Vào các buổi tối thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, tiếng hát của những ca nương Giáo phường Ca trù Thăng Long lại vang lên trong không gian cổ kính của đền Quan Đế (Hàng Buồm, Hà Nội) đón du khách quốc tế đến tìm hiểu về loại hình nghệ thuật ca trù của Việt Nam.

Theo Nghệ nhân Phạm Thị Huệ, với mong muốn bảo tồn và phát huy những giá trị của Di sản ca trù trong kho tàng âm nhạc của Việt Nam, Giáo phường ca trù Thăng Long mở canh hát tại đền Quan Đế vào ba buổi tối cuối tuần đã hơn một năm nay.

Lúc mới mở, canh hát rất ít khách đến nghe. Nhờ một số công ty du lịch đưa thêm tour nghe ca trù đền Quan Đế vào lịch trình dành cho du khách nước ngoài tới thăm Hà Nội nên lượng khách tới nghe hiện trung bình mỗi canh hát ít nhất là 20 khách.

Du khách nước ngoài đăng ký xem biểu diễn ca trù tại Đền Quan Đế (28 Hàng Buồm, Hà Nội).

Đền Quan Đế hiện là địa điểm thích hợp cho một canh hát cửa đình.

Chương trình biểu diễn ca trù của Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long được tổ chức vào các buổi tối cuối tuần tại Đền Quan Đế.

Du khách được nghe phần giới thiệu về nghệ thuật ca trù của Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long trước khi xem biểu diễn.

Một ca nương trẻ biểu diễn tại một canh hát cửa đình.

Nghệ nhân Ca trù Phạm Thị Huệ biểu diễn đàn đáy phục vụ du khách.

Một tiết mục biểu diễn ca trù của 3 ca nương Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long ở Đền Quan Đế.

Những chén trà, bánh đậu xanh phục vụ du khách xem ca trù.

Chiếc chậu thau đồng, nơi chứa các quân thẻ mà du khách đặt vào tượng trưng cho những lời khen khi các nghệ nhân thể hiện những giai điệu hay, đặc sắc.

Chúng tôi có mặt tại đền Quán Đế vào một buổi tối thứ 6. Trong không gian được bài trí giống như cửa đình của đền Quan Đế, các du khách đến từ Anh, Brazil, Pháp, Hàn Quốc... đã được nghe các ca nương của Giáo phường giới thiệu về lịch sử nghệ thuật ca trù Thăng Long và những nhạc cụ được ca nương, kép đàn dùng trong canh hát.

Sau phần giới thiệu, các ca nương lần lượt đưa các khán giả quốc tế trải nghiệm những cung bậc cảm xúc, hiểu hơn về nét đẹp của văn hoá Việt qua những tiếng hát triết lý, âm thanh của sênh phách, đàn đáy đặc trưng của nghệ thuật ca trù Việt Nam.

Sau mỗi canh hát, du khách dùng thẻ tre đặt vào chậu đồng để thể hiện sự hài lòng của mình và khích lệ, động viên đối với những ca nương, kép đàn đã biểu diễn.

Bên cạnh việc lắng nghe phần biểu diễn, các du khách cũng lên sân khấu giao lưu và được tận tay gõ phách, chơi đàn đáy dưới sự hướng dẫn của các ca nương.

Anh Ponna Mat Kunsuk (Thái Lan) thích thú khi được chính các ca nương hướng dẫn cách đánh nhịp phách.

Anh Paul, du khách đến từ Anh tự tay chơi nhạc cụ đàn đáy.

Trao đổi, tìm hiểu thêm với các ca nương về nghệ thuật ca trù.

Những dòng lưu bút ghi cảm tưởng của du khách sau khi xem biểu diễn ca trù.

Những ấn phẩm về nghệ thuật ca trù của Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long.

Đa phần các du khách quốc tế sau khi xem biểu diễn xong canh hát đã bày tỏ sự yêu thích loại hình ca trù của Việt Nam, đặc biệt chương trình biểu diễn thực tế của các ca nương, đàn kép của Giáo phường ca trù Thăng Long.

Anh Paul, một du khách đến từ Anh chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi được nghe ca trù ở Việt Nam, còn trước đây thì mới chỉ được nghe giới thiệu trên tivi về loại hình nghệ thuật này của đất nước các bạn. Tôi cảm thấy rất thú vị, đặc biệt là việc được tận tay chơi những loại nhạc cụ của ca trù Việt Nam"./.