Đình Mông Phụ

Email In PDF.

Đình Mông Phụ

Đình Mông Phụ tọa lạc ở vị trí cao nhất của làng. Hiện nay vẫn còn nguyên vẹn. Ở trước đình, phía tay phải từ đình nhìn ra có nhà Xích hậu- có chức năng làm phòng tiếp khách mỗi khi mọi người vào đình dự lễ.

Nghi môn của đình gồm bốn trụ vuông xây gạch, hai trụ lớn và hai trụ nhỏ, bốn đầu trụ tạo tác lồng đền hình vuông có chạm nổi tứ linh, trên đỉnh hai trụ lớn có hai con sư tử ngồi nhìn ra phía giữa, đỉnh hai trụ nhỏ đội hai bình hoa. Ba mặt trụ có các câu đối chữ Hán chạm nổi.

Sân đình lát gạch Bát Tràng, hai bên có Tả hữu mạc, mỗi nhà có năm gian nhỏ. Nhà Tả mạc là nơi thờ tổ tiên các dòng họ trong làng, còn nhà Hữu mạc là nơi thờ quan ôn, quan đương niên.

Đình được thiết kế theo kiểu chữ Công. Đình chính gọi là tòa Đại bái gồm năm gian hai chái; Hậu cung hay đình trong là một tòa nhà nối ba gian giữa của đình ngoài kéo dài ra phía sau như cán chày. Hai bên đình có hai giếng mà người ta gọi là hai mắt con rồng; trước đình đặt một bên nước tượng trưng cho cái ao hoặc phòng khi hỏa hoạn.

Mái đình hình võng nhẹ, hai đầu nóc có chạm hình hai con rồng; góc mái, thường gọi là đao đình, uốn ngược lên thành hình rồng và đầu nghe nhìn lên bờ dải có viền hoa thị. Mái đình lợp ngói mũi hài.

Các vì kèo được thiết kế theo kiểu giá chiêng chồng rường, dựa trên sáu hàng chân. Những đầu dư của các xà ở gian chính và những kẻ hiên là những trọng điểm để trang trí. Những mô típ trang trí rồng, hổ, cá, chép, chim, hoa lá, mây… được chạm nổi, chạm lộng hoặc chạm ren. Xét về kiểu dáng kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc thì đình Mông Phụ được làm vào thời Lê trung hưng và được tôn tạo, tu sửa vào hai thế kỷ XIX và XX.

Đình chính không có tường vách ngăn che, tất cả đều để trống, chỉ có một lan can có chấn song hình con tiện bao quanh ba mặt đến tường của Hậu cung. Đình có sàn ở hai gian bên, ở gian giữa có cửa võng hình lưỡng long chầu nguyệt sơn son thiếp vàng. Một ban thờ lớn trang trí bằng tượng rồng, hổ phù ngậm chữ Thọ, mây …. Hậu cung chỉ có sườn gỗ bào trơn, có tường xây kín ba mặt, Bệ thờ đặt giữa Hậu cung, có ngai và bài bị tương truyền thờ Tản Viên Sơn Thánh.

Đặc sản truyền thống