Những ngôi chùa của người Khmer Nam Bộ có kiến trúc vô cùng độc đáo không nơi nào có được. Trong số đó có rất nhiều chùa cổ vài trăm tuổi được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia và trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Không chỉ là nơi sinh hoạt tinh thần của đồng bào, những ngôi chùa này ngày càng được đông đảo du khách đến thăm quan, chiêm ngưỡng. Hiện khu vực ĐBSCL có khoảng 600 ngôi chùa Khmer.
Chùa Xiêm Cán
Chùa Xiêm Cán nằm cách thị xã Bạc Liêu 7km trên đường ra vườn chim Bạc Liêu. Đây là ngôi chùa của người Khmer lớn nhất và đẹp nhất trong vùng. Chùa được xây dựng hồi thế kỷ 19 với kiến trúc độc đáo. Trên những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và những quái vật. Theo triết lý của người Khmer, đó là những thử thách đối với Phật tử trên bước đường tu thành chánh quả.
Trên mái vòm và cầu thang chùa đều chạm trổ họa tiết có hình rắn vì họ quan niệm rằng tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật đã thuần hóa được loài vật nguy hiểm này. Chùa Xiêm Cán mang kiến trúc Angkor của người Campuchia, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang.
Đối với chùa Khmer, chánh điện thường quay về hướng Đông vì họ cho rằng con đường tu hành của Phật đi từ Tây sang Đông. Thông thường, ở đâu có chùa thì đồng bào Khmer tập trung ở xung quanh để học chữ, học giáo lý và học nghề. Vì vậy nên họ ví ngôi chùa là “trung tâm văn hóa của người Khmer”. Chính vì sự gắn bó mật thiết như thế nên họ rất tự hào về văn hóa của dân tộc mình.
Ngôi chùa Xiêm Cán này do chính tay các nghệ nhân địa phương xây dựng bằng những phương tiện hết sức thô sơ. Bên trong chánh điện của chùa đã phản ánh tính thẩm mỹ rất cao của người Khmer với những hoa văn độc đáo. Ở vị trí trung tâm trên nóc sala trang trí hình ảnh đền Angkor Wat, nơi khởi nguồn của phong cách kiến trúc Khmer. Người Khmer tu theo thuyết của Phật Thích Ca nhưng theo hướng của Phật giáo Tiểu Thừa nên trong Chánh điện thờ Phật Thích Ca là chính.
Một điều đặc biệt nữa là xung quanh 4 bức tường của chánh điện bày trí rất nhiều hình vẽ giải thích quá trình tu hành khổ luyện của Đức Phật từ lúc sinh ra, đến lúc làm Thái tử cho đến khi vào cõi Niết bàn. Đối diện chánh điện là cột trụ biểu, là hình tượng của con rắn 5 đầu, dùng để thắp nến vào những ngày lễ ngụ ý rằng giáo lý Phật pháp sẽ soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn đã thiện. Dù cuộc sống còn không ít những lo toan nhưng dân tộc Khmer rất mộ đạo.
Chùa Tổng Quản
Chùa thuộc xã Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, có tuổi đời trên 300 năm. Nơi đây không chỉ là nơi sinh họat văn hóa tinh thần gắn liền với lịch sử cộng đồng dân cư, mà ghi dấu lịch sử cách mạng suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Cuối thế kỷ thứ 17, dưới sự trụ trì của hòa thượng Danh Hoàng (Tà Hoang), đồng bào người Khmer và phật tử ở đây đã khai phá rừng hoang, đuổi thú dữ, dựng lên một ngôi chùa thờ Phật. Khi mới dựng, ngôi chùa có tên gọi theo tiếng Khmer là KOMPÔNG KROBÂY (Chùa Bến Trâu). Đến năm 1948, chùa Tổng Quản được xây dựng lại bằng vật liệu kiên cố (chỉ giữ cột kèo cũ) với lối kiến trúc đặc sắc của ngôi chùa khmer truyền thống.
Từ năm 1952, chùa được gọi là WATT SARÂY SUASĐÂY (Chùa Tự do – Hạnh phúc) đồng bào địa phương cũng quen gọi là chùa Tổng quản.
Chùa Dơi
Chùa Dơi được xây dựng năm 1569 với tên khai sinh theo ngôn ngữ Khmer Sêrây Têchô Mahatúp, còn được gọi theo tiếng Việt là Chùa Mã Tộc. Chùa nằm trên địa phận tỉnh Sóc Trăng. Cái tên chùa Dơi được nhân dân quen gọi hơn cả vì có một đàn dơi hàng vạn con cư trú trong vườn chùa.
Chùa Dơi còn nổi tiếng là một quần thể kiến trúc đẹp vào bậc nhất với mái hai lớp ngói mầu. Phía đầu hồi, bốn đầu mái được chạm trổ tinh xảo hình rắn Naga cong vút. Trên đỉnh chùa có một ngọn tháp nhọn. Hàng cột đỡ bao quanh chùa, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar đôi tay chắp trước ngực như đang cất lời đón chào khách thăm viếng…
Ngay từ cổng vào cho đến kiến trúc mái chùa đã toát lên nét tinh xảo đặc trưng. Những họa tiết vẽ trên cột, trần, khu nhà có tượng Phật nằm tuy không có nhiều tiểu tiết, nhưng cũng đủ mô phỏng tín ngưỡng của người Khmer. Những bức họa lớn do các Phật tử từ nhiều nơi thực hiện gần kín hết các bức tường phía ngoài.
Chùa Chén Kiểu
Chùa có tên tiếng Khmer là Wath Sro Loun, hay Wath Chro Luông, là một ngôi chùa nằm trên Quốc lộ 1A, cách thị xã Sóc Trăng 12km về hướng Tây, hướng từ thị xã Sóc Trăng đi Bạc Liêu
Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1815. Theo những người già kể lại, địa điểm xây dựng chùa Sà Lôn đã được dời chỗ 3 lần và đến lần thứ 3 ở ngay địa điểm hiện tại.
Tên của chùa được lấy tên từ một tên của một con sông chạy dọc theo đường làng trước kia, có tên Chro Luong (lối), nên lúc đầu mới xây dựng, chùa được gọi là Wath Chro Laung, về sau đọc chại thành Sro Lôn, hay Sà Lôn.
Sở dĩ chùa Sà Lôn có tên gọi là Chén Kiểu docó nét đặc sắc là những mảnh chén, đĩa sứ ốp lên tường để trang trí.
Trong Chiến tranh Việt Nam, ngôi chánh điện của chùa bị sập do bom đạn. Năm 1969, chùa được trùng tu, đến năm 1980 thì hoàn thành. Trong khi trùng tu lại phần sau ngôi chánh điện, do thiếu kinh phí nên các vị sư sãi cùng ban quản trị chùa đã nảy ra sáng kiến lấy những mảnh vỡ chén kiểu đắp vào. Khi du khách thập phương đến chùa tham quan, đã thấy được sự khác biệt trong việc sáng tạo phong cách xây dựng chùa nên gọi chùa Sà Lôn là Chén Kiểu.
Chùa Vàm Ray
Chùa Vàm Ray khánh thành năm 2010 tại tỉnh Trà Vinh. Đây là ngôi chùa Khmer đến thời điểm hiện tại là lớn nhất Việt Nam do ông Trầm Bê tài trợ phục chế và cải tạo, trong thời gian 3 năm với tổng kinh phí hơn 1 triệu USD.
Chùa Vàm Ray mang đặng trưng kiến trúc Angkor của người Campuchia với hai cấp sân rộng bao quanh ngôi chánh điện, được tráng xi măng. Mái có ba cấp, mỗi cấp được chia thành ba nếp, nếp giữa lớn hơn, hai nếp phụ hai bên bằng nhau, không có tháp nóc.
Chi tiết, hoa văn được chạm khắc tỉ mỉ bằng đất sét, đặt trên 1 bàn lớn, xong họ áp vữa – bê tông vào để đổ thành khuôn, họ dùng những khuôn này để tạo nên những chi tiết, hoa văn trên công trình.
Đỉnh cao nghệ thuật ở chùa thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang, như tượng đầu vị thánh bốn mặt Maraprum là tiền thân của Brahma, vị thần sáng tạo ra thế giới, nữ thần Kayno nửa người nửa chim, chim thần Marakrit. Trên những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và quái vật; thánh bốn mặt Maraprum “đội đèn” ở chi tiết lan can; những hàng cột phía ngoài chánh điện được xây dựng theo lối kiến trúc cổ Cô-ranh, phía trên tiếp giáp giữa đầu cột với mái chùa có tượng thần Krud mình người đầu chim, mỏ ngậm viên ngọc với hai tay đỡ mái chùa…
Chùa Ghôsitaram
Chùa thuộc ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Hòa thượng Hữu Hinh, trụ trì Ghôsitaram, cho biết chùa được xây dựng năm 1860, là cái nôi của phong trào tu học. Đến nay, đã đào tạo thành danh hơn 3.500 tăng sinh và học sinh. Chùa không chỉ là nơi tu học, rèn đức luyện tài cho giới tăng sinh, mà còn tổ chức các lớp học bổ túc văn hóa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Năm 2001, chùa được trùng tu và xây mới phần chính điện theo kiến trúc cổ kết hợp với kiến trúc hiện đại, hài hòa giữa kiến trúc truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer với tinh hoa văn hóa dân tộc.
Ngoài những ngọn tháp cao chót vót còn có hàng chục hình tượng con rồng được bố trí ở phần nóc. Bên ngoài và phía trong của chánh điện được điêu khắc tỉ mỉ với hàng trăm hình tượng khác nhau theo truyền thuyết Tam tạng kinh của Phật giáo. Khắp nơi trong chánh điện đều được chạm trổ, đắp đường nét hoa văn phức tạp và độc đáo bằng bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Khmer, tạo thành một công trình văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Để hoàn thành chạm trổ hoa văn cho ngôi chánh điện, nghệ nhân Danh Sà Rinhông đã mất khoảng 4 năm.
Công trình sẽ trường tồn để làm nơi tu hành, làm lành, lánh dữ theo con đường thiện pháp của Phật giáo. Ngoài chánh điện, nhiều hạng mục phụ khác cũng được xây dựng như đôi cột phướn, hai nhà tháp thờ hài cốt tập thể, đài hỏa táng, nhà để ghe ngo.