Từ ngữ "vật linh" được dùng để chỉ các các tượng thần mang hình dáng động vật hoặc hình dáng một vật thể do con người sáng tạo ra. Như thần Ganesa mang hình dạng voi, thần Garuda mang dạng chim hoặc thần Siva thể hiện qua dạng một bộ linga và yoni...
Linga và Yoni
- Số đăng ký: 2.2 - Chất liệu: Sa thạch - Nguồn gốc: Trà Kiệu– Quảng Nam - Niên đại: TK VII - VIII - Kích thước: Linga : 82cm x 27cm x 27cm Yoni : 69cm x (69+24) x 14cm
- Miêu tả : Đây là bộ Linga-Yoni tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc Chăm. Linga gồm có ba phần tượng trưng cho ý niệm tam vị nhất thể. Phần dưới hình vuông tượng trưng cho thần sáng tạo Brahma, phần giữa hình bát giác tượng trưng cho thần bảo tồn Visnu và phần trên cùng hình tròn, tượng trưng cho thần huỷ diệt Siva. Ý niệm này cũng trùng hợp với ý niệm sinh trưởng lão của mỗi đời người. Đỉnh linga thường được trang trí bằng những hoa văn như hình ngọn nến tượng trưng cho lửa, gọi là Jata-Linga và có khi trang trí bằng khuôn mặt thần, gọi là Mukha-Linga.
Ganesa
- Số đăng ký: 5.1 - Chất liệu: Sa thạch - Nguồn gốc: Mỹ Sơn– Quảng Nam - Niên đại: TK VII - VIII - Kích thước: 94 cm x 46 cm x 33 cm
Tượng thần Ganesa đứng có bốn tay là bức tượng duy nhất được tìm thấy của nghệ thuật Chăm. Bức tượng được EFEO phát hiện tại tháp E5 thánh địa Mỹ Sơn năm 1903. Ganesa thường được khắc họa có con mắt thứ ba trên trán và chỉ có một chiếc ngà bên phải, bởi vì theo thần thoại Ấn Độ, thần đã bẻ chiếc ngà trái của mình để mài mực chép lại trường ca Mahabharata do đạo sỹ Vyasa đọc. Ganesa là vị thần may mắn. Theo tín ngưỡng, người ta thường cầu cúng thần trước khi tiến hành các công việc quan trọng để mong kết quả tốt lành.
Garuda
- Số đăng ký : 41.29 - Chất liệu : Sa thạch - Nguồn gốc : Bình Định-Tháp Mẫm - Niên đại : Thế kỷ 13 - Kích thước ;106 cm x 69 cm x18 cm
- Miêu tả : Garuda đứng tư thế Tribhanga, cánh xoè rộng, tay trái cầm rắn, chân đạp đầu rắn, miệng ngậm đuôi rắn, thể hiện câu chuyện thần thoại về mối thù giữa nhà chim Garuda và họ rắn Naga. Tác phẩm này tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thời kỳ Tháp Mẫm.
Nandin
- Số đăng ký: 7.2 - Chất liệu: Sa thạch - Nguồn gốc: Đồi Bửu Châu-Trà Kiệu - Niên đại: Thế kỷ 7-8 - Kích thước: 104 cm x 66 cm x 131 cm
- Miêu tả : Bò Nandin nằm, mặt nhìn thẳng phía trước trong tư thế ung dung thoải mái, các chân gập lại, đuôi vắt lên mông tự nhiên. Cổ đeo vòng lục lạc, đầu trang trí vòng hoa kết và nhiều chuỗi ngọc buông xuống được thể hiện bằng những chi tiết đẹp. Bò Nandin thường được đặt trước tháp thờ thần Siva, mặt hướng nhìn vào tháp đầy kính ngưỡng, vì theo thần thoại Ấn Độ, bò Nandin là con vật thân thiết của thần Siva.
Tác phẩm thuộc phong cách nghệ thuật thời kỳ Trà Kiệu.
Gajasimha:
- Miêu tả :
Gajasimha là tác phẩm thường được đặt trước cửa tháp vừa để trang trí vừa được xem như những vật tượng trưng cho uy quyền của những vị thần được thờ trong tháp. Nghệ thuật thời kỳ cuối của điêu khắc Chăm thường thể hiện những động vật trong thần thoại Ấn Độ với kích cỡ to lớn, và tác phẩm này đại diện cho phong cách Tháp Mẫm là phong cách thuộc thời kỳ cuối này.
(c) Bản quyền 2008 thuộc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Giấy phép số: 138/GP-TTĐT của Cục QL PT, TH và TTĐT - Bộ Thông tin và Truyền thông Địa chỉ: số 02, đường 2-9, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam Điện thoại: (84-511) 3470114 * Fax: (84-511) 3574801 Email: chammuseum@gmail.com Website: www.chammuseum.danang.vn