Lễ hội nấu cơm thi ở làng Thị Cấm, Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội.

(ĐHVH)- Là một quốc gia có nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời, trong tiến trình phát triển của lịch sử lại phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ đất nước nên trong dịp lễ hội của một số làng quê ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam thường có tổ chức thổi cơm thi gắn với các sinh hoạt làng xã cũng như các hoạt động quân sự có liên quan. Thi nấu cơm ở từng nơi có những luật lệ, nét đặc trưng riêng như nấu cơm trên thuyền, vừa nấu cơm vừa trông trẻ hoặc vừa di chuyển vừa nấu cơm.v.v… nhằm tìm ra những người khéo đảm thỏa mãn các mục đích khác nhau của người tổ chức đồng thời tạo ra những nét văn hóa đặc sắc riêng của các vùng quê.


                           Sân Đình-nơi tổ chức Hội thi

Nằm sát trung tâm thủ đô Hà Nội, đã thành lệ tục lâu đời cứ đến ngày mồng 8 tháng Giêng hàng năm, dân làng Thị Cấm (xã Xuân Phương - Từ Liêm; Hà Nội) lại mở hội nấu cơm thi thể hiện tài khéo léo, đảm đang nơi miền thôn dã. Thành Hoàng của làng là Phan Tây Nhạc, theo truyền thuyết Ngài là bộ tướng của Tản Viên sơn thánh đời Hùng Vương thứ 18 thống lĩnh quân đội đi đánh giặc. Khi dẫn quân qua làng, dân làng Thị Cấm đã tổ chức nấu cơm để khao quân. Do thời gian gấp gáp, quân số lại đông chưa chuẩn bị kịp đầy đủ gạo nước khao quân nên dân làng đã tập trung mang thóc ra giã thành gạo, ra sông Nhuệ lấy nước và kéo giang tre ra lửa để nấu cơm. Cũng có thông tin khác cho rằng: Tương truyền từ thời Hùng Vương thứ 18, có đôi vợ chồng tướng tiên phong là Phan Tây Nhạc và Hoa Dung công chúa trẩy quân qua làng đi dẹp giặc. Nhiều người dân trong làng xin đi theo, vợ chồng tướng quân bèn mở cuộc thi thổi cơm để chọn người nuôi quân giỏi tuyển vào phục vụ quân ngũ. Sau khi vợ chồng tướng quân mất được làng thờ làm Thành hoàng và hàng năm đến ngày 8 tháng Giêng làng mở hội thổi cơm thi để nhắc nhở tích xưa, nhớ lại dịp Ngài hành binh qua làng đánh giặc đem lại cho dân có cuộc sống yên bình.


                                       Kiểm tra mồi lửa

Cuộc thi nấu cơm chia làm 3 công đoạn tách rời nhau: thi lấy nước, thi kéo lửa và thi nấu cơm. Trên sân đình là 4 đội thổi cơm thi trước đây đại diện cho 4 giáp, nay là 4 đội đại diện cho dân hai xóm 8 và xóm 9 của thôn. Mỗi đội thi nấu cơm có hơn 10 người nam nữ với một sự phân công chặt chẽ. Một cậu bé chạy lấy nước, 4 người kéo lửa, 4 người giã thóc thành gạo, một người sàng dần cho gạo sạch trấu và vài ba người nấu cơm. Trong lất phất mưa bay đầu Xuân, trong tiếng hát Quan họ và các trò chơi dân gian diễn ra rất sôi nổi trong và xung quanh khu vực sân đình. Mùi thơm của rơm bén lửa, khói bay ngào ngạt và mùi gạo được giã, sàng, dần ngay bên bếp. Chiếc nồi đồng nhỏ kiểu cổ trên kiềng đang reo tiếng nước sôi chờ gạo. Nước nấu cơm trước đây được lấy từ dòng sông Nhuệ ở trước cửa đình, cách xa đình khoảng gần 1 cây số, còn bây giờ Ban tổ chức quyết định cho lấy nước từ giếng đình trong sạch và linh thiêng để thổi cơm thi cúng Thành Hoàng làng. Thành viên đi lấy nước là 4 cậu bé khoảng 12-15 tuổi đại diện cho 4 đội chạy đi lấy nước cầm về một bình đồng nhỏ như nậm rượu, đựng đầy nước. Ban giám khảo có tổ chức chấm giải lấy nước nhanh. Bên cạnh giải lấy nước còn có giải kéo lửa. Việc lấy lửa rất độc đáo đúng như truyền thống từ xưa. Lửa phải được kéo do ma sát từ bùi nhùi rơm nếp chà với ống giang khô. Tuyệt đối cấm dùng diêm hay bật lửa, nếu ai dùng mẹo ăn gian để lấy lửa thì cả đội phải bị phạt và mất quyền dự thi. Ngay từ trong năm, người ta cũng đã phải chọn những ống giang già chẻ ra gác lên bếp cho khô mà vẫn giữ được độ cứng dẻo, sắc cạnh để khi cọ sát mạnh vào nhau sẽ phát ra lửa. Ngoài ra phải chuẩn bị bùi nhùi cho thật khô, tơi, xốp, dễ bén lửa để bắt vào nùn rơm đi kèm.


                                  Chầy và Cối để giã thóc

Những người giã thóc, giần, sàng, nấu cơm thường phải nhanh nhẹn khéo tay và phải chuẩn bị thóc, rơm từ vụ mùa, phải chọn các loại thóc tốt, khi giã không bị vỡ nát, nấu cơm dẻo thơm chóng chín để nhanh được giải, đồng thời để dâng cúng Thánh đảm bảo sự tôn kính. Trong đình đã cất sẵn các cối đá và những chiếc chầy giã dài, được giữ gìn chu đáo suốt năm để phục vụ kỳ lễ hội. Những người dự thi của các đội còn mặc những bộ quần áo truyền thống, thắt lưng màu xanh, đỏ, tím, vàng để phân biệt đội của các giáp. Để giúp vui, tạo không khí cho hội thi có phường bát âm tấu nhạc, đánh trống chiêng và loa phóng thanh vang vang những vần thơ, câu hát ca ngợi về tục giữ lửa của con người, về những nét văn hóa đặc sắc trong nền văn minh nông nghiệp liên quan đến cây lúa và hạt gạo của người dân Việt Nam.


                                  Kiểm tra việc lấy lửa

Cuộc thi chia làm ba công đoạn:

1. Thi chạy lấy nước: Cậu bé của các đội đại diện cho các giáp xuất phát từ khu vực đình phải chạy về phía khu vực bờ sông Nhuệ. Ở đó có sẵn bốn chiếc be bằng đồng mà hàng giáp trước đó đã đổ đầy nước để đợi người chạy đến mang về thổi cơm. Ai lấy được be nước trở về nơi xuất phát trước tiên thì người đó được giải nhất.

2. Thi kéo lửa: Đội thi của mỗi giáp cử bốn người tham gia kéo lửa. Dụng cụ gồm các thanh tre già và thanh giang già. Một nắm rơm vò nát làm bùi nhùi. Để kéo ra lửa, người ta lấy hai thanh giang kẹp vào bùi nhùi, dùng hai thanh tre ốp một mảnh trên và một mảnh dưới, giữ chắc hai đầu rồi hai người kéo co thật nhanh, mạnh cho cật giang cọ sát vào cật tre nhiều lần phát sinh ra lửa. Khi có khói lên thì dừng lại và thổi lửa bùng lên, chuyển lửa đó sang vị trí nấu cơm. Đội của giáp nào kéo được lửa trước thì được giải nhất về công đoạn kéo lửa. Sự phấn khích hiếm thấy hiện trên nét mặt của những người dự thi. Ai ai cũng thể hiện sự nhanh nhẹn và khéo léo khiến hội thi có sức cuốn hút với tất cả mọi người dân trong làng cũng như những du khách dự hội. Công đoạn này có thể là diễn tả lại nỗi vất vả của người xưa trong việc tìm lửa thô sơ trước đây đồng thời làm sống lại không khí buổi hồng hoang khi con người mới tìm ra lửa phục vụ cho cuộc sống của mình.

3. Thi thổi cơm: Có ba công đoạn liên hoàn như sau: Giã thóc, sàng để tách thóc, trấu, cám riêng ra lấy gạo nấu cơm; Nấu cơm; Giấu và ủ cơm trên sân đình.

Tiêu chuẩn đạt giải: Cơm chín dẻo và trắng, không có lẫn hạt thóc, sạn, hạt cơm không bị đớn và sượng. Trong khi bộ phận giã và nấu cơm, những người khác đốt rất nhiều đống rơm to nhỏ khác nhau trên sân đình để tạo không khí khói bụi mù mịt để nghi binh, dễ cất giấu cơm sau đó. Sau khi cơm cạn, người ta dùng tro rơm đượm than nóng vùi kín nồi để cơm chín đều. Để kéo dài thời gian cho cơm chín nục, người phụ trách nồi cơm đốt vun nhiều đống tro rơm buộc người chấm phải mất công tìm kiếm. Thời gian dành cho quá trình thi thổi cơm kéo dài khoảng gần một giờ đồng hồ. Sau đó các cụ trong Ban tổ chức sẽ gõ trống và đi tìm các nồi cơm trong các đống tro than rơm trên sân đình. Đây là giai đoạn rất vui và cực kỳ náo nhiệt trên sân. Sau khi đã tìm thấy toàn bộ 4 nồi cơm của 4 đội, các cụ trong ban Khánh tiết sẽ chấm điểm nồi cơm đạt giải nhất và dâng mâm cơm của 4 giáp vào cửa Thánh.


                                Gõ trống tìm cơm


Sản phẩm đoạt giải của cuộc nấu cơm thi được coi là vật phẩm quý giá để dâng cúng, tạ ơn thần linh, cầu cho mùa màng bội thu, nhân khang, vật thịnh. Kết thúc phần thổi cơm thi là việc công bố và trao giải cho các đội. Trong khi diễn ra cuộc thi, người lớn lẫn trẻ em hò reo vui vẻ trong tiếng thơ, tiếng nhạc, thanh âm rộn rã, không khí náo nhiệt, tưng bừng.

Trò thổi cơm thi phản ánh đậm nét đời sống lao động của cư dân trồng lúa ở Việt Nam. Nó không chỉ là một trò chơi giải trí đơn thuần trong dịp lễ hội mà thổi cơm thi còn là một trò diễn nhằm thể hiện lòng quý trọng lúa gạo, quí trọng mồ hôi, công sức của con người một nắng hai sương làm ra hạt gạo, đồng thời trau dồi, truyền thụ những thao tác chế biến một sản phẩm nông nghiệp quan trọng bậc nhất do chính bàn tay người nông dân làm ra.

Có thể nói, nếu chỉ nghe hội thổi cơm thi mà không trực tiếp tham dự cuộc thi thì không thể thấy được từng công đoạn và sự hấp dẫn của lễ hội. Mùi rơm thơm phức, không khí tưng bừng náo nhiệt, sự gay cấn, quyết tâm trong từng người, từng đội tạo nên sức hút, sức hấp dẫn với tất cả người dân của một vùng quê đang cùng đất nước trong quá trình Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa. Không khí lễ hội làm cho người dự hội cũng nôn nao nhớ gốc gác lúa ngô của cha ông mình, để tự hỏi sao mà đầm ấm thân thương đến vậy. Hội thi nấu cơm ở làng Thị Cấm do người dân tự tổ chức với nhau, chính vì vậy mà nó giữ nguyên vẹn được không khí náo nức hội hè và tính chất cộng cảm, cộng mệnh ở làng xã cổ truyền. Một hội thi mang giá trị văn hoá, nhân văn cao cả, không hề nhuốm màu mê tín như vậy rất cần được phổ biến. Lễ hội thổi cơm thi sẽ không chỉ còn là niềm tự hào riêng của người dân Thị Cấm mà còn của tất cả chúng ta. Các cấp, các ngành hữu quan và tất cả những ai quan tâm cần phải biến đây thành một một địa chỉ, một điểm đến tuyệt vời cho du khách,  thêm một sản phẩm du lịch sáng giá của du lịch Việt Nam trong quá trình khai thác các giá trị tiềm ẩn của văn hóa – văn minh nông nghiệp lúa nước Việt Nam trong tiến trình hội nhập.


                                       Một số hình ảnh về Hội thi


                                             Ban nhạc cổ vũ Hội thi


                                     Bình nước và niêu nấu cơm


                                Kiểm tra niêu cơm trước khi thi


                                            Công đoạn lấy lửa


                                          Quan họ cổ vũ Hội thi


                                             Chung tay nấu cơm


                                   Đã tìm đủ 4 niêu cơm của 4 đội thi


                             Ban giám khảo kiểm định chất lượng


                                              Cơm dâng Thánh

Bài và ảnh: Dương Văn Sáu - Đỗ Mạnh Hà
Admin 2.



 
 

Lượt xem: 21538

Lên đầu trang

Tiêu điểm
Xem nhiều
Tra cứu điểm thi 2014
Nhập số báo danh
Tra cứu
Loading
Tuyển sinh 2014 TRA CỨU OPAC TRA CỨU OPAC
Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang truy cập : 1267
Lượt truy cập : 19394335
Locations of visitors to this page
 
Trường Đại học Văn Hoá Hà Nội - Hanoi University Of Culture
Địa chỉ: 418 Đường La Thành - Quận Đống Đa - Hà Nội - Việt Nam
Tel:(84-4)38511971 * Fax:(84-4)35141629 * Email daihocvanhoahanoi@huc.edu.vn 

bao phu nu, bao moi,