“Huyền sử" vườn cò
Nghe người dân sở tại kể lại, quãng năm 1980, bỗng đâu, ở xứ Long Bình xuất hiện hàng ngàn cánh cò lượn trắng cả bầu trời. Chúng đua nhau làm náo loạn cả thôn, xóm. Người già thì sợ "điềm gở", thanh niên trai tráng thì mừng, xách súng săn ra ngắm nghía. Đàn cò vẫn chao liệng, chúng đông đến mức khi bay thấp làm những hàng tre phải nghiêng ngả cúi rạp mình xuống. Nhưng vòng quanh mãi, chúng vẫn chưa tìm được nơi đậu. Bỗng, một phát súng nổ vang. Đàn cò bay dựng ngược lên trời hốt hoảng rồi vài phút sau lại sà xuống...
Có con cò bị thương rơi xuống vườn nhà của ông Mười Thỏ (Huỳnh Văn Thỏ). Lão nông này liền mang nó vào nhà vào chăm sóc, băng bó vết thương cho nó. Hơn một tuần sau, con cò bị thương đã lành lặn và ông thả nó trở về với đàn. Từ đó, đàn cò chiều nào cũng về nhà ông. Ban ngày, chúng đi ăn thật xa, khi hoàng hôn buông xuống, chúng lại gọi nhau vang cả góc trời để tìm về, sà vào nhũng hàng dừa, bạch đàn, phi lao nương náu sau một ngày kiếm ăn…
Nghe chúng tôi kể lại "huyền sử" về vườn cò do mình sở hữu được người dân "cổ tích hóa", ông Mười Thỏ cười khà khà: "Có lẽ, vì quý mến tui nên bà con mới "dựng" thành chuyện như thế. Thực ra, đất này do tui khai phá từ hồi sau 1975. Khi đó, chiến tranh, bom đạn của Mỹ cày nát hết, nhưng cả gia đình tui vẫn ở đây bám trụ trồng dừa, tre, bạch đàn… để lấy củi và tận dụng đất rừng trồng dừa nước, chủ yếu lấy lá lợp nhà... Không ngờ đám dừa nước và các loại cây phát triển xanh tốt, từng đàn cò cứ thế bay về trú ngụ…".
Nhưng, về mối thâm tình của mình với đàn cò thì ông Mười Thỏ không giấu giếm: "Mấy chục năm qua, biết bao niềm vui gắn bó giữa đàn cò với vợ chồng tui. Vẫn còn nhớ cái đêm đầu tiên đàn cò về trú ngụ trong vườn, bỗng nhiên vợ tui đau bụng dữ dội. Nhiều người bảo "chim sa cá lặn" là có điềm xấu, phải đuổi chúng đi hoặc bắt đem ra chợ bán cũng được bạc triệu chứ có ít đâu. Suy nghĩ mãi, tui vẫn lắc đầu vì không tin cái "điềm gở" kia là sự thật… Và rồi đúng như vậy. Lên viện, bác sỹ bảo vợ tui chỉ bị đau bụng do ngộ độc thức ăn, chỉ cần nằm viện đến sáng là có thể về nhà…".
Nhưng rồi, dù "điềm gở" không phải là sự thật thì ông Mười Thỏ cũng gặp khá nhiều rắc rối, phiền toái từ lũ cò bởi cái tin "vườn nhà ông Mười Thỏ đầy cò". Chẳng mấy chốc, cái tin nóng hổi ấy bay lên phố thị và rất nhiều thanh niên về Long Bình, đem theo súng hơi, súng ria nhằm thẳng hướng nhà ông mà tiến. Thế là, đêm đêm, cả nhà ông Mười Thỏ thường xuyên giật mình vì tiếng những con cò không may trúng phá đạn kêu những tiếng thảm thiết. Đến một buổi, chịu không thấu đám "cò tặc", gia đình ông Mười Thỏ quyết định rào vườn và quyết định, hằng đêm phải canh gác cẩn thận.
Một biện pháp nữa được ông thực hiện là tìm đến nhà những người bắn cò để vận động họ biết quý những gì thiên nhiên đem lại cho con người, phải chung tay bảo vệ đàn cò vì chúng là bạn của nhà nông, lại làm đẹp thêm hình ảnh quê hương. Ban đầu, rất nhiều ánh mắt nghi kị về lòng tốt cùa ông, họ bảo: "Chim trời, cá nước, ai bắt được thì ăn, phải gì của riêng ông mà cấm?".
Nhưng cũng có nhiều người nhận thức được và không bao giờ đánh bắt cò nữa. Riêng với ông, cũng từ thời điểm bấy giờ, chăm sóc đàn cò đã trở thành một nhu cầu rất tự nhiên. Qua đó, ông thuộc cả những tập tính của loài cò: Chẳng hạn, cò ruồi rất nhát, đi ăn từng đàn. Chúng bắt ruồi rất giỏi và khi về vườn thì chúng ngủ ở tầng thấp; Cò cá thì dạn dĩ, đi ăn một mình, nên dễ bị người ta bắn. Chúng thường ngủ ở bìa vườn. Cò quắm thường bay đi ăn sớm về muộn. Với thân mình cao to, cò quắm là đối tượng dễ bị săn bắt nhiều nhất…
Cũng từ đó, ý tưởng thành lập một khu du lịch sinh thái - vườn cò cũng được ông ấp ủ...
Xôn xao vườn cò
Khi chúng tôi quyết định xin "diện kiến" vườn cò "quý và hiếm" này, đồng hồ chỉ đã 4 giờ chiều. Lúc này, ông Mười Thỏ đã kết thúc buổi "tuần tra" khu du lịch sinh thái vườn cò. Nhưng sợ phiền chúng tôi đợi lâu, ông đưa hai tay lên dưới nắng chiều như muốn gọi đàn cò về sớm hơn thường lệ. "Túc... tu tu... Túc... tu tu... ", những âm thanh từ cổ họng ông phát ra nghe là lạ. Chưa đầy 20 phút, khoảng chừng một trăm con cò đã liệng cánh bay về. Chúng vòng qua đầu ông đến ba lần rồi đáp xuống vũng nước gần đó tắm rửa, đùa giỡn trước khi về ngủ. Tiếp theo đó, từng đàn cò lũ lượt bay về mỗi lúc một đông, có đến cả ngàn con. Ông Mười Thỏ quay sang chúng tôi bảo: "Đàn cò dù bay cao nhưng đôi chân vẫn đen! Đôi chân luôn ngấm đất ruộng đồng…".
Cái sự "thổn thức" của ông Mười Thỏ trước đàn cò lan sang cả chúng tôi. Như một người anh hùng trong cổ tích, ông đưa hai tay vẫy gọi đàn cò đang bay trắng cả bầu trời. Ông bảo, đi đâu, ông cũng nhớ chúng, cố chạy về cho kịp trước lúc trời tối, được nhìn chúng chao lượn trên đầu là lòng ông thanh thản lạ. Mỗi năm chỉ có vài tháng hạn, ruộng đồng nứt nẻ là đàn cò di cư, đợi mùa… Chiều nào ông cũng hướng về chân trời xa tìm những chấm trắng… Chả trách, đã có những lúc, vì sự mưu sinh của con cái, ông muốn phá vườn cò để lấy đất trồng lúa, trồng cây ăn trái để thu nhập khá hơn, nhưng cuối cùng lại thôi vì sợ đàn cò bỏ đi, chẳng mấy chốc sẽ bị người ta bắt sạch. "Thà nghèo thì chịu nghèo chứ dứt khoát tui không phá vườn cò" - Ông Mười Thỏ khẳng định như "đinh đóng cột".
Tôi biết, ông Mười Thỏ đã, đang và sẽ thực hiện đúng "lời hứa với thiên nhiên" này vì cùng với gia đình, ông còn được sự ủng hộ của tất thảy bà con, chòm xóm. Cách đây hơn 2 năm, có một công ty nước ngoài muốn mua đứt khu du lịch sinh thái này với giá hơn 3 tỷ đồng, nhưng ông Mười Thỏ vẫn từ chối. Đơn giản là vì ông sợ người ta phá bỏ nơi trú ngụ của những đàn cò…
Chiều nay, cả khu vườn bạc trắng cánh cò. Đúng là đất lành chim đậu. Những người từng được chứng kiến những mất mát của chiến tranh mới biết quý những giá trị do thiên nhiên đem lại. Ông Mười Thỏ bảo, nhìn đàn cò đang vỗ cánh giữa trời xanh, ông lại nhớ đến thời trai trẻ vô hạn. Con người, ai cũng cần một mái nhà yên ấm, hạnh phúc. Loài cò cũng vậy. Chúng cần một tổ ấm, tại sao mình không bảo vệ?
Hùng Bình