VIETNAMESE
  ENGLISH
   
   

 

NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

Hồ Xuân Tịnh

     Tại nhóm tháp Chiên Đàn (Quảng Nam), vào năm 1901, các nhà nghiên cứu người Pháp đã tìm thấy tại đây một số tượng gồm voi, sư tử, Apsara, Mahisa-Mardini, cùng một số vật trang trí kiến trúc.

      Theo thần thoại Ấn Độ, Mahisasura là một con quỷ biến hóa giả dạng một con trâu để làm hại trần thế. Nữ thần Uma (còn có các tên khác là Parvati, Durga, Devi, Sati, Kali...) là vợ của thần Siva. Uma có nghĩa là "Ánh sáng rực rỡ". Trong một kiếp của Uma dưới tên gọi Sati (Người Trung thành) bà đã tự thiêu để lấy lại danh dự cho chồng là Rudra (một hóa thân của Siva), sau đó vị nữ thần nầy được tái sinh dưới tên gọi Uma; khi được tái sinh, bà tiếp tục muốn kết duyên cùng Siva, nhưng lúc đó thần Siva đang thiền định nên không chú ý đến chung quanh, bà đành phải đứng chờ trong một thời gian dài trong một dòng sông, thấy không lay chuyển được Siva, bà bèn sai Kama, thần tình yêu đến để lay động Siva; khi thần Kama đến, bỗng Siva mở con mắt thứ ba của thần, tia sáng nóng bỏng từ mắt thứ ba của Siva đã thiêu cháy Kama thành tro, vì thế trong nghệ thuật Ấn, Kama không có hình hài rõ ràng. Cùng với sự tái sinh, Uma được kết hợp quyền năng của nhiều vị thần linh: Siva cho bà cây đinh ba thần, Brahma cho bà bình nước, Vishnu cho bà chiếc tù và bằng vỏ ốc, Indra tặng bà lưỡi tầm sét, Pavana tặng bà cây cung thần... Nhờ sức mạnh của các vị thần, bà đã diệt trừ được Mahisasura, do đó nữ thần còn được gọi là Mahisa-Mardini. Dưới tên gọi Parvati, bà là nữ thần núi, con gái của sơn thần Hymalaya, vị nữ thần của xứ sở băng giá quanh năm...

      Bức phù điêu Mahisa-Mardini nầy hình lá đề, được làm bằng sa thạch, cao 67cm, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Bức phù điêu thể hiện nữ thần đang trấn áp con trâu quỷ. Nữ thần đội một chiếc kirita có hai tầng hình chóp, tầng dưới trang trí 3 cánh sen (hoặc lá đề); bà đeo đôi khuyên tai dài xuống dưới vai. Bộ ngực của nữ thần căng tròn, eo thon, hông rộng, thân dưới của bà mặc một sampot (váy) ngắn và mỏng, có trang trí hoa văn những đã mòn không còn nhìn rõ. Bà có 6 cánh tay xòe ra ở hai bên, tay trái chính đang giương cây cung thần, một cánh tay phụ bên phải cầm mũi tên, tay phải chính cầm một vật hình đĩa, tay trái ở giữa cầm chiếc tù và vỏ ốc, hai tay phía trên chắp lại với nhau đưa lên trên đỉnh đầu. Chân phải của bà co lại, đạp lên lưng trâu, chân trái xoạc ra dọc theo lưng trâu. Con trâu trong tư thế nằm phủ phục, cổ đeo một vòng lục lạc (có người cho là xâu chuỗi đầu lâu), đuôi vắt lên lưng. Căn cứ vào trang phục của nữ thần, một số nhà nghiên cứu cho rằng bức chạm nầy thuộc phong cách nghệ thuật Chánh Lộ, có niên đại khoảng thế kỷ XI.

      Vào năm 1989, trong một cuộc khai quật để phát lộ chân tháp chuẩn bị cho việc trùng tu, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một hệ thống trang trí chân tường và  90 tác phẩm điêu khắc có giá trị bằng sa thạch, đó là những tượng nam thần, nữ thần, nhạc công, Apsara, tượng động vật, các vật trang trí kiến trúc, đài thờ, bi ký, bệ thờ hình hoa sen nở, ngoài ra còn có hàng ngàn mảnh vỡ của các di vật bằng sa thạch. 

      Trong số những hiện vật tìm thấy năm 1989 có một bức tympan hính lá đề bằng sa thạch với đề tài Mahisa-Mardini, cao 120cm, thể hiện nữ thần Devi có 6 cánh tay, hai tay trên chắp lại ở đỉnh đầu, bốn cánh tay còn lại cầm cung, tên, đinh ba, vòng. Nữ thần đạp trên lưng một con trâu, chân phải cong lại, chân trái duỗi ra trong tư thế rất dũng mãnh. Trang phục nữ thần rất đơn giản; đầu tóc tết thành những lọn nhỏ, búi lại thành hình chóp; Bà đeo đôi khuyên tai lớn hình vành khăn, trên cánh tay và cổ tay đeo vòng tay kép; nữ thần mặc một sampot ngắn, thắt lưng buông thành hai vạt tung bay ở hai bên hông. Dưới chân nữ thần có hai người quì hầu, người bên trái đội mukuta 3 tầng đang chắp tay; người bên phải bưng lễ vật hướng về phía nữ thần, chiếc đầu của người nầy đã bị mất. Bức tympan đã bị bể làm 5 mảnh, hiện chỉ mới tìm thấy 4 mảnh, phần thân con trâu đã bị thất lạc, chỉ còn lại chiếc đầu trâu cố vươn lên, mắt trợn ngược, hai chân sau duỗi ra; từ tư thế đó có thể hình dung con trâu đang cố gượng chống lại nhưng vẫn bị đè bẹp bởi sức mạnh của nữ thần.

     Tại khu đền tháp Chăm Mỹ Sơn cũng xuất hiện một tác phẩm bằng sa thạch thể hiện nữ thần Uma có 10 cánh tay xòe ra hai bên, trên mỗi tay cầm một loại vũ khí của các vị thần ban tặng như đinh ba, cung, tên, đĩa tròn, tù và bằng vỏ ốc...; trên đầu đội mukuta 3 tầng hình chóp, thân trên để trần, thân dưới mặc một sampot ngắn gồm 2 lớp; nữ thần đứng khuỳnh chân. Bức chạm nầy đã bị mất phần dưới song vẫn hình dung được dường như bà đang múa mừng chiến thắng trên lưng con trâu quỷ. 

      Mahisa-Mardini là đề tài quan trọng trong thần thoại Ấn Độ, tuy nhiên không phải khu đền tháp Chăm nào cũng có hình tượng nầy, chỉ riêng Chiên Đàn là trường hợp đặc biệt, đã xuất hiện 2 bức tympan thể hiện nội dung Mahisa-Mardini, tuy vậy 2 bức phù điêu nầy không hoàn toàn giống nhau. Về bố cục thì vẫn nhân vật nữ thần ở giữa, mặt hướng chính diện, động tác của tay chân gần giống nhau, song bức tympan lớn được bổ sung hai nhân vật ở 2 bên khiến bố cục bức chạm chặt chẽ hơn. Con trâu ở tympan nhỏ có vẻ hiền lành, nằm quy phục; con trâu ở tympan lớn lại hung dữ, tuy bị đè bẹp nhưng vẫn cố ngóc dậy chống cự lại. Hai bức chạm cùng một đề tài nhưng thần thái nhân vật khác nhau làm cho mỗi bức chạm có nét độc đáo riêng. 

      Cùng với hàng trăm tác phẩm điêu khắc khác đã được tìm thấy tại Chiên Đàn, hai bức tympan Mahisa-Mardini nầy đã góp phần khẳng định tầm quan trọng của khu tháp Chiên Đàn trong nghệ thuật Chăm.

(15/10/2008)
 
 

 (c) Bản quyền 2008 thuộc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng
Giấy phép số: 138/GP-TTĐT của Cục QL PT, TH và TTĐT - Bộ Thông tin và Truyền thông
Địa chỉ: số 02, đường 2-9, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam
Điện thoại: (84-511) 3470114 * Fax: (84-511) 3574801
Email: chammuseum@gmail.com
Website: www.chammuseum.danang.vn