Một thời trận mạc
Gặp lại người cùng bắt sống tướng Đờ Cát – Xtơ ri (kỳ 1)
QĐND - Thứ Bẩy, 16/04/2011, 10:38 (GMT+7)

Kỳ 1: Đi bộ đội sau trận đòn “thừa sống thiếu chết”

QĐND Online - Gần 60 năm nay, ngôi nhà của ông đã trở nên quen thuộc với phóng viên các báo, đài và những người muốn hiểu hơn về thời khắc lịch sử của cả dân tộc trong ngày 7-5-1954, ngày đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Ông là Đại tá Hoàng Đăng Vinh, người bắt sống tướng Đờ-Cát năm nào…

Từ trận đòn thù đến đêm bỏ làng theo bộ đội

Đến ga Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh), hỏi nhà ông Vinh bắt tướng Đờ-Cát, chị chủ quán may quần áo, đối diện với ga, vanh vách chỉ chúng tôi đường về nhà ông:

- Nhà ông Vinh bắt tướng Đờ-Cát à? Các chú đi tới ngã ba trước mặt, rẽ trái, chạy men theo đường tàu chừng hai trăm mét là đến khu tập thể Trường tập huấn cán bộ công binh, nhà ông ấy ở đó.

Chăm sóc cây cảnh, thú vui tuổi già của ông Hoàng Đăng Vinh

Như đã hẹn, Đại tá Hoàng Đăng Vinh mở cổng đón chúng tôi với nụ cười niềm nở. Nhìn tác phong nhanh nhẹn của ông, ít ai nghĩ rằng ông đã bước vào tuổi 76. Ông Vinh sinh năm 1935, trong một gia đình có cả thảy 7 anh chị em, ở xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

- Quả thật, ngày ấy tôi trốn gia đình theo bộ đội cũng vì uất hận, vì đói- ông Vinh bắt đầu câu chuyện.

Như chợt nhớ ra điều gì, ông nhấc chiếc mũ bê-rê ra khỏi đầu, xoa xoa mái tóc bạc trắng, rồi cười lớn:

- Tóc tôi cắt ba phân như thế này kể từ cái ngày tôi bị quân Pháp và lũ tay sai túm tóc, đánh đập dã man. Cũng từ trận đòn thập tử nhất sinh ấy mà tôi thêm quyết tâm đi đánh Pháp.

Năm ông 17 tuổi, cũng là lúc bóng giặc Pháp “nhan nhản” ở làng. Ngày ngày chúng càn quét, cướp phá, giết chóc. Một đêm khi đang trong lều vó bè, thấy tiếng xì xồ, biết địch lại đi càn, ông liền thục mạng “phóng” từ lều ra ngoài ruộng lúa để trốn.

- Khi vừa chạy ra khỏi lều, tôi đã thấy mấy thằng hô to “Bô-cu Việt Minh”. Rồi chúng nhào đến giật tóc, đánh đấm liên hồi cho đến khi tôi bất tỉnh, ông Hoàng Đăng Vinh nhớ lại.

Sau đó ông bị chúng nhốt vào bốt La Tiến. 3 ngày 3 đêm đầu, ông bị bỏ đói. Đến ngày thứ 4 chúng mới cho ông bát cháo loãng. Ăn xong chúng bắt ông đi gánh cát sửa đồn.

Nghe dân làng mách nước, mẹ ông vay mượn được ít tiền, tất tả tìm xuống bốt La Tiến “lót tay” bọn cai, chúng mới cho hai mẹ con ông gặp nhau. Ngồi bên đống gạch, vừa xì xụp húp bát bánh đa mẹ mang đến, ông vừa khóc vì tủi nhục.

- Khi tôi đang ăn dở bát bánh đa thì một thằng đội bất thần xuất hiện. Nó vung chân đá thẳng vào chiếc bát khiến bánh đa bắn tung tóe đầy mặt tôi. Ngay sau đó hắn đuổi mẹ tôi ra khỏi đồn, ông Vinh nhớ lại.

Sự căm phẫn quân Pháp và bè lũ tay sai đã bén rễ trong suy nghĩ của ông từ cái ngày tủi nhục ấy. Sau này được thả khỏi bốt La Tiến, đêm đêm đi kéo vó, thi thoảng ông lại gặp du kích và bộ đội, khi họ vào lều vó xin lửa hút thuốc.

- Họ nói với tôi rằng, dân ta hành khất khắp nơi, đói kém, chết chóc cũng vì bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp, muốn hết khổ không còn cách nào khác là phải theo cách mạng để diệt thù.

“Mưa dầm thấm lâu”, thế rồi vào một đêm tháng 9-1952, ông trốn khỏi làng, vượt đường 39, đường 5, đường 1, tìm về Nho Quan, Ninh Bình – nơi tiếp nhận chiến sĩ gia nhập Đại đoàn 312.

Cái đêm đáng nhớ ấy đã mở ra những ngày gian khổ nhưng đầy vinh quang trong quân ngũ của Đại tá Hoàng Đăng Vinh…

Lần đầu tiên được…đón chào

Từ Nho Quan, ông cùng các chiến sĩ mới hành quân về Phú Thọ. Đến đơn vị mới, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt ông là chiếc cổng chào được tết bằng lá cọ rất đẹp, trên có khẩu hiệu “Nhiệt liệt hoan nghênh các chiến sĩ mới về xây dựng đơn vị”. Khi ông cùng các chiến sĩ mới tiến vào sân đại đội thì đã thấy các chiến sĩ cũ đứng xếp hàng ở sân vỗ tay hoan hô.

- Ngày ở quê, sống dưới ách kìm kẹp của bè lũ tay sai và thực dân, chỉ…được “ăn” chửi, “ăn” đấm đá. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được hoan nghênh, đón chào như thế. Đúng là về với cách mạng, thân phận mình khác hẳn. Cuộc đời quân ngũ của tôi bắt đầu bằng những kỉ niệm đẹp như thế, Đại tá Vinh hồi tưởng lại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng gặp mặt thân mật các cựu chiến binh (người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay là ông Hoàng Đăng Vinh) tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12-1976). Ảnh chụp lại.

Bữa trưa hôm ấy, lần đầu tiên trong đời ông được thưởng thức món ăn lạ- thịt trâu nấu sắn. Các chiến sĩ cũ thay nhau xúc món ăn này mời các chiến sĩ mới. Đại tá Hoàng Đăng Vinh nheo mắt nhớ lại bữa cơm đầu tiên ấy:

- Mức sống của dân mình ngày càng được nâng cao, vì thế tôi cũng được thưởng thức nhiều món ăn ngon, song quả thật chưa có món ăn nào ngon như món thịt trâu nấu sắn hôm ấy.

Khi ấy ông được biên chế vào Tiểu đội 2, Trung đội 1, Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209. Ông còn nhớ rõ Tiểu đội trưởng đầu tiên của ông khi đó là đồng chí Bộ. Tổ 3 người có ông, ông Chí và ông Thảo. Ông được cán bộ các cấp hướng dẫn từ cách lấy củi, lấy măng đến huấn luyện kỹ, chiến thuật chiến đấu bộ binh, được dạy đọc, dạy viết. Chính nhờ được cán bộ các cấp huấn luyện sâu sát, nhiệt tình, cộng với sự nỗ lực phấn đấu của bản thân nên Hoàng Đăng Vinh và các chiến sĩ mới trưởng thành từng ngày. Từ anh trai làng “một chữ cắn đôi” không biết, ông Vinh đã có thể đọc sách để dần “vỡ” ra vì sao dân ta khổ, muốn hết khổ thì phải làm gì? Rồi ông cùng đồng đội được trang bị các kỹ năng chiến đấu với quân thù.

Tất cả đều háo hức chờ ngày giết giặc lập công...

 Bài và ảnh: Phạm Hoàng Hà

Kỳ 2: Trận đánh đầu tiên của "lính mới"

Họ và tên:
Email:
Tiêu đề:
Mã xác nhận:

Nội dung
Gõ tiếng việt :    Off   Telex   VNI   VIQR
Các tin khác