16-6-2011 (Nụ Cười Việt) – Chùa Bổ Đà là tên gọi quen thuộc của ngôi chùa to, nằm trên núi ở Bắc Giang, thẳng chợ Nếnh trên đường 1A cũ đi vào (khoảng 37-38km từ Hà Nội, cách Đáp Cầu khoảng 3-4km).
Bốn bề phong cảnh lạ thay
Bồng lai kia cũng thế này mà thôi
Đó là lời thơ kể về ngôi chùa lâu đời ở quê tôi. Bản thân tôi được thăm nhiều lần, nhưng mỗi lần thì lại có thêm những cảm xúc. Khi bé, đó là nơi có thể chạy nhảy, ngắm cây, bắt ve. Lớn hơn, thì đó là nơi tìm hiểu văn hóa, sự tích và những câu chuyện của người già. Còn bây giờ, thì là nơi để có những cảm xúc và ngẫm nghĩ về văn hóa-xã hội… Lần gần nhất tôi có dịp ghé vào chùa vãn cảnh là cuối tháng 4-2008. Nhân dịp đó lưu giữ một số ảnh chùa, chụp bằng máy điện thoại, nhưng cũng khá rõ phong cảnh.
Bức ảnh trên là một trong các cửa chùa, bức tường bao quanh và một cây mít có lẽ là đã hàng trăm năm tuối, rất xum xuê lá và gốc rất lớn.
Bổ Đà là một núi lớn nằm ở bờ phía Bắc sông Cầu, trải dài chừng 2km bao bọc hai thôn Tiên Lát Thượng và Tiên Lát Hạ của xã Tiên Sơn. Trong núi Bổ Đà nổi lên nhiều ngọn lớn như ngọn đền Thượng, ngọn chùa Cao, ngọn chùa Khám, ngọn Phượng Hoàng, ngọn Trúc Lát, ngọn Con Voi và ngọn Bàn Cờ Tiên. Các ngọn núi này tiếp nối nhau, có độ cao khoảng 50 – 70m so với mực nước biển. Cả một quần thể đền chùa tụ tập nơi đây: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, chùa Tứ Ân, chùa Cao, chùa Khám, chùa Linh Chi, đình Lát Thượng, đình Lát Hạ, chùa Thạch Long, chùa Vân Sơn, đền Cam Vàng, đình Ngự… Chùa Bổ Đà có tên chính là chùa Quan Âm, được dân tin là nơi đức Quan Âm bồ tát ứng hiện cứu đời.
Tương truyền xưa có cặp vợ chồng tiều phu nghèo hiếm muộn con cái nên được Quan Thế Âm thương tình cứu giúp. Một ngày, người chồng đốn củi thông trên đỉnh núi thì bật ra 32 đồng tiền vàng, hỏi cao tăng thì mới biết đó là phép ứng hiện của Quan Âm bồ tát. Người tiều phu cầu khẩn rằng nếu sinh được con trai thì sẽ dựng chùa thờ. Điều ước được linh ứng, tiều phu bèn dựng chùa thờ Phật, người ta qua lại cầu linh hiển ứng nên gọi là chùa Quan Âm hay chùa ông Bổ, chùa Bổ Đà, chùa Thượng.
Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu thì Hương Tích – Hương Sơn là một đạo tràng Quán Thế Âm lớn nhất ở nước ta. Tại chùa Bổ Đà có câu thành ngữ: “Bắc Bổ Đà, Nam Hương Tích”, có nghĩa là ở phía Bắc có chùa Bổ Đà, phía Nam có chùa Hương Tích (Hà Tĩnh và Hà Nội). Đây là hai đạo tràng Quán Thế Âm vào hạng nhất, đăng đối theo trục Bắc – Nam, lấy Thăng Long là trung tâm. Bổ Đà là tên viết tắt của Bổ Đà Lạc Già đọc trại từ tiếng Phạn “Potalaka”, có nghĩa là ngọn núi nơi Bồ Tát Quán Thế Âm hóa hiện để cứu độ chúng sinh.
Chùa được trùng tu thời vua Lê Dụ Tông năm thứ nhất (1720), sau đó tiếp tục được mở mang ngày càng khang trang qua nhiều đời sư trụ trì về sau. Cùng với chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà là trung tâm Phật giáo lớn của Bắc Giang thuộc thiền phái Trúc Lâm. Nơi đây có tượng thờ Trúc Lâm tam tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang), vì thế tại đây các vị tổ sư khai trường thuyết pháp đào tạo nhiều tăng đồ. Chùa Bổ Đà còn là nơi sản xuất vũ khí của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp.
Chùa Bổ Đà (Tứ Ân tự 四恩寺) có tên chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà. Dân quanh đây còn gọi tắt là chùa Bổ. Chùa nằm ở phía Bắc chân núi Phượng Hoàng thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chùa Bổ Đà là một trong những di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang và là một trong những trung tâm Phật giáo của phái Trúc Lâm Tam tổ.
Chùa thờ Thạch Linh thần tướng và Trúc Lâm Tam Tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Quần thể chùa Bổ Đà là một tập hợp di tích gồm chùa chính (Tứ Ân Tự) cùng hai đền thờ Đức Thánh Hóa và Thạch Tướng Đại Vương. Bức tường bao quanh như tôi nghe kể lại từ những người nhiều tuổi là đã hàng trăm năm, toàn bằng đất nện nhưng rất chắc chắn. Không ai dám phá dỡ hay động vào dù là sửa sang. Bởi lẽ đó vẻ đẹp của bức tường phơi sương nắng hàng trăm (có thể là cả ngàn, theo một vài người dân quả quyết) không thể trộn lẫn vào đâu được. Ai đã từng nhìn kỹ những bức tường ở các chùa trùng tu lại bằng xi-măng, cát sỏi đời mới thì lập tức sẽ thấy sự khác biệt.
Phong cảnh xung quanh chùa thực sự đặc trưng cho vùng núi rừng miền Bắc. Cây cối um tùm, không thể đếm hết những loại cây nào có mặt trong và xung quanh khuôn viên. Cánh cửa chùa cổ kính thực sự khiến người thăm xúc động. Chỉ nguyên việc chúng nằm đó, trải bao thời gian, biến cố lịch sử và thách thức của thời tiết, của sự ăn mòn năm tháng,… đã là một điều gì đó ghê gớm lắm rồi.
Theo Wikipedia: Chùa có từ thời nhà Lý thế kỷ 11 và được xây dựng lại vào thời Lê Trung hưng, dưới triều vua Lê Dụ Tông (1705-1728).
Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bộ kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị. Bộ kinh được hình thành xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư, đồng thời cũng là những người xây dựng ra ngôi chùa muốn có một bộ kinh để truyền dạy đạo Phật, đồng thời là một di vật Phật học đặc biệt để lại cho đời sau. Bộ kinh mang những tư tưởng của hai dòng Phật giáo lớn nhất Châu Á xưa là Ấn Độ và Trung Hoa.
Bộ kinh được xếp trên 8 giá, mỗi giá có 4 tập sách kinh gồm 240 tấm ván gỗ hợp thành, tất cả có khoảng gần 2.000 tấm. Mỗi tấm gỗ dùng để khắc kinh dài trung bình 50cm, rộng 25cm và dày khoảng 2,5cm. Nếu muốn xem đồng loạt toàn bộ kho kinh cổ ở đây thì phải có khoảng đất rộng 250m² để rải các tấm ván kinh ra. Bộ kinh được khắc trên gỗ thị, một loại cây gỗ mọc phổ biến ở vùng rừng núi này. Gỗ thị không những bền mà còn rất nhẹ, đây cũng là một đặc điểm thuận lợi để khắc cũng như vận chuyển kinh.
Trải qua gần 300 năm, bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt là những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều rất bền, đẹp, không bị mối mọt, dù không dùng một loại thuốc bảo quản nào. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, đến nay vẫn còn rất sắc, rõ nét.
Đặc biệt, bộ kinh gỗ này có nói đến những đặc trưng của Phật giáo Trung Hoa khi được truyền vào Việt Nam với 3 tông phái (Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông). Trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát. Trong đó tiêu biểu nhất là Tứ Diệu Đế – 4 chân lý kỳ diệu của đạo Phật – gồm: Khổ Đế, Nhân Đế, Diệt Đế và Đạo Đế.
Bộ kinh còn nói đến cõi niết bàn, những vòng luân hồi chuyển kiếp của một đời người, giải thích thế nào là sự tu nhân tích đức, cõi vô vi… Bộ kinh cũng thể hiện những tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là sự ảnh hưởng của dòng Phật giáo thiền phái Trúc Lâm Tam Tổ.
Sự độc đáo của bộ kinh đặc biệt này đã thu hút hàng nghìn khách thập phương về đây tham quan, tế lễ mỗi năm. Gần đây người ta phát hiện thấy một di vật rất thú vị của nhà văn Nguyên Hồng tại chùa, đó là một bản chép tay những quy chế của nhà chùa hồi ông trốn đời đi tu. Nhà văn Nguyên Hồng là tác giả cuốn tiểu thuyết hết sức được yêu mến “Bỉ Vỏ” đã nằm trong tâm trí hàng triệu người Việt. Bố tôi (khi còn sống) và các bác có kể lại, cụ Nguyên Hồng là bạn bè tâm giao với ông nội tôi trong thời gian dài, và đặc biệt gắn bó khi ông nội tôi ở vùng Nhã Nam, Yên Thế một thời gian dài cuối đời. Một cách tình cờ, bây giờ văn phòng DHVP Research cũng nằm ở phố Nguyên Hồng.
Trong cuộc chiến tranh Việt – Tống 1077 quân Tống trú quân ở vùng đồi núi rừng cây Tiên Lát quanh khu vực chùa Bổ. Sau lần tấn công thất bại ở Như Nguyệt Quách Quỳ quyết định chọn điểm tấn công lần thứ hai là ở xã Tam Đa vì đoạn sông Cầu ở đây nông và hẹp, dễ vượt qua để tiến về Thăng Long.
Lý Thường Kiệt đã dự phòng tình huống trên, nên đã đắp phòng tuyến cao và cắm rào tre dày, lập trại ngựa chiến và ém quân trong những nơi rậm rạp. Quân Tống lợi dụng ban đêm từ vùng lòng chảo núi Tiên Lát bí mật tiến ra bờ sông, kết cây làm bè lớn, mỗi bè chở được 500 quân, rồi bất ngờ hạ thủy nhiều bè, ào ạt chở đại quân tiế
n vào địa phận Thọ Đức – Phấn Động, liều mạng mở đường đột phá. Khi đó quân Lý nhất loạt xông ra, từ trên bờ cao đánh xuống. Quân Tống nguy khốn muốn về không được. Toàn bộ đội quân Tống sang
sông bị tan rã, phần lớn bị tiêu diệt, số còn lại phải đầu hàng. Sau trận thất bại này Quách Quỳ mất hẳn khả năng tấn công, phải ra lệnh ai bàn đánh sẽ bị chém.
Khung cảnh chùa Bổ Đà lập tức khiến chúng ta nghĩ tới hình dáng những ngõ xóm làng quê của miền Bắc đất nước đã in dấu ấn vào lịch sử và ký ức xã hội. Những viên gạch lát, những phiến đá chặn cửa, chum nước mưa… Tất cả đều hiện diện trong Chùa Bổ Đà ở những năm đầu Thế kỷ XXI này.
Những bờ tường ngăn lối đi với khu nhà sinh hoạt của những người trong chùa rất thấp. Rêu đã phủ kín gạch, đá, góc tường. Những lớp vữa đã bong ra, để lộ những hàng gạch xây rất ngăn nắp, đỏ nâu, có từ thời xa xưa. Nếu ai đó lấy xi măng trát lại, thì dù với dụng ý tốt thế nào, hành động đó cũng là sự phá hoại, ít nhất với việc bảo tồn ý niệm về độ dài thời gian.
Chùa Bổ Đà còn nổi danh với Vườn Tháp cổ kính cả ngàn năm tuổi. Đây là nơi chôn cất rất nhiều vị sư nối nhau chăm sóc, bảo vệ và phát triển giáo lý nhà Phật ở vùng đất phía bắc này.
Chùa có diện tích chừng 5ha, chia thành nội tự, vườn chùa, vườn tháp. Khu vườn chùa sum xuê hoa quả bốn mùa, đủ nhãn, vải thiều, mít, thị, sấu, chuối, na, sắn, đỗ tương. Xung quanh chùa là hào sâu, rộng để tránh trâu bò, vừa để thoát nước. Sau hào là một lớp tre dày đặc bảo vệ chùa. Ngăn giữa vườn và chùa là lớp tường đất cao gần hai mét, dày chừng nửa mét. Đất sét được trộn với rơm rạ, sỏi đá, cho vào khuôn gỗ dày mà giã nhuyễn tới khi khô thì mới dỡ khuôn, để lộ ra những bức tường màu vàng dày, vững chắc, cao ráo, gọi là trình tường.
Đây cũng là nét riêng của chùa Bổ Đà so với nhiều danh lam cổ tự khác. Khu vườn tháp cũng được xây tường đất và kè đá bao quanh bảo vệ. Có cả thảy 87 tháp, chưa kể 18 mộ không xây tháp với nhiều kiểu khác nhau.
Đi qua ba lớp cổng chùa xinh xắn trên con đường lát đá xanh, qua một sân gạch nữa thì đến khu nội tự, gồm hàng chục dãy nhà, tòa nhà lớn nhỏ kiến trúc thời Hậu Lê – Nguyễn là nhà tam bảo, nhà tổ, nhà tiền tế, nhà in kinh, nhà trai, nhà khách… Điểm đặc biệt ở đây là nhiều bức tường được xây bằng tiểu sành giống như làng Thổ Hà, nơi chuyên sản xuất chum vại, tiểu sành cách đó vài cây số.
Chùa giữ được nhiều tài liệu, hiện vật quý hiếm. Ngoài hệ thống tượng Phật theo thiền phái Trúc Lâm, còn có văn khắc, thư tịch cổ, đại tự, câu đối, sách kinh Phật, hương án Lê Nguyễn (tòa Cửu Long, hai cây đèn gỗ thời Lê, chuông đồng niên hiệu Tự Đức, mõ cá dài…). Hội chùa diễn ra từ 16 – 18 tháng Hai Âm lịch hàng năm. Tất cả đền chùa trong khu vực núi Bổ Đà đều cắm cờ phướn rực rỡ. Trung tâm của lễ hội là đền Trung ở sườn Nam, đền Thượng trên đỉnh núi, chùa Quan Âm phía Bắc và chùa Tứ Ân ở chân núi Phượng Hoàng.
Những hàng mộ tháp cổ kính ghi dấu ấn thời gian từ đời Lý xa xưa, và xa xa là những rặng cây trên núi tuyệt đẹp. Nếu chúng ta còn nhớ những hình ảnh vẽ tuyệt đẹp của họa sỹ Trung Quốc tả câu truyện đi lấy kinh của thày trò Đường Tam Tạng trong “Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh” – một mẩu nhỏ trong Tây Du Ký, bạn cũng có thể hình dung trực tiếp từ phong cảnh của Chùa Bổ Đà vì sao họa sỹ lại có thể có cảm hứng để phác họa nên những bức canh phong cảnh đầy thi vị mà hết sức tinh tế từng nét vẽ như vậy.
Những người già kể lại rằng, cánh rừng lớn bao quanh Chùa Bổ Đà có một góc gọi là Rừng Trời Ơi. Sỡ dĩ có tên này là vì một thời gian dài, ở đây rừng rú hoang sơ (Thế kỷ IX, X). Cướp của giết người, nhất là khách bộ hành đi qua các khu rừng này, diễn ra thường xuyên. Những người dân thường nghe thấy tiếng kêu cứu và lời than “Trời ơi!” vọng ra từ cánh rừng. Đó là tiếng kêu khẳng định sự rùng rợn của vùng đất hoang vu.
Chùa Bổ Đà sau này đã trấn giữ ngay cánh rừng đó. Với hàng ngàn sư, tiểu sinh sống và học tập Phật pháp tại đây, chùa còn là điểm đảm bảo an ninh. Tôi được kể thời Lý, chùa Bổ Đà là nơi đào tạo nguồn “cán bộ” cho triều đình nhà Lý, do đó rất được ưu ái. Riêng kinh phí để tạo dựng khu chùa hàng trăm gian phòng, với những bể nước mưa sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày dài tới vài chục mét, đủ để thấy chùa được đầu tư nhiều từ xa xưa.
Điều đặc biệt nhất không ai bỏ qua khi đến thăm chùa này là vào kho xem bộ kinh Phật cổ khắc trên gỗ. Theo nhiều tài liệu thì đây là bộ kinh cổ nhất Việt Nam còn lưu giữ được qua bao năm thiên tai, địch họa.
Bộ kinh Phật tại chùa Bổ Đà được coi là bộ kinh cổ nhất Việt Nam
Bộ kinh được xếp trên tám chiếc giá, mỗi giá có bốn tập sách kinh, hợp thành từ 240 tấm ván gỗ. Đếm ra tất cả gần 2.000 tấm. Trước đây, một số người đến xem bộ kinh này do hiếu kỳ đã lấy đi một vài tấm ván kinh nên một số tấm kinh phải làm lại để điền cho đủ. Mỗi tấm gỗ dùng để khắc kinh dài trung bình 50cm, rộng 25cm và dày khoảng 2,5cm.
Nếu muốn xem đồng loạt toàn bộ kho kinh cổ ở đây thì phải có khoảng đất rộng chừng 300m2 để trải các tấm ván kinh ra. Bộ kinh được khắc trên gỗ thị, một loại cây mọc phổ biến ở vùng rừng núi này. Gỗ thị không những bền mà còn rất nhẹ, thuận lợi để khắc cũng như vận chuyển kinh.
Trải qua 247 năm, đến nay bộ kinh vẫn còn khá nguyên vẹn. Những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều bền, đẹp, không bị mối mọt, dù chẳng cần dùng loại thuốc bảo quản nào. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, đến nay vẫn còn rất sắc, rõ.
Bộ kinh được hình thành từ ý tưởng của các vị tổ sư, đồng thời cũng là những người xây dựng ngôi chùa này để truyền dạy đạo Phật. Nó xứng đáng là một di vật Phật học đặc biệt để lại cho đời sau. Bộ kinh đề cập đến những đặc trưng của Phật giáo Trung Hoa khi được truyền vào Việt Nam theo ba tông phái là Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông.
Bộ kinh còn nói đến cõi niết bàn, vòng luân hồi chuyển kiếp của một đời người, giải thích thế nào là sự tu nhân tích đức, cõi vô vi…, thể hiện những tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là dòng Phật giáo thiền phái Trúc Lâm tam tổ. Phái Trúc Lâm sau đó được Pháp Loa và Huyền Quang phát triển, cực thịnh ở nước ta hồi thế kỷ thứ XIV-XV, trong đó vùng rừng núi Bổ Đà ngày nay là một trong những nơi ảnh hưởng sâu đậm…
Như vậy, chùa Bổ Đà có liên quan tới việc “bổ nhiệm” quan của một triều đại coi trọng Phật giáo. Ngày nay, nghe nói các quan thời hiện đại cũng “lưu ý” chi tiết này, và ngày càng đông người tới xin “bổ nhiệm” tại chùa Bổ Đà hơn. Đường vào tận cửa chùa bây giờ được bê tông hóa từ chân núi để các xe đẹp, xịn đi vào dễ dàng, ngõ hầu việc xin phong quan thuận tiện hơn chăng?!
Hội chùa Bổ Đà từ ngày 16 tháng 2 đến ngày 18 tháng 2 hàng năm. Vào ngày hội khách thập phương thường đến rất đông, nhất là các cụ già trong vùng.
Những năm gần đây khách du lịch từ Hà Nội và các tỉnh khá quan tâm tới Chùa Bổ. Để đi tới Chùa Bổ, từ Hà Nội đi tới thành phố Bắc Ninh, qua cầu Thị Cầu rẽ trái men đê sông Cầu và sườn núi 3 km là tới. Hoặc tới Thổ Hà đi tiếp theo hướng Bắc tới làng Lát rẽ phải, từ Thổ Hà tới Chùa Bổ là 3 km.
Khi du khách đến thăm Chùa Bổ có thể đồng thời đến thăm hai địa điểm du lịch nổi tiếng nữa của đất Kinh Bắc, đó là Thổ Hà và Đền Bà Chúa Kho. Các địa điểm này chỉ cách nhau từ 3 đến 5 km…
Nhưng dù thế nào, việc tới thăm chùa cũng sẽ để lại những dấu ấn tinh thần rất đáng kể, bất kể bạn có cần được “bổ” hay không, tôi xin cam đoan.
* Nguồn: Vietnamica.net, 23-1-2011