A- A+
Đình Bảng Môn, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa). Ảnh: Đ.T
(THO) - Từ bao đời nay, đình làng đã trở thành hình ảnh quen thuộc, gắn bó với người dân thôn quê. Là công trình oai nghiêm và đồ sộ nhất trong khung cảnh làng quê xưa, đình làng ở Hoằng Hoá thường được ra đời gắn với quá trình tụ cư, khẩn hoang, khai canh làng xã trong quá khứ. Khi đã an cư lập nghiệp, ổn định cuộc sống, hình thành thôn xóm thì nhân dân các địa phương lại cùng nhau góp sức xây dựng nên một ngôi đình.
Ngày trước, hầu như tất cả các làng ở Hoằng Hoá đều có đình với những quy mô khác nhau. Đình là nơi thờ cúng thành hoàng, đồng thời là trung tâm sinh hoạt cộng đồng làng xã. Thậm chí có những làng dựng lên hai ngôi đình, một để thờ thành hoàng và một để thờ những vị có công khai canh và khai khẩn. Những ngôi đình nổi tiếng còn tồn tại đến ngày nay trên địa bàn huyện là đình Bảng Môn (xã Hoằng Lộc), đình Phú Khê (xã Hoằng Phú), đình Cự Lộc (xã Hoằng Đồng), đình Quỳ Chữ (xã Hoằng Quỳ), đình Trung Hậu (xã Hoằng Trung), đình Cự Đà (xã Hoằng Minh)... Đình làng xưa ở Hoằng Hoá thường được xây dựng khang trang, to đẹp, bề thế trên đất công thổ với mô thức theo hình chữ Công, chữ Đinh hay chữ Nhị gồm có nhà hậu cung, nhà tiền tế, tả gian, hữu gian và hành lang. Đình được xây bằng gạch, mái lợp ngói âm dương, bốn bờ chái trang trí hình hoa lá cách điệu hoặc tứ linh “long, ly, quy, phượng”. Trên nóc đình là hai con rồng chầu mặt nguyệt hay tranh châu, sân lát gạch. Phía trước đình thường có miếu thờ, bình phong, cửa tam quan, voi chầu, hổ phục, gác chuông, ngoài cùng là hai cột trụ cổng cao vút. Trong đình có tượng, hoành phi, câu đối, võng lọng, kiệu, nhựa hồng, hạc tía và nhiều đồ thờ được sơn son thếp vàng rực rỡ. Cột đình được làm bằng gỗ nguyên cây, không có cột nối, không sơn vẽ và được liên kết với nhau bằng các kiểu khác nhau: kèo lẻ, con rường hoặc kết hợp của hai loại liên kết trên (thượng rường - hạ kẻ). Mỗi đình thường đặt một chiếc trống lớn để những khi hữu sự sẽ được đánh lên (theo nhịp ngũ liên), thông báo cho dân làng về tụ họp, bàn tính việc làng... Các ngôi đình xưa ở Hoằng Hoá thường tọa lạc trên khu đất bằng phẳng, cao ráo, mặt quay hướng nam, phía trước hay có bãi đất rộng và ao đình. Dù xây dựng ở các thời kỳ khác nhau thì hầu hết đều ở trung tâm hoặc ở đầu làng, giáp đường để mọi người cùng ngưỡng vọng. Trước đình thường trồng cây đa, tượng trưng cho sự bền vững và cây trúc, tượng trưng cho người quân tử. Ao đình trồng sen, biểu hiện cho sự thanh cao, tinh túy. Thực tế kiến trúc đình làng ở Hoằng Hoá là cả một tổng thể phong cảnh làng quê xưa, có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật.

Cũng như các vùng quê khác trên cả nước, bố cục đình làng ở Hoằng Hoá thường được chia làm hai phần: Phần đình bên trong và phần đình bên ngoài. Phần đình bên trong còn được gọi là Hậu cung. Đây là vị trí quan trọng thờ đức Thành hoàng, là nơi đặt linh vị có thể là tượng thành hoàng hoặc bài vị, hoặc cả hai. Phía trước nơi đặt linh vị là bàn thờ chính. Trên bàn thờ có bày những đồ thờ như tam sự, ngũ sự, thất sự. Những vật này có thể làm bằng đồng hay bằng gỗ. Ngoài ra còn có hòm đựng bảng sắc phong. Có khi còn có thêm những di vật liên quan đến Thành hoàng. Trước bàn thờ là hương án, trên có bình hương và những đồ thờ khác. Ngăn đôi bàn thờ chính với hai bên tả hữu có hai hàng tự khí. Tự khí bao gồm cờ quạt, tàn lọng, đồ bát bửu... Xung quanh hậu cung thường được bít kín bằng ván gỗ, tạo không khí uy nghiêm và linh thiêng.

Phần đình bên ngoài được chia làm 3 phần chính gồm phần giữa và 2 bên phải trái. Phần giữa quan trọng nhất là nơi tổ chức tế lễ của những ngày lễ chính trong làng. Những khi làm lễ cúng, các hương lý, bô lão trong làng được sắp xếp theo ngôi thứ. Hai bên phải trái đặt thêm hai hương án nhỏ dùng làm nơi đặt những lễ phẩm do dân làng mang đến cúng bái. Sân đình là nơi các quan viên chức sắc trong làng chuẩn bị sửa sang áo mũ, lễ vật trước khi vào hành lễ. Khi làng có việc hội họp, chỉ có những người có phẩm hàm hoặc cao tuổi mới được ngồi ở gian giữa. Trai đinh ngồi ở hai bên phải, trái của đình.

Hàng năm, tuỳ theo nghi lễ truyền thống, các làng thường tổ chức những cuộc lễ bái, giỗ kỵ, cầu khấn cũng như hội hè đình đám trong đình. Mỗi khi chính lễ, dân làng đến đình thắp hương tế lễ nhộn nhịp, cầu mong Thành hoàng và trời đất giúp cho mưa thuận gió hòa, cày cấy, làm ăn thuận tiện và có nhiều phúc lành. Cùng với đó, nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, đánh cờ, múa hát... cũng được tổ chức. Có làng còn mời các gánh chèo diễn lại những sự tích hình thành nên làng xã, hay công tích của thành hoàng làng để mọi người cùng thưởng thức.

Ngoài chức năng thờ Thành hoàng và các vị có công khai canh nên làng xã, đình làng xưa ở Hoằng Hoá còn là nơi diễn ra những cuộc hội họp, bắt phu, bắt lính hay những vụ kiện tụng trong phạm vi làng xử lý và hoà giải (chưa đến mức phải đưa lên quan trên), do đó theo tục lệ xưa, phụ nữ, trẻ em không được đến trước đình hay lảng vảng quanh đình. Những ai có việc đi ngang qua đình đều phải ngả nón, cung kính, đi đứng cẩn thận, không được trêu đùa, chòng ghẹo nhau. Đình làng là nơi diễn ra sự phân chia đẳng cấp rất cụ thể, trọng danh hơn trọng hoạn, trọng tuổi hơn trọng sắc, nó gần như đại diện, là biểu tượng của quyền lực làng xã, tạo nên một mối liên lạc vô hình, khiến cho hương thôn trở thành một đoàn thể có tổ chức và hệ thống chặt chẽ.

Ở Hoằng Hoá, có lẽ ngôi đình nổi tiếng nhất là đình Bảng Môn xã Hoằng Lộc. Đình tọa lạc trên một khuôn viên rộng, mặt quay về hướng nam, phía trước là một bãi đất bằng phẳng và rộng rãi gồm một tòa đại đình chạy ngang và nối từ gian giữa ra phía sau là một tòa hậu cung chạy dọc thành kiểu bố cục chữ “Đinh”. Truyền thuyết dân gian kể rằng ngôi đình có từ thời Lê sơ. Đình Bảng thờ thành hoàng của làng là Nguyễn Tuyên, một vị tướng có công bình Chiêm dưới thời nhà Lý. Sau khi ông mất được phong tặng “Thượng đẳng phúc thần đại vương”. Tuy là ngôi đình nhưng ngoài chức năng hội họp bình thường của cộng đồng làng xã, đây còn là nơi hội họp của hội Tư văn, nơi đón nhận chúc mừng những người đỗ đạt của cộng đồng mà trong đó có mười hai Tiến sĩ vinh quy về làng cùng hàng trăm hương cống, tú tài; Nghĩa là đình được kiêm thêm chức năng của một văn chỉ. Nó ra đời trên mảnh đất có truyền thống học hành khoa bảng nên đã được nhân dân địa phương đặt cho tên gọi rất đẹp: Bảng Môn (cửa vào của các nhà khoa bảng). Đình Bảng Môn đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990.

Trải qua những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, thời gian, thiên tai địch họa, huyện Hoằng Hoá vẫn lưu giữ được nhiều ngôi đình cổ, đó chính là những bông hoa đẹp trong vườn hoa nghệ thuật kiến trúc của Hoằng Hoá nói riêng và xứ Thanh nói chung, nơi bảo tồn khá trọn vẹn những đặc điểm của nền kiến trúc cổ truyền địa phương, đồng thời cũng là một trong những địa chỉ văn hoá đầy tự hào của Hoằng Hoá.

 
Trần Đức Tuấn

Ý kiến bạn đọc

Gửi ý kiến của bạn

 
Liên kết hữu ích