ĐẾN NÚI BÌNH SAN, THĂM LĂNG MẠC CỮU
LTQ
Núi Bình San còn gọi là núi Lăng nằm cách nội ô Thị xã Hà Tiên khoảng hơn 1km về hướng
tây bắc. Như tên gọi “Bình San Điệp Thúy”, một trong mười
cảnh đẹp của Hà Tiên được mô tả trong Hà Tiên thập vịnh ; núi Bình San tựa như
muôn ngàn chiếc lá xanh tươi phủ đầy ngọn núi bằng phẵng như tấm bình phong tạo
cho người đến tham quan một cảm giác yên bình. Đây là nơi yên nghĩ của dòng họ
Mạc mà đứng đầu là Mạc Cữu (1655-1735), người đã có công khai phá và xây
dựng đất Phương Thành ( Hà Tiên ngày nay ) và các thành phố khác ở biển Tây chạy
dài từ Kiên Giang đến Siêm Rệp của Campuchia hiện nay.
Trước sự xâm lược của nhà Thanh đến từ Mãn Châu vào
trung nguyên, những cựu thần nhà Minh và dân chúng không chịu khuất phục ; chỉ
còn chọn con đường là ly hương đến vùng đất mới. Trên những chiếc thuyền lên đênh trên biển trôi dạt về đất phương Nam, họ ghé vào Phú Xuân tìm
đến chúa Nguyễn để xin tá túc. Lợi dụng cơ hội vùng đất mới ở phía Nam còn
hoang vu chưa có người khai phá, Chúa Nguyễn Phúc Tần đưa những người này vào lập
nghiệp để mở rộng bờ cõi. Trần Thượng Xuyên ( Trần Thắng Tài ) nguyên tổng binh
phủ Cao, Lôi Liêm và phó tướng Trần An Bình đến vùng cù lao Phố ( Biên Hòa ),
Dương Ngạn Địch nguyên tổng binh Long Môn cùng phó tướng Hoàng Tiến đến vùng Mỹ
Tho, Bạc Liêu sinh sống. Khác với những người này, Mạc Cữu chỉ là một thương
nhân. Ông thường đi lại buôn bán trên các tuyến đường từ Trung Quốc đến
Philippine, Batavia (Indonesia )…..Trong lúc buôn bán có lẻ ông đã cộng tác với
Trịnh Thành Công ở Đài Loan. Nhận thấy nhà Minh không thể nào phục hưng được,
ông lập nghiệp luôn ở đất Mang Khảm ( tên gọi của Hà Tiên lúc ấy ). Nhờ tài
tháo vác, lanh lợi trong việc buôn bán lại biết rành thổ ngữ của Chân Lạp, ông
được quốc vương nước này là Nặc Nộn ( Nặc Ông Non ) tin tưởng và phong làm Ốc
Nha (1) của vùng đất Mang Khảm thuộc tỉnh Peam ( tiếng Hoa gọi là Phương Thành
). Ông xây dựng đất Mang Khảm thành một thương cảng lớn, tiếp nhận những thuyền
bè từ các nơi đến buôn bán, trao đổi với các mặt hàng thổ sản của địa phương
như hồ tiêu, đồi mồi…. Ông lại mở các sòng bạc để lấy xâu làm kinh phí để xây dựng
tòa thành trên bờ biển, mở phố xá, chiêu mộ lưu dân đến khai phá tại các nơi
như Phú Quốc (Koh Tral), Cần Bột ( Kampot), Rạch Giá ( Lai Khê), Luống Cày (
Lũng kỳ), Hương Úc ( Vũng Thơm, Kompong Som )…..
Nhận thấy lợi nhuận lớn lao từ vùng đất này, khoảng
năm 1687 quân Xiêm đến cướp phá Hà Tiên bắt ông cùng gia quyến đem về giam tại
Muang Galapuri ( Vạn Tuế sơn ). Hai năm sau, nhân lúc nước Xiêm có loạn ông mới
trốn về Mang Khảm và bắt tay vào khôi phục vùng này. Biết không thể nào đứng vững
một mình và nhờ vào sự bảo trợ của nước Chân Lạp vốn đã suy yếu vì nội chiến và
sự xâm lược của quân Xiêm, năm 1708 ông đem đất Mang Khảm dâng cho chúa Nguyễn
Phúc Chu và xin thần phục chúa Nguyễn(2). Chúa Nguyễn Phúc Chu phong
cho ông làm Tổng Binh và đặt tên mới là trấn Hà Tiên. Từ đó dân đến ở ngày càng
đông và vùng đất hoang vu này biến thành nơi đô hội.
Mẹ của ông là bà Thái thị vì nhớ con mà lặn lội từ Lôi
Châu vượt biển đến đất Mang Khảm để tìm. Ông phụng dưỡng cho bà đầy đủ và cất một
ngôi chùa cho bà tu hành đặt
tên là chùa Tam Bảo. Một hôm đang
ngồi lễ Phật tại chùa này bà bổng nhiên hóa. Ông cho người đúc tượng bà để thờ
trong chùa đồng thời cũng cho đúc một đại hồng chung để kỹ niệm. Ngôi chùa cũ
này bị phá hủy hoàn toàn do loạn lạc còn ngôi chùa mới hiện nay do hòa thượng
Phước Ân xây năm 1930 tuy không còn dáng vẽ ban đầu nhưng vẫn giữ được
không khí u tịch của chốn thiền lâm. Hiện nay chùa được tôn tạo và trở thành
nơi hành hương của du khách khi đến viếng Hà Tiên.
Ông mất năm 1735, thọ hơn 80 tuổi được triều đình
phong tặng Khai Trấn Thượng trụ Quốc Đại tướng quân Vũ nghị công, tước Cữu Ngọc Hầu.
Con trai trưởng của ông là Mạc Thiên
Tích(1706-1780) còn có tên khác là Mạc Thiên Tứ, Mạc Tông…. lên nối nghiệp cha
vốn là người văn võ song toàn. Tương truyền khi sinh ra ông tại Lũng kè ( Peam
) trong đầm tại đây nổi lên một tượng Phật cao bảy thước, tỏa hào quang rực
rỡ. Lúc đó có một nhà sư Chân Lạp đi ngang qua thấy vậy bảo đó là điềm tốt, báo
hiệu sẽ có một hiền nhân xuất hiện. Mạc Cữu sai người vớt lên nhưng bao nhiêu
người cũng không khiêng lên được. Ông đành xây một ngôi chùa nhỏ ngay trên bờ đầm
để thờ. Ít lâu sau, phu nhân của ông sinh hạ được một cậu trai mặt mày khôi ngô
tuấn tú. Thấy hợp với điềm lành, Mạc Cữu đặt tên con trai là Thiên Tứ ( nghĩa
là trời ban tặng ). Khi lên nối nghiệp cha, ông được chúa Nguyễn phong làm Tổng
Binh Đại Đô Đốc trấn Hà Tiên và ban tặng bảy chữ lót cho các đời nối tiếp nhau
là : Thiên, Tử, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Về sau ông mới đổi tên là Thiên Tích vì
chữ Tích cũng có nghĩa là ban cho nhưng bên trái có bộ Kim ( chỉ hành kim trong
ngũ hành ).
Ngoài việc mở mang thành lũy, luyện tập quân đội để đề
phòng sự xâm lấn, cướp phá của quân Xiêm, Mạc Thiên Tích còn là một văn nhân.
Ông xây dựng Khổng Tử miếu tại Hà Tiên, chiêu nạp hiền tài địa phương và từ nơi
khác đến và mở Chiêu Anh các để cùng các văn nhân ngày ngày đến giảng sách, xướng
họa thi thơ. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của tao đàn Chiêu Anh các là
bài “ Hà Tiên thập vịnh”(4) mô tả mười cảnh đẹp của Hà Tiên được người dân truyền
tụng đến ngày nay. Một số người cho rằng chùa Phù Dung ngày nay vốn được xây dựng
trên di tích nền Chiêu Anh các ngày xưa. Vấn đề này đang được các nhà nghiên cứu
về lịch sử và văn hóa của Hà Tiên làm rõ.
Năm 1756, quốc vương nước Chân Lạp là Nặc Nguyên uy hiếp
người Côn Man (4) nhưng bị đánh bại phải sang nương nhờ họ Mạc. Mạc
Thiên Tích dâng thư lên chúa Nguyễn để xin viện binh. Chúa Nguyễn chấp thuận và
cho người hộ tống Nặc Nguyên về nước. Nặc Nguyên lâng đất Tầm Bôn, Bôi lạp để
chuộc tội . Hai phần đất đó trở thành hai phủ Tân An và Gò Công.
Năm 1757, Nặc Nguyên mất, nước Chân Lạp có nội loạn, Nặc
Tôn chạy sang Hà Tiên cầu cứu. Mạc Thiên Tích đứng ra sắp xếp xin chúa Nguyễn
cho Nặc Tôn làm vua đất Chân Lạp. Chúa Nguyễn sai Mạc Thiên Tích cùng tướng sĩ
năm dinh hộ tống Nặc Tôn về nước. Để tạ ơn, Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (
bao gồm Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh... ) cho chúa Nguyễn . Riêng đối
với họ Mạc, Nặc Tôn dâng năm châu Hương Úc, Cần Bột, Trực sâm, Sài Mạc, Lình Quỳnh
để đền ơn giúp đở. Mạc Thiên Tích dâng hết đết này cho chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn
cho sát nhập vào Hà Tiên và chia vùng đất mới này thành hai đạo : xứ Rạch Giá
là Kiên Giang đạo, xứ Cà Mau là Long Xuyên đạo .
Trong thời gian đầu của Mạc Thiên Tích làm tổng trấn đất
Hà Tiên, vùng đất này trở nên phồn thịnh nhưng nó cũng chính là miếng mồi ngon
béo bở cho các thế lực ngoại bang. Chúng tìm cách xâm chiếm và cướp phá mỗi khi
có dịp. Quân Xiêm đã nhiều lần tấn công đất Hà Tiên nhưng chuốc lấy thất bại
đành phải kéo quân về nước.
Vào đời chúa Nguyễn Phúc Thuần, do quyền thần Trương
Phúc Loan tiếm quyền khiến nhân dân bất mãn và ngã về phía Tây Sơn. Dòng họ Mạc
vẫn trung thành với chúa Nguyễn vì nhớ ơn họ đã từng cưu mang mình trong bước đầu
lập nghiệp tại đất Hà Tiên. Khi Nguyễn Phúc Thuần bị quân Tây Sơn đánh bại và bị
bắt tại đạo Long Xuyên ( Cà Mau ngày nay ), ông đem quân tới ứng cứu nhưng
không kịp đành phải quay về đất Hà Tiên. Định Vương Nguyễn Phúc Thuần được giải
về Gia Định và bị giết ở đó. Năm 1780, bất đắc dĩ Mạc Thiên Tích phải cùng gia
đình đi lánh nạn tại Xiêm La. Lúc đầu Trịnh Nhã Tân đối xữ với ông rất tử tế
nhưng sau đó bị kế ly gián của Tây Sơn nên giết các con của ông là Mạc Tử Dung,
Tử Hoàng và Tử Thượng.Gia quyến chỉ còn sót lại một vài người như Mạc Tử Sanh
thì bị bắt đi đày. Quá phẩn uất ông uống thuốc độc tự tử (5). Năm 1788, Mạc
Công Bính là con trai út của Mạc Tử Hoàng mới đem hài cốt của Mạc Thiên Tích
cùng các gia quyến đem về an táng tại núi Bình San. Triều đình nhà Nguyễn nhớ
công lao của họ Mạc đã tận trung nên cho xây một ngôi đền gọi là Mạc Công Từ để
cho con cháu họ Mạc và nhân dân thờ cúng. Ngôi đền cũ trước đây ở gần chùa Tam
Bảo được lợp bằng tre lá do Mạc Công Du là cháu 4 đời của Mạc Cữu lúc đó làm Hiệp
Trấn Hà Tiên lập vào khoảng năm 1816-1818. Khoảng năm 1833, Mạc Công Du theo Lê
văn Khôi chống lại vua Minh Mạng nên bị tội, con cháu tản lạc nên ngôi đền bị hủy
hoại. Đến năm 1845, Tổng Đốc
An Giang là Doãn Uẩn thấy Mạc Cữu và con
là Mạc Thiên Tích có công lao rất lớn trong việc khai phá đất Hà Tiên nên mới
tâu lên vua Thiệu Trị xin lưu dụng lại con cháu họ Mạc và xây dựng lại ngôi đền
tại địa điểm mới dưới chân núi Bình San. Ngôi đền mới này được xây dựng bằng gỗ
lợp ngói, kiên cố và đẹp đẽ hơn được hoàn thành vào năm 1847 còn có tên gọi là
Trung Nghĩa Từ và giao cho con cháu họ Mạc phụ trách việc thờ cúng. Từ đó đến
nay nó nhiều lần được trùng tu do công lao quyên góp của nhân dân đất Hà Tiên.
Đến Trung Nghĩa từ vào mùa hạ, du khách có thể cảm nhận được mùi
hương tỏa ra từ những đóa sen hồng trồng ở hai ao sen trước cổng đền. Ao sen
này tương truyền là do Mạc Thiên Tích đào để lấy nước ngọt cho dân địa phương
dùng vì nơi này gần biển nên khan hiếm nước ngọt, để nấu ăn chỉ có thể dùng nước
mưa nên nhà nào cũng có lu khạp để dự trữ nước.
Cổng Mạc Công miếu ( Trung Nghĩa Từ ).
Đôi sư tử trước tiểu đình.
Mộ Mạc Cữu tại núi Bình san và Bia mộ
Mạc Cữu.
Đền có kiến trúc theo hình chữ quốc, chung quanh có tường
dày bao bọc còn ở chính giữa là điện thờ. Bước qua khỏi cổng là con đường nhỏ
lát gạch, hai bên trồng cây xanh dẫn đến một tiểu đình có đôi sư tử bằng đá uy
nghi. Trên các cột đều có những câu đối viết bằng các kiểu chữ khác nhau. Trước
điện thờ chính còn có một biển thờ đề bốn chữ “ Khai Trấn Trụ Quốc” và bức
hoành ´Nghị Võ Công”.
Gian thờ chính thờ bài vị của Mạc Cữu, Mạc Thiên Tích
và Mạc Tử Sanh, Mạc Tử Hoàng... còn ở hai bên thì thờ Thái phu nhân (mẹ Mạc Cữu), phu
nhân Nguyễn Hiểu Túc ( Vợ Mạc Thiên Tích ), Mạc Mi Cô ( con Mạc Thiên
Tích) cùng các học sĩ, thuộc tướng và con cháu họ Mạc. Vì vậy ngôi đền này còn
có tên gọi khác là Mạc Công Miếu hay đền họ Mạc. Bên vách phải gian thờ là tiểu
sử dòng họ Mạc được viết bằng chữ quốc ngữ để khách tham quan có thể hiểu thêm
về công lao của họ Mạc tại đất Hà Tiên.
Đi vòng theo phía phải Mạc Công Miếu, men theo những bậc
đá hướng về lưng chừng núi sẽ đưa ta đến nơi an táng của của dòng họ Mạc. Mộ Mạc
Cữu nằm ở trên cao được xây dựng theo kiểu Trung Quốc có hình bán nguyệt khoét sâu
vào bên trong núi được làm bằng hỗn hợp đá vôi, cát, đường và nhựa ô dước nên vẫn
bền vững dù trãi qua nhiều năm tháng. Mộ được bố cục theo thế
tọa ngưu ( hình con trâu đang nằm), phía trước có hai tượng đá cầm gươm đứng hầu
còn phía sau lưng là một rừng cây thẳng tắp che chở cho ngôi mộ. Ngoài ra trước
mộ còn có một khoảng sân rộng với các bậc thềm cẩn bằng đá xanh, tương truyền
là do các nhà buôn Trung Hoa thời bấy giờ chở từ Quãng Tây sang. Tiếc thay ngôi
mộ hiện nay lại được tân trang bằng cách quét lên lớp vôi màu vàng, làm mất đi
vẽ cổ kính so với mộ của Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Hoàng nằm ở bên dưới.
Mộ của Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Hoàng trông có vẽ
khiêm tốn hơn. Vẫn bố cục theo thế tọa ngưu nhưng chỉ có vòng cung phía trước
làm bằng đá xanh còn nấm mộ chỉ là nấm đất bình thường, bên trên có trồng hoa phủ xanh ngôi mộ. Ngoài ra xung quanh đó còn có nhiều ngôi mộ của con
cháu họ Mạc và gia quyến của họ. Đặc biệt còn có các ngôi mộ của những gia tướng
mà lúc sinh thời đã cùng với họ Mạc khai phá và gìn giữ đất Hà Tiên. Tất cả có
gần 40 ngôi mộ chia làm 4 khu nằm rãi rác khắp núi Bình San.
Mộ mạc Thiên Tích
Mộ Mạc Mi Cô tại núi Bình san
Chùa Phù Dung (6) và mộ Mạc Mi Cô ( còn gọi là
mộ cô Năm) nằm trong quần thể di tích họ Mạc tại núi Bình San cũng là nơi mà
khách hành hương quan tâm tới khi ghé thăm Hà Tiên.
Chùa Phù Dung hiện nay được cho là xây dựng trên nền của
Tao đàn Chiêu Anh các ngày trước. Sự tích của nó gắn liền với chuyện tình của Mạc
Thiên Tích và nàng thứ cơ Nguyễn thị Xuân, hiệu là Phù Cừ.
Tương truyền bà là thứ nữ của một di thần nhà Lê tên
là Nguyễn Đình lưu lạc đến đất Hà Tiên này. Bà rất giỏi về văn thơ
nên được Mạc Thiên Tích yêu dấu khiến chánh thất là Nguyễn phu nhân ghen tức. Lợi
dụng lúc ông đi duyệt binh vắng nhà, bà Chánh
thất cho người bắt nàng thứ cơ nhốt trong
chiếc chậu lật úp lại. Khi Mạc Công trở về thì trời cũng vừa đổ cơn mưa . Ông
truyền lệnh cho gia nhân lật chậu lên để hứng nước mưa thì bắt gặp nàng thứ cơ
thoi thóp trong chậu sắp đứt hơi. May mắn thay nhờ cứu chữa kịp thời nên nàng
thoát chết. Chán nãn trước tình đời, nàng xin Mạc Công được đi tu. Trước tình cảnh
đó. Mạc Công dành chiều ý cất một am tự cho nàng thứ cơ được an tâm tu hành.
Bên cạnh am tự đó, cho đào ao trồng hoa sen để kỹ niệm mối tình xưa. Khi nàng
chết, ông xây một ngôi mộ kiên cố đẹp đẽ để tỏ lòng thương tiếc người vợ đã vì
mình mà chịu khổ. Chuyện tình này được nữ sĩ Mộng Tuyết tiểu thuyết hóa
thành “ Chuyện nàng Ái Cơ trong chiếc chậu úp “ và soạn giả Kiên Giang viết lên
vở cải lương nổi tiếng “ Áo cưới trước cổng chùa”.
Trước sân chùa là một đài cao có tượng Phật Quan Thế
Âm cao bằng xi măng trắng. Bước vào bên trong là ngôi chính điện thờ Phật Thích
ca Mâu Ni còn hai bên là hai đại đệ tử A Nan và Ca Diếp. Trên tường còn có 4 bức
phù điêu mô tả 4 cảnh trong cuộc đời đức Phật : lúc đản sanh, xuất gia, thuyết
pháp lần đầu tiên và lúc nhập niết bàn. Phía hậu liêu là bệ thờ tượng bà Phù Dung tên hiệu Từ Thành phu nhân
Nguyễn thị Xuân.
Chùa Phù Dung tại núi Bình san
Ngôi mộ của Mạc Mi Cô cũng mang một màu sắc huyền bí nửa
hư nửa thật. Theo nữ sĩ Mộng Tuyết thì khi Nguyễn Phu nhân chuyển bụng sinh được
một bé gái. Sau khi tắm rửa xong thì đứa bé tự nhiên lớn bằng đứa trẻ lên
chín, mười tuổi và cất tiếng đọc một bài sấm truyền. Nội dung bài sấm truyền này báo hiệu dòng họ Mạc sẽ
suy vong. Mọi người chưa hết kinh
ngạc thì đứa bé từ từ nhỏ lại
bình thường, nhắm mắt, nằm yên và tắt thở.
Nguyễn phu nhân cho an táng phía tây núi Bình San và cho xây một ngôi mộ kiên cố, tráng
lệ. Lúc đó thì Mạc Thiên Tích cũng vừa về tới nhà và cho khắc lên ngôi mộ mấy chữ
: Tiểu thư Mạc Mi Cô chi mộ. Tuy nhiên theo truyền thuyết dân gian thì câu chuyện khác hẳn
(7). Nguyễn phu nhân chuyển bụng sinh ra
một bé gái bị dị tật. Lúc mới
sinh ra tóc đã dài quá gối. Lên 3 tuổi mà vẫn không ngồi dậy được. Mọi người
cho đó là điềm gở nên người đứng đầu họ Mạc cho đem chôn sống. Phải chăng đây
là sự báo ứng cho việc làm của Nguyễn phu nhân đối với nàng thứ cơ ? Nguyễn phu nhân tiếc thương nên xây ngôi mộ tại phía
tây núi Bình San để chôn cô bé này. Sau khi cô bé chết dòng họ Mạc bắt đầu suy
sụp phải lưu vong sang Xiêm La. Tương truyền rằng Mạc Mi Cô rất linh hiển thường
ra tay cứu giúp nhân dân Hà Tiên trong cơn ly loạn nên dân trong vùng rất tin
tưởng, ngôi mộ của bà lúc nào cũng nghi ngút khói hương.
Ngày 7/9 năm 2008 tại thị xã Hà Tiên diễn ra lễ
kỷ niệm 300 năm ngày thành lập trấn Hà Tiên. Một hội thảo về lịch sử và
công lao của họ Mạc đối với đất Hà Tiên đã được tổ chức với sự góp mặt của nhiều
nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử. Trên đường vào thị xã Hà Tiên, tượng
đài Mạc Cửu bằng đá cao 15m cũng đã được dựng xong với dáng đứng uy nghi : một
tay tỳ vào đốc kiếm, tay kia cầm cuốn thư văn, mắt nhìn ra biển Đông lộng gió. Ước muốn của ông cách nay hơn 300 năm giờ đã
thành hiện thực. Hà Tiên ngày nay trở thành một đô thị phồn vinh với nhiều
di tích lịch sử và văn hóa làm say lòng bao du khách từ phương xa đến. Họ đến
đây để thăm lại những di tích đã từng được ghi trong Hà Tiên thập vịnh như :
Kim Dự lan đào, Đông Hồ ấn nguyệt, Lộc Trĩ thôn cư, Châu Nham lạc lộ..... Điểm
dừng chân đầu tiên chính là núi Bình San để có một chút hoài niệm về người xưa
đã đem hết sức mình khai phá và bảo vệ đất Hà Tiên qua nhiều thế hệ như hai câu
đối ngoài cổng đền Trung Nghĩa từ :
Nhất
môn trung nghĩa gia thanh trọng,
Thất diệp
phiên hàn quốc sủng vinh.
Dịch
nghĩa: Một nhà trung nghĩa
danh thơm cả họ,
Bảy lá
giậu che (8), cả nước mến yêu.
LÂM THANH QUANG
Chú
thích :
(1) Viên quan coi về hành chánh và thu thuế tại một địa phương.
(2) Có tư liệu cho rằng năm 1708 Mạc Cữu mới liên lạc được với chúa Nguyễn
Phúc Chu, còn năm 1724 mới thực sự dâng hết đất đai cho chúa Nguyễn.
(3)
Hà Tiên thập cảnh vịnh là: Kim Dự lan đào, Bình San điệp thúy. Tiêu Tự thần
chung, Giang Thành dạ cổ, Thạch Động thôn Vân, Châu Nham lạc lộ, Đông Hồ ấn
nguyệt, Nam Phố trừng ba, Lộc Trĩ thôn cư, Lư khê ngư bạc.
(4) Người Chăm từ Chiêm Thành chạy loạn sang sinh sống tại Chân lạp.
(5) Theo nhà thơ Đông Hồ thì Mạc Thiên Tích tự tử bằng cách nuốt vàng lá
cho bít cuống phổi nghẹt thở mà chết.
(6) Người ta phát hiện là có hai chùa Phù Dung : Chùa Phù Dung cũ nằm
ở phía tây nam núi Bình San còn chùa Phù Dung mới được xây trên nền của Chiêu
Anh Các cách đó hơn 500m.
(7) Đây chỉ là lời đồn bên ngoài vì họ Mạc luôn giữ kín về cái chết của Mạc
Mi Cô. Việc này được tiết lộ qua gia nhân và người thợ xây mộ cho Mạc Mi Cô mới
truyền ra bên ngoài.
(8) Ý nói cả nhà họ Mạc bảy đời đều dốc sức mở mang bờ cõi, gìn giữ biên
cương.
KS LÂM QUANG HIỂN.
Số 31 Lê Công Thành, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang.
ĐT : 0763869878. DĐ : 0988421586.
Email : quanghien54@yahoo.com.