16.06.2012 01:22:42
Hội Rước Thành Hoàng Tổng Hà Hồi
Tổng Hà Hồi cũ thuộc huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Tây) là một vùng quê nằm cách phía nam thủ đô Hà Nội chừng 20km. Nơi đây từ xa xưa đã từng nổi danh trong câu phương ngôn: “Phía nam nhất chợ Bằng, Vồi”. Bằng là chợ xã Bằng Vọng (Bình Vọng) nay thuộc xã Văn Bình, còn Vồi chính là tên nôm làng Hà Hồi nay thuộc xã Hà Hồi
Hội rước thành hoàng tổng Hà Hồi
Chỉ với một câu phương ngôn ấy đủ nói lên sự giàu có về sản vật, sự thịnh vượng về chợ búa, mua bán của một vùng cư dân trù phú. Nhưng Hà Hồi lại được lịch sử ghi nhớ sâu đậm hơn trong chiến tích của vua Quang Trung mồng 3 Tết Kỉ Dậu (1789) trong chiến công đại phá quân Thanh. Trước cách mạng tháng Tám-1945, tổng Hà Hồi bao gồm các làng (cũng gọi là xã) Hà hồi, Phú Cốc, Hoà Lương, Khê Hồi (nay thuộc xã hà Hồi), Đức Trạch (nay thuộc xã Quất Động), Bạch Liên, Phương Quế (nay thuộc xã Liên Phương). Ngày hội rước thành hoàng của cả tổng là ngày 16- 3 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của vị thành hoàng Cao Sơn đại vương, đã được các triều đại phong tặng thượng đẳng tối linh. Cả 7 ngôi đình của 7 làng trong tổng đều thờ thành hoàng Cao Sơn đại vương, thành hoàng Cao Sơn, trong cuốn sách Đường phố Hà Nội có ghi như sau: Về lai lịch thần này có nhiều thuyết kể khác nhau, nhưng đều thống nhất ở một điểm: Cao Sơn là một bộ tướng thân cận của Sơn Tinh (thánh Tản Viên).
Ngày lễ thánh là ngày 16-3 (Ngày đản sinh). Ngày 12-8 là ngày thánh hoá. Ngày 6-11 là ngày “khánh hạ”. Nơi đây còn thần phả viết ngày mồng một đầu xuân năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) người soạn là quan Lễ bộ Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính. Người viết là quan quản giám bách thần tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh Nguyễn Hiền chép y bản chính vào ngày lành tháng 8 năm Vĩnh Hựu thứ 5 (1739). Bản cuối cùng được chép lại vào ngày mồng một đầu đông năm Nhâm tuất Hoàng triều Khải Định năm thứ 7 (1922).
Ngoài cuốn thần phả, các tài liệu thư tịch còn gìn giữ được đến ngày nay gồm 20 đạo sắc phong của các triều vua Lê trung hưng, Tây Sơn và nhà Nguyễn. Qua các tài liệu thư tịch, đặc biệt là sắc phong Cao Sơn quốc chủ, có thể khẳng định Miếu Tổng hay Phương Quế từ xa xưa đã được trông nom hương khói hết sức chu đáo. Nội dung sắc phong cho biết công lao to lớn của các vị thần, đặc biệt là Cao Sơn Quốc Chủ trong việc “hộ quốc tý dân”. Thánh thần từ nguồn gốc xuất xứ thế nào, dù nhân thần hay thiên thần khi có công lao đều được thờ phụng.
Như vậy theo thần tích, thì Cao Sơn có họ tên là Cao Hiển, sống vào khoảng cuối thế kỷ 13 và thế kỷ 14, có cha là Cao Khánh và mẹ là Trần Thị Tố. Tuy nhiên lần theo thần tích ta thấy có nhiều chi tiết không xác minh được và mẫu thuẫn với lịch sử. Chẳng hạn những chi tiết về địa danh nơi cư ngụ của Cao Khánh khó đối chiếu với địa danh ở Thanh Hoá hiện nay, còn địa danh về nơi ở của Trần Thị Tố thì có thể xác minh được: xã Quang Liệt trước thế kỷ 19 thuộc tổng Nam Bạn huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung nay là huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hóa. Rất có thể Cao Khánh cư ngụ ở vùng Trường Yên, Tam Điệp thuộc Ninh Bình hiện nay, song những địa danh như An Mạc, Giả Ca, Phú ốc, không tồn tại trong địa chí lịch sử trước thế kỷ 19 nên chưa thể xác minh. Vì vậy chi tiết về quê quán thực sự của nhân vật Cao Sơn vẫn chỉ là ước đoán, giả định mà thôi. Và đương nhiên, nhân vật Cao Hiển phải chăng cũng có thể là không có thật, mà nếu có thật nhân vật này cũng đã được nhân dân hư cấu và huyền thoại hoá qua quá trình lưu truyền từ địa phương naỳ đến địa phương khác trong trường kỳ lịch sử của dân tộc.
Mặc dầu vậy vị thành hoàng này vẫn được thờ phụng hết sức tôn kính ở nhiều đền đình miếu, được nhiều triều đại nối tiếp nhau sắc phong những mỹ hiệu cao quý. Riêng ở tổng Hà Hồi thì vị thành hoàng Cao Sơn trở thành vị vua tinh thần qua nhiều thời được thờ phụng hết sức tôn kính. Ngày đản sinh 16 tháng 3 âm lịch hàng năm trở thành ngày hội làng của cả tổng hết sức linh đình trọng thể, hội rước thành hoàng tổng hà Hồi đã trở thành một hội rước lớn của cả vùng Thường Tín xưa kia. Trình tự lễ và trình tự rước bắt đầu từ ngày 14 tháng ba âm lịch. Ngày 14 các làng đều có tế ở đình và tổ chức rước kiệu quanh làng có tính chất làm quen và tập dượt nghi thức. Ngày 15 tế trọng ở đình buổi sáng rồi buổi chiều cả tổng hội kiệu ở đình Hà Hồi. Sân đền Hà Hồi rộng hàng mẫu dất rực rỡ cờ hội, hoa, đèn, kiệu, lọng, voi, ngựa, trống, phách... của cả tổng đi rước về, vì tuy cùng thờ vị thành hoàng Cao Sơn, nhưng làng Hà Hồi vẫn được coi là làng anh cả. Tối ngày 15 có cuộc tế lễ long trọng tại đình Hà Hồi, mà chủ tế là cụ cao tuổi nhất có đức độ của làng Hà Hồi, còn bồi tế là đại biểu của cả 6 làng còn lại. Sáng ngày 16 cả tổng lại rước kiệu lên Miếu tổng tức đền Phương Quế. Đây là một hội rước lớn có số kiệu từ 10 đến 14 chiếc, với số người tham gia nghi thức đến hàng nghìn, đi trên một đoạn đường dài từ làng Hà Hồi vòng ra quốc lộ số 1 rồi đi theo đường tỉnh lộ 71 sau đó rẽ lên Bạch Liên, Phương Quế. Trình tự, đi đầu là đám rước hội của hai làng Bạch Liên, Phương Quế với ý nghĩa hai làng sở tại, rồi đến đám rước kiệu của các làng Khê Hồi, Phú Cốc, Hà Hồi, Hoà Lương và Đức Trạch. Đi đầu mỗi đám rước của mỗi làng thường là đôi cờ tuyết mao, 5 hoặc 4 cờ đuôi nheo, hoặc cờ góc vuông bằng dạ hoặc nỉ, 5 cờ ngũ hành xanh, đỏ, vàng, trắng, đen, 4 cờ tứ phương xanh, đỏ, trắng, đen, 4 cờ tứ linh long, ly, quy, phượng, 8 cờ bát quái kiền, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài. Người cầm cờ đội nón dấu, thắt lưng bó que, đeo một cái cối con ở trong ngực để đỡ đốc cờ cho nhẹ. Tiếp đó là trống cái lớn hai người khiêng, một người che lọng, một người đánh trống, ăn mặc theo quy ước. Tiếp đó là chiêng cũng khiêng giống như trống hoặc có xe kéo. Sau đó là voi rút mây hoặc ngựa gỗ có che tán lọng, có người vác khiên đi kèm hai bên. Đi liền với voi ngựa là đội vệ sĩ, còn gọi là đội chấp kích mang gươm, bát bửu, dùi đồng, phủ việt, tay văn, tay võ, biển tĩnh túc, biển bồ dục đề thượng đẳng tối linh thần hoặc lịch triều phong tặng để thể hiện uy phong danh vị của vị thành hoàng. Người cầm các loại biển mặc áo thụng xanh, có lọng che.
Tiếp đó là phường đồng văn đánh trống ba nhịp, một vài trống khẩu, một thanh la, hai sinh tiền, tám người mặc áo nẹp đỏ, đeo trống bản ngang lưng. Hai người nam giả dạng nữ đeo trống cơm gọi là con đĩ đánh bồng, múa điệu cà rồng theo nhịp trống. Tiếp đó đến cờ lệnh, cờ vía của thần vị và ba người mang kiếm lệnh của vị thần. Phường bát âm tám người chơi hai bài lưu thuỷ, ngũ đối. Rồi mới đến kiệu long đình bày hương hoa, mâm ngũ quả, có bốn đô tuỳ đi kèm ngoài. Có hai người cầm trống khẩu hoặc cầm cảnh gióng hiệu. Có tàn lọng che kiệu long đình cho tôn nghiêm. Tiếp đó đến kiệu rồng (kiệu bát cống) rước bài vị thành hoàng Cao Sơn. Đi bên kiệu có 8 đô tuỳ nam để thay thế tuỳ đang khiêng. Đi theo kiệu là các bô lão, viên chức làng xã mặc áo có bố tử, che cả lọng xanh, có vài người đầy tớ cắp tráp, điếu theo hầu để tỏ ra đó là người danh giá. Đám rước to còn có phường tuồng vẽ hề đeo mặt nạ đi đón đường.
Hội rước tổng Hà Hồi thường chỉ có đám rước của làng Hà Hồi là có đủ mọi nghi thức vì làng to đông dân, kinh tế khá. Còn đám rước của các làng khác trong tổng thường gia giảm ở số lượng nghi thức và số lượng người tham gia. Nhưng dù có gia giảm đến mức nào thì cũng vẫn có kiệu rồng, có phường trống, phường bát âm và cờ lọng nghiêm chỉnh. Năm 1964 hội rước tổng Hà Hồi đã kết hợp với triển lãm sản phẩm nông nghiệp, diễn ra vào ngày 16 tháng 3 âm lịch còn để lại khá nhiều dư vị của một vùng quê trù phú. Hôm ấy thủ tướng Phạm Văn Đồng có về dự và nói chuyện với đồng bào. nhiều tấm ảnh chụp hồi ấy hiện còn ghi lại được cảnh hoành tráng của một lễ hội làng quê, hiện đang lưu trữ tại UBND xã Hà Hồi. Vài năm gần đây các làng trong tổng Hà Hồi cũ đang khôi phục lại hội rước truyền thống. Chắc chắn sẽ có dịp hội rước truyền thống tổng Hà Hồi lại được tổ chức đông vui và hấp dẫn như những năm xưa, thoả mãn nhu cầu văn hoá giao tiếp của một vùng quê đang đổi mới.
Sau hội rước của các làng trong tổng lên Miếu tổng Hà Hồi, tức đền Phương Quế, thì bắt đầu nghi thức đại tế diễn ra ở Miếu tổng. Mỗi làng trong tổng cử 2 người tham gia vào ban hành lễ, chủ tế lúc đầu là người thôn Khê Hồi, tả văn là người của thôn Phương Quế sở tại. Nghi thức đại tế diễn ra theo đúng quy định chung. Sau khi tế lễ xong dân làng xem các trò diễn như cờ bỏi, múa gậy, thi bơi, hội thuỷ chiến. Buổi tối có văn nghệ hát chèo, diễn tuồng. Cho đến tối 17 tháng 3 hội rước mới rã đám.
Qua hội rước thành hoàng tổng Hà Hồi và lai lịch vị thành hoàng Cao Sơn đại vương có thể rút ra mấy nhận xét sau đây:
Hội rước hay lễ hội làng quê là một hoạt động văn hoá tổng hợp đáp ứng nhu cầu giao tiếp, thưởng thức, trình diễn văn hoá của làng quê Việt Nam. Làng này và làng nọ, xã này với xã khác chỉ có dịp hội rước, hội lễ mới có thể gặp gỡ phô diễn những cái gì là tinh hoa nhất của làng xóm mình, mới có dịp cùng lo lắng, cùng chuẩn bị, cùng hợp đồng và cùng thưởng thức những giá trị cao đẹp của cộng đồng làng xã. Vì vậy hội rước, hội lễ là một nhu cầu tất yếu của những người nông dân quanh năm làm ăn vất vả, vốn ít có dịp gặp gỡ vui chơi cùng nhau.
- Thành hoàng Cao Sơn đại vương mặc dù có nguồn gốc hư ảo vẫn được người dân thờ phụng tôn kính. ở đây Cao Sơn đại vương không còn là một nhân vật cụ thể nữa mà là vị vua tinh thần với lòng quảng đại, bác ái, nhân từ, hiếu thuận phù hợp với chuẩn mực đạo đức và sự hướng tới cõi cao cả của nhân dân. Họ thờ phụng thành hoàng như chính họ đang thờ phụng những điều thiện, những điều tốt đẹp nhất của tâm linh con người. Việc thờ phụng vị thành hoàng này hay vị thành hoàng khác không quan trọng bằng chính những ước muốn cao cả đó.
Hiện nay, nhu cầu khôi phục hội rước, hội lễ của các làng trong tổng Hà Hồi cũ là một nhu cầu chính đáng. Mặc dù một số di tích cổ truyền trong đó có đình thôn Phú Cốc, đình Đức Trạch, Miếu tổng Hà Hồi đã bị phá huỷ, song tâm linh của người dân vẫn còn đấy, hội vẫn sống với những giờ khắc huy hoàng của quá khứ và họ đang tạo dựng cơ hội mới để khôi phục lại những giá trị tinh thần của làng xã cổ truyền. Làng quê Việt Nam dù đang trên đà đổi mới, song vẫn phải tiếp nối truyền thống của nó. Những làng xã của tổng Hà Hồi cũ đang vận động theo xu hướng như vậy
Chu Huy
Nguồn kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam
Đọc báo tin tức 24h, tin thế giới, tin pháp luật
Tin tức trong ngày
Tin tức liên quan
- Lễ hội đền Hét xã Thái Thượng (15.06)
- Hội hát chèo Tầu ở Tân Hội (15.06)
- Dân tộc Mnông và những lễ hội truyền thống (07.06)
- Lễ cúng rừng của người HMông (06.06)
- Món xoa xoa ngon mát ngày hè (05.06)
- Phong tục đặt tên đệm của người Mông Yên Bái (05.06)
- Món ăn đặc sản thịt bò nấu lá giang (03.06)
- Mắm Ruột An Giang (30.05)
- Nhãn Lồng Phố Hiến - Hưng Yên (29.05)
- Ghè cổ linh thiêng của người Tây Nguyên (28.05)