Xem lẹ

Trang nhà > Thủ đô > Hôm qua > Cầu Giấy, Ô Cầu Giấy và Kẻ Cót

Paper Bridge

Cầu Giấy, Ô Cầu Giấy và Kẻ Cót

Pont du Papier

Thứ Sáu 25, Tháng Mười 2013

Cầu Giấy và Ô Cầu Giấy

"Cầu Giấy là tên cây cầu bắc ngang sông Tô và cũng là tên một con đường dài tới 1800 mét, đi từ ngã ba phố Kim Mã - đường La Thành (trước cửa đền Voi Phục) vượt qua cầu, tới ngã ba phố Nguyễn Phong Sắc - phố Xuân Thủy, tức là chạy cắt ngang thị trấn Cầu Giấy. Còn Ô Cầu Giấy thì là một cửa ô xẻ qua toà thành đất bao quanh khu đông dân cư của kinh thành Thăng Long xưa, được nhiều nhà nghiên cứu gọi là vòng thành giữa, mà bức tường phía tây chạy từ núi Sưa (trong vườn Bách Thảo) theo phố Ngọc Hà, vượt phố Sơn Tây, Nguyễn Thái Học, trở thành chính phố Giảng Võ ngày nay. Cửa ô này vốn có tên chữ Hán là Thanh Bảo và ở vào chỗ gần Bến xe Kim Mã bây giờ."

Theo học giả Nguyễn Vinh Phúc thì Cầu Giấy và Ô Cầu Giấy cách nhau đến… 4 km!

Theo tôi, ông Nguyễn Vinh Phúc đã nhầm. Ô Thanh Bảo mới có từ đời Nguyễn. Ô Cầu Giấy có từ thời Lý ở gần Cầu Giấy (có thể nằm trên đê đường Bưởi) thì đúng hơn. Vì cũng chính ông Nguyễn Vinh Phúc đã tả công việc đắp một cổng thành từ thời Lý như sau: "Nguyên ở khu vực đầu phía đông cây cầu vốn có một cửa của một toà thành mà bức tường phía tây chạy ven bờ trái sông Tô, từ chợ Bưởi xuống đến Cầu Giấy. Đó là toà thành đất mà Lý Thái Tổ cho đắp từ năm 1014. Việt sử thông giám cương mục có ghi: "Năm Giáp Dần (1014) đắp thành đất Thăng Long: bốn bề xung quanh ngoài kinh thành đều sai đắp thành đất". Cái cửa phía tây này có tên là Tây Dương. Cửa Tây Dương đã đi vào lịch sử với đoạn ghi sau đây của Đại Việt sử ký toàn thư: "Năm Mậu Thân (1128), tháng giêng, ngày Kỷ Sửu, biếm chức Đại liêu ban Lý Sùng Phúc vì khi đi qua cửa thành Tây Dương, tuần lại có hỏi mà không trả lời". Đây là toà thành mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là vòng thành Đại La hoặc vòng thành ngoài mà đến đời Hồng Đức được xây gạch và vẽ trên bản đồ.

Như vậy là ở đời nhà Lý, tại cửa thành này có lính tuần canh gác nghiêm ngặt. Khi đi qua cửa thành mà không đáp lời bọn lính ấy thì dù là quan to cũng vẫn cứ bị kỷ luật. Và do nằm đối diện với cửa thành Tây Dương đó nên chiếc cầu bắc ngang qua sông Tô thuở ấy cũng có tên cầu Tây Dương."

Phải chăng đấy chính là Ô Cầu Giấy được khai sinh từ gần 1000 năm trước ? Vậy là ngài ra đời sau “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ có mấy năm đâu, có điều chắc rằng lúc đó ngài chưa mang tên là Ô Cầu Giấy (chắc là Ô Tây Dương chăng). Vì cái tên “Giấy” xuất hiện trong một sự kiện xảy ra vào tận thế kỉ XIII (1215) được ghi lại trong Việt sử lược. Sách này có nói đến một địa điểm là “Chỉ Tác hạng” tức là ngõ Làm Giấy (nằm ở đầu cầu phía tây). Còn cái tên cầu Tây Dương vẫn còn trong các sách đến tận các thế kỉ XV-XVII. Sách Đại Việt sử kí toàn thư có ghi: "Ngày 22 tháng chín năm Bính Ngọ (1426) các tướng của Lê Lợi đem một vạn quân đến cầu Tây Dương để bao vây quân Minh ở thành Đông Quan."

Đến thế kỉ XVII (1679) có tấm bia “Trùng tu Tô Giang kiều bi ký” của Tiến sĩ Bùi Văn Trinh ghi như sau: "Xã Thượng Yên Quyết, thắng cảnh có cầu danh tiếng ở sông Tô. Phía đông cầu tiếp cận kinh thành văn vật, tụ hội thuyền xe sum vầy. Phía tây cầu thì xa xa là núi Tản Viên hình dáng lạ kỳ, anh linh hiển ứng. Sông Nhị vòng phía bắc, một dòng nước đi về. Miếu thần ở phía tây nam, người trong hạt được phồn thịnh. Bên cầu khách đang chén tạc chén thù, trên đường người qua, kẻ lại tấp nập. Thực là nơi ngoại ô lớn thông suốt bốn phương năm ngả trên đường thiên lý."

Văn bia cũng cho biết cầu kết cấu theo kiểu "thượng gia hạ kiều" - trên là nhà, dưới là cầu: "Cầu dài 15 gian như cánh nhạn vút qua trời thu hoà cùng non cao nước biếc, như cầu vồng ôm vòng dải Ngân Hà, một gác cao toả chiếu ánh hồng thịnh vượng, rực rỡ, thanh thoát. Trụ cầu vững vàng giữa dòng, đi trên ván cầu như đi trên đất bằng, trên lợp mái."

Cái tên Cầu Giấy mới xuất hiện vào thời Nguyễn. Sách Ðại Nam nhất thống chí ghi: “Cầu Giấy dài ba trượng, trên cầu có nhà lợp ngói.” Có lẽ các sử gia lúc đó cứ theo nghề làm giấy của làng mà gọi tên cầu.

Kẻ Cót

Cái “ngõ Làm Giấy” chính là Kẻ Cót, tức phường Yên Hoà bây giờ. Ông Nguyễn Vinh Phúc kể: "Chuyện xưa kể rằng, ông tổ nghề giấy dó là Thái Luân từ Tàu sang đã đi suốt dọc ven sông Tô để dạy nghề. Thoạt tiên ông đến làng An Hoà - Thượng Yên Quyết toan truyền nghề cho dân. Song có người đối đãi với ông không tốt, ông bỏ đi lên vùng Bưởi, dạy nghề cho làng Hồ Khẩu, làng An Thọ, làng Đông Xã, làng Yên Thái, cuối cùng là Nghĩa Đô. Ở mỗi nơi ông dạy làm một loại giấy riêng. Làng Hồ học được cách làm giấy bản, làng Đông học được cách làm giấy quỳ tức loại giấy vừa mỏng vừa dai để dân làng Kiêu Kỵ dùng lót dát vàng quỳ. Làng Yên Thái học được cách làm giấy lệnh, tức giấy bản tốt mà khổ lại lớn để viết lệnh chỉ của triều đình. Ở Nghĩa Đô có người họ Lại học được nghề làm giấy sắc là loại giấy dùng để viết thần sắc vua ban. Loại giấy này khi xeo xong còn phải "nghè" tức là đặt trên phiến đá rồi dùng vồ đập vào giấy cho giấy được thật mịn mặt và bền. Do đó làng này có tên là làng Nghè.

Lúc này dân làng An Hoà mới thấy ông là của quý nên cử bô lão lên Bưởi xin ông bỏ qua chuyện cũ mà dạy cho dân nghề nghiệp mới này. Cũng nể tình nhưng để tránh đụng chạm đến vùng Bưởi, ông chỉ dạy dân An Hoà cách dùng những thứ dó xấu, những đầu mẩu, đầu mặt - danh từ nghề nghiệp gọi là xề - để làm ra những loại giấy xề tức thứ giấy thô chỉ dùng phất quạt, làm hàng mã và gói hàng. Và thế là từ khi có nghề này, làng Cót Thượng dần dần được gọi là làng Giấy, nhất là từ khi cái tên chữ Hán Thượng Yên Quyết được đổi ra là An Hoà thì không mấy ai nhớ đến cái gốc "Kẻ Cót" nữa. Từ đó, cái tên "làng Cót" chỉ chuyên dùng để chỉ làng Hạ Yên Quyết."

Cầu Giấy chính thuộc làng Hạ Yên Quyết mà thực ra còn có tên nôm là làng Giấy, thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai. Từ năm 1889 đời vua Thành Thái, làng mới được đổi tên thành An Hoà (Yên Hoà), thuộc tổng An Hạ, huyện Hoàn Long, phủ Hoài Đức.

Người làng Giấy làm giấy quạt nổi tiếng nhất, người làng Lủ đến cất về làm quạt giấy đưa vào phố Hàng Quạt của kinh thành.

"Chợ giấy họp đông vui tấp nập bên kia Cầu Giấy, năm ngày một phiên - ngày 1 và ngày 6 âm lịch; dân làng chuyên bán giấy các loại và mua nguyên liệu làm giấy về." (Nguyễn Phạm Quang, “Từ cầu Tây Dương đến Cầu Giấy”).

Dân làng Giấy có câu ca đầy tự hào và tình tứ:
"Hỡi cô thắt dải lưng xanh,
Có về cầu Giấy với anh thì về.
Cầu Giấy có cây bồ đề,
Có sông tắm mát, có nghề xeo can."

Sau khi “hi sinh oanh liệt” (có lẽ vào khoảng thế kỉ XVIII) khí phách Ô Cầu Giấy vẫn hùng tráng ở lại phù trì những dân đen con đỏ và đất trời Thăng Long.

Trong hai cuộc xâm lược Bắc Kỳ và Hà Nội (1873 và 1882) của thực dân Pháp, Ô Cầu Giấy đầy khói lửa tang thương. Do nằm trên huyết mạch giao thông quan trọng nên Ô Cầu Giấy là điểm huyết chiến chiến lược giữa quan quân triều đình và quân Pháp. Và hai chiến thắng oanh liệt (được gọi là “Chiến thắng Ô Cầu Giấy lần thứ nhất” [21/12/1873] và “Chiến thắng Ô Cầu Giấy lần thứ hai” [1883]) đều gắn với tên tuổi của một con người - Thống đốc Trấn Bắc Đại tướng quân Hoàng Kế Viêm, như quân Pháp đã từng nhận định: “Dân chúng Bắc Hà tin vào Viêm hơn Tự Đức.”

Trích Đặng Thân, “Hà Nội 21 cửa ô và Hà Nội 5 cửa ô” (VNN)

Di tích lân cận