Nhiều câu hỏi quanh bộ tranh “Đại lễ phục thời Nguyễn”
Cuốn sách Đại lễ phục VN thời Nguyễn (1802-1945) của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn vừa ra mắt đã nhận được một số ý kiến nghi ngờ về tính chính xác của bộ tranh 54 bức được cho là trang phục đại triều của triều Nguyễn được công bố trong sách.
Nỗi xót xa cho một di sản hội họa đang bị hư hại
Họa sỹ Tôn Thất Đào (1910- 1979) là dòng dõi chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông có nhiều công lao với sự nghiệp đào tạo họa sỹ, và được đánh giá là một trong những người có đóng góp lớn trong tiến trình phát triển mỹ thuật ở Huế- miền Trung và nền mỹ thuật hiện đại VN.
Lăng chúa khó tìm
Cập nhật 13:29 29/12/12
Khi viết bài này, tôi chợt nhớ đến cố nhà văn Sơn Nam. Mấy chục năm trước, khi biên soạn cuốn sách “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, nhà văn nổi tiếng này đã lặn lội từ Nam Bộ ra Huế, ngược dòng Hương Giang, lên đến ngã ba Tuần, rồi vượt sông qua bên tê tả ngạn dòng Tả Trạch để kính viếng lăng chúa Nguyễn Phúc Chu.
Trong chín đời chúa Nguyễn, Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chu (1675- 1725) là người đã sai Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh chinh phục xứ Đồng Nai, dựng nên Phiên Trấn và Trấn Biên. Vì thế mới có câu “Rồng chầu xứ Huế. Ngựa tế Đồng Nai”. Ông Sơn Nam đã đứng trước mộ chúa thắp nhang, và chính trong nén nhang ấy, theo như lời đầu cuốn sách sau này là “về nguồn, tìm dân tộc”. Người Nam Bộ nhớ đến vị chúa là người có công đầu trong sự nghiệp mở cõi xứ Đàng Trong.
Mượn tạm mặt bằng để sản xuất
Có dịp đến thăm, tôi mới chợt nhận ra rằng, khách thăm những lăng chúa Nguyễn như ông Sơn Nam xem chừng cũng chẳng có mấy ai. Lăng các triều vua Nguyễn nườm nượp người viếng thăm. Nó đã trở thành nơi đến và là sản phẩm du lịch nổi tiếng của Cố đô Huế, còn lăng chúa Nguyễn thì xem ra chẳng mấy người biết đến. Mà có đâu xa. Ví như lăng Trường Phong của Túc Tôn Hiếu Ninh Hoàng đế Nguyễn Phúc Thụ (1697-1738) ở ngay sát nách lăng vua Gia Long ở làng Định Môn xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vậy mà ở đây bời bời cỏ dại um tùm. Phải phen lối mà đi. Một nén nhang cho Ngài cũng khó nhọc vì không có chỗ để cắm.
Ở Huế, ngã ba Tuần, nơi hợp lưu của 2 nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch để hình thành nên dòng Hương Giang thơ mộng chảy vào Huế, quả xứng danh là một trong những danh thắng bậc nhất xứ Thần kinh. Tôi đã nhiều lần ngồi uống cà phê ở đó vào buổi sáng, phía bên này chiếc cầu Tuần hiện đại vừa mới làm xong, để ngắm nhìn dòng nước trong xanh, bao quát phong cảnh sông núi hữu tình. Những lúc đó, tôi như cảm nhận được không chỉ vẻ đẹp mê hoặc lòng người mà còn như linh cảm được sự linh thiêng của đất trời như hội tụ lại chính ở nơi này. Hôm ngồi đàm đạo, anh bạn trẻ là Tiến sĩ Sử học Trần Đình Hằng bảo với tôi rằng: “Người xưa tuyệt vời và kinh khủng lắm. Quy hoạch cho Phú Xuân- Thuận Hoá- Huế đều tính kỹ. Ứng với trục thiên- địa- nhân, phía tây này là nơi dành cho kẻ khuất mặt. Chớ có coi thường”. Phía tây Huế là một không gian lớn khó có sự phân tách rạch ròi, nhưng với nhiều người nó cũng chính là ở đây, nơi vùng Ngã Ba Tuần.
Hôm Chủ nhật hiếm hoi trời nắng ráo. Tôi có chuyến đi cùng với Đính, một phóng viên trẻ của đài TRT đến thăm lăng Trường Hưng của chúa Nguyễn Phúc Tần ở thôn Hải Cát, xã Hương Thọ. Qua khỏi cầu Tuần. Từ một địa điểm trên đường phía Tây Huế, gần cầu Khe Thượng Km16+883 thuộc địa phận thôn Hải Cát, xã Hương Thọ, chúng tôi men theo những bậc cấp xi măng, rồi bắt đầu đi vào rừng bạch đàn đã lên xanh, phía trong đầy các loại thực bì cản lối. Rồi nữa là các loại cây trồng của người dân, nào chè, nào chuối… May mà không mưa. Sau một hồi chệch choạc, cuối cùng cả hai cũng tìm đến được với lăng chúa Nguyễn Phúc Tần. Một cảm giác bất ngờ và lạ. Bất ngờ là cách không xa đường phía Tây Huế lại có một di tích lịch sử, vậy mà chẳng hề có một lối đi, một biển chỉ dẫn. Bất ngờ cũng là do tôi không hề nghĩ đến cảnh tượng đi viếng lăng chúa lại phải hành trình theo kiểu “đạp rừng ngậm ngãi tìm trầm” như năm xưa. Còn lạ và thích là lần đầu tiên tôi được diện kiến khu lăng mộ của một vị chúa mà tôi đã nhiều lần đọc được từ sách vở với cả sự ngưỡng mộ trong khung cảnh núi rừng âm u, im ắng thế này. Mà đâu có xa xôi chi lắm, chỉ cách Huế khoảng 7 cây số về phía tây nam.
Đọc sử, tôi nể phục vị chúa Nguyễn Phúc Tần, còn có tên gọi Chúa Hiền, ngay từ khi còn là thế tử đã từng thống suất ba quân mà chiến công lẫy lừng nhất là thay cha Nguyễn Phúc Lan được tấn phong là Tiết chế chủ quân, phá quân Trịnh ở sông Gianh khi mới 29 tuổi. Vị chúa thứ tư của Nhà Nguyễn còn nổi tiếng về cách sử dụng người tài gắn liền với 2 tên tuổi lớn của xứ Đàng Trong là Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật. Chúa Nguyễn Phúc Tần cũng là người đã cho phép Dương Ngạn Địch, tướng cũ của triều Minh đem gia thuộc khai phá xứ Gia Định, Mỹ Tho. Nhưng nhớ nhất về chúa Hiền là câu chuyện nàng Thị Thừa. Lời đồn rằng, đó là một con hát có nhan sắc trời phú quê ở Nghệ An, được lấy vào cung để phục vụ Chúa. Mới gặp Chúa Hiền không khỏi đem lòng yêu dấu. Vậy nhưng, một buổi đọc sách “Quốc ngữ” đến chuyện vua Ngô bị mất nước vì nàng Tây Thi, nhớ lời cha dặn phút lâm chung, Chúa đã vùng dậy, mồ hôi toả ra khắp người như người vừa tỉnh ngộ. Chúa đã đi đến một quyết định dứt khoát, sai người bỏ thuốc độc giết Thị Thừa. Oan cho Thị Thừa quá. Mầm loạn có hay không chưa rõ, nhưng từ đó Chúa không còn tơ vương vòng nữ sắc nữa. Một sự cảnh giác đến đáng sợ của bậc quân vương, luôn chăm chỉ việc chính sự này.
Tôi chú ý quan sát. Lăng mới được Nguyễn Phúc Tộc trùng tu, có cấu trúc đơn giản. Bên ngoài 2 vòng thành, có trổ một cửa trước, sau cửa có bình phong. Mộ có 2 tầng. Tôi ghi lại những con số đo đạc cho thấy quy mô không thật lớn của một khu lăng mộ chúa: Vòng ngoài “chu vi 25 trượng 9 tấc 6 thước” (210m), có thành cao 6 thước 3 tấc (2,57m) và vòng trong “chu vi 12 trượng 4 thước 3 tấc” (52,8m), có thành cao 5 thước (1,97m). Phía trước lăng, nên ngoài hai vòng thành có một khoảng sân nhỏ. Trên sân có xây 10 cái chậu để trồng hoa và cây cảnh. Vốn xưa kia chỉ có 9 chậu nên lăng Trường Hưng của Thái Tôn Hiếu Triết Hoàng đế Nguyễn Phúc Tần (1820-1887) còn có tên gọi dân gian là lăng Chín Chậu. Dấu vết mới làm vơi đi sự hoang tàn đổ nát nhưng nhìn vào vẫn dễ dàng cảm nhận ở đây một sự chắp vá. Âu cũng là chuyện thường khi việc sửa đang là công việc quyên góp của họ tộc.
Cũng tại địa phận làng Hải Cát, còn có lăng Trường Diễn tức lăng của Hy Tôn Hiếu Văn Hoàng đế Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635), vị chúa thứ hai của xứ Đàng Trong. Còn lại 7 lăng chúa Nguyễn khác ở Hương Thọ là lăng Trường Cơ tức lăng Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế Nguyễn Hoàng (1525- 1613), lăng Trường Thái tức lăng Thế Tôn Hiếu Vũ Hoàng đế Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), lăng Trường Thiệu tức lăng Duệ Tôn Hiếu Định Hoàng đế Nguyễn Phúc Thuần (1754-1777) ở làng La Khê; lăng Trường Diên tức lăng của Thần Tôn Hiếu Chiêu Hoàng đế Nguyễn Phúc Lan (1601-1648), lăng Trường Mậu tức lăng của Anh Tôn Hiếu Nghĩa Hoàng đế Nguyễn Phúc Thái (1650- 1691), lăng Trường Thanh tức lăng của Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) ở làng Kim Ngọc và lăng Trường Phong tức lăng của Túc Tôn Hiếu Ninh Hoàng đế Nguyễn Phúc Thụ (1697- 1738) ở làng Định Môn. Con số 9 lăng chúa Nguyễn thật đẹp quy tụ ở Hương Thọ cùng với lăng của Hoàng đế Gia Long đã khiến cho vùng đất này trở thành vùng đất thiêng, nơi hồn thiêng sông núi. Mà đó không phải là sự ngẫu nhiên. Hãy nghe những nhà viết sử Triều Nguyễn, tác giả của bộ sách Đại Nam nhất thống chí viết về ngọn Hải Cát Sơn ở làng Hải Cát với “hình thế cao chót vót, tả hữu có núi Thuý, núi Bích chầu về…” xứng đáng được chọn làm tiêu điểm định vị cho hệ thống sơn lăng thời các chúa Nguyễn.
Câu chuyện đi thăm lăng cha con chúa Nguyễn Phúc Thái- Nguyễn Phúc Chu ở Kim Ngọc là một kỷ niệm khó quên với tôi. Lăng Trường Mậu của Chúa Nguyễn Phúc Thái nằm ngay trong khu vực dân cư sinh sống. Vùng núi Hương Thọ với những con đường làng ngoằn nghèo, cậy cối rậm rạp lại ẩm ướt khiến tôi không tài nào nhớ nỗi những lối mình vừa đi qua. Ngay cả Đính cũng vậy. Thế là xảy ra chuyện “dở khóc, dở cười”. Trời đã xế trưa mà loay hoay mãi vẫn không tìm ra lăng chúa Nguyễn Phúc Chu. Định bỏ cuộc, tôi bất ngờ phát hiện ra lối nhỏ đã bị cỏ hoang che phủ. Như có một cái luồng khí lạnh chạy dọc xương sống. Như có một ai đó níu kéo. Thì ra cách nơi chúng tôi định quay lại chưa đầy 30 mét là lăng Trường Mậu, một lăng chúa Nguyễn hoang sơ, chưa thấy dấu vết can thiệp sửa chữa của người thời nay. Trước mắt tôi, bên cạnh những bức tường đổ nát, bên ngoài và cả bên trong là những vồng ớt, vồng gừng, những gốc chuối hay đu đủ của người dân địa phương tranh thủ “mượn đất Chúa” để mưu sinh. Ừ nhỉ, lăng Chúa đâu dễ tìm, tôi nghĩ thế, dù nó cũng chẳng đâu xa. Thắp nén nhang cho người thiên cổ, tôi đã cảm nhận được công đức lớn lao, cảm thấy luôn cả sự lãng quên đáng buồn của hậu thế hôm nay.
Theo Đình Nam (báo Thừa Thiên Huế)