Pho tượng cổ hàng trăm năm tự làm sạch khuôn mặt?!
Theo sư thầy Thích Đàm Hòa - trụ trì chùa Bạch Sam (Đông Anh- Hà Nội) thì dù trời nắng hay trời rét, pho tượng này vẫn thường xuyên nhỏ ra những giọt nước mát. Dân làng thấy lạ và không thể giải thích được hiện tượng kỳ lạ này.
Bức tượng đá Đức Thánh Tổ
Bí ẩn những giọt nước mát
Chùa Bạch Sam đơn sơ, khiêm nhường nằm cuối làng Võng La, rêu phong rủ mái nhà, lối đi. Không gian tâm linh uy nghiêm, thoát tục, cùng với những câu chuyện linh thiêng, khiến chùa lúc nào cũng như khoác lên mình chiếc áo bí ẩn và đầy lôi cuốn.
Trước đây chùa từng có nhiều tên gọi như: Chùa Chài, chùa Ba Xã, Bạch Sam Tự. Chùa rộng 100 gian, thời chiến tranh loạn lạc chùa đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn trơ lại một bãi đất trống cỏ dại mọc um tùm.
Sau đó, thế kỷ 17-18, chùa được dân làng xây lại theo kiến trúc cổ thời Hậu Lê. Khuôn viên chùa cây cối tươi tốt, rậm rạp như một khu rừng nhỏ yên tĩnh. Chùa xây dựng theo lối chữ đinh. Các hạng mục công trình gồm có bảy gian tiền đường, ba gian thiêu hương và thượng điện, hậu cung, thờ các bậc thần thánh, vua chúa như: Đức Ông, Thánh Tăng, A Di Đà, Quan Âm, Ngọc Hoàng... Phía sau chùa chính còn có điện thờ Mẫu, thờ Tổ cùng các công trình phụ.
Chùa Bạch Sam còn giữ được nhiều di vật quý hiếm. Trong quần thể khu di tích chùa Võng La ngày nay vẫn còn lưu giữ tổng cộng 24 pho tượng, chủ yếu làm bằng gỗ, một số ít bằng đá và đất nung.
Đáng chú ý là 14 bia đá cổ còn giữ được ở chùa đều có niên đại thế kỷ 17 mang nhiều giá trị lịch sử. Bia chủ yếu được làm bằng đá xanh liền khối, chạm trổ hoa văn rất tinh xảo, sống động. Trong số đó, có tấm bia bằng đá hai mặt, một mặt ghi lại sự tích của vị sư Tổ, một mặt tạc nổi tượng Thánh tổ đề Tôn. Đức Thánh Tổ của chùa có phép thuật và tài bốc thuốc trị bệnh cứu người.Theo truyền tích của các cụ cao niên trong làng, Ngài đã từng bốc thuốc để cứu sống mẹ của Chúa Trịnh và được Triều đình ban sắc phong. Để ban thưởng, Chúa Trịnh đã tặng một phiến đá theo ý muốn của Đức Thánh Tổ. Khi Ngài hóa, dân làng lấy phiến đá ấy tạc tượng Ngài ngồi trên đài sen, thờ trong nhà Tổ.
Chính pho tượng đá Đức Thánh Tổ ẩn chứa nhiều điều bí ẩn. Theo sư thầy Thích Đàm Hòa- trụ trì chùa Bạch Sam thì dù trời nắng hay trời rét, pho tượng này vẫn thường xuyên nhỏ ra những giọt nước mát. Nguồn nước xuất phát từ trên mặt pho tượng, chảy xuống, nước rất trong.Dân làng thấy lạ và không thể giải thích được hiện tượng kỳ lạ này.Mọi người cho rằng, Ngài tự làm sạch khuôn mặt, thân thể mình?!
Sau khi nước khô, pho tượng sáng bóng và lung linh lạ thường.Và mỗi lần pho tượng đá nhỏ ra những giọt nước mát, dân làng đến chiêm ngưỡng, khấn vái vì coi đó là điềm lành. Có người còn cho rằng, nếu xin được một giọt nước từ khuôn mặt ngài, thoa lên mặt mình, gương mặt sẽ hồng hào, tươi tắn.Có lẽ vì vậy mà nhà chùa đã quyết định đưa bức pho tượng vào trong khung kính để Ngài đỡ bị “làm phiền”.
Bị báo oán khi “xà xẻo” đồ của chùa!?
Theo những người dân nơi đây, chùa Bạch Sam rất linh thiêng.Người nào lấy của chùa sẽ bị mất phúc.Vài năm trước, có một thiếu niên niên vào chùa “nẫng” đi quả chuông đồng.Thiếu niên này đem bán cho đồng nát lấy tiền tiêu vặt.Chỉ vài ngày sau, thiếu niên này đang khỏe mạnh bỗng đâu phát điên.Suốt ngày nói năng lảm nhảm không ngừng.Cả nhà phát hoảng đưa đi chữa trị mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Rất may, sau khi mua chuông đồng về, người này ngờ ngợ đây có thể là chuông chùa. Anh liền tìm vào chùa Bạch Sam hỏi thì nhà sư nhận đúng là quả chuông đang bị mất.Anh bèn dâng trả lại chùa và không quên nhờ người làng tìm thiếu niên để tạ lỗi.Gia đình thiếu niên nghe vậy mừng rỡ sửa soạn lễ dâng lên chùa xin Đức Thánh Tổ xá tội. Làm lễ được vài ngày, bệnh của thiếu niên tự dưng biến mất!
Lại có chuyện li kỳ và rùng rợn hơn về kẻ lấy trộm bia đá cổ. Cũng theo các bậc cao niên kể thì chuyện báo oán đã xảy ra. Nghĩ bia đá cổ bán sẽ được giá, hai trai làng bàn nhau sẽ lấy trộm. Một buổi tối mùa đông gió lùa hun hút, hai người mang theo cuốc, xẻng, búa, men theo đường làng tiến vào chùa. Sư trụ trì hôm đó đi vắng. Hai người đàn ông ra thẳng vườn nơi có những tấm bia cổ. Sau một hồi cuốc đất, bia đá dần dần lung lay. Cả hai hân hoan sung sướng thì đột nhiên một người bỗng thấy tóc gáy dựng đứng. Cảm giác ớn lạnh ập vào từ gót chân chạy dọc lên tận đỉnh đầu. Hình như có ai đó đứng sát sau lưng. Gã quay phắt lại.Không thấy bóng ai.Gã này định thần trong giây lát tiếp tục công việc của mình.Nhưng rồi, cứ mỗi lần cuốc thì gã lại thấy có bóng đen đằng sau mình.Gã ngoái lại nhìn thì cây cuốc đã bổ vào chân.Ba ngón chân của gã bị vạt bởi lưỡi cuốc sắc lẹm.Gã quẳng cuốc, ngồi thụp xuống ôm chân. Gã kia thấy đồng bọn bị thương, hoảng sợ ném cuốc, vội xé áo để băng bó. Sau khi nghe kể thấy oan hồn của ai đó, gã bạn mặt cắt không còn giọt máu vội xốc nách đưa về nhà.
Sư trụ trì Thích Đàm Hòa cho hay: “Những câu chuyện báo oán trên có thể do ngẫu nhiên. Nhưng qua đó, dân quanh đây, ai cũng muốn sống thật thà, không dám “vơ quàng, vơ xiên”.Họ sống hướng đạo hơn.Đó cũng là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân Võng La”.
Có lẽ không gian huyền diệu và những câu chuyện linh thiêng là những điều làm Chùa Bạch Sam trở nên nổi tiếng đến vậy.
Chùa Bạch Sam không những có niên đại lâu đời mà còn là một di tích cách mạng. Trung ương Đảng đã chọn làng Võng La làm An toàn khu từ năm 1941-1945. Chùa Bạch Sam là một trong số những địa điểm hội họp của các đồng chí lãnh đạo trung ương.Trong chùa có một hầm bí mật thông ra sông Hồng, được đặt ngay phía dưới bệ thờ của sư Tổ. Chùa Bạch Sam được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 1996. |
Lã Thùy Dương
Gửi bình luận