Các chuyên đề Danh bạ Hội viên Hội KTSVN Danh bạ Công ty Danh bạ Sản phẩm Giới thiệu sách Diễn đàn Tìm kiếm
05:00, 10-10-2014

Một vài đặc điểm kiến trúc chùa ở Nghệ An

Vỉ kèo suốt kết hợp cọc bằng tại chùa An Thái – Quỳnh Lưu – Nhệ An

Năm 1972, lần đầu tiên các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện và khai quật di chỉ khảo cổ học làng Vạc (thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An), thu được nhiều hiện vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Từ đó đến nay, trải qua 5 lần khai quật (vào các năm 1972, 1973, 1980, 1990, 1991), chúng ta đã tìm được ở làng Vạc nhiều hiện vật bằng gốm, bằng đồng, kể cả trống đồng với niên đại cách ngày nay hơn 2.000 năm. Điều đó cho thấy, Làng Vạc vừa là một di chỉ cư trú, một trung tâm luyện đồng, vừa là một khu mộ táng lớn của cư dân văn hoá Đông Sơn và những cổ vật thu được đã chứng minh làng Vạc là đại diện tiêu biểu cho nền văn hóa Đông Sơn trên lưu vực sông Cả. Như vậy, từ 2.000 năm trước, vùng đất này đã là nơi quần tụ của người Việt cổ và là nơi phát triển rực rỡ của nền văn hoá Đông Sơn…

Hình rồng đặt trên đầu đao chùa Bà Bụt

Hình rồng đặt trên đầu đao chùa Bà Bụt

Cùng với việc khai phá vùng châu thổ sông Cả, tạo lập làng xóm, các thiết chế văn hóa, xã hội của người Việt đã dần hình thành, đặc biệt là những ngôi chùa thờ Phật đã có mặt ở đây từ khá sớm. Nếu Đại Nam nhất thống chí ghi nhận chùa Cần Linh (nay thuộc thành phố Vinh) do Cao Biền dựng từ năm 866(1), thì những cuộc khảo sát, nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và Pháp trong thế kỷ 20 cũng ghi nhận dấu tích tháp Nhạn (xã Hưng Long, huyện Nam Đàn) được xây dựng trong khoảng thế kỷ 7 – 8 dưới thời nhà Đường(2).

Nhạn tháp là một ngôi tháp Phật giáo đồ sộ với những viên gạch xây được trang trí hoa văn tuyệt đẹp, với chiếc hộp bằng vàng đựng xá lỵ… đã chứng tỏ thời đó Phật giáo rất thịnh hành ở vùng đất này. Qua thời gian, những ngôi chùa Việt ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên vùng đất mới. Kiến trúc nghệ thuật hay các bài trí thờ tự của ngôi chùa dù có thay đổi đôi chút cho phù hợp với điều kiện địa lý, văn hóa Nghệ An thì vẫn có những nét chung thuần Việt.

Vỉ kèo suốt kết hợp cọc bằng tại chùa An Thái – Quỳnh Lưu – Nhệ An

Vỉ kèo suốt kết hợp cọc bằng tại chùa An Thái – Quỳnh Lưu – Nhệ An

Kết cấu vỉ kèo chùa Nhân Bồi – Đô Lương

Kết cấu vỉ kèo chùa Nhân Bồi – Đô Lương

Kết cấu vỉ nóc kiểu giá chiêng – chống rường cụt – phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII ở chùa Trung Can

Kết cấu vỉ nóc kiểu giá chiêng – chống rường cụt – phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII ở chùa Trung Can

Đặc điểm về vị trí, bố cục mặt bằng
Nhìn trên bản đồ địa lý, các ngôi chùa ở Nghệ An chủ yếu tập trung ở dải đồng bằng hẹp của lưu vực sông Cả – sông Lam, cho đến những làng chài ven biển. Đây cũng chính là địa bàn người Việt cổ đã sinh cơ, lập nghiệp từ lâu đời. Và như mọi vùng quê khác, các ngôi chùa ở Nghệ An thường được chọn dựng trên thế đất đẹp, cao ráo của làng. Thế đất đó, theo quan niệm của người xưa chủ yếu thuận tiện về đường đi, thuận tiện cho mọi người đến lễ bái vào mỗi dịp sóc, vọng và cũng theo quan niệm phong thủy thì đó là thế đất “rồng – rắn”, “tả Thanh long, hữu Bạch hổ”, “thất mã đồng quần”,“tuyển đắc long xà, địa khả cư” (chọn thế đất rồng rắn, có thể ở yên)… Đó là những thế đất linh thiêng, không gần mà cũng không xa dân, bởi quá gần dân sẽ gây ồn ào, ảnh hưởng đến sự thanh tịnh của chùa còn xa thì sợ không ai giúp đỡ (tuy nhiên, sau này do sự phát triển dân số nên hầu hết các ngôi chùa đã ở lẫn với nhà dân). Ngôi chùa là công trình của cộng đồng, sinh ra phục vụ cộng đồng nên cần có những mối liên hệ cộng đồng và chính nó cũng góp phần quy định nơi dựng chùa.

Những ngôi chùa hiện còn ở Nghệ An thường có bố cục mặt bằng dạng chữ Nhất (chùa Xuân Long, chùa Trung Cần – Nam Đàn), chữ Nhị (chùa Nhân Bồi – Đô Lương), chữ Tam (chùa Bùi Ngỏa – Hưng Nguyên), chữ Đinh (chùa Bà Bụt – Đô Lương, chùa Viên Quang – Nam Đàn), chữ Khẩu (chùa Gám – Yên Thành, chùa Cần Linh – thành phố Vinh)(3)… Có thể thấy các ngôi chùa ở Nghệ An hiện quy mô không lớn và cũng không còn nhiều hạng mục công trình phụ trợ; hầu như không thấy những đại danh lam kiểu nội công – ngoại quốc như ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, một số ngôi chùa dạng chữ nhị (chùa Hiến Sơn – Hưng Nguyên, chùa Nhân Bồi – Đô Lương) lại được xử lý kiến trúc với mặt bằng nền tương tự dạng chữ đinh, sự khác nhau chỉ thấy rõ khi nhìn bên ngoài với 2 tòa có hai lớp mái tách rời nhau, tòa thứ nhất bố cục ngang, tòa thứ 2 bố cục dọc. Việc muốn tạo ra mặt bằng chữ đinh truyền thống nhưng không xử lý cấu kiện gỗ nối mái mà lại xây hai tòa tách rời nhau đã cho thấy niên đại khá muộn của những kiến trúc như vậy… Ngoài ra, ở Nghệ An cũng có một vài ngôi chùa mặt bằng chữ nhất nhưng bố cục thờ dọc (như chùa Xuân Long). Hiện tượng đó cũng đã gặp ở nhiều đền, chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng có nhà nghiên cứu (như Trần Lâm Biền) cho rằng nó ảnh hưởng cách bố trí thờ tự từ phương Nam…

Đối với những ngôi chùa có nhiều đơn nguyên kiến trúc thì tòa bên ngoài thường chỉ thờ tượng Hộ pháp, Đức Ông, Đức Thánh hiền. Kiến trúc phía trong mới là ban thờ Phật, cũng chia thành 3 hoặc 4 lớp tượng:
+ Lớp trên cùng thường là 3 pho Tam thế
+ Lớp thứ hai là hàng Tam tôn (có khi chỉ là một pho A di đà)
+ Lớp thứ ba hơi phức tạp khi có chùa bày tượng Quan Âm nhiều tay (hoặc Quan Âm chuẩn đề, Quan Âm tọa sơn…); lại có khi là Thích Ca Niêm hoa; có chùa bày tượng Thích Ca, hoặc bộ tượng Ngọc Hoàng với Nam Tào – Bắc Đẩu.
+ Lớp thứ tư có thể bày tượng Thích Ca hoặc tượng Ngọc Hoàng (đôi khi là cả 3 bộ Ngọc Hoàng – Nam Tào – Bắc Đẩu).

Cũng cần nói thêm, tượng thờ trong các ngôi chùa ở Nghệ An đa phần có niên đại khá muộn, chỉ từ giữa thế kỷ 19 trở về đây, thậm chí nhiều ngôi chùa tượng Phật cũng mới được tạo tác và đưa vào sử dụng gần đây. Tuy nhiên, một vài chùa còn giữ lại những pho tượng cổ rất giá trị, như 03 pho tượng Tam Thế thuộc niên đại cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 đã được phát hiện trong đợt khảo sát tại huyện Đô Lương, rồi các tượng Tam Thế, Thích Ca sơ sinh niên đại đầu thế kỷ 18 trong vài ngôi chùa ở Nam Đàn, tượng hậu Phật cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 trong chùa Cần Linh, v.v… khiến ta phần nào hình dung ra diện mạo Phật giáo Nghệ An trong quá khứ.

Điêu khắc rồng phun nước ở cây hương đá chùa Bảo Lâm – Yên Thành

Điêu khắc rồng phun nước ở cây hương đá chùa Bảo Lâm – Yên Thành

Đặc điểm khung kiến trúc
Bộ khung kiến trúc trong các công trình tôn giáo, tín ngưỡng dân gian truyền thống ở Nghệ An nói chung, trong các ngôi chùa ở Nghệ An nói riêng cơ bản vẫn được dựng lên từ vật liệu thảo mộc với các cấu kiện cột, kèo, xà và liên kết với nhau bởi các chốt mộng khít khao. Cấu trúc vì thường được dựng kiểu 2 hoặc 4 hàng chân, cá biệt có những công trình lớn liên kết kiểu 6 hàng chân. Tuy nhiên, nhiều khi để mở rộng không gian hành lễ nên hàng cột cái (thường là hàng cột cái trước/tiền được thay bằng cột trốn kê trên cật xà lòng(4)…), như trường hợp ở chùa Gám, chùa Bảo Lâm (cùng huyện Yên Thành), chùa Viên Quang – Nam Đàn…

Khảo sát những dấu tích còn sót lại trong các ngôi chùa ở Nghệ An, chúng tôi thấy có 02 kiểu liên kết vì nóc chính với những biến thể của nó:
- Kiểu vì kèo/kẻ: có 2 biến thể:
+ Kiểu vì kèo suốt: (Tiền đường các chùa Hiến Sơn – Hưng Nguyên, Trùng Quang – Đô Lương…). Kiểu vì này khá đơn giản, chỉ gồm 2 thân gỗ đặt xuôi theo chiều dốc mái, hai đầu trên giao nhau tại đỉnh, cùng đỡ dạ thượng lương (đòn nóc); thân kèo ăn mộng qua đầu cột cái và cột quân rồi vươn ra đỡ tàu mái; trên cật kèo đỡ các đòn tay của hệ mái. Kiểu vì này cơ bản được sử dụng ở các tòa Tiền đường hay Nhà cầu. Có những bộ vì, các thanh kèo còn được xẻ vuông vắn và thường chỉ là bào trơn hoặc chạm nổi trang trí chút hoa văn lá, hoa ở nơi tiếp giáp với đầu cột… Cũng ở kiểu vì này một số chùa còn sử dụng thêm một trụ trốn, một đầu tỳ trực tiếp lên cật câu đầu(5) (chùa Nhân Bồi – Đô Lương) (hoặc qua đấu tôm, như chùa An Thái – Quỳnh Lưu), đầu kia đỡ ở điểm giao nhau của hai cặp kẻ trước – sau. Kiểu liên kết này tương tự như kiểu vì kèo trụ trốn ở miền Bắc, khi vào tới vùng Trung – Trung bộ trở thành cấu kiện đấu tôm – ấp quả (có được chau chuốt, chạm khắc trang trí thêm nhiều hoa văn sinh động nữa)…

+ Kiểu vì kẻ chuyền: Trong liên kết này, một bộ vì sẽ gồm 2 thanh kẻ nối tiếp nhau (hoặc 3 thanh kẻ trong trường hợp bộ khung kết cấu kiểu 6 hàng chân). Thanh kẻ trên cùng một đầu ăn mộng qua đầu cột cái, đầu kia giao nhau nơi nóc mái đỡ thượng lương; thanh kẻ thứ 2 một đầu chui qua thân cột cái đỡ dạ kẻ trên cùng, đầu kia chui qua đầu cột quân và vươn ra ngoài đỡ dạ tàu mái (nếu ở vì 6 hàng chân thì chiếc kẻ thứ 3 cũng được cấu tạo tương tự để nối cột quân với cột hiên trước khi đỡ tàu mái). Cũng là kiểu kẻ chuyền nhưng ở một số ngôi chùa (như vì nóc Thượng điện chùa Bà Bụt, chùa Nhân Bồi – Đô Lương), cặp kẻ trên cùng lại được tạo uốn cong như một hình parabol (dân gian gọi là kiểu vì nọc ngựa).
Ở kiểu kẻ chuyền, cũng giống như trong kiến trúc dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ, các kẻ hàng dưới được tạo để đỡ dạ kẻ trên, nó khác với kiểu kẻ chuyền trong kiến trúc vùng Trung – Trung bộ (đặc biệt từ Huế trở vào Nam) khi thanh kèo/kẻ hàng hai gối lên cật kèo/kẻ hàng nhất.

- Kiểu vì giá chiêng – chồng rường: Nếu kiểu vì kẻ suốt hoặc kẻ chuyền thường chỉ được sử dụng ở Tiền đường hoặc ở vì hồi thì kiểu vì giá chiêng – chồng rường lại thường được sử dụng ở Thượng điện hay chí ít cũng ở gian giữa Tiền đường. Kiểu vì này kết cấu phức tạp hơn mà diện trang trí trên cấu kiện cũng nhiều hơn nên thường được sử dụng ở những gian có vị trí trang trọng.

Về cơ bản, kiểu vì này gồm 2 trụ trốn ngắn, một đầu kê trên cật câu đầu/khấu đầu, đầu kia vươn lên đỡ con rường suốt trên cùng, hai đầu rường đỡ cặp hoành mái (đòn tay thứ nhất tính từ trên xuống). Với những công trình có lòng nhà hẹp thì trụ trốn chỉ đỡ một con rường trên cùng còn với công trình có lòng nhà rộng, trụ trốn có thể phải đỡ tới 2 con rường chồng lên nhau; hoặc từ thân trụ trốn lại có thêm 2 hoặc 3 rường cụt khác nữa cùng đỡ các hoành mái/đòn tay phía dưới (vì nóc gian giữa chùa Quang Sơn – Đô Lương có 01 cặp rường cụt còn ở chùa Trung Cần – Nam Đàn có 02 cặp rường cụt…). Khoảng cách giữa hai trụ trốn được gọi là giá chiêng, thường để trống tạo cảm giác thưa thoáng, nhưng cũng có chùa lồng thêm một ván bưng kín, bề mặt chạm khắc trang trí các họa tiết hoa văn sinh động, mang dấu ấn đương thời (chùa Trung Cần – Nam Đàn).

Liên kết ở vì nách và hiên trong các ngôi chùa ở Nghệ An nói chung khá đơn giản, thường chỉ thấy có hai kiểu là kẻ chuyền (ăn mộng qua hai cột cùng hàng để đỡ tàu mái) và kiểu bẩy (chỉ một đầu ăn mộng cột quân, đầu kia đỡ tàu mái).

Tóm lại, có thể thấy kết cấu khung chịu lực trong các kiến trúc dân gian truyền thống ở Nghệ An về cơ bản vẫn mang đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tuy nhiên kiểu thức liên kết thì không phong phú bằng.

Tháp phật chùa Viễn Quang – Nam Đàn, xây bằng đá ong

Tháp phật chùa Viễn Quang – Nam Đàn, xây bằng đá ong

Đặc điểm cấu tạo bộ mái và thành phần bao che
Bộ mái – một thành tố kiến trúc trong các ngôi chùa ở Nghệ An cũng khá đa dạng. Đa phần là kiểu 2 mái trước, sau, còn 2 bên hồi xây bít đốc; hoặc 4 mái với 2 mái chính và 2 mái hồi tương tự như nhiều kiến trúc dân gian truyền thống khác ở đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên cũng có những chùa cấu trúc với 3 mái, kiểu tiền đao – hậu đốc (chùa Xuân Long – Nam Đàn, hay Thượng điện chùa Hiến Sơn – Hưng Nguyên). Ngoài ra, những công trình kết cấu với 6 mái cũng thấy khá phổ biến, không chỉ trong các ngôi chùa mà còn ở cả những di tích đình, đền khác. Trong kết cấu dạng này, ngoài hai mái chính, ở phần hồi mái được kết cấu kiểu chồng diêm 2 lớp (chùa Đức Sơn – Nam Đàn, đình/chùa Hậu – Yên Thành, đền Quả Sơn – Đô Lương…). Ta gặp kiểu mái này ở tòa Giá roi chùa Keo (Thái Bình) hay ở đình Yên Phụ (Hà Nội).

Hệ mái chùa cũng được kết cấu bởi các đòn tay và các thanh rui rộng bản đặt vuông góc, tạo mặt phẳng đỡ ngói. Tuy nhiên, ở một số ngôi chùa còn có thêm các thanh mè đặt song song với đòn tay (Thượng điện chùa Hiến Sơn – Hưng Nguyên, chùa Đức Sơn – Nam Đàn). Mái chùa cơ bản lợp bằng ngói mũi loại nhỏ (một số chùa đã thay bằng ngói máy), nhưng ở đây thường mỗi mái chỉ được lợp có 1 đến 2 lớp ngói nên không tạo cảm giác dày và nặng nề như bộ mái kiến trúc miền Bắc. Mặt khác, các bờ chảy trong hệ mái cũng được làm khá thẳng, cứng, không có nhiều các góc đao vút cong lên. Phải chăng đây là sự thích nghi với môi trường khí hậu miền Trung vốn chịu nhiều mưa bão? Trên nóc mái một vài ngôi chùa cũng được đắp vẽ các biểu tượng lưỡng long chầu nguyệt, bình hồ lô… nhưng có niên đại khá muộn, phản ánh quá trình tu bổ trong thời gian gần đây.

Vùng châu thổ sông Cả đã được người Việt khai phá, tạo lập cuộc sống từ buổi bình minh của lịch sử. Bên cạnh việc an cư, ổn định về đời sống vật chất thì những thiết chế văn hóa tinh thần, cũng dần hình thành và phát triển. Ngoài những tín ngưỡng, tôn giáo bản địa thì Phật giáo đã có mặt ở đây từ khá sớm và với dấu tích tháp Nhạn có thể thấy từ thế kỷ 7 – 8, khu vực phía Nam tỉnh Nghệ An đã là một trung tâm Phật giáo lớn của cả vùng.

Cùng với thời gian, những ngôi chùa ngày một nhiều trong các làng quê Việt ở Nghệ An; không chỉ có mặt ở vùng trung du, đồi núi mà còn ra tới tận hải đảo (chùa Song Ngư trên đảo Hòn Ngư). Với những di vật có giá trị còn sót lại chúng ta cũng có thể nhận thấy ngôi chùa và Phật giáo ở Nghệ An còn được sự quan tâm, bảo trợ của tầng lớp quan lại, quý tộc triều đình Lê – Trịnh và Nguyễn; thậm chí còn được nhà vua ban sắc tứ (như chùa Diệc Cổ ở Thành phố Vinh).

Được xây dựng bởi bàn tay, khối óc của người Việt nên những ngôi chùa ở Nghệ An vẫn mang những đặc điểm chung của kiến trúc dân gian truyền thống Việt. Bộ khung chịu lực vẫn bằng gỗ với kết cấu cột, xà, kẻ, bẩy vừa đơn giản, linh hoạt, vừa có tính ứng dụng cao. Các mảng chạm khắc, trang trí trên kiến trúc không chỉ giúp giảm đi sự thô cứng của cấu kiện mà còn hàm chứa những dấu ấn mỹ thuật đương thời giúp ta hiểu rõ hơn quá trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo của từng ngôi chùa. Nghệ thuật điêu khắc kiến trúc, hay cách bài trí không gian thờ tự trong các ngôi chùa ở Nghệ An nói riêng, trong các công trình tôn giáo, tín ngưỡng ở Nghệ An nói chung, có nhiều điểm rất khác biệt với khu vực Trung – Trung bộ (đặc biệt từ Quảng Bình – Quảng Trị trở vào Nam), nhưng lại có sự tương đồng cao với vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Mặc dù vậy, dù là nhà ở của người dân hay những ngôi miếu nhỏ cho đến những ngôi đình, chùa đồ sộ thì ta vẫn có thể tìm thấy đôi nét khác biệt mà thể hiện rõ nhất ở cấu trúc bộ mái với bờ chảy, bờ dải được làm thẳng, cứng; số lượng ngói lợp được giảm tối đa để vẫn có thể che mưa nắng cho công trình nhưng cũng tiết chế được gió bão khắc nghiệp.

Hiểu được nét tương đồng và dị biệt, hiểu được cái hay, cái đẹp trong mỗi công trình kiến trúc sẽ giúp ta có những định hướng đúng đắn trong việc bảo tồn, gìn giữ các di sản mà cha ông đã dày công gây dựng.

TS Tạ Quốc Khánh 
Viện Bảo tồn di tích – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch

Tài liệu tham khảo:
1. Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam nhất thống chí (tập 2) – Nxb Thuận Hóa 1997, trang 192.
2. Le Braton trong cuốn An Tĩnh cổ lục gọi tháp Nhạn là tháp Cao Biền, những cũng cho biết vào thời gian ông viết cuốn sách này (năm 1936) thì ngôi tháp cũng đã bị san phẳng… (xem thêm Le Breton – An Tĩnh cổ lục, Nxb Nghệ An và Trung tâm ngôn ngữ văn hóa Đông Tây 2005, trang 96). Tuy nhiên, vào những năm 80 của thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật tháp Nhạn, phát hiện nhiều hiện vật có giá trị, đặc biệt có một viên gạch khắc ghi niên đại Trình Quán lục niên (Trình Quán 6 – năm 632). Như vậy, tháp Nhạn cũng được xây vào thời nhà Đường nhưng trước khi Cao Biền sang vùng đất này khá lâu…
3. Dẫn theo Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long – Chùa Việt Nam – Nxb Thế giới 2010 – tr 3
4. Cụm di tích đình – chùa Hậu ở huyện Yên Thành cũng thuộc dạng mặt bằng chữ Khẩu nhưng nhưng thực ra đây là mặt bằng của đình Hậu, chùa Hậu nay không còn và tượng Phật được mang về thờ chung tại đình…
5. Xà lòng là xà nối từ đầu cột quân tiền xuyên qua thân cột cái tới cột quân hậu, theo chiều ngang công trình. Thuật ngữ địa phương gọi là xà ngang. Kiến trúc vùng đồng bằng Bắc bộ cũng có cấu kiện xà ngang nhưng chỉ ở hàng cột ngoài cùng, nó nối vuông góc với xà dọc để tạo thành hệ xà đai, bao vòng quanh, tạo độ vững chãi cho bộ khung kiến trúc.
6. Thuật ngữ địa phương gọi là khấu đầu

(Theo tapchikientruc)



comments powered by Disqus



© Hội Kiến trúc sư Việt Nam (VAA) - Thành viên Liên hiệp Hội KTS Quốc tế (UIA),
Hội đồng KTS Châu Á (ARCASIA) và Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam
Trụ sở: 23 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội