận đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ: “Thường nghe đạo của trời, lẽ phải của đất lưu truyền từ xưa đến nay không thể thay đổi được, đó là lẽ hiếu thuận… Kính nghĩ: đất nước hưng thịnh, thời vận thái bình, muôn việc được xếp đặt quy củ kế hay mưu giỏi cai quản một phương, đời ngóng trông, cần phải dựng nền nhân nghĩa, gây mầm đạo đức để đáp lại công ơn của tổ tiên…”
Tiếp đó văn bia giới thiệu: “Cung tần Lê Thị Ngọc Côn thuộc tông phái vịnh hoa ở Thịnh Liệt… dáng người yểu điệu dịu dàng. Từ bé đã là người con gái thuỳ mỵ nết na, nhiều người đã ngỏ ý muốn kết duyên… Bà giỏi âm nhạc từ nhỏ, lớn lên sành thơ ca, vào làm cung tần được vua yêu mến…”
Cuối bài văn bia khẳng định về hiếu thảo: “… Thời gian thì có xưa, có nay, nhưng hiếu thảo thì bắt nguồn từ bản tính con người. Không phải lấy xưa hay nay để làm tăng lên hay giảm xuống. Địa vị có giàu sang hay nghèo hèn, còn hiếu thuận xuất phát từ đáy lòng, không thể lấy giàu hay nghèo mà coi trọng hay thờ ơ. Hiếu thảo một khi được thực hiện thì muôn điều thiện cũng theo nó mà thể hiện ra. Còn việc ghi công ư? Có thể thấy lẽ trời là ở lòng người, muốn cũng không thể được…”
Tiếp đó là bài minh, mỗi dòng 4 chữ và kê ruộng ở các xứ đồng (3)
Phần thứ hai cũng đáng lưu ý:
Mở đầu liệt kê tên “các bậc xã thôn trưởng xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín…”
Nội dung: “Tháng 7 năm nay, lệnh truyền nước dâng lên cao, trong xã lại chưa có quan dịch, quả có khó khăn trong việc đắp đê điều, hơn nữa cả tám giáp lại chưa có tiền chi vào công việc đó. Nay toàn thể các bậc bề trên kẻ dưới trong xã đến xin Vương phủ nội thị Cung tần, Đức bà chuẩn cho bản xã 200 quan tiền cổ…” Đoạn cuối dân làng quy định việc cúng tế bà ở chùa khi bà mất, mỗi giáp phải sửa xôi gà, trầu cau thờ cúng, lập thành khế ước truyền lại lâu dài, ai làm trái sẽ bị trừng phạt…”
Bài văn bia này có giá trị nghiên cứu về phong tục tập quán (quan niệm của người xưa về hiếu thảo, đạo đức), về văn học, lịch sử và nghệ thuật thế kỷ 17. Vì lẽ đó, tấm bia nên sớm được đưa về sân chùa quy tụ với các tấm bia khác để tăng thêm giá trị cho di tích, đồng thời giúp cho việc nghiên cứu lịch sử và giáo dục truyền thống ở địa phương và Thủ đô ta.
CHÚ THÍCH
(1) Trong bài viết của mình, cụ Tảo Trang chưa giới thiệu nội dung bài văn bia.
(2) Chúng tôi căn cứ vào bản dịch của chị Phạm Thị Thoa (Viện Hán Nôm).
(3) Phần lớn 2 nội dung này nằm ở mặt thứ 3 sát mặt đất, không rập được.
ĐỖ THỈNH (theo Tạp chí Hán Nôm, số 1, 1993)