RSS

CHÙA VĨNH NGHIÊM – BẮC GIANG

01 Th7

Còn gọi là chùa Đức La vì là ở xã Đức La, nằm trên quả đồi thấp ven bờ sông Thương, nay thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, cách tỉnh lỵ Bắc Giang 18 km.

Theo truyền thuyết địa phương, chùa Vĩnh Nghiêm có từ đầu thời Lý, nhưng cho đến đầu đời Trần vẫn chưa có gì nổi tiếng.

Có lẽ phải qua cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên nhà Trần đã nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của vùng đất Lục Đầu trong cả sự nghiệp giữ nước và sự nghiệp dựng nước. Vua Trần Nhân Tông sau khi đã lãnh đạo nhân dân bảo vệ chắc chắn nền độc lập của Tổ quốc, ông mới có điều kiện đi sâu vào nghiên cứu Phật giáo mà từ nhỏ đã nuôi chí hướng tu hành. Năm 1293 nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, trở thành Thái Thượng Hoàng vừa cố vấn cho nhà vua vừa xuất gia và đã tu hành ở chùa Vĩnh Nghiêm, đi nhiều nơi tìm hiểu các đền miếu và muốn thống nhất các dòng Phật giáo đã có, để xây dựng dòng Trúc Lâm riêng của Việt Nam. Chùa Vĩnh Nghiêm đã trở thành nơi kiết hạ hàng năm.

Gần đó là núi Yên Tử có chùa Ngoạ Vân do sư Hiện Quang trụ trì, nhưng khi Hiện Quang mất thì ở đây không còn người nổi tiếng nữa. Do Yên Tử là quê hương nhà Trần và đã có cơ sở do vua Trần Thái Tông xây dựng, năm 1299 dòng Trúc Lâm chuyển về đây. Cũng năm này, nhà nước công bố sách “Phật giáo pháp sự, đạo tràng tân văn, công văn cách thức” in phát cho cả nước để thống nhất cách hành đạo. Đi tu, Trần Nhân Tông lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, trong một dịp nhàn du cầu đạo đã thu nhận đệ tử là Kiên Cương và đặt cho pháp hiệu là Pháp Loa. Năm 1308, Hương Vân mất, được Pháp Loa làm lễ hoả táng, thu Xá lỵ rước về Đức Lăng và xây tháp mộ ở núi Yên Tử, dâng tôn hiệu là “Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật” được coi là Trúc Lâm đệ nhất tổ.

Pháp Loa vốn là người thông minh rất mộ đạo Phật, sau khi được ngài Hương Vân truyền pháp đã đi khắp nơi thuyết pháp, giảng bộ sách “Thiền Uyển Truyền Đăng Lục”. Sau khi xong việc tang ngài Hương Vân, Pháp Loa phụng chiếu trở về chùa Vĩnh Nghiêm trụ trì. Ông đã xây dựng nơi đây thành trung tâm Phật giáo, đào tạo Tăng đồ và xếp đặt Tăng chức, chỉ đạo các chùa trong cả nước. Pháp Loa đúc 1.300 pho tượng, được đặc trách định Tăng đồ, đã có hơn 15.000 đệ tử Tăng ni, trong đó có hơn 3.000 đắc pháp. Lại soạn các sách “Đoạn Sách Lục, Tham Thiền, Yếu Chỉ. Một lần Trạng nguyên Lý Đạo Tái hộ giá đến chùa Vĩnh Nghiêm, được nghe Pháp Loa giảng kinh, bất giác tỉnh ngộ, xin vua cho xuất gia. Được vua ưng thuận, ông đến chùa Vĩnh Nghiêm thụ giới, được Pháp Loa đặt hiệu là Huyền Quang, Pháp Loa sau khi truyền đạo cho Huyền Quang năm 1330 đã sang chùa Quỳnh Lâm trụ trì, mới vài tháng thì mất, được phong là “Tĩnh Chi Tôn Giả”, làm Trúc Lâm đệ nhị tổ.

Huyền Quang ở chùa Vĩnh Nghiêm, thường cùng Hương Vân và Pháp Loa đi thuyết pháp khắp trong nước, ông có nhiều Tăng ni theo học, đã tổ chức in kinh phân phát cho người nghèo, còn soạn các bộ sách lớn: Chư Phẩm Kinh, Công Văn Tập. Ông mất năm 1334, được ban hiệu là “Trúc Lâm Đệ Tam Đại Tự Pháp Huyền Quang Tôn Giả” tức Tổ thứ ba của dòng Trúc Lâm.

Như thế là cả ba vị tổ Trúc Lâm đều lấy chùa Vĩnh Nghiêm là trung tâm giảng đạo. Và hiện nay, ở chùa Vĩnh Nghiêm, trong nhà tổ đệ nhất còn đủ ba tượng Trúc Lâm tam tổ: trong khám là tượng Trần Nhân Tông, bên ngoài là tượng Pháp Loa và tượng Huyền Quang, nhưng cả ba pho đều là do người đời sau tạc.

Trong một địa bàn không xa nhau lắm, các chùa trên núi Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm đã được nhiều người biết đến do tác động của công tác tuyên truyền. Nhưng trước khi các ngài Hương Vân đến Yên Tử, Pháp Loa đến Quỳnh Lâm, thì đều đã trụ trì ở chùa Vĩnh Nghiêm. Nơi đây đã là đất tổ của đạo Phật thời Trần, đào tạo rất nhiều Tăng đồ, nhà tàng thư rộng hơn 10 gian chứa các ván in kinh mà dù mất mát nay vẫn còn 2 kệ thuộc các bộ kinh quí: Hoa Nghiêm Sớ, Di Đà Sớ Sao, Đại Thừa Chỉ Quán, Giới Kinh Ni, Sa Di Kinh… Do vị trí đặc biệt ấy, ca dao trong vùng có câu:

“Ai qua Yên Tử – Quỳnh Lâm

Vĩnh Nghiêm chưa đến, thiền tâm chưa đành”

Một tấm bia chùa dựng năm 1394 cho biết quy mô chùa Vĩnh Nghiêm đời Trần: “Ðức tổ Điều Ngự (tức Trần Nhân Tông) khi mở Tùng lâm này (tức chùa Vĩnh Nghiêm), mở cả chợ chùa. Các vị vương thân quốc thích và khách thập phương đã phát tâm tậu nhiều ruộng cúng cho chùa, gồm cả ruộng trong xã và ruộng ở các hạt khác nữa”.

Sang thời Lê sơ, ngay trong lúc nhà nước cấm lập chùa mới và hạn chế tu sửa chùa cũ, khoảng niên hiệu Diên Ninh (1454-1459) có nhà sư tên Chí Tôn Thượng Sĩ tu ở đây và mở mang cảnh chùa. Rồi tiếp theo, khoảng niên hiệu Quang Hưng (1578-1599) có hai vị cư sĩ Nguyễn Tự Nhiên và Nguyễn Phúc Mạnh cùng trùng tu chùa. Một tấm bia dựng năm Hoằng Định 7 (1606) cũng nói về việc tu sửa chùa thời gian này. Nhưng đến năm Cảnh Hưng 10 (1749) chùa Vĩnh Nghiêm bị hư hỏng nặng, sau có ni sư Vũ Thị Lương trùng tu. Sang thế kỷ XIX, nhiều cao tăng đại đức đã trụ trì ở chùa Vĩnh Nghiêm, trong đó có Hoà thượng Lâm Tế Chính Tông năm Minh Mạng 11 (1830) được triều đình Huế tặng phong là Giới Đạo Độ Điệp Lâm Tế Chính Tông Kim Mã Hoà Thượng. Rồi đầu thế kỷ XX, khoảng những năm 30, Hoà thượng Thích Thanh Hanh trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm là vị sư có uy tín lớn đối với Phật giáo Bắc kỳ. Tiếp sau đó Hoà thượng Tứ đã cho phép dùng chùa Vĩnh Nghiêm làm nơi huấn luyện cán bộ Việt Minh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hoà thượng Thích Quảng Duyệt ở đây đã trực tiếp tổ chức chèo đò đưa cán bộ qua sông. Chùa Vĩnh Nghiêm từng là đại tùng lâm, nhiều thế hệ cao tăng, sư ni nối tiếp nhau trụ trì và tu sửa, nhưng có lẽ sau lần xiêu đổ cuối thế kỷ XVII đã phá nát cảnh chùa, các lần trùng tu sau đó ở thế kỷ XIX đã phải làm mới hoàn toàn, chỉ giữ lại một ít bộ phận kiến trúc cũ còn tốt để dùng lại. Vì thế, ngôi chùa Vĩnh Nghiêm hiện tại có cơ bản là thuộc lần làm lại ở thời Nguyễn.

Diện tích cả khu chùa rộng chừng 1 vạn mét vuông. Mở đầu là cổng tam quan xây gạch, sau đó đi vào hơn 100 m là chùa Hộ. Đường vào chùa Hộ, vốn xưa được trồng thông để chùa thành chốn tùng lâm hữu tình. Ngay trên sân chùa đã gặp một tấm bia to, 6 mặt, dựng từ năm 1606 là dấu vết lâu đời nhất của chùa hiện còn. Đối diện với tấm bia cổ là vườn tháp mộ của 5 vị sư, đều xây sau này.

Từ chùa Hộ trở vào, các khối kiến trúc nối tiếp nhau xây trên trục chính theo hướng đông nam, phân tách bằng một sân hẹp. Có 4 khối: chùa Phật (các nhà Tiền đường tức chùa Hộ, Thiên hương và Thượng điện) hình chữ “công” nhà tổ đệ nhất cũng hình chữ “công” – gác chuông hai tầng tám mái – nhà Tổ đệ nhị và nhà Trai kiểu chuôi vồ. Lấy sân làm cốt 00 tức mặt bằng gốc, ba khối kiến trúc sau đều có nền cao 30cm, nền chùa Phật cao gấp đôi, ở nhà tiền đường và các nếp sau lại cao hơn nữa. Trước đây, hai bên còn có các dãy nhà Tả vu và Hữu vu, mỗi dãy 18 gian rộng rãi là nơi hàng năm các sư về an cư kiết hạ, ngoài ra còn có các kiến trúc phụ phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Trong sân chùa có những cây ăn quả lưu niên để lấy bóng mát và cùng với các nếp nhà tạo ra cả một phong cảnh kiến trúc thanh nhã. Bao quanh tất cả khuôn viên là luỹ tre dày đặc.

Cả bốn khối kiến trúc trên đều theo kết cấu khung gỗ cổ truyền, nhưng từ khối nhà tổ đệ nhất về sau đã có thêm một số cột gạch và tường gạch hỗ trợ chịu lực. Ngay các thành phần kiến trúc gỗ, trừ bốn cột chính nhà thượng điện to lớn lực lưỡng là dùng lại của thời Lê, còn lại đều thanh thoát mà vẫn đảm bảo chiều dài và độ cao cần thiết, là thuộc thời Nguyễn. Toàn bộ cảnh chùa có độ cao thấp khác nhau, có sự giãn cách cũng khác nhau, tạo ra một nhịp điệu phong phú, song nói chung như nhiều kiến trúc cổ truyền, nó không vươn cao đột ngột mà có xu hướng dàn trải, kéo dài theo chiều sâu để luôn gây bất ngờ cho du khách.

Kiến trúc chùa ít được chạm khắc trang trí, nhưng sự “thanh bạch” ấy lại là cái nền để làm nổi bật hệ thống ba lớp cửa võng ở nhà thiêu hương đều chạm trổ hoa lá và chim sóc cầu kỳ, lại phủ lên lớp sơn son thếp vàng lộng lẫy và phía trên là những bức hoành phi đại tự “Tam Giới Đại Sư”, “ Pháp Vương Vô Thượng”, “ A Di Đà Phật”.

Trong chùa có vô vàn tượng pháp, có một Phật điện đông đúc với đủ loại tượng, lại có tượng chân dung các vị Tổ dòng Trúc Lâm và các vị Hoà thượng chân tu sau này. Có tượng Hộ pháp rất to, cũng có tượng La Hán nhỏ bé, nhưng nói chung tượng ở chùa Vĩnh Nghiêm có qui mô lớn, sơn cánh gián trang nghiêm, được tạo dáng theo quy pháp của lối tạo tượng được kinh Phật quy định. Những tượng ở đây đều thuộc đời Nguyễn.

Trong số những đồ thờ tự ở đây, nổi lên chiếc mõ nhà sư dùng trong khi tụng kinh mà hiếm thấy ở các chùa khác: mõ dài gần nửa mét, được sơn đen bóng, lỗ thoát âm có đề hai dòng chữ Phạn. Một số cây đèn gỗ và bát nhang có kích thước lớn cũng là những di vật quí

Tự hào về dòng thiền Trúc Lâm với tinh thần nhập thế tích cực, với tính chất dân tộc đặc sắc, chúng ta khong thể không hành hương về đất Tổ của dòng thiền này, tìm được chiều sâu lịch sử với sự phát triển liên tục và một bộ mặt được tô điểm ở ngay thời Nguyễn cũng như một tinh thần yêu nước đang được phát huy.

MỤC LỤC  – KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO

*MỤC LỤC – CÁC NGÔI CHÙA TẠI MIỀN BẮC

Advertisements
 

Nhãn: , , , , , , , , , , , , ,

Trả lời

Mời bạn điền thông tin vào ô dưới đây hoặc kích vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Log Out / Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Log Out / Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Log Out / Thay đổi )

Google+ photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Google+ Log Out / Thay đổi )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: