- Cập nhật lúc: Tháng Một 27, 2016 at 10:41 sáng
Nằm ở phía Đông TP Thanh Hóa, làng Nguyệt Viên (xã Hoằng Quang) được biết đến bởi truyền thống hiếu học bậc nhất xứ Thanh. Thời xa xưa, làng có 11 người đỗ khoa bảng được ghi danh ở Văn Miếu. Hiện nay, mỗi năm làng có hàng chục học sinh thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng trong cả nước.
Chúng tôi về làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang vào buổi chiều đông, cuối năm Ất Mùi. Kể từ khi cây cầu nối đôi bờ sông Mã được khánh thành, niềm vui của người dân nơi đây được nhân lên gấp bội khi đường từ làng vào TP Thanh Hóa được rút ngắn, vinh dự hơn là tên làng được chọn để đặt tên cho cây cầu.
Là một trong những ngôi làng có truyền thống hiếu học bậc nhất xứ Thanh, tự bao đời nay, các thế hệ học sinh, con cháu trong làng cứ nối tiếp ông cha, học hành tấn tới, nhiều người đỗ đạt, có bằng cấp cao, có địa vị trong xã hội.
Ông Cao Xuân Mạc, Chủ tịch Hội khuyến học xã Hoằng Quang không giấu được niềm tự hào khi kể chuyện về “làng khoa bảng” cho chúng tôi nghe.
Làng Nguyệt Viên vốn có tên là Nguyệt Nổ, từ xưa đến nay vì có nhiều người đỗ đạt cao nên nơi đây còn được gọi với cái tên văn chương là “làng khoa bảng” hay “làng đại khoa”. Trong 22 người của xã Hoằng Quang đỗ đạt, được lưu danh ở Văn miếu Hà Nội và Cố đô Huế thì thì làng Nguyệt Viên có tới 11 người. Người đỗ khoa bảng cuối cùng của làng là ông Lê Viết Tạo, làm quan dưới triều Nguyễn.
“Hiện nay, làng có 7 người là giáo sư, 47 người là phó giáo sư và tiến sỹ; hàng trăm sinh viên đang theo học tại các trường ĐH, CĐ trong và ngoài nước. Đây là con số mà khó có làng nào ở tỉnh ta hiện nay có được” – ông Mạc tự hào nói.
Có đến thăm làng, mới thấy hết được tâm huyết của những bậc phụ huynh, chính quyền địa phương quan tâm đến sự học của con em mình như thế nào. Bất luận gia đình nghèo khó đến đâu thì tất cả con cái trong độ tuổi đến trường đều được cho đi học. Góc học tập của các em học sinh được gia đình trang trí gọn gàng, đặt ở nơi sạch sẽ, thoáng mát. Hàng năm, Hội Khuyến học xã Hoằng Quang đều phát động nhân dân ủng hộ quỹ khuyến học đến từng cá nhân, gia đình, dòng họ để lấy kinh phí xây dựng phong trào khuyến học, khen thưởng kịp thời cho những học sinh có thành tích cao trong các kỳ thi để động viên tinh thần.
“Cả xã có 455 hội viên tham gia hội khuyến học thì làng Nguyệt Viên chiếm 50%. Hàng năm con em trong làng được hội trao phần thưởng cũng chiếm số đông. Trong năm học 2014 – 2015 cả xã Hoằng Quang có 41 học sinh đỗ đại học được trao thưởng thì làng Nguyệt Viên có gần nửa số học sinh nói trên” – ông Mạc dẫn chứng.
Nhiều gia đình trong làng, dù kinh tế khó khăn, đói nghèo nhưng vẫn cố gắng nuôi các con ăn học thành tài, điển hình như gia đình ông Ngô Thọ Thắm (64 tuổi) – bà Lê Thị Ba (thôn 7 xã Hoằng Quang). Nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, dù ông bà có làm quần quật một năm 2 vụ lúa và ngâm mình trên sông Mã cào giắt mưu sinh thì việc nuôi cho 6 miệng ăn trong gia đình cũng còn khó khăn, cơ cực.
Vì truyền thống hiếu học của quê hương đã được hun đúc trong lòng, ông Thắm bà Hà “thắt lưng buộc bụng” quyết chí nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện nay, các con của ông gồm: em Ngô Thị Vui là Thạc sĩ, giảng viên tại Hà Nội, em Ngô Thị Thu, sinh viên Trường Đại học Y Thái Bình và người con út đang học THPT.
“Con em trong làng, sau khi học hành thành đạt đều quay trở về phục vụ quê hương. Nhiều người ổn định kinh tế lại hỗ trợ phong trào khuyến học của làng như ủng hộ xây trường học, tặng thưởng cho những học sinh khóa sau có thành tích cao trong học tập. Tiêu biểu như những người con của dòng họ Lê Viết. Năm 2003 đã ủng hộ 3,5 tỷ xây trường tiểu học của xã, riêng gia đình Giáo sư Lê Viết Ly đều đặn hàng năm dành tặng 10 triệu đồng để thưởng cho các học sinh giỏi trong xã” – ông Mạc nói.