Tuổi Trẻ Cuối tuần

Chuyện cũ ở một lăng mộ đá

TTCT - Ở ngay giữa Hà Nội, danh hiệu di tích quốc gia được công nhận 50 năm trước cùng vẻ đẹp tinh tế của nghệ thuật kiến trúc đá cũng không cứu nổi khu lăng mộ đá của vị phó vương họ Hoàng - Hoàng Cao Khải, người mà công - tội đến nay vẫn còn nhiều tranh luận.

Toàn bộ sân trước lăng Hoàng Cao Khải bị biến thành nơi trông xe máy - Ảnh: H.Dương

Tìm đến khu lăng mộ đá của Hoàng Cao Khải, ở ngay giữa Hà Nội, hóa ra lại đầy khó khăn. Ấp Thái Hà thuở nào nay là chốn cửa nhà san sát, ngõ ngách chằng chịt.

“Lăng ai, tôi chẳng biết”

Hỏi thăm mãi mới tìm được đường vào khu lăng mộ, nay nằm ẩn khuất trong con ngõ 252 Tây Sơn, quận Đống Đa. Chen qua một khu chợ cóc đông đúc mới thấy một chiếc cổng sắt, trong sân dựng hàng chục xe máy. Bà bán chè ngay cạnh xác nhận: “Đây đúng là lăng đá, nhưng lăng của ai tôi chẳng biết, sân ấy để trông xe từ lâu rồi. Anh muốn vào lăng phải tìm ông Năm, tổ trưởng tổ bảo vệ cụm dân cư số 9 lấy chìa khóa...”.

Một tấm bảng đề “Trụ sở tuần tra nhân dân cụm 9” của Công an phường Trung Liệt treo chính diện lăng. Vừa mở cửa lăng, ông Năm - người giữ chìa khóa - vừa giải thích: “Nếu chúng tôi không làm trụ sở tuần tra an ninh nhân dân ở đây thì lăng đá này đã bị phá nát hoặc người dân đến chiếm dụng làm nơi ở từ lâu rồi”. Những bức tường gạch đã bịt kín không gian xung quanh lăng cũ ngày xưa toàn là cột đá.

Ông Năm bảo trước đây lăng có hàng tượng đá, voi đá phía trước rất uy nghi, nhưng nay chỉ còn lại ba pho tượng mà tượng nào cũng sứt đầu, mẻ tai, chân bị chôn gần hết vì nền sân đã nhiều lần được nâng cao.

Mộ ông Hoàng Cao Khải bên trái và người vợ Phạm Thị Tố bên phải được che kín bằng một tấm ván gỗ to, mỏng. Cánh cổng dẫn xuống hồ Tẩm Nguyệt ngày trước cũng đã bị khóa. Ông Lê Quang Tịnh, 74 tuổi, sống trong ngôi nhà ngay đằng sau lăng đã mấy chục năm nay, ngậm ngùi: “Người đời kết tội Hoàng Cao Khải chuyện đó tôi không bàn, nhưng vì thế mà quên đi nét đẹp của khu lăng mộ này thì thật không đúng. Đây là công sức, là thành quả của những người dân lao động, những người thợ đá tạo dựng nên, bởi thế nó mang giá trị văn hóa đáng được trân trọng và bảo tồn”.

Ông Tịnh bảo rất nhiều người sống quanh đây đã lâu mà cũng không biết rằng khu lăng mộ này đã được xếp hạng di tích quốc gia (năm 1962).

Phía bên phải lăng mộ Hoàng Cao Khải là một lăng đá khác cũng rất đồ sộ. Đây chính là lăng Hoàng Trọng Phu (con của Hoàng Cao Khải), nay thành nơi trú ngụ của 2-3 gia đình, phía trước là một hàng bán thịt heo. Một người đàn ông sống ở đây nói: “Lăng này làm gì có mộ thật, nếu mộ thật thì chúng tôi chẳng dám ở”. Nhưng khi đi vào phía trong tôi thấy ngay một ngôi mộ to giữa một căn phòng nay đã bị biến thành phòng ngủ.

Ngôi mộ được phủ kín bằng một tấm vải. Khu vực thờ tự cũng đã bị ngăn bằng một cánh cửa gỗ mỏng. Chúng tôi đã phải lách máy ảnh qua lỗ thủng để chụp lại tấm bia đá cổ và khu bàn đá thờ tự phía trong, nay là một phòng ngủ với giường, bàn ghế chất đầy đồ dùng cá nhân. 

Khu mộ Hoàng Trọng Phu biến thành phòng ngủ - Ảnh: H.Dương

Công trình đá bậc nhất Kinh Kỳ

Quần thể lăng mộ Hoàng Cao Khải vốn rộng tới 17ha, bao gồm 14 công trình kiến trúc lớn nhỏ như lăng Hoàng Cao Khải, lăng Hoàng Trọng Phu, đồi Nghinh Phong, hồ Tẩm Nguyệt, khu đền thờ họ Hoàng... nằm rải rác ở khu vực phía tây của gò Đống Đa. Khu lăng mộ đá này được xây dựng năm 1893. Các nhà sử học Việt Nam từng đánh giá đây là công trình đá đồ sộ thứ hai, chỉ sau Thành nhà Hồ. Còn giới nghiên cứu lịch sử người Pháp cho đây là một trong những công trình đỉnh cao của kiến trúc đá phương Đông.

Lăng Hoàng Cao Khải được xây dựng theo kiểu chữ “Đinh”, dài 8m, cao 6m, toàn bộ công trình đều bằng đá cẩm thạch trắng được chạm khắc tinh xảo. Đá xây dựng lăng được chở về từ phủ Quốc Oai (Hà Tây cũ) và qua bàn tay chế tác của các hiệp thợ nổi tiếng quanh vùng núi An Hoạch (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Các cột, trụ, xà, bẩy, cửa võng, diềm, tường, nền đều bằng đá và được chạm trổ trau chuốt.

Họa tiết chủ yếu được chạm khắc trên đá là hoa sen, lá thông, đầu rồng đặc trưng của thời Nguyễn đầy uy lực. Sự hoàn mỹ và nét tinh xảo trong kiến trúc thể hiện rất rõ ở ngay những đường nét và góc cạnh nhỏ nhất. Đôi rồng đá ngự trước cửa lăng dù đã bị thời gian xô lệch, hư hại nhiều chỗ nhưng vẫn giữ được được vẻ đẹp uy nghi của một tác phẩm nghệ thuật hiếm có ở đất kinh kỳ.

Lăng Hoàng Trọng Phu xây sau lăng cha mình lại có quy mô đồ sộ hơn. Toàn bộ mặt cắt ngang của lăng dài 15m, được chia làm nhiều khu nhỏ. Bên ngoài là một gian nhà đá với mái lục giác, hoa văn cầu kỳ, cao trên 7m tính từ nền, bị chiếm dụng làm nơi ở từ lâu nên màu xanh của đá đã biến thành màu đen do khói than, củi. Ngày 25-11-1945, trong sắc lệnh bảo vệ di tích, cổ vật, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương giữ nguyên hiện trạng khu ấp Thái Hà, trong đó có khu lăng gia đình Hoàng Cao Khải.

Trong quyết định xếp hạng di tích ngày 28-4-1962 của Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) cũng đánh giá: “Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương”.

“Hoàng Cao Khải với những việc làm trong quá khứ đã chịu sự khinh rẻ của người đời. Nhưng nghệ thuật được thể hiện ở khu quần thể lăng đá này là nghệ thuật của dân tộc, cần phải phân định rạch ròi như vậy” - trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống, GS Trần Lâm Biền bày tỏ quan điểm.

Còn PGS.TS Phạm Xanh, chủ nhiệm bộ môn lịch sử Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, người đã có nhiều công trình nghiên cứu lịch sử cận - hiện đại, cho rằng: “Về mặt văn hóa, Hoàng Cao Khải cũng có một số đóng góp cho đất nước. Mới đây, người ta đã phát hiện được một cuốn sách lịch sử mà Hoàng Cao Khải viết cùng với văn thơ của ông. Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải là một dấu tích quá khứ, cần được tôn trọng”.

Năm này qua năm khác, quần thể di tích này vẫn đang chịu sự hủy hoại của cả thời gian và bàn tay con người. Cũng như không ít di tích khác, số phận của nó sẽ là đổ nát và biến mất?

HẢI DƯƠNG - NGUYỄN TÂM

Mộ Hoàng Cao Khải được che bằng tấm ván gỗ lớn - Ảnh: H.Dương

Hoàng Cao Khải (1850-1933), nguyên danh là Hoàng Văn Khải, quê làng Đông Thái, thuộc xã Tùng Ảnh, huyện La Sơn (nay là Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Ông đỗ cử nhân năm Tự Đức thứ 21 (1868). Ông là nhà văn, nhà sử học và là đại thần dưới triều vua Thành Thái. Khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta, Hoàng Cao Khải cùng với Nguyễn Thân là hai người được Pháp rất tin dùng. Chính vì thế người đời coi ông là “tội nhân” lịch sử: “Hỏi ai bán nước buôn dân - Ấy Hoàng Cao Khải - Nguyễn Thân một phường”.

Tuy nhiên, thời gian gần đây có khá nhiều ý kiến đánh giá lại Hoàng Cao Khải. Đáng chú ý là quan điểm của nhà sử học, PGS.TS Chương Thâu, khi ông cho rằng những “bia miệng” giáng xuống Hoàng Cao Khải “hơi nặng nề so với “tội trạng” thực của ông”.

Bên trong khu lăng mộ Franco - Ảnh: Wikimedia.org

Francisco Franco (1892-1975) là nhà lãnh đạo độc tài Tây Ban Nha trong gần 40 năm từ 1936 cho đến khi ông qua đời. Franco là nhân vật gây rất nhiều tranh cãi, chia rẽ đất nước Tây Ban Nha và trong mắt nhiều người, ông là một nhà độc tài tàn bạo.

Sau khi ông qua đời, rất nhiều bức tượng ông được dựng lên khắp Tây Ban Nha đã bị dỡ bỏ, những con đường đặt theo tên Franco cũng phải đổi tên. Tuy nhiên, khu lăng mộ chôn cất ông ở Valle de los Caidos, một khu tưởng niệm lớn dành cho các nạn nhân của cuộc nội chiến Tây Ban Nha do chính ông thiết kế, vẫn nhận được sự hỗ trợ kinh phí tích cực từ nhà nước và trở thành một điểm du lịch, tham quan lịch sử khá nổi tiếng ở Tây Ban Nha.

Khu lăng mộ thuộc quyền cai quản trực tiếp của Hội đồng di sản quốc gia Tây Ban Nha, mãi cho đến khi buộc phải đóng cửa vì sức ép chính trị vào năm 2010, nhưng các di sản bên trong vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.

HẢI MINH

Chia sẻ:
http://tuoitre.vn/Images/bookmark/facebook_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/yahoo.jpg http://tuoitre.vn/Images/bookmark/twitter_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/google_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/myspace_48.png
Ý kiến của bạn
Các tin bài khác