Từ Dụ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
Từ Dụ Thái Hậu
慈裕太后
HoangthaihauTuDu.jpg
Hoàng hậu nhà Nguyễn
Tại vị 1846 - 1847
Tiền nhiệm Tá Thiên Nhân hoàng hậu
Kế nhiệm Lệ Thiên Anh hoàng hậu
Hoàng thái hậu nhà Nguyễn
Tại vị 1847 - 1883
Tiền nhiệm Nhân Tuyên hoàng thái hậu
Kế nhiệm Trang Ý hoàng thái hậu
Thái hoàng thái hậu nhà Nguyễn
Tại vị 1885 - 1902
Tiền nhiệm Nhân Tuyên thái hoàng thái hậu
Kế nhiệm Trang Ý thái hoàng thái hậu
Thông tin chung
Phu quân Nguyễn Hiến Tổ
Thiệu Trị hoàng đế
Hậu duệ Diên Phúc công chúa
Nguyễn Phúc Hồng Nhậm
Hoàng nữ Nguyễn Phúc Uyên Ý
Tên đầy đủ Phạm Thị Hằng 范氏姮
Tước hiệu Phu nhân
Thần phi
Hoàng quý phi
Hoàng thái hậu
Thái hoàng thái hậu
Thái thái hoàng thái hậu
Thụy hiệu Nghi Thiên Tá Thánh Từ Dụ Bác Huệ Trai Túc Tuệ Đạt Thọ Đức Nhân Công Chương hoàng hậu
儀天佐聖慈裕博惠佳肅慧達壽德仁功章皇后
Hoàng tộc Nhà Nguyễn
Thân phụ Phạm Đăng Hưng
Thân mẫu Phạm Thị Vị
Sinh 20 tháng 6, 1810(1810-06-20)
Gò Công, Tiền Giang, Đại Nam
Mất 12 tháng 5, 1902 (91 tuổi)
Huế, Đại Nam
An táng Xương Thọ Lăng
Tôn giáo Phật giáo

Từ Dụ Thái Hậu (chữ Hán: 慈裕太后; 20 tháng 6, 1810 - 12 tháng 5, 1902), thường bị gọi nhầm thành Từ Dũ, là một Hoàng thái hậu nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, thuộc triều đại nhà Nguyễn. Bà là chính cung của Hoàng đế Thiệu Trị, mẹ của Hoàng đế Tự Đức.

Từ Dụ thái hậu là một người đức hạnh, biết yêu quí dân chúng và giỏi nuôi dạy con cái. Bà tại vị như một bà hoàng cao quý nhất của triều đình Huế trong vòng 55 năm, từ lúc bà trở thành Hoàng thái hậu dưới thời Tự Đức vào năm 1847, cho đến khi qua đời vào năm 1902 dưới thời Thành Thái. Lâu hơn bất cứ bà hoàng nào khác của hoàng gia Huế, cũng như toàn bộ lịch sử Việt Nam.

Danh hiệu của bà một thời gian dài được đặt cho một bệnh viện phụ sản lớn nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, chính là Bệnh viện Từ Dũ.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Bà tên thật là Phạm Thị Hằng (范氏姮), tự là Nguyệt (月),Thường (嫦) hoặc Hào (姣) [1][2], sinh ngày 19 tháng 5 năm Canh Ngọ (tức ngày 20 tháng 6 năm 1810) tại giồng Sơn Quy (Gò Rùa), làng Gò Công, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định (sau thuộc huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Bà là trưởng nữ của Quốc công Phạm Đăng Hưng và bà Phạm Thị Vị.

Ngay từ thuở nhỏ bà đã nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, hiếu thuận, ham đọc sách. Năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, vợ kế của vua Gia Long, tuyển triệu vào làm chính thê cho Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, con Hoàng đế Minh Mạng, và là cháu trai của bà.

Năm 15 tuổi, bà sinh con gái đầu lòng là Diên Phúc công chúa Nguyễn Phúc Tĩnh Hảo (衍福公主阮福靜好). Năm sau, bà lại sinh cô công chúa thứ hai là An Thạch công chúa Nguyễn Phúc Uyên Ý (安石公主阮福鴛懿)[3]. Công chúa Uyên Ý sinh ra năm Minh Mạng thứ 7, nhưng 3 tuổi lại chết non [4].

Ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu (tức 22 tháng 9 năm 1829), bà sinh người con thứ ba là trai, đặt tên là Nguyễn Phúc Thì, sau đổi tên thành Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (阮福洪任), tức Tự Đức hoàng đế sau này.

Hoàng quý phi[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1841, Nguyễn Phúc Miên Tông lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiệu Trị, bà được phong Nhị giai Thần phi (二階宸妃)[5], đồng thời nhiếp quản coi sóc Lục thượng[6].

Qua đầu năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), bà được phong làm Hoàng quý phi, tước Nhất giai phi (一階妃), đứng đầu Hậu cung.

Hoàng quý phi Phạm thị, tư sắc diễm lệ, thông minh nhớ lâu. Phàm có gì tâu lên Vua, bà đều ghi nhớ, đến khi Vua hỏi đến bà đều y thế mà thuật lại, không sai một chữ. Vua Thiệu Trị yêu quý lắm, không gọi tên của bà mà chỉ gọi là "Phi". Nhà vua thường hay ngự ở điện Khâm Văn nghe chính sự cùng các cơ mật đại thần, ông lệnh cho Phạm hoàng quý phi ở sau rèm nghe những lời tâu của các quan, những lời đức vua dụ ra, có những lúc nhà vua thường đàm luận với Hoàng quý phi, quyết định triều chính.

Trong Hậu cung, Hoàng quý phi chăm nom yêu mến tất thảy các hoàng tử, hoàng nữ của bà và các cung phi khác, không phân biệt, kỳ kèo ai là con ai, tất cả đều xem bà là mẹ đích. Tiếng hiền trong cung đồn xa, ai nấy đều nể phục bà.

Đầu năm 1847, Thiệu Trị ốm nặng, bà ngày đêm hầu thuốc thang không nghỉ. Nhà vua luôn ghi trong lòng sự tận tâm của bà trong cung, ra chỉ dụ sau khi ông qua đời sẽ tấn phong bà làm Hoàng hậu, nghiễm nhiên buông rèm nhiếp chính dạy bảo Tân đế.

Thái Hoàng nhà Nguyễn[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1847, Thiệu Trị đế băng hà, con bà là Hồng Nhậm được chọn nối nghiệp, tức Tự Đức hoàng đế. Lên ngôi, Tự Đức nhiều lần ngỏ ý định tấn tôn cho mẹ, nhưng bà nhất định chối từ. Mãi đến ngày 15 tháng 4 năm Tự Đức thứ 2 (tức 7 tháng 5 năm 1849), nhân dịp khánh thành cung Gia Thọ, bà mới thuận nhận Kim bảo (sách vàng & ấn vàng) và tôn hiệu là Hoàng thái hậu, giúp Hoàng đế Tự Đức việc chính sự.

Tháng 6 năm Quí Mùi (1883), Tự Đức đế băng hà, để di chiếu tôn bà làm Từ Dụ Thái hoàng thái hậu (慈裕太皇太后). Nhưng vì việc nước lắm rối ren, mãi đến năm 1885, Hàm Nghi nguyên niên, nhà vua mới có thể làm lễ tấn tôn cho bà theo di chiếu. Cũng ngay năm đó, sau lễ tấn tôn trên, xảy ra Trận Kinh thành Huế 1885, bà cùng với hai bà phi của vua Tự Đức là Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên và bà Học phi Nguyễn Thị Hương, theo vua Hàm Nghi chạy ra đến Quảng Trị. Sau lời tâu xin của nhà vua, bà và hai người con dâu mới trở lại Huế.

Năm 1887, Đồng Khánh thứ 2, nhà vua tấn tôn mỹ hiệu cho bà là Từ Dụ Bác Huệ Thái hoàng Thái hậu (慈裕博惠太皇太后).

Năm 1889, Thành Thái nguyên niên, nhân dịp mừng bà thọ 80 tuổi, bà được dâng tôn hiệu là Từ Dụ Bác Huệ Khang Thọ Thái thái hoàng thái hậu (慈裕博惠康壽太太皇太后).

Bà mất ngày mùng 5 tháng 4 năm Nhâm Dần (tức 12 tháng 5 năm 1902), thọ 92 tuổi, được dâng tên thụy là Nghi Thiên Tá Thánh Từ Dụ Bác Huệ Trai Túc Tuệ Đạt Thọ Đức Nhân Công Chương hoàng hậu (儀天佐聖慈裕博惠佳肅慧達壽德仁功章皇后), được gọi tắt là Nghi Thiên Chương hoàng hậu (儀天章皇后).

Ngày 20 tháng 5 năm đó, triều đình cử hành đại lễ an táng bà gần phía sau bên trái Xương Lăng, và có tên là Lăng Xương Thọ. Hiện toàn thể khu lăng này tọa lạc tại chân một dãy núi thấp (núi Thuận Đạo), thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế), cách Kinh thành Huế chừng 8 km [7]

Lễ xong, bài vị của bà được thờ ở Biểu Ðức điện trong Xương Lăng, được thờ ở Thế Miếu trong Hoàng thành Huế.

Tài liệu liên quan[sửa | sửa mã nguồn]

Trích đoạn cải lương Tự Đức dâng roi Từ Dụ - màn trình diễn cải lương trên chợ nổi tại lễ hội ẩm thực thế giới 2010

Trích một số đoạn viết về Thái hậu Từ Dũ:

Gò Công hiện còn lưu truyền mấy câu thơ ca ngợi đức tính tốt đẹp của bà và nhắc việc bà được tiến cung:

Trời xanh quốc mẫu nết na hiền,
Thuở tuổi mười hai đã tự nhiên.
Giồng lệ thủy tượng trưng thánh chúa,
Gò Sơn Qui triệu ứng thiên duyên [8].

Và:

Lệ thủy trình trường thụy,
Quy khâu trúc phúc cơ.
Tạm dịch:
Nước đẹp dâng điềm lành,
Gò Rùa xây nền phúc.[9]

Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, chép:

Đức Từ Dụ thuộc sử sách đã nhiều mà biết việc đời cũng rộng. Khi Đức Từ Dụ ban câu chi hay, thì ngài biên ngay vào một quyển giấy gọi là Từ Huấn Lục.
Một hôm rảnh việc nước, ngài ngự bắn tại rừng Thuận Trực, gặp phải khi nước lụt. Còn hai ngày nữa thì có kị đức Hiến Tổ, mà ngài chưa ngự về. Đức Từ Dụ nóng ruột, sai quan đại thần là Nguyễn Tri Phương đi rước. Nguyễn Tri Phương đi được nửa đường, vừa gặp thuyền ngự đương chèo lên, mà nước thì chảy mạnh, thuyền không đi mau được. Gần tối thuyền ngự mới tới bến. Khi ấy trời đang mưa, mà ngài vội vàng lên kiệu trần đi thẳng sang cung, lạy xin chịu tội. Đức Từ Dụ ngồi xoay mặt vào màn, chẳng nói chẳng rằng chi cả. Ngài lấy một cây roi mây, dâng lên để trên ghế trát kỷ rồi ngài nằm xuống xin chịu đòn. Cách một hồi lâu, đức Từ Dụ xoay mặt ra lấy tay hất cái roi mà ban rằng: "Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kị".
Ngài lạy tạ lui về, nội đêm đó ngài phê thưởng cho các quan quân đi hầu ngự... [10]

GS. Trịnh Vân Thanh, trong Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển, cho biết:

Nhân lễ ngũ tuần, vua Tự Đức cùng đình thần dâng sớ khẩn thỉnh tấn tôn mỹ hiệu, bà dụ rằng:
"Ta đã được thiên hạ phụng sự, thì nên lo những việc thiên hạ đương lo. Năm nay chưa đặng mùa, nhân dân đều chưa được vui sướng, chính lúc Hoàng đế phải chăm lo, lòng ta nào nỡ thản nhiên.
"Vã lại tánh ta vốn kiệm ước chẳng chuộng phù hoa, không ngờ ngày nay hưởng được tôn vinh, ta thường e sợ, tu tỉnh chẳng rồi, huống chi còn gia thêm cho hư danh để ta còn nặng cái lỗi thất đức hay sao? Vậy thì sớ thỉnh ấy nên bãi đi, chỉ nguyện chư công và quần thần lo giúp chính trị, giáo dục thế nào cho ta được thấy thạnh trị thái bình, thì không chi vui bằng".
Lo lắng đến cuộc sống nhân dân, bà thường hỏi vua Tự Đức về việc đắt thất và dạy bảo những điều thiết thực về chính trị. Năm 1874, khi hay tin Pháp xâm chiếm toàn cõi Nam Kỳ và buộc triều đình Huế ký hòa ước nhượng địa, bà bỏ cả ăn uống, mặt ủ mày chau theo vận nước khuynh nguy...[11]

Trong bài Tượng đài sông Hương: Thái hậu Từ Dũ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết:

Bà là người con gái đất Gò Công, lúc ban đầu vào Huế làm cung nữ hầu vua Thiệu Trị. Nhà vua ngự giá Bắc tuần, nàng theo giúp việc hàn mặc, nổi tiếng thông minh và linh hoạt... Nghe nói bà Từ Dũ còn là người đưa giống cá thát lát từ quê nhà ở Nam Bộ ra gây giống ở thành phố Huế; cá sinh sôi đến ngày nay đầy hồ đầy sông. Ở Huế bà nổi tiếng là một bà thái hậu rất thương dân. Hằng năm đến lễ mừng thăng cấp, mừng thọ của bà, bà đều tìm cách thoái thác hoặc trì hoãn, thực chất là sợ khổ dân...
Hồi ấy người Pháp cho bắc lại cây cầu Trường Tiền bằng sắt và bắt dân phải nộp thêm thuế, nói là lấy kinh phí làm cầu. Bà Từ Dũ tự nguyện thay mặt cho dân viết một lá đơn xin quan Tây miễn thuế...Trước đây, dân Huế có lưu hành bài vè "Bà Từ Dũ xin thuế cho dân". Nhân đức của bà đã đi vào lòng người là vậy...[12]

Và trong bài viết "Hoàng Thái Hậu Từ Dũ: Một tấm gương sáng", đăng trên Trên website tỉnh Tiền Giang:

Tính tình Hoàng Thái hậu Từ Dũ đoan chính, nhàn nhã, cử chỉ khiêm cung lễ độ, ở trong cung ai cũng cảm mến và quý trọng đức độ. Khi vua Thiệu Trị rảnh việc, đọc sách đến nửa đêm chưa ngủ, Bà vẫn thức hầu không biết mỏi mệt. Mỗi lần vua Tự Đức vào hầu, bà thường khuyên dạy và nhà vua ghi lại những lời nói ấy trong sách "Từ Huấn Lục".
Trong cuộc sống hằng ngày, bà rất tiết kiệm tiêu dùng và nghiêm khắc đối với sự lãng phí, xa hoa. Bà thẳng thắn phê phán tệ tham ô chức quyền trong triều chính và các địa hạt. Bà nói: "Từ xưa đến nay, quan lại chỉ một chữ tham mà chưa trừ được. Mọt nước hại dân cũng từ đó mà ra. Làm quan mấy năm vị nào cũng giàu có gấp bội. Của ấy không lấy của dân thì lấy ở đâu? Nên phải quyết trừ.".
Bà khuyên triều thần: "một sợi tơ, một hột gạo cũng đều là máu mỡ của dân, cho nên lãng phí đã không ích gì, mà lại đáng tiếc lắm vậy, chi bằng cất vào kho để dùng vào việc nước". Bà phê phán gắt gao kẻ dựa vào quyền thế gia tộc của bà để cầu vinh, hoặc che chở kẻ phạm pháp. Bà cũng bảo vua Tự Đức rằng: "ngưòi trong dòng họ chớ lo việc không được làm quan, phải chuyên cần học hỏi, thi đậu vẻ vang gia tộc; chỉ lo là bất tài mà thôi. Ngoài ra, kẻ làm điều trái phép, Hoàng đế nên triệu về kinh, nghiêm trị để làm gương cho người ta biết".
Song song đó, bà rất trân trọng các quan trung thần, muốn có nhiều người như Võ Trọng Bình thanh liêm, Phạm Phú Thứ thẳng thắn và Nguyễn Tri Phương công trung cần cán không từ việc mệt nhọc. Bà nói: "nếu được nhiều người như vậy, đặt ra mỗi tỉnh một người thì việc nước, việc dân được bổ ích rất nhiều, mà vua cũng khỏi lo nhọc ngày đêm, ngặt vì còn có những tham quan bóc lột của dân không chán, mà lại không biết hối cải. Những của bất nghĩa không được tồn tại, được vài đời đã khánh tận, sau con cháu cùng khổ, thiên hạ chê cười, chi bằng làm điều nhân nghĩa, lưu truyền phước trạch lâu dài"... [13]

Bởi những đức tính tốt đẹp vừa dẫn trên, người ta đã chọn tên bà để đặt cho một bệnh viện phụ sản, Bệnh viện Từ Dũ, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Giai thoại[sửa | sửa mã nguồn]

Đối đãi nhân từ, cử chỉ cao quý[sửa | sửa mã nguồn]

Bà vào cung cùng với Lệnh phi Nguyễn Thị Nhiệm, con gái của Kinh Môn quận công Nguyễn Văn Nhơn. Lúc đó địa vị các cung tần đều ảnh hưởng bởi chức tước của cha, tước của ông Nhơn cao hơn ông Hưng cha bà nên bà Nhiệm tước cũng cao hơn của bà. Nhưng bà đối với bà Nhiệm tình cảm cũng như hai chị em, muôn phần yêu mến nhau[4].

Đối với các con và vợ lẽ của Thiệu Trị, bà cũng muôn phần độ lượng, như chuyện của Phục Lễ công chúa phạm tội, sau này bà vẫn xin cho gỡ tội, chứ không đày đọa dù đó là con của cung nhân họ Hồ, không phải con ruột của bà[4].

Bà dáng điệu khoan thai, nghiêm túc và đoan trang, nếu chưa từng tiếp xúc nhiều người cảm thấy muôn phần đáng sợ [4], có kẻ lại cho là kiêu [4]. Một trong những người đó đêm nằm mộng được thần nhân mách rằng: " Người ở chính giữa nhà trước, tức là Hoàng hậu, bọn ngươi rất ngu, chớ có khinh thường" [4]. Sau này quả là như thế, khi bà dần trở thành Hoàng Quý phi cai quảng hậu cung.

Được ban phúc sinh con[sửa | sửa mã nguồn]

Cúc áo chạm phượng[sửa | sửa mã nguồn]

Bà Từ Dụ cùng với Lệnh phi, một hôm được Hoàng đế Minh Mạng ban cho mỗi người 1 cái áo sa cổ thường thêu hoa vàng. Khi yết bái Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, bà Thuận Thiên ban cho mỗi người một chiếc cúc áo vàng, một cái chạm hình phượng, một cái chạm hình cành hoa, nhưng đều được bọc kín bằng bao đỏ, và bà Thuận Thiên khấn rằng: " Ai được cúc áo chạm hình phượng, thì có con trước".

Rồi bà sai thị nữ cho 2 bà Từ Dụ và Lệnh phi chọn bao, nhưng không được mở ra, để thế mà dâng lên, bà Từ Dụ nhường bà Lệnh phi chọn trước. Khi mở ra, bà Lệnh phi được cúc chạm hoa, bà Từ Dụ được cúc chạm phượng[4]. Quả nhiên bà sinh con gái đầu lòng là Diên Phúc công chúa vào năm 15 tuổi, một năm sau khi tiến cung.

Từ đấy địa vị của bà càng ở trên, nhưng tình cảm chị em của bà với Lệnh phi vẫn duy trì tốt đẹp.

Bảo vật sinh thiên tử[sửa | sửa mã nguồn]

Một đêm kia, bà mộng thấy một thần nhân áo rộng đai to, đầu tóc bạc, lông mày trắng, mang một tờ giấy vàng viết chữ son có đóng dấu và một chuỗi minh châu trao cho, bảo là: " Xem đây để nghiệm về sau". Bà nhận lấy, rồi có thai.

Ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu (tức 22 tháng 9 năm 1829), bà khai hoa nở nhụy, sinh ra hoàng tử Nguyễn Phúc Thì, sau đổi là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, tức Hoàng đế Tự Đức của triều đại nhà Nguyễn. Quả nhiên giống giấc mộng, người ta cho là hoàng đế là thần nhân phái xuống làm con bà vậy [4].

Sai tên[sửa | sửa mã nguồn]

Sách Đại Nam Thực lục Chính biên, trong Thực lục về Dực Tông Anh hoàng đế[14] đã ghi rõ: Con thứ hai vua Hiến Tổ Chương hoàng đế...mẹ là Từ Dụ, Bác huệ Khang thọ Thái hoàng Thái hậu....

Trên website Việt Nam gia phả [15] ghi:

Đúng ra tên hiệu của bà là Từ Dụ, theo nghĩa chữ Hán là "nhân từ" và "độ lượng". Nhưng về sau, không hiểu do một sự lầm lẫn nào đó, người ta viết chữ "Dụ" thành "Dũ" và trở thành thói quen không thay đổi...

Trong Sài Gòn vang bóng cũng đã nói rõ sự lầm lẫn này, cuối cùng tác giả đề nghị: Dù sai một dấu, hai chữ khác nhau cả chữ lẫn nghĩa, vì chữ Hán viết "dụ" và "dũ" khác nhau. Khi phát âm, có thể sao cũng được, nhưng khi viết chúng ta phải viết cho đúng. [16]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Theo Việt Nam gia phả [1]Sài Gòn vang bóng, tr. 180.
  2. ^ Theo Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển, tr. 1262
  3. ^ Chi tiết sinh con, căn cứ theo Phan Thứ Lang, Sài Gòn vang bóng, tr. 181.
  4. ^ a ă â b c d đ e Đại Nam liệt truyện, sách đã dẫn
  5. ^ Nguyễn triều chế độ, Chính thê của Tân đế chỉ cao lắm tước Phi, sau khi chết mới phong Hoàng hậu
  6. ^ Sài Gòn vang bóng (tr. 181) giải thích: "Lục thượng là 6 công việc hầu hạ vua trong cung, đó là: thượng quan (mão), thượng y (áo), thượng thự (ăn), thượng mộc (tắm), thượng tịch (chiếu), thượng thư (sách)".
  7. ^ Thông tin liên quan: Học giả Vương Hồng Sển cho biết khi thật nhiều tuổi, Thái hậu Từ Dụ bị mù lòa...Đến năm 1983, lăng mộ của bà bị bọn gian (6 tên) đào phá, và đã lấy đi 18 (hay 19) báu vật. Đáng tiếc, là sau khi bắt được bọn gian, thu hồi được số báu vật; thì người ta lại đem số các vật vô giá ấy đi "hóa nghiệm" theo quyết định của tòa án ngày 26 tháng 12 năm 1988, để sung vào công quỹ. Xem chi tiết trong bài "Khóc cho tuổi già vô dụng" của Vương Hồng Sển (Nửa đời còn lại. Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2013), hay trong bài "Đâu rồi những báu vật của Nguyễn Đắc Xuân (báo Lao động số 15/90 đề ngày 29 tháng 4 năm 1900).
  8. ^ Gò Công xưa, tr. 103.
  9. ^ Sài Gòn vang bóng, tr. 179.
  10. ^ Theo Việt Nam sử lược
  11. ^ Theo Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển, tr. 126.
  12. ^ Theo website Cố đô Huế
  13. ^ [2]
  14. ^ Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ tứ kỷ, quyển I, tập 27, trang 32, dòng 10. (Nxb KHXH, Hà Nội, 1975)
  15. ^ Xem website Việt Nam gia phả
  16. ^ Sài Gòn vang bóng, tr. 186.

Sách tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb KHXH, 1992, tr. 762.
  • Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển, Nxb Hồn Thiêng, Sài Gòn, tập 2, tr. 1262.
  • Huỳnh Minh, Gò Công xưa, Nxb Thanh Niên, 2001, tr. 102-110.
  • Phan Thứ Lang, Sài Gòn vang bóng, Nxb TP. HCM, 2001, tr. 178-186.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

Từ Dụ
Tước hiệu
Tiền vị:
Tá Thiên Nhân hoàng hậu
Hoàng hậu Việt Nam
1846-1847
Kế vị
Lệ Thiên Anh hoàng hậu