- Lịch sử: Khu di tích Phủ Dầy (Phủ Giầy, Phủ Giày) hiện còn các công trình như phủ Tiên Hương, phủ Vân Các, Công Đồng từ, đền thờ Lý Nam Đế, chùa Linh Sơn, lăng bà chúa Liễu Hạnh. Trong đó, 3 di tích chính là Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng mộ Thánh Mẫu (bà chúa Liễu Hạnh).
Phủ Tiên Hương: Vào cuối thế kỷ XVI, di tích chỉ làm bằng tranh tre, đến giữa thế kỷ XVIII, được xây bằng gạch. Đời Cảnh Trị (1663-1671) được mở rộng. Trải qua nhiều lần tu sửa, phủ cũ vẫn còn dấu tích gọi là phủ Cổ có bốn gian. Năm Duy Tân thứ 8 (1914), tổng đốc Nam Định là Đoàn Triển sai lính cùng nhân dân địa phương xây dựng và mở rộng quy mô của phủ Tiên Hương to lớn như hiện nay.
Phủ Vân Các: Quá trình xây dựng và tu sửa phủ Vân Cát đã được tấm bia Thánh Mẫu cố trạch linh từ bi ký soạn năm Thành Thái Tân Sửu (1901) ghi như sau: “ …chọn đất dựng nền từ thời Lê Cảnh Trị (1663-1671) làm đơn giản mà đẹp. Khoảng đời Cảnh Thịnh (1794-1800) Hội nguyên Trần Gia Du, thiếu tả giám Trần Công Bản đã mở rộng ra. Đến năm Kỷ Mão (1879) đời Tự Đức, quan huyện Lê Kỳ đã sửa lợp lại. Năm Thành Thái thứ 10 (1898), đền phủ bị hư hại nhiều vì mưa gió nên các quan huyện… cùng các bậc thân hào đứng ra sửa. Đến năm Thành Thái thứ 12 (1900) thì hoàn thành”.
Lăng mộ bà chúa Liễu Hạnh: theo Khiếu Năng Tĩnh trong Nam Định dư địa chí lược Tại Cồn Cá Chép xã Tiên Hương có ngôi mộ cổ, xung quanh cây cối xanh tươi tương truyền là mộ Liễu Hạnh. Nhân dân trong làng mỗi khi có bệnh thường ra đây hai lá bẻ cành về sao vàng rồi sắc nước uống nên rất nhiều người đã khỏi bệnh. Thời Minh Mệnh (1820-1840) quan huyện Vụ Bản cho người xây gạch quanh mộ và xây một bệ nhỏ cho mọi người đến đặt lễ. Đó là lăng mộ Liễu Hạnh nằm trên cồn Cá Chép ở xứ Cây Đa thôn Tiên Hương. Năm 1938, vua Bảo Đại đã cho “ Hội xuân kinh” triều đình Huế tiến hành hưng công xây dựng khu lăng Mẫu.
- Không gian: Quần thể di tích Phủ Dầy gồm hơn 20 đền, phủ, chùa, lăng,... nằm trải đều trong một không gian đẹp với cảnh quan thiên nhiên phong phú, có núi có sông xen giữa ruộng đồng màu mỡ.
- Đặc điểm nổi bật:
Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. Trong đó, kiến trúc quan trọng nhất là đền thờ bà chúa Liễu Hạnh(phủ chính), ngay sát chợ Viềng.
Hội Phủ Dầy được tổ chức hàng năm vào tháng 3 âm lịch. Lễ hội nhằm tổ chức nghi lễ, thắp hương biết ơn bà chúa Liễu Hạnh. Cùng thời điểm này, bà Chúa Liễu Hạnh cũng được thờ tại nhiều lễ hội khác trên Việt Nam, nhưng hội Phủ Dầy thuộc vào loại long trọng nhất, với sự tham gia của đông đảo dân chúng.
- Các dịch vụ liên quan: Ngày nay, khu di tích Phủ Dầy đã trở thành một điểm đến không thể thiếu cho những chuyến du lịch vùng đất Nam Định. Chính điều đó đòi hỏi các dịch vụ cần thiết được cung cấp ngày càng đầy đủ và chất lượng hơn từ ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn cho đến vui chơi, đi lại,…
- Các địa điểm du lịch ở gần: Chợ Viềng, Đền Vĩnh Lại, Đền Bảo Lộc, Chùa Phổ Minh, Chùa Đại Bi, Đền Trần, Biển Quất Lâm, Bãi biển Thịnh Long, Vườn quốc gia Xuân Thủy,…
Thông tin liên hệ:
KHU DI TÍCH PHỦ DÀY
Địa chỉ: Xã Kim Thái, Huyện Vụ Bản, Tỉnh Nam Định
Tel:
Fax:
E-mail:
Website: